BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72635)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, nghĩ đến công ơn chiến sĩ VNCH

18 Tháng Sáu 20208:37 SA(Xem: 1465)
Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, nghĩ đến công ơn chiến sĩ VNCH
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố chính quyền và quân đội VNCH đầu hàng vô điều kiện trước các lực lượng CSBV lúc đoàn quân của Tướng Văn Tiến Dũng tiến vào Dinh Độc Lập, hầu hết thế giới lầm mê lúc đó đều hớn hở ra mặt, vì cứ tưởng rằng hòa bình đã đến rồi, và dân chúng miền Nam Việt Nam sẽ được độc lập, tự do, hạnh phúc và an cư, lạc nghiệp dưới chế độ mới. Nhưng từ ngày đó cho đến nay sự thật diễn ra hoàn toàn trái ngược với niềm hy vọng ngây thơ và tội nghiệp kia, khi 45 năm đã qua đi mà tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam vẫn đắm chìm trong ách nô lệ của chế độ cộng sản độc tài, đảng trị, không có độc lập, không có tự do, không có hạnh phúc, và rõ rệt nhất là không hề có nhân quyền.

Hai cựu chiến binh Nhảy Dù QLVNCH thắp hương tưởng nhớ 81 đồng đội hy sinh tại Tuy Hòa, Việt Nam, năm 1965, nhân dịp kỷ
Hai cựu chiến binh Nhảy Dù QLVNCH thắp hương tưởng nhớ 81 đồng đội hy sinh tại Tuy Hòa, Việt Nam, năm 1965, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH, hôm 16 Tháng Sáu, 2020, tại Westminster, California. (Hình minh họa: Thiện Lê/Người Việt)


Tuy VNCH đã mất đi gần nửa thế kỷ nay rồi nhưng cái di sản to lớn và đẹp đẽ mà quốc gia này để lại cho dân tộc và nhân loại vẫn còn đó, từ nền văn hóa và văn minh cho tới các công trình văn học, giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc… và luôn cả ngày 19 Tháng Sáu, Ngày Quân Lực VNCH mà các cộng đồng người Việt tị nạn trên khắp thế giới vẫn làm lễ kỷ niệm hằng năm. Vào ngày 17 Tháng Sáu, 2019, được Quốc Hội California công nhận là Ngày Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa (Veterans of the Republic of Vietnam Armed Forces Day) qua Nghị Quyết SCR-59 do Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg và Dân Biểu Tom Daly đệ trình nhằm “tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh mạng sống của họ cho tự do và dân chủ cũng như các nạn nhân của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, và để vinh danh những chiến binh còn sống sót, các nhà đấu tranh, cùng các chiến sĩ của tự do trong cuộc chiến tranh đó.” 

Lịch sử Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu



Ngược dòng thời gian, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 1965, là ngày chính phủ quân nhân tại miền Nam Việt Nam ra mắt lần đầu tiên trước quốc dân và quốc tế, một năm rưỡi sau khi chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 2 Tháng Mười Một, năm 1963. Sau hơn một năm trời các sĩ quan cao cấp quân đội VNCH thay nhau cầm quyền, với những cuộc phản đảo chánh, chỉnh lý, và biểu tình chống đối của các thành phần tôn giáo và sinh viên liên tiếp xảy ra trong nước, Hội Đồng Quân Lực – mà trước đó được gọi là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng – gồm các tướng lãnh, trao quyền cai trị đất nước về cho các chính trị gia vào ngày 5 Tháng Năm, năm 1965, với một chính phủ dân sự dưới quyền Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát. Điều không may là phe dân sự tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù gồm nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều chuyên gia lỗi lạc, và nhiều nhà khoa bảng từ ngoại quốc trở về, không thể nào vừa điều hành đất nước một cách hữu hiệu vừa bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ trước các cuộc tấn công liên tiếp của các lực lượng CSBV đội lốt Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Tình trạng thù trong, giặc ngoài tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ chẳng những không giảm bớt mà ngày một gia tăng, với tình hình an ninh đất nước được mô tả là hết sức nguy ngập khi cường độ tấn công, phá hoại của Cộng Quân tại các địa phương gia tăng vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và các lực lượng quân sự địa phương. Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến: Sau ba tháng đứng ra điều hành chính quyền và quân đội không xong, vào ngày 11 Tháng Sáu, 1965, chính quyền dân sự đành phải ra tuyên cáo trao trả lại quyền cai trị đất nước cho quân đội.

Sau khi được trao quyền, trong một cuộc họp quy tụ tất cả những tướng lãnh đang nắm các trọng trách trong quân đội, từ cấp tổng tham mưu trưởng, tư lệnh các vùng chiến thuật cho đến các tư lệnh quân, binh chủng, Hội Đồng Quân Lực, vào ngày 12 Tháng Sáu, 1965, đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (tương đương tổng thống), và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương thủ tướng).

Ngày 19 Tháng Sáu, 1965, trong một buổi lễ ra mắt được long trọng tổ chức tại thủ đô Sài Gòn, các thành phần trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhận trách nhiệm làm thành phần tiền phương của quân, dân miền Nam Việt Nam trong vai trò chỉ huy QLVNCH bảo vệ đất nước và điều khiển chính phủ, thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường, mặc dù đất nước đang có chiến tranh. Trong vai trò mới, QLVNCH ở hậu phương thì lo xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, diệt trừ những mầm mống nằm vùng bạo loạn, và phát triển kinh tế, ngoài tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống những đợt sóng xâm lăng của Cộng Sản ngày càng mãnh liệt từ miền Bắc tràn vào.

Nhưng giới lãnh đạo quân sự tại miền Nam Việt Nam, tức QLVHCH, vì ý thức rằng cuộc chiến đấu tự vệ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản từ ngoài Bắc vào không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quân sự mà là một trận chiến phối hợp giữa các mặt trận quân sự và chính trị cũng như kinh tế, đồng thời còn cảnh giác cao độ về vai trò sinh tử của một chế độ tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh một mất, một còn với phe Cộng Sản Quốc Tế, đã phải tìm cách chuyển đổi chế độ hội đồng quân nhân cầm quyền (military junta) hiện có sang một thể chế dân chủ hợp hiến và hợp pháp mới mong nâng cao uy tín của VNCH trên trường quốc tế.

Từ 1966 tới 1967, mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng ác liệt trên khắp các mặt trận tại miền Nam Việt Nam – với sự can dự trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng Đồng Minh như Nam Hàn, Úc, New Zealand, và Thái Lan – chính quyền miền Nam Việt Nam dưới quyền của các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với sự hỗ trợ của chính phủ, dân chúng, quyết tâm tổ chức các cuộc tuyển cử tự do để thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa thay thế cho Đệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cáo chung hồi năm 1963.

Chinh quyền Đệ Nhị Cộng Hòa, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Hương lãnh đạo, đã có công giúp cho tiến trình dân chủ hóa miền Nam Việt Nam tuần tự diễn ra, với những cuộc bầu cử từ tổng thống và phó tổng thống cùng các đại biểu lưỡng viện Quốc Hội cho tới các nghị viên hội đồng thành phố và tỉnh trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Cho dù miền Nam Việt Nam vẫn đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh – với những trận chiến ác liệt như chiến dịch Bắc Phạt của Không Lực VNCH (1966-1967), cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng Sản (1968), cuộc hành quân đánh sang Cambodia của Quân Đoàn 3 (1970), cuộc hành quân của QLVNCH đánh sang Hạ Lào (1971), cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), cuộc không tập và phong tỏa Bắc Việt của Hoa Kỳ vào mùa Giáng Sinh 1972… và với những biến cố chính trị lớn lao như cuộc Hòa Đàm Paris (1968-1972), việc ký kết Hiệp Định Paris 1973, cuộc trao trả tù binh các bên lâm chiến (1973), những vụ Cộng Sản lấn đất, giành dân, vi phạm Hiệp Định Paris mà cao điểm là cuộc tấn công đánh chiếm Phước Long (1974)… tiến trình dân chủ hóa miền Nam Việt Nam diễn ra khá tốt đẹp dưới quyền lãnh đạo của một chính quyền mà đa số các giới chức cao cấp đều là sĩ quan hiện dịch trong quân đội hoặc có gốc gác nhà binh.

Nghĩ đến công ơn các chiến sĩ QLVNCH

Mặc dù miền Nam Việt Nam, tính luôn cả chính quyền Quốc Gia Việt Nam cùng hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, chỉ tồn tại có 21 năm ngắn ngủi, tức là từ 1954 tới 1975, nhưng chế độ VNCH đã để lại những thành tích trị quốc, an dân dài lâu trong lòng người dân Việt Nam mà không thời kỳ nào trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước nhà có thể sánh được. Nhưng đã là công dân VNCH trong suốt thời kỳ lịch sử đó, không ai lại không biết rằng cuộc sinh tồn của đất nước luôn luôn phải được đánh đổi bằng xương máu của chính người dân miền Nam Việt Nam, trong đó các chiến sĩ QLVNCH, mà tiền thân là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, luôn phải đứng mũi, chịu sào. Đó là vì miền Nam Việt Nam không hề có được cái may mắn như Nam Hàn, là nước luôn được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) và dài dài cho đến ngày nay nên không hề bị Cộng Sản Bắc Hàn thôn tính, hoặc Tây Đức, là nước có được sự đồng tâm nhất trí che chở và bảo bọc của ba cường quốc Tây Phương – Hoa Kỳ, Anh, và Pháp – cho đến ngày Cộng Sản Đông Đức sụp đổ và sát nhập vào Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức để trở thành Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay.

Mặc dù cuối cùng rồi thì QLVNCH đã phải buông súng tan hàng vì xui xẻo bị người bạn Đồng Minh Mỹ bỏ rơi nửa chừng, người lính VNCH đã kiên cường chiến đấu trong suốt thời gian đất nước tồn tại, với những chiến thắng lẫy lừng từ Trận Mậu Thân 1968, cuộc hành quân Toàn Thắng 43 sang Cambodia năm 1970, cuộc chiến đấu tại An Lộc, Kon Tum, và Cổ Thành Quảng Trị hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trận chiếm lại ngọn đồi Thường Đức từ tay Cộng Quân năm 1973, và chiến thắng Xuân Lộc vào mùa Xuân 1975, mùa Xuân cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Ngay cả lúc chiến bại, người lính VNCH lúc nào cũng anh dũng, hiên ngang, như một Nguyễn Đình Bảo tại Charlie năm 1970, một Nguyễn Văn Đương trên ngọn Đồi Máu Hạ Lào năm 1971, và một Ngụy Văn Thà anh dũng ở lại chết theo tàu trong trận hải chiến chống các lực lượng Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Đó là chưa kể những cuộc tuẫn tiết của các Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Nguyễn Khoa Nam cùng các Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, và Lê Nguyên Vỹ, cùng với Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, cũng như cuộc chiến đấu kiên cường cho đến lúc phải hy sinh của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Cảnh Sát Lê Phó sau đó. Rồi khi cuộc chiến chấm dứt, các chiến sĩ QLVNCH kẻ thì hy sinh ngoài mặt trận, người thì mất đi một phần thân thể, kẻ thì chịu cảnh tù đày, người thì chết thảm trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do, để rồi tất cả ngày nay ai cũng đều cùng chung số phận của những kẻ đánh mất quê hương, sống đời lưu vong nơi quê hương thứ hai và luôn mang tâm trạng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia…”

Đến đây, tưởng cũng nên mượn ý nhạc trong ca khúc “Nửa Đêm Biên Giới” của Anh Bằng để nói lên phần nào những gian khổ tột cùng của người lính VNCH trong sứ mệnh dựng nước và giữ nước tại miền Nam Việt Nam: “Đêm nay quê nhà mẹ hiền còn thương đứa con nơi chốn xa vời/Không than, không sầu, đầu non cuối ghềnh ôm cây súng canh rừng sâu…” Phải chăng đó cũng là khúc ca bi tráng của các chiến sĩ Tiểu Đoàn 92, Biệt Động Quân QLVNCH, tại tiền đồn Tống Lê Chân thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi vùng biên giới Việt Nam-Cambodia khi họ bị quân CSBV vây hãm ngặt nghèo trong gần một năm rưỡi trời, tức là 510 ngày, từ 10 Tháng Năm, 1972 đến 11 Tháng Tư, 1974, để rồi đành phải rút lui vì hết đạn và hết lương thực mà không hề được tiếp tế và tiếp viện?

Vann Phan/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn