BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76284)
(Xem: 62989)
(Xem: 40396)
(Xem: 31992)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

30/4 quê hương thống nhất hoà bình rồi sao

06 Tháng Năm 20205:52 SA(Xem: 1576)
30/4 quê hương thống nhất hoà bình rồi sao
52Vote
40Vote
30Vote
23Vote
10Vote
3.25

Tôi sinh ra trong miền Nam, sau ngày thày u tôi di cư vào Nam năm 1954.

Ngày còn bé chưa biết chiến tranh là gì. Đến năm 10 tuổi thấy đám tang ông chú họ với quan tài phủ cờ, nến lung linh, nghe nhiều tiếng khóc lóc thảm thương sao buồn quá.

Chú là sĩ quan dù, chết trận ở Đồng Xoài. Thày tôi và bố chú đi nhận xác ở Tổng Y viện Cộng hoà. Nghe thày kể khi đi phải mang theo tỏi để lúc vào nhà xác đưa lên mũi khử mùi hôi. Nhiều xác chết, không biết chú nằm ở đâu, bố chú khấn nguyện “Con ơi! Nếu con chết thiêng thì ra dấu cho bố biết để nhận con”. Một xác người động đậy và đó là chú.

Đám tang của chú là cái chết đầu tiên từ chiến trường tôi biết, là đám tang lính tôi theo thày u đi lễ tang.

Chiến tranh kéo dài. Nhiều người thân quen tử trận, theo phong tục tập quán là thân bằng quyến thuộc tụ họp cùng tang gia đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người mới qua đời.

Chú Thuận, chú An cỡ tuổi thày tôi tử trận. U tôi lo lắm vì sợ thày bị thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến.

Mậu Thân 1968 kinh hoàng rồi đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 chiến trường sôi động, xóm ngõ có đêm văng vẳng tiếng khóc than từ người mẹ, từ các em của các anh đã bỏ mình vì nước: anh Trịnh Xuân Tác, anh Đinh Văn Vũ. Chú Nguyễn Văn Tuynh mất tích.

Đến lớp tuổi của mình. Tử trận sớm nhất là Nguyễn Đức Tuyển bạn học cùng trường Thánh Tâm khi chưa được đôi mươi. Rồi Trần Văn Doanh học chung ở trường cụ giáo Đồng.

Phạm Văn Thông là bạn học cũng từ trường Thánh Tâm. Thông thích làm thơ, viết văn và đã có nhiều bài đăng trên trang Mai Bê Bi của báo Chính Luận, với bút hiệu Mai Thông. Thông vào quân đội, phục vụ gần thành phố nên cũng hay có dịp gặp nhau trò chuyện văn chương học trò. Một cuối tuần Thông ghé chơi. Sáng hôm sau nghe tin bạn chết vì rớt trực thăng.

Duy Nam học chung lớp 12 ở Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Nam có giọng hát truyền cảm vì là học trò của Duy Khánh. Hết lớp 12, Nam nhập ngũ rồi cũng không bao giờ trở về sau một lần đụng trận với bộ đội miền Bắc.

Văn nghệ Xuân 1973 tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Duy Nam, thứ hai từ trái, tử trận không lâu sau đó. Tác giả đứng
Văn nghệ Xuân 1973 tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Duy Nam, thứ hai từ trái, tử trận không lâu sau đó. Tác giả đứng thứ ba từ trái (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Lê Minh Châu học chung với nhau ở Nguyễn Bá Tòng. Xong lớp 11, đậu tú tài 1, nhưng Châu không được tiếp tục hoãn dịch vì sinh năm 1954, quá tuổi theo lệnh đôn quân.

Ra trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, Châu mang lon chuẩn úy. Là con trai duy nhất trong gia đình, Châu được phục vụ đơn vị gần nhà, ở Cai Lậy, cách Sài Gòn chưa đến 100 cây số.

Gần thủ đô nên Châu hay được về thăm nhà, cùng bạn đi uống cà phê, ăn bò bía, ăn phở.

Một hôm, gia đình và bạn bè nhận tin đơn vị của Châu bị Việt Cộng tấn công. Châu mất tích. Gia đình xuống tìm. Có người chỉ chỗ và kéo ra một cái xác không đầu. Nhưng không phải Châu.

Hơn mười năm chiến tranh khốc liệt, bao nhiêu đám tang lính mà thày u tôi đã dự. Nhìn đàn con lớn lên, đến độ tuổi nhập ngũ thày u cũng lo cho tương lai của các con. Lo đêm không bị pháo kích. Lo cộng sản vào thành phố dân sẽ khổ.

Tôi thấy thày u buồn, nhất là u, mỗi khi kể chuyện quê Bắc cho các con nghe. Chuyện đấu tố người thân, để cho chết đói ngoài chuồng trâu. Có người bị đứa con ở sỉ nhục trước mặt đám đông. U kể về ruộng vườn gia đình ngày xưa có nhiều, nhưng ông ngoại mê cờ bạc mà bại sản.

Nhớ lại ngày di cư vào Nam, u thường nhắc đến cái thau đồng có trong nhà, nó rò và đã được trít lỗ mấy lần. Đó là di sản duy nhất u đem được vào Nam. Ngoài ra chẳng có gì khác.

Thày u nói lúc đó cũng chỉ nghĩ đi hai năm, sau tổng tuyển cử rồi sẽ về lại. Đâu ngờ hai năm đã thành hai mươi năm.

Gia đình Bùi Văn Phú, bìa phải, trong một lần kiểm tra dân số năm 1962 (Ảnh Bùi Văn Phú)
Gia đình tác giả, bìa phải, trong một lần kiểm tra
dân số năm 1962 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Trong hai mươi năm đó, lúc đầu có bưu thiếp qua lại giữa hai miền để thân nhân biết tin nhau. Hình ảnh của tôi thời thơ ấu, chụp ở thảo cầm viên, chụp ở nhà thờ được dán lên bưu thiếp, gửi về cho anh em ngoài Bắc biết mặt.

Chỉ vài năm rồi đường bưu thiếp bị cắt. Sau đó thông tin có được ít nhiều đều qua người quen bên Pháp, rồi mới tới Sài Gòn.

Sau hai mươi năm chiến tranh thày u chỉ mong hoà bình, đất nước thống nhất.

Tôi và những bạn học cũng mong thế. Bao nhiêu người thân và bạn bè đã nằm xuống cho quê hương, chúng tôi chỉ mong hoà bình, góp tay xây dựng đất nước, mong hai miền thống nhất để một lần được ra thăm Huế, thăm Hà Nội.

Ngày đó tôi sẽ cùng thày u về thăm quê cha đất tổ ở làng quê Nam Định.

Ngày 30/4 đến tôi lại đang lênh đênh trên biển, trên một con tàu không máy được kéo đi từ bến Kho 5. Một mình, với mấy anh em con bác, bỏ lại thày u và 6 người em.

Nước mắt cứ tuôn rơi khi nghe tin Sài Gòn đầu hàng, còn trong đầu lại vang vang lời ca quen thuộc mới cùng hát vời bạn bè hôm nào.

Anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam

Khi đó tôi chỉ nhỏ hơn vài tuổi, so với tuổi của thày u ngày bỏ Bắc vào Nam. Nhớ lại lời u kể, lúc đó nghĩ hai năm sau có tổng tuyển cử rồi sẽ về Bắc lại. Còn tôi giờ đang ra đi mà sẽ không có ngày về, không bao giờ được gặp lại gia đình nữa.

Nghĩ về gia đình, quê hương thống nhất rồi thì sớm muộn thày u sẽ về thăm lại quê Bắc xưa ở làng Long Cù và làng Chiền, xã Trực Chính, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Những ngày mới đến Mỹ định cư, nhiều đêm tôi có ác mộng. Khi thì lơ lửng rơi. Khi kẹt lại quê nhà. Khi thi rớt. Khi bị vây hãm không đường chạy trốn.

Có một điều lạ là trong nhiều giấc mơ tôi lại được về Bắc, gặp những người anh em mà tôi chỉ nghe thày u nhắc đến chứ chưa biết mặt.

Bùi Văn Phú và gia đình tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (Ảnh Bùi Văn Phú)
Tác giả và gia đình tại Quảng trường Ba Đình,Hà Nội
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hè năm 1995 tôi về Sài Gòn thăm gia đình sau 20 năm xa cách. Chuyến đi đó tôi cũng sẽ ra Hà Nội và nếu có thể sẽ về Nam Định thăm quê của thày u.

Nghe thế cả nhà đều ngạc nhiên, vì đất nước thống nhất đã 20 năm nhưng thày u cũng chưa một lần về thăm như mong ước trước đây, dù lúc đó đã xa rời quê Bắc hơn 40 năm.

Hỏi ra mới biết không chỉ thày u, mà các cô chú bác, nhiều người thân khác, từ ngày di cư vào Nam cũng chưa về.

Tại sao. U chỉ kể chuyện sau 1975 có những người ngoài Bắc, là cán bộ cộng sản, vào Nam nhận họ nhận hàng có cách cư xử không thật thà mà còn rất đáng sợ.

Rồi những năm buôn gánh kiếm sống, có được một sạp ngoài chợ bán hành tỏi gia vị để nuôi các con, nhiều lần bị nhà nước chèn ép, nhưng nhất định u cãi vì những điều vô lí cán bộ đưa ra.

U chỉ biết đọc viết. Trải qua nhiều kinh nghiệm sống từ sau năm 1975, u thường nhắn nhủ các con “tin lời mấy ông cán bộ cộng sản thì bán thóc giống đi mà ăn.”

Không thích cộng sản nên thày u đã không về thăm quê Bắc cho đến ngày qua Mỹ định cư. Sau này thày có về, được các cháu đưa đi khắp nơi thăm xóm làng. Còn u thì

Chuyến đi Hà Nội năm 1995 cho tôi thoả nỗi ước mơ có từ hai mươi năm trước, thời sinh viên thường ngân nga hát:

Huế Sài Gòn Hà Nội

Quê hương ơi sao vẫn còn xa

Huế Sài Gòn Hà Nội

Trong ta đau trái tim Việt Nam

Hà Nội trong tôi là lịch sử, là Thăng Long có từ gần nghìn năm.

Chúng tôi đi dạo 36 phố phường, loanh quanh Hồ Gươm, ngắm cầu Thê Húc, chùa Một Cột, thả bộ theo đường Thanh Niên, vào thăm Văn Miếu.

Ăn bún chả Hàng Mành, vịt lộn Hàng Mã, phở Lý Thái Tổ. Ghé phố Hàng Đào mua vải, đồ kỉ niệm.

Nhìn những cây xà cừ toả bóng mát, ngửi hương hoa sữa lần đầu tiên trong đời.

Lần đó vợ chồng tôi còn bồng đứa con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi về Nam Định, trong một chuyến đi đột xuất, mạo hiểm, không hề biết đường đi nước bước, không địa chỉ. Chỉ biết nhờ một anh làm bên bộ ngoại giao hướng dẫn.

Đến nơi. Vào căn nhà ông cố đã xây dựng lên, trên bàn thờ có ảnh ông nội như trong Nam tôi đã thấy. Khung hình trên tường có nhiều ảnh của tôi, ảnh đám cưới bên Mỹ từ trong Nam gửi ra.

Gia đình Bùi Văn Phúđón tết Canh Tý 2020 ở California (Ảnh Bùi Văn Phú)
Gia đình tác giả đón tết Canh Tý 2020 ở California
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Những lần sau, tôi đi thăm Huế và nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Quê hương thống nhất đến nay đã 45 năm.

Khi mới đến Mỹ, mỗi ngày cuối tháng Tư tôi và bạn học cùng trường thường rủ nhau ra biển nhìn về hướng quê nhà, khi hoàng hôn chậm xuống mà lòng buồn vời vợi.

Nay không còn ra biển và cũng không còn buồn nữa. Nhưng tháng Tư luôn gợi nhớ những năm tháng ở miền Nam học hành, vui chơi với bạn. Nhớ đến người thân, bạn bè đã hy sinh cho đất nước được hoà bình, tự do ấm no.

Hôm nay, một ngày cuối tháng Tư, xem chồng ảnh cũ chụp trong những chuyến về thăm quê hương. Gặp cảnh Huế, Sài Gòn, Hà Nội, nhìn lại những ước mơ trong đời, tôi có ý thơ:

Sài Gòn, Hà Nội, Huế ơi

Tự do, Độc lập rong chơi chốn nào

Hạnh phúc trong giấc chiêm bao

Bùi Văn Phú
Nguồn : Đàn Chim Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn