BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện hoa hậu bị bắt cóc... trong quán bún ốc ở Sài Gòn

21 Tháng Mười 200512:00 SA(Xem: 1245)
Chuyện hoa hậu bị bắt cóc... trong quán bún ốc ở Sài Gòn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chúng tôi hen nhau ở một quán cà phê vào một buổi sáng, đó cũng là chuyện thường xảy ra ở "bên này" hay ở bên Mỹ bên Tây chắc cũng giống nhau thôi. Nhưng quán cà phê Sài Gòn có cái thu riêng và mầu sắc riêng, ồn ào và bình dân hơn những nơi khác. Mấy cái quán có cửa kính máy lạnh như Givral, Brodard, Chiao...dành cho khách "thập phương" và các ông Việt kiều về Việt Nam hay ngồi lẫn lộn cả ông tây bà đầm thì sang hơn và dĩ nhiên cũng bị chém nặng hơn năm bẩy lần mà cà phê chưa chắc đã ngon hơn. Nhưng ngồi ở đó "oai" hơn là cái chắc. Hôm nay chúng tôi cũng không ngồi ở quán 27 Nguyễn Thị Diệu, nơi thường có mặt hầu hết các vị "văn nghệ sĩ" đủ mọi thành phần "bên này" và cả "bên kia", quân Ta cũng như quân Tầu, mà hẹn nhau ở một quán có vườn hoan cây cảnh, có chim hót líu lo theo lời yêu cầu và cũng theo lời mời của ông Phan Nghị. Số là ông ấy vừa lãnh một khoản tiền gấp đôi anh em của ông chủ báo gởi trả. Nghe nói bài của ông này được ông chủ gạ bán thêm được cho "hãng" khác nên lãnh gấp đôi anh em, ông ấy phởn lắm mời mấy người bạn vừa uống cà phê vừa ăn bún ốc mới sang chứ.

Đến "dự" có ông Trần Thiện Hiệp, xin mở ngoặc, cũng là một Việt kiều về ở VN mỗi năm dăm bẩy tháng cho nhàn cái thân già. Ông Hiệp lóc cóc ngồi xe ôm tận Thủ Đức, gần 20 cây số "về dự" buổi ăn sáng bình dân này. Tay ông còn cầm tờ báo hàng ngày, đó là thói quen tiết kiệm thì giờ của ông - chắc là theo kiểu Mỹ - vừa ngồi sau xe ôm vừa đọc báo như kiểu ngồi xe buýt ở thành phố bên Tây. Thực ra ở VN đọc báo sau xe ôm là để bớt giật mình, đỡ hại tim khi bác tài lạng lách, quẹo trái, quẹo phải. Cứ ung dung cúi xuống đọc báo, phó thác cái thân già cho bác tài là yên chuyện, lúc nào vào nhà thương là biết ngay. Đó cũng là một kinh nghiệm quí nếu các bạn có đi xe ôm ở sài Gòn.

Bị bắt cóc hay kịch bản ái tình?

Câu chuyện xuất phát cũng chính từ "khổ chủ" Phan Nghị mà chúng tôi kính trọng mớ tuổi tác 78 của ông nên gọi là "cụ Nghệt". Ông này tuy già nhưng tính lại rất trẻ. Ông vừa đọc ké tờ báo của ông Hiệp vừa la ầm lên:

- Cái con bé hoa hậu người Hải Phòng này nó bỏ nhà ra đi, chưa biết nó đi đâu mà ông già nó la làng lên là con gái tôi bị bắt cóc.

Nguyễn Thụy Long cười hì hì:

- Tôi coi cái mục đó rồi, toàn các anh nói dối thôi các ông ơi! Nói dối từ đầu đến cuối.

Long chưa kịp chứng minh thì cụ Nghệt đã lấp lửng:

- Con gái bỏ nhà ra đi thì bố nó la làng lên chứ còn nói dối vào cái khổ nào?

Anh Long nói có lý đấy các anh ạ. Ta phải xét các vấn đề từ đầu. Em này là hoa hậu. Không nhớ là hoa hậu năm ngoái hay năm nay và hoa hậu kiểu áo dài hay áo ngắn, hãng sơn hay hãng mì, nhưng mới đây thôi thì cứ coi như vào đầu năm 2003 cho gần gụi. Em được dự thi hoa hậu quốc tế tổ chức ở một nước Phi Châu nào đó, nhưng rồi biểu tình mít tinh gì đó lằng nhằng phản đối chuyện đâu đâu nên cuộc thi được đưa về bên Ăng Lê. Đại khái là như thế, em xếp thứ mười mấy chả biết, nhưng cũng vào hạng khá đấy các ông anh ạ.

Nguyễn Thụy Long giở tờ báo đọc tên hoa hậu: Mai Phương

HV Đông Sơn gật gù:

- Vâng đúng, nghe nói khi đi thi hoa hậu cô mới cơ 16, 17 tuổi, cứ cho là năm nay mười bẩy tuổi đi, như thế cũng là trẻ quá. Dù chỉ học trung học nhưng líu lo cũng được dăm bẩy câu tiếng Anh. Tuy nhiên chuyện đó cũng chỉ là chuyện râu ria xung quanh thôi. Còn vấn đề chính là khi về VN, ngày 31 tháng 7 vừa qua, Mai Phương nhận được một cái giải thưởng 50 ngàn đô la của cái hội đồng chết tiệt gì ấy nhỉ.

Ông TT Hiệp nhắc tuồng:

- Học bổng của đại học Luton - Anh Quốc

- Vâng, đúng. Theo như "chương trình lớn" được dự tính thì ngày 12-8 Hoa hậu Phạm Mai Phương sẽ cùng bố là ông Phạm Thành Hưng từ Hải Phòng lên Hà nội làm hộ chiếu cho Phạm mai Phương sang Anh du học. Phương cũng miệt mài trau dồi tiếng Anh tại Trường Ngoại Ngữ Quốc Tế Tyndale, Hải Phòng, chờ ngày lên đường. Đùng một cái chiều ngày 5-8, cả nhà la toáng lên là Phương "mất tích".

Nguyễn Thụy Long lại lên tiếng ngay:

- Lại dóc tổ nữa, tôi cam đoan với quí vị rằng ông bố cô hoa hậu này biết rõ là con gái mình không bị bắt cóc.

- Ơ hay, con người ta đi học, bà Oanh mẹ cô ta trông thấy con tan học đi xuống sân rồi sau đó mất tăm luôn. Lại còn thấy cả một chiếc "ô tô"mầu đen lảng vảng gần đó nữa. Đợi mãi không thấy con đâu thì đúng là mất tích rồi chứ còn gì nữa?

- Phịa đấy. Sao bảo con gái xin đi chơi với một cô bạn gái tên Thảo rồi đi luôn cơ mà. Thôi thì mất tích kiểu nào cũng được. Phải xét trên khía cạnh tình cảm. Cô hoa hậu 17 tuổi này theo "ái tình lâm li tiểu thuyết" thì đó là tuổi vừa biết yêu, có đúng không ông?

Nguyễn Thụy Long có hỏi ý tôi. Tôi gật đầu:

- Nếu tớ viết tiểu thuyết dù chẳng phải ái tình thì to cũng cho nhân vật của tớ bắt đầu biết yêu. còn tớ viết phóng sự đúng thời đại "hôm nay" thì tớ cho nó yêu ngay từ tuổi 15 ấy chứ.

- Thì cứ cho là nó biết yêu hơi muộn một tí so với lứa tuổi bây giờ của ông đi. hãy cứ biết rằng cô ta vừa mới quen với một anh chàng hào hoa công tử kiểu cậu Khánh con ông giám đốc công an thành phố. Các cụ thử nhớ lại hồi các cụ mới biết yêu xem, yêu kinh khủng, yêu mê mệt có phải không?

Cụ Nghệt cười hì hì:

- Còn phải ngôn, yêu bỏ cha bỏ mẹ ấy chứ!

NT Long thú quá, vỗ đùi đánh đét một cái, cắt ngang:

- Đấy, đấy, nó hay ở cái chỗ "bỏ cha bỏ mẹ" cụ Nghệt vừa diễn tả đấy. Văn chương của các đàn anh viết phóng sự bao giờ cũng vẫn hay, cũng sâu sắc và chính xác chứ không phải tầm thường. Con gái mới biết yêu thì bỏ cha bỏ mẹ đi mí kép là chuyện thường tình. Có cái đếch gì đâu mà la om xòm mất tích mất tiếc cho nó lôi thôi. Cứ cho là cô ta đi với kép để tránh không phải đi du học Anh Quốc.

Ông Hiệp lắc đầu:

- Được đi du học sướng quá chứ sao lại trốn, người ta phải chạy hết bao nhiêu tiền mới được đi du học, con quan cũng phải mất vài ba chục ngàn đô la cho cô chiêu cậu ấm mới được cái hộ chiếu lên đường, mỗi năm lại tốn thêm vài chục ngàn cho cô chiêu cậu ấm tiêu sài nữa ấy chứ. Được đi du học Anh Quốc khơi khơi như thế còn mong gì hơn mà phải trốn với tránh?

Cụ Nghệt phát vào vai ông Hiệp:

- Này ông, tình yêu làm đếch gì cơ lý trí mà ông ngồi tính toán từng đồng xu như dân chợ trời thế. Nếu tính toán như thế thì cái "mùi tình yêu" nó mất thơm rồi còn gì. Bọn trẻ nó tính tới con đường nào là con đường cho tình nhân chứ Anh Quốc hay Mỹ Quốc nó xa vời vợi làm sao gặp mặt tình nhân mỗi ngày được. Đi những hai năm vị chi là hai lần cái 365 ngày, tính kỹ ra là 730 ngày, đến tôi còn chả chịu nổi nữa là mấy cô cậu trẻ tuổi. Ông thử tưởng tượng hồi mới biết yêu, ông bấn xúc xích như thế nào? Người ta bảo "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" một ngày ở tù bằng nghìn năm ở ngoài đời thì tình yêu ban đầu cũng y chang như thế. Cái thành phố Hải phòng đầy hoa phượng đỏ, hai anh chị ngày nào cũng gặp nhau, cùng "lườm" nhau tí đỉnh hoặc nếu thân mật hơn cũng "trao đổi" được "nụ hôn", bây giờ bỗng dưng xa ngàn dặm, xa cả ngàn ngày, chịu thế đếch nào được. Trường hợp này phải mang Kiều ra mà giải tâm lý rằng: "đường xa nghĩ nỗi đoạn trường mà kinh" mới đúng. Đến ngay bây giờ bảo ông xa bà vợ ông hai tháng chưa chắc ông đã chịu chứ nói gì đến tuổi 17.

Ông Hiệp tủm tỉm cười, đưa ống típ lên môi phì phà điếu thuốc. NT Long lại cười hăng hắc:

- Chỉ có mấy Bố Già rành sự đời mới giải thích được điều này rõ ràng như thế. Vậy xin kết luận anh chàng tình nhân của cô hoa hậu không chịu cho người đẹp đi du học là hợp tình hợp lý quá xá rồi. Mà đi hai năm thì có thể là "đi luôn" không hẹn ngày về. Chẳng thiếu gì người đẹp ra đi chỉ có vài tháng đã bê ngay một ông Tây hay một anh việt kiều, quên cả đường về chứ nói gì đến cố nhân. Ở Hải Phòng anh là con quan, là dân cậu, là công tử chứ sang đến Ăng Lê anh là cái cóc khô gì so với mấy thằng sinh viên bảnh trai như David Beckamp, thiếu gi con nhà giầu, tán hay như Marlon Brando. Anh chàng tình nhân của nàng hoa hậu giữ chịt người yêu lại bên mình là có lý. Đến cụ già 78 như cụ Nghệt cũng làm như vậy, phải không cụ?

- Tất nhiên! Nếu bây giờ có một bà lão nào yêu tớ mà đời đi Ăng Lê nửa tháng tớ cũng đếch cho chứ hai năm về thì tớ vào lò thiêu Bình Hưng Hòa rồi.

NT Long giải thích thêm:

- Ông bố Hoa Hậu cũng không lạ gì chuyện đó. Ông biết hai đứa "quen nhau" cũng cơ nghĩa là ông biết "có chuyện gì rồi đây". Một là ông lo cho tương lai sáng choang của con ông, được cái học bổng những 50 ngàn đô, sau này ra làm tiến sĩ Anh Quốc, thiếu gì cậu bảnh hơn nhào vô, nhất là con gái ông lại là hoa khôi, ở nước ngoài, con trai của các quận công nam tước, con nhà tư bản, con các "sir" thiếu gì nên ông muốn con gái đi du học cũng đúng lắm, bố nào chẳng vậy. Chưa biết chừng ông và "bà nhà" lại được con gái bảo lãnh sang Anh sống nữa thì đúng là một đôi công việc. Đó là tính "đường trường xa", song không phải là không có lý. Vì thế ông biết hay ông nghi con gái đi với cậu rể tương lai, nhưng ông vẫn "hê" toáng lên là con ông bị bắt cóc. Để làm gì? Để tạo một sức ép dư luận và cũng cơ giá trị pháp lý khiến ông bố của cậu tình nhân con gái mình vốn là trưởng ty công an Hải Phòng phải ra tay vào cuộc, ngăn chặn thằng con trai mình không cho nó thực hiện mưu toan giữ cô gái lại thành phố cảng này. Đó mới là ý định chính của ông bố cô hoa hậu.

Hoàng Vũ Đông Sơn muốn nhảy dựng lên:

- Hay, ý kiến hay. Một khám phá rất "thời thượng" đấy.

NT Long được thể nói luôn:

- Còn người nói dối thứ hai thì dễ hiểu, đó chính là cô hoa hậu. Cô nói sau kỳ học căng thẳng, cô muốn đi "thư giãn". Hì! thư giãn cái kiểu đó bố ai mà tin được. Còn anh nói dối thứ ba ai cũng biết đó là người tình cô hoa hậu. cậu nói là đi công tác "phá án" bí mật nên cả tuần lễ nay không liên lạc với ai, không điện thoại cho ai và vì thế không hề gặp cô "bạn gái" hoa hậu. Cậu tính con đường hợp pháp được lắm vì bố cậu là giám đốc công an thành phố, ký cho cậu mấy cái giấy đi công tác chẳng được. Nếu là một anh khác, sức mấy mà dám nói láo cái kiểu "cha chú" như vậy. Phải không các ông?

Ông Hiệp giơ ba ngón tay:

- Thế là ông Long tính đã có ba "anh" nói dối.

NT Long hăng tiết vịt:

- Nói dối tuốt! cả mấy cô bạn của Hoa Hậu chắc gì nói thật. Đúng là kịch bản dựng lên thì mỗi người nói dối một tí mới thành công chứ. Huống chi đằng này có tới ba cái sân khấu, bảy tám nhân vật đều là tay cự phách cả. Cứ cho là hoa hậu theo bạn ra Quảng Ninh xem cái giả Sao Mai, nhưng trong thời gian đó hoa hậu "ngơi" ở một chỗ khác chứ không ở với cô bạn tên Dung thì sao?Mà cũng chưa chắc cô ta đi Quảng Ninh. Còn cô bạn tên Thảo cũng mánh mung với bà mẹ Hoa hậu xin phép cho em Phương đi chơi để rồi bị bắt cóc cũng là một đầu mối của màn kịch. Anh chàng lái chiếc "ô tô" đen, khai là mang máy quay phim đến quay ông bố của hoa hậu đưa con đi học. Khai thế mà nghe được à? Người ta đưa con gái đi học việc cóc gì mà anh đến mà anh quay phim? Anh có thể bị kiện sặc máu mồm vì cái tội nhòm ngó vào đời tư người khác. Cứ diễn giải một cách rõ ràng là chính anh chàng bồ của hoa hậu và cơ thể có cả sự đồng ý của hoa hậu đã "bố trí" sẵn một chiếc xe hơi đón em để "trốn biệt" và anh này đóng vai tài xế giúp cho cả hai người yêu nhau là hợp lý nhất. Vậy thì chẳng có anh đếch nào nói thật ở đây.

Hoàng Vũ Đông Sơn thêm:

- Ngay ông bố của anh chàng Khánh, bỏ ra ngoài cái chức vụ trưởng ty công an của ông ấy, cứ lấy cái danh nghĩa chính đáng làm bố cậu Khánh cũng không thể xác định cậu Khánh và cô Phương "không có quan hệ yêu đương gì hết". Ông có thể khẳng định, tôi không muốn cho con tôi lấy hoa hậu, nhưng còn chuyện yêu đương thì chỉ có cậu Khánh mới biết được và được quyền xác nhận có hay không về cái thứ chuyện chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Đôi khi yêu đơn phương thì chỉ có một mình mình biết. Bố mẹ làm sao biết chắc được. Thế là ông bố này "khẳng định" hơi liều. Lỡ bây giờ hoa hậu trưng ra vài cái thư tình, vài cái hình "thân thương" thì ông ăn nói ra sao đây?

Tôi hỏi:

- Vậy trong số các "cụ" ngồi đây có ai đồng ý với ông Long thì đồng ý giơ tay lên.

Chả có cánh tay nào giơ lên cả. Cụ Nghệt nhún đôi vai gầy trơ xương:

- Tao giơ tay mãi rồi bây giờ nó tê luôn, hết giơ nổi. Ở đây cứ đụng một tí là giơ tay thì có mà giơ cả ngày. Cho nó "thông qua" đi.

Câu chuyện bàn ngang tán dóc về hoa hậu um sùm trong tuần vừa qua đến đây tưởng như chấm dứt. Nhưng ngay lúc đó, cô cháu Hàm Anh (con gái quá cố nhà văn Thượng Sĩ) dừng xe honda trước cửa quán. Hàm Anh vừa chào các chú xong đã nói ngay:

- Các chú đang "tam quốc chí diễn nghĩa" về vụ hoa hậu Hải Phòng phải không ạ? Cháu vừa dựng xe đã nghe rồi.

Tôi "phỏng vấn" ngay:

- Ừ, cháu có ý kiến gì không? Điều lệ hôm nay là nếu không có ý kiến thì chỉ được uống cà phê, không được ăn bún ốc.

Hàm Anh để chiếc cặp da trong lòng, chậm rãi:

- Cháu có nghe nói rằng đài phát thanh và báo chí nước ngoài cũng nhào vô "ăn có" cái vụ này. Vì thế cháu thấy khi đã là một hoa hậu thì phải biết giữ thể diện quốc gia chứ không còn chỉ là một học sinh trung học thuần túy nữa. Người nước ngoài sẽ nghĩ sao về một hoa hậu VN còn rất trẻ mà đã lộ xôn như thế? Cháu thấy các hoa hậu nước khác, khi đăng quang rồi, ai cũng giữ thể diện và hầu như mỗi hoa hậu đều kiếm công việc từ thiện nào đó để làm hoặc ít nhất cũng gia nhập một tổ chức nhân đạo. Nếu như hoa hậu VN và cả gia đình hoa hậu nữa, ai cũng hiểu được như thế thì may cho phụ nữ chúng cháu quá. Cháu thấy chuyện này hầu như mọi người trong cuộc đều có vẻ vội vàng"chiếm thế thượng phong" cho riêng mình mà quên mất điều này.

Cụ Nghệt rung đùi:

- Đúng là giọng điệu một cô giáo. Cháu đi dậy học là đúng nghề rồi đấy.

Tôi can thiệp ngay:

- Nhưng Hàm Anh nói đúng. Các cụ chỉ tán phét là giỏi.

NT Long phản đối:

- Chúng tôi tán phét mới làm sáng tỏ mọi khía cạnh của vấn đề ông ạ. Còn ai muốn tin thì tin, muốn hiểu thế nào là quyền của người ta chứ, chúng tôi có ép ai đâu.

Ông Hiệp lại rung đùi , đập đập cái píp vào thành bàn gỗ:

- Chung qui cũng chỉ một chuyện tình ấm a ấm ớ thôi chứ có gì là ghê gớm đâu. Hết chuyện Iraq rồi các cụ bèn kiếm chuyện nói dóc cả thôi. Nếu còn chiến tranh Iraq, chắc loại chuyện này không ai moi ra đâu.

Cụ Nghệt cầm đôi đũa tre khua loạn lên:

- Vậy thì mình ăn bún ốc đi cho nó nóng sốt.

Hàm Anh còn phát nốt tí dở:

- Cháu nghe nói sau một tuần lễ "chu du", hoa hậu đã về nhà và đang muốn đi du học ngay lập tức và phía bên trường học ở Luân Đôn cũng sẵn sàng đón nhận cô sinh viên mới. Nếu làm được như thế cũng là miột cách giải quyết hay đấy.

Moị người sì sụp ăn bún ốc, nước mầu nóng hổi óng ánh vàng ôm lấy sợi bún trắng bóc, vài lát cà chua đo đỏ nổi lềnh bềnh, mùi mẻ chua chua, vài sợi rau chuối lơ thơ, con ốc dòn dòn làm quên cả Hoa Hậu.

Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn