BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vĩnh biệt phóng sự gia lão làng Phan Nghị

18 Tháng Sáu 200412:00 SA(Xem: 1387)
Vĩnh biệt phóng sự gia lão làng Phan Nghị
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00












 


Văn Quang- Nhà báo

Trong số những phóng sự gia và nhà văn lão làng từ trước những năm 1975 hiện còn sống tại Sài Gòn chẳng còn lại mấy người. Lê Xuyên mới ra đi, bây giờ đến lượt Phan Nghị. Còn nhớ trong đám tang Lê Xuyên cách đây vài tháng, Phan nghị cùng đi với tôi và Nguyễn Thuỵ Long, Hà Túc Đạo và Nguyễn Quốc Thái. Lúc đó anh còn mạnh khoẻ lắm, còn vui chơi, còn thích “giang hồ vặt” nhưng anh nói “tao cũng tám bó rồi, chắc cũng sắp đến lượt tao thôi”. Nguyễn Thuỵ Long lắc đầu: “Đến cái tuổi này, chưa chắc ai ra đi trước ai đi sau, ông còn khoẻ hơn hai chúng tôi nhiều”. Tôi hoàn toàn đồng ý với N.T.Long nhưng đến nay thì Phan Nghị đã đúng.

Năm giờ chiều ngày 17-6, tức một buổi trước ngày Phan Nghị ra đi, tôi và Nguyễn Thụy Long vào bệnh viện thăm khi anh đã được chuyển sang Phòng chăm sóc bệnh nhân nặng. Anh nằm trên giường bệnh với những dây ni lông xuyên từ mũi xuống dạ dày, hơi thở nặng nhọc trong giấc ngủ hay cơn mê. Tôi chạm vào người anh mấy lần anh cũng không biết, mãi sau người con anh lay gọi anh mới hé mắt nhìn. Tôi hỏi có nhận ra ai không? Một phút sau anh mới khẽ mấy máy môi “nhận”, rồi đến Nguyễn Thuỵ Long cũng thế. Anh nhận ra nhưng không nói được nữa. Chỉ thấy ánh mắt anh sáng lên chút xíu như vui mừng lắm. Sau đó anh lại thiếp đi có vẻ như mãn nguyện vì được gặp bạn lần cuối cùng. Bệnh tình anh nặng lắm rồi, nhưng với tính cẩn thận nghề nghiệp các bác sĩ vẫn nói chưa thể biết chắc bệnh nhân có thể cầm cự được bao lâu, có thể rất nhanh cũng có thể là một vài tuần vài tháng. Tôi và Long cầm tay anh chẳng nói được lời nào với anh nữa và chúng tôi cùng linh cảm thấy ngày anh ra đi cũng gần kề rồi. Lặng lẽ đứng bên bạn cho đến chiều tối chúng tôi ra về chờ đợi… một cái tin chẳng lành, chứ không dám mong gặp bạn mình nữa.

Những giây phút cuối cùng

Anh ra đi lúc 9 giờ sáng ngày 18-6-2004 tức ngày 1 tháng 5 năm Giáp Thân tại bệnh viện Trưng Vương Sài Gòn. Tôi cùng 5 người con anh có mặt lúc những bác sĩ đang cố gắng trong tuyệt vọng làm hô hấp nhân tạo cho anh dù biết chắc rằng anh không vượt qua được nữa, họ làm như một “thủ tục” để xác định chính xác tim bệnh nhân đã ngưng đập. Khi những bác sĩ và những cô y tá nhìn lên màn hình máy đo nhịp tim, chỉ thấy cái gạch ngang chạy dài, họ bắt đầu gỡ những dụng cụ làm hô hấp trên người anh. Đó là thời khắc cuối cùng các con anh và tôi biết phải vĩnh viễn giã từ một người thân trong đời. Cái thân hình khô đét của anh nằm đó nhưng nét mặt thanh thản vô tư như anh vừa chìm vào giấc ngủ. Người con trai của anh cho biết buổi sáng nay lúc 5 giờ anh còn hỏi cô y tá “Khỏi bệnh rồi, sao không về nhà?”. Vài phút sau đó anh nằm lịm không biết gì nữa.

Những năm sau này thường buổi chiều nào anh cũng băng qua chợ Bàn Cờ sang nhà tôi ngồi chơi, có gì ăn nấy, chúng tôi thường ngồi với nhau đến gần nửa khuya anh mới ra về. Tôi còn nhớ hơn một tháng trước đây, khi chúng tôi ăn xong bữa canh bánh đa cá rô, đó là lần cuối cùng anh rời nhà tôi, bước chân anh chậm chạp lắm rồi, cái thân hình già nua còng xuống, đi từng bước xuống cầu thang chung cư. Rồi đến bữa giỗ ông Chu Tử, anh cũng cố đi xe ôm xuống nhà Đằng Giao thắp hương tưởng nhớ người đồng nghiệp cũ cùng với khá đông anh em, nhưng đến giữa chừng bữa ăn, không khí đang vui, anh đứng dậy giã từ mọi người ra về sớm nhất, anh chỉ nói là mệt rồi, không chịu nổi quạt máy. Phải có người dìu anh xuống cầu thang. Nhưng quả thật anh em trong bàn ăn không ai nghĩ rằng đó là lần cuối gặp anh. Bởi anh còn nói chuyện tỉnh táo và bông đùa đúng như bản tính của anh.

Khi mê khi tỉnh

Anh ngã bệnh khoảng một tháng trước đây, nhưng bệnh tình khi nặng khi nhẹ, khi mê khi tỉnh. Cậu con trai út của anh thường xuyên thông báo tin tức bệnh tình của anh cho gia đình tôi. Có khi tôi điện thoại sang hỏi thăm, anh trả lời thều thào, có khi anh nói năng rõ ràng và có khi không thể trả lời được thì người con út phải “thông ngôn”. Anh có 6 người con đều đã trưởng thành, 2 cô con gái lớn theo gia đình nhà chồng, một người định cư tại Mỹ, một định cư tại Đức. Ba người ở lai Sài Gòn đều có cuộc sống riêng thành đạt. Duy nhất một người con trai út của anh là bác sĩ nhưng vì hơi bị thần kinh nhẹ nên anh không cho hành nghề, đến nay cháu đã hơn 40 tuổi song vẫn chưa lập gia đình và cũng chẳng làm gì ngoài việc đọc sách. Gia đình anh có ngôi nhà ba tầng từ thời 1954 và được sửa chữa lại. Bà vợ cũng đã già yếu nên sống ở tầng dưới cùng tụng kinh niệm phật. Anh và cậu con trai út ở hai căn lầu trên. Hai bố con thủ thỉ sống bên nhau rất tâm đắc.

Hơn mười ngày trước, khoảng đầu tháng 6 vừa qua, ông Vũ Đức Vinh điện thoại từ Seattle về thăm anh thì anh nói rất khoẻ, còn dí dỏm vui đùa như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng ngay hôm sau, con trai anh lại điện thoại cho tôi báo tin anh yếu lắm rồi, phải đưa đi bệnh viện. Thế nhưng bệnh viện cho về nhà điều trị. Anh lại cố gắng ngồi viết bài thường lệ gửi cho các báo, nhưng có lúc anh ngồi dậy được, có lúc ngã chổng kềnh ra giường rồi nằm luôn. Có lần anh tự gọi điện thoại cho tôi được, giọng anh vẫn thế: “Mày ơi, buồn quá, cứ nhìn bốn bức tường hoài. Mày có đi xoa không?” Tôi đùa hỏi lại có thích ăn thịt chó không”. Anh cười thều thào: “Được quá đi chứ, nhưng tao không đi được”.

Rồi cách đây hơn một tuần, anh điện thoại hỏi tôi: “Thái Thuỷ về Sài Gòn chưa?”. Tôi nói “Hai hôm nữa nó về”. Phan Nghị dặn: “Nếu nó về mày nhớ phôn cho tao, tao cố gắng mò sang đấu láo với nó”. Tôi hiểu anh thèm được gặp bạn bè lắm bởi dường như suốt cuộc đời, anh sống với bạn bè và đường phố nhiều hơn là sống với gia đình. Nhưng khi anh Thái Thuỷ từ Santa Ana về đến Sài Gòn thì anh lại đi bệnh viện rồi lại trở về, trong khi Thái Thuỷ lại ra Hà Nội.

5 trang cuối cùng của một bài viết dang dở

Trong thời gian anh nằm một chỗ, có lẽ vì cuộc sống riêng tư của anh không xuông xẻ nên anh thường không thích cho ai đến nhà thăm anh.

Trước ngày mất ba hôm anh lại điện thoại cho tôi báo tin anh có thể bình phục trong một vài tuần nữa. Thú thật là tôi không tin vào điều này nhưng vẫn cứ khuyến khích anh viết tiếp cho anh vui. Theo lời con trai anh thì sau đó anh ngồi vào chiếc máy chữ từ đời thượng cổ nhưng chỉ đánh được đúng 5 dòng thì phải buông, đó là bài phóng sự “những cung đường ma quái” nói về những tệ nạn tham nhũng của những anh cảnh sát giao thông. Bài này là một trong hàng loạt bài anh thường gửi cho các báo ở nước ngoài. Tất nhiên bài đó cho đến nay vẫn còn dang dở. Như thế là anh làm việc “cho đến hơi thở cuối cùng”, cho đến khi không thể nào viết được nữa. Anh ngã bệnh khoảng một tháng trước đây, nhưng bệnh tình khi nặng khi nhẹ, khi mê khi tỉnh.

Mấy năm trước tôi đề nghị anh mua một cái computer để về đánh bài rồi gửi luôn cho các báo mới tiện cho công việc. Anh nghe theo và cố gắng mua được một chiếc computer cũ, anh sang nhà tôi kỳ cạch bắt đầu ngồi tập gõ cho quen. Nhưng ít lâu sai anh tuyên bố “tao dị ứng với cái bàn phím computer”, tao đánh máy chữ “dix doigts” nửa thế kỷ nay quen rồi, không thể chơi computer được. Tôi cằn nhằn thì anh viện cớ cái bàn phím mất tiêu đâu rồi, không kiếm lại được nữa. Có lẽ ở Sài Gòn bây giờ chỉ con mình anh là viết bài trên máy chữ cũ rồi sau đó thuê người đánh vi tính về nhờ tôi gửi bài đi. Cuối cùng thấy bất tiện nên anh bắt cậu con út học đánh computer, còn những kỹ thuật khác thì tôi phải hướng dẫn cho đến khi con anh có thể gửi bài đi cho các báo được. Thế là bố ngồi đánh máy chữ sau đó con ngồi đánh vi tính lại rồi mới chuyển bài đi. Ngay cả những cái e mail thông thường anh cũng không đánh được mà con anh phải làm thay cho đến bài cuối cùng.

Một đời phóng đãng

Tính cách Phan Nghị là một tính rất đặc biệt “không giống ai”. Tôi quen anh từ những năm anh mới vào Sài Gòn năm 1954, khi ấy tôi làm mấy tờ báo quân đội, anh làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luận. Đôi khi anh cũng “áo giáp mũ sắt” đi làm phóng sự chiến trường. Nét đặc biệt tôi nhận thấy ở anh là tính giản dị, ăn nói văng mạng, không cần ý tứ làm gì cho mệt và bất cứ ai rủ anh tham gia cuộc chơi nào anh cũng đi ngay. Cờ bịch thì “thập bát ban võ nghệ ” món nào anh cũng biết, món nào anh cũng thích chơi và chơi theo kiểu đam mê lăn lóc. Vừa đi làm phóng sự về, rủ anh đi đánh phé, đánh chắn, binh sập xám… là anh sẵn sàng đi ngay, dù trong túi chỉ còn rất ít tiền cũng cứ đi rồi tính sau. Cuộc chơi kéo dài tới lúc nào anh ngồi tới lúc đó, có lúc bò ra sòng bài, ngủ ngay trên chiếu bạc, quên luôn đường về. Thậm chí rủ anh đi ăn đi nhậu, đi “hít tô phe” anh cũng đi luôn, nhưng tôi quả quyết rằng Phan Nghị chưa bao giờ nghiện. Anh thích nằm đấu ba hoa ở mấy cái bàn đèn, hút năm ba điếu rồi lại quên, đi tìm thú vui khác. Rượu anh cũng uống ra trò, bia bọt, rượu Tây, rượu ta, anh chơi tuốt. Dĩ nhiên có rượu Tây thì anh vẫn khoái hơn. Nhưng tửu lượng của anh không cao, vài ly là bắt đầu đỏ mặt và lúc đó thì bất cứ chuyện gì anh cũng nói, cãi tới nơi tới chốn nếu cần thì… đánh lộn. Anh thường tự coi mình là một thứ “cao bồi già”, sẵn sàng gây chuyện và sắn tay áo tung ra quả đấm liền. Nhiều cậu công tử con nhà giàu, nhiều anh “tư bản gộc” và khối em ca ve có máu mặt nghe tiếng anh cũng sợ hết hồn.

Xin thú thật là tôi và Phan Nghị thường gặp nhau ở những bàn đánh phé, to nhỏ gì cũng có anh và cũng ăn thua nhau đủ, tháu cáy nhau đến nơi đến chốn. Tuy nhiên khi “thanh bình” thì thường lại bao nhau đi ăn đi chơi là chuyện rất thường. Phan Nghị thường kể lại một kỷ niệm vui. Anh thường phải giấu tiền vợ để đi đánh bài hoặc đi chơi lăng nhăng, hôm đó anh hẹn người đẹp ở chợ Tân Định, đến lúc sờ xuống đôi vớ mới biết là số tiền giấu vợ đã bị khám phá và dĩ nhiên nó không còn nằm ở dưới giày nữa. Anh cuống lên thì may làm sao lại gặp tôi, anh nhào ra cản đường và hỏi tiền, tôi lại hay thông cảm với cái “nghề đi ăn vụng” nên tôi đưa cho anh hai trăm. Anh nói hai trăm hồi đó to lắm, đi ăn đi nhót với đào suốt đêm mới hết. Quả thật chuyện này lâu quá rồi tôi không còn nhớ nữa, nhưng gặp bạn bè cũ của chúng tôi anh hay nhắc lại và chắc có một số bạn đã được nghe. Kỷ niệm của tôi và anh thì quá nhiều, từ các toà báo đến phòng trà, chúng tôi cứ vừa là bạn vừa là đối thủ của nhau. Cái tình thân ấy đậm đà có khi còn hơn anh em ruột thịt.

Những chuyện lạ về cuộc đời phóng sự gia

Nhưng có một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên đến sững sờ. Vào kỳ giải bóng đá ở Hàn Quốc (World cup 2000) chúng tôi ăn xong, ra ngồi coi một trận đấu khá quan trọng. Phan Nghị cũng xách cái ghế xoay ra trịnh trọng ngồi coi và tôi thấy anh cũng xuýt xoa, ca ngợi. Nhưng khi trọng tài thổi còi phạt một cầu thủ vì một lỗi chèn người trái phép, Phan Nghị bỗng chửi om lên: “Ơ hay, người ta đang chơi hay thế tại sao nó lại thổi còi?”. Tôi cứ tuởng anh nói đùa cho vui, ai ngờ càng xem càng thấy anh chẳng hề biết tí tí nào về luật bóng đá. Có hôm anh hỏi tôi: “hai đội ra sân mỗi bên một màu áo, sao lại có mấy thằng đứng giữa mặc áo màu khác là thế nào?”. Tôi phải thưa đó là những ông trọng tài, anh sẽ thấy mấy ổng thổi còi và phất cờ loạn lên cho mà xem. Anh phán: “Tao không thích mấy thằng đó”.

Vâng, có lẽ đó là bản tính của anh không thích bất cứ thứ luật lệ nào, từ luật nhà nước đến luật gia đình. An cứ thích bản thân anh tự do làm ngược lại tất cả. Có thể chính vì vậy cuộc sống lứa đôi của anh không được thuận hoà. Tôi không dám đi sâu vào những điều rất riêng tư đó. Tuy vậy hai anh chị lại vẫn giữ vững được hôn nhân và vẫn sống cùng nhau cho đến cuối đời. 40 năm hờn giận, anh chị vẫn lặng lẽ sống gần nhau, dù người dưới nhà, người trên lầu và vẫn nuôi con cái thành đạt. Sáng nay khi nghe tin anh sắp mất, tôi sang nhà anh, chị ngậm ngùi nói với tôi: “Anh ạ, tôi mới nói với anh ấy mấy chục năm mình đã là vợ chồng, dù đã nhiều năm có giận hờn nhưng giờ này coi như mọi chuyện đều không có, anh cứ thanh thản mà an dưỡng”. Vậy là mọi chuyện đã thành quá khứ, dù có thế nào thì anh cũng đã được tha thứ và giờ này chị sẽ chỉ còn lại những ngày nhớ thương anh trong căn nhà trống mênh mông thiếu đi mất một người.

Thật ra nói đến kỷ niệm giữa tôi và Phan Nghị thì có nói mãi cũng không hết. Những năm sau này chúng tôi gặp nhau hàng ngày, nói mãi về kỷ niệm cũ cũng vẫn cứ là chưa đủ. Và bản tính của Phan Nghị thì đôi khi bốc đồng đến nỗi anh cũng chẳng hiểu tại sao anh lại làm như thế. Nhưng bản chất anh là một người thẳng thắn, chân thật, không lèo lá, có bất cứ chuyện gì anh cũng cứ nói tuột ra. Là người “ruột để ngoài da”, chuyện có sao nói vậy không giữ được cái gì trong lòng. Vì thế anh dặn tôi: “nếu có chuyện gì cần giữ kín thì đừng bao giờ nói với tao”. Tôi phì cười nên có những chuyện vô ý của anh làm nhiều người bất bình hoặc người này có thể hiểu lầm người kia nhưng rồi mọi người, không ai giận anh được. Phan Nghị không bao giờ biết trưng diện, quần áo anh mặc thế nào xong thì thôi, không cầu kỳ, không làm dáng, không ra vẻ, không đóng kịch. Cứ “bừa đi mà sống”, đó là bản chất thật nhất của anh. Anh có thể thân thiện với tất cả mọi người, thân thiện một cách chân thành chứ không màu mè dù mới quen hay quen đã lâu, dù là “quý phái” hay “ma cà bông”, anh chơi được tất. Hồn nhiên đi chơi chung không cần đề phòng, tôi nghĩ đó là cách anh rất tự tin vào chính con người mình.

Từ ngày tôi quen anh, dường như tôi chưa thấy anh vận complet, thắt cravate bao giờ. Sau này có quần áo may sẵn thì cả hai chục năm nay anh cứ ra đầu phố mua chiếc quần vài chục, chiếc áo vài chục mặc cho được việc. Áo đẹp mà đắt một tí cũng không mua. Nhưng đi chơi thì anh vẫn đi, đi từ sáng đến tối và chơi bất kỳ cái gì, bất cứ ở đâu. Đầu đường quán cóc cho đến khách sạn, chỗ nào có mục vui chơi là có anh, sang hèn không cần biết. Dù đã có tuổi, tóc bạc như vôi, nhưng mới cách đây một năm thôi, anh vẫn cứ như thế, chẳng thay đổi được gì. Đến nỗi cậu con út của anh phải kêu lên: “Nếu bố con khoẻ thì chẳng bao giờ có mặt ở nhà, hôm nào bác thấy ở nhà là ốm đấy”.

Tác phẩm như cuộc đời

Cuộc sống của anh rất phong phú, đầy “gió bụi” và đầy tính cách như thế nên những phóng sự của anh mang lại cho người đọc rất nhiều điều mới lạ, đôi khi là kỳ lạ, đọc đến đâu thú vị đến đấy. Mọi nhân vật và hành động cùng những sự việc cứ như ngay ở trước mắt, nó thật và thô ráp như chính nó. Anh khai thác được tận cùng đời sống xã hội trước mặt, đi sâu vào cuộc sống tàn nhẫn dữ dội và cả nội tâm của những con người phải hành động như thế để sống còn. Đối thoại của anh là thứ ngôn ngữ rất đời thường, song lại đầy vẻ “tin ranh, láu cá” của những công tử Hà Nội bẻm mép nói chuyện rất có duyên nên càng đọc càng thú. Anh sống nhiều, lăn lộn nhiều trong mọi giới, đề tài nổi bật nhất của anh là những đề tài như buôn lậu (phóng sự “bờ lờ” đăng trên báo Tia Sáng ở Hà Nội vào khoảng năm 1952-53); “bắt địa” (viết chung với Hồng Dương vào năm 1958 trên nhật báo Ngôn Luận tại Sài Gòn), và những phóng sự thời đại rất gần đây như “Xóm liều” cùng những đề tài về dân giang hồ chạy dọc, ca ve, cà phê ôm và những mánh lới cờ gian bạc lận… viết cho những tờ báo ở nước ngoài.

Anh không để lại một tác phẩm dài nào nổi trội nhưng với hàng ngàn phóng sự của anh từ nửa thế kỷ nay đủ là một kho tài liệu quý báu cho văn học Việt Nam, vẽ lại trung thực một lối sống qua các thời kỳ từ “tiền chiến” đến hậu chiến và cho đến tận ngày nay. Đôi khi anh cũng phải dịch những bài báo Pháp mua qua máy bay hoặc của vài người bạn từ nước ngoài ngoài gửi về song đó chỉ là nhu cầu của toà báo ở đây và cũng là nhu cầu “cơm gạo áo tiền” của chính anh. Có một thứ anh không viết đó là tiểu thuyết, có lẽ tại con người của anh thực tế quá, mơ mộng đỏm dáng đối với anh là “xa xỉ phẩm”.

Anh là một trong số rấ ít những người viết báo chỉ sống bằng ngòi bút của mình suốt một đời, không làm cái gì khác. Phan Nghị đã sống như chính những gì anh đã viết và bây giờ anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Kể từ hôm nay độc giả sẽ không còn có dịp đọc những phóng sự thời đại nóng bỏng của anh nữa.

Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị và không hiểu sao, tôi vẫn thấy như giờ phút này anh đang mỉm cười, vẫy tay chào bè bạn và những độc giả của mình. Tôi muốn mượn hai câu thơ của anh Mặc Thu sáng tác trước lúc lâm chung cách đây ba năm để tiễn người bạn thân thiết của tôi:

“Vào cuộc tung hoành không biết mỏi.
Ra đi thanh thản tựa như về”


Sài Gòn 18-6-2004
Văn Quang


Hình ảnh:


Bàn thờ vừa được lập tại bệnh viện 3 giờ chiều 18-6-2004



Văn Quang và Nguyễn Thuỵ Long gặp mặt PN lần cuối - chiều 17-6



Các con PN chờ ông trong vô vọng tại cửa phòng cấp cứu



Phan Nghị cách đây một năm (2003) còn khoẻ lắm



Phan Nghị với ông Mạnh Đan và ông bà Anh Ngọc từ Virginia về chơi



Phan Nghị với Huy Sơn từ Mỹ về và Đặng Văn Nhâm từ Đan Mạch về trong dịp Tết Giáp Thân vừa qua.



PN tại chợ hoa xuân Giáp Thân



Khi PN hứng chí đấu láo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn