BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76626)
(Xem: 63102)
(Xem: 40493)
(Xem: 32109)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trả Lời Thắc Mắc Độc Giả

13 Tháng Tư 20207:05 SA(Xem: 1982)
Trả Lời Thắc Mắc Độc Giả
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Chào anh Lê Thanh Lâm,

Anh viết email đưa lên Diễn đàn hỏi: “Tại sao tôi là người viết có lập trường Chống Cộng quyết liệt, mà Việt Cộng cho phép tôi về Việt Nam. Trong khi bạn anh, người thỉnh thoảng mới viết một bài Chống Cộng mà Việt Cộng không cho về?”

Vì thư của anh đã được gửi lên Diễn đàn, chứ không phải thư riêng, thì tôi phải trả lời anh trên Diễn đàn để ai có thắc mắc như anh, cứ đọc thư này sẽ hiểu.

Trước hết, xin nói với anh và độc giả rằng tôi đã nguyện trong lòng là nhất định không về Việt Nam, dù cho mình chẳng hoạt động điều gì liên quan đến vấn đề Chống Cộng. Huống chi tôi viết bài Chống Cộng công khai bằng tên thật, với địa chỉ nhà, địa chỉ email với số điện thoại, thì chắc chắn chuyện về Việt Nam hãy quên đi. Nhưng việc đời có những sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của mình.

dangvanaulaic130
Đặng Văn Âu
Chẳng hạn, tôi không hề có ý định gia nhập Không Quân. Chỉ vì trong khi đang làm thực tập trong phòng thí nghiệm, người bạn tôi yêu cầu tôi sau giờ học, đưa anh ta và hai người bạn nữa vào căn cứ Tân Sơn Nhất để xin đơn gia nhập Không Quân, vì tôi có xe hơi. Lúc tôi thi đỗ Trung học, anh tôi cho tôi chiếc mobylette hiệu Motobecal. Lúc tôi thì đỗ Tú tài II, vào Đại học, anh tôi cho tôi chiếc xe Citroen Deux Chevaux. Anh tôi, người đỗ bằng Hàng hải ở Pháp, người Viễn Dương Thuyền trưởng (Captain à Long cours) đầu tiên, vừa nhận chức Chef Pilote sông Saigon do Thực dân Pháp chuyển giao năm 1955, vừa là Giám đốc Trường Việt Nam Hàng Hải Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm giành chủ quyền độc lập.

Chẳng phải tôi khoe gia thế của mình. Tôi kể ra đây để giải thích cho độc giả hiểu tại sao anh tôi có lắm tiền để cho em xe hơi, khi hãy còn đi học. Anh tôi không ăn lương Chính phủ. Anh tôi hưởng lợi nhuận dựa trên “tonnage” của mỗi chiếc tàu hàng ngoại quốc mà hoa tiêu (Pilote) dẫn vào từ Cap-Saint-Jacques đến bến cảng Saigon. Đó là quy chế riêng của Pháp mà Chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn duy trì. Nhờ đó, lương tháng của những người hoa tiêu sông Saigon có thể gấp 10 lần lương của ông Bộ trưởng.

Bố mẹ tôi có 5 người con trai. Anh Cả của tôi là bác sĩ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Hai anh kế đang là sinh viên trường Đại học Hà Nội thì bị quân của Võ Nguyên Giáp thuộc đội Võ Trang Tuyên Truyền thanh toán trong chiến dịch Ôn Như Hầu tại Đông Dương Học Xá năm 1945. Anh kế tôi – Đặng văn Châu – đang là sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến do Bộ trưởng Thanh Niên Phan Anh lập ra dưới thời Chính phủ Trần trọng Kim. Sau khi Hồ Chí Minh ký Hiệp Định “Six Mars” cho phép Thực Pháp dân trở lại Đông Dương, anh tôi nổi loạn chống đối và bị Việt Minh bỏ tù tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội để chờ ngày ra pháp trường.

Người bạn của anh tôi là Phan Mỹ, em Bộ trưởng Phan Anh, vào nhà lao thuyết phục anh tôi tuyên thệ vào đảng Cộng Sản thì sẽ được tha tội tử hình. Anh tôi nhất quyết không tham gia. Vào ngày bị đưa ra pháp trường thì đúng vào thời điểm Thực dân Pháp đổ bộ vào Cảng Hải phòng và tiến quân lên Hà Nội. Người đưa anh tôi ra pháp trường là người bạn đồng môn trường Thanh Niên Tiền Tuyến, nhưng là đảng viên cộng sản. Bạn anh tôi mở còng cho anh tôi và bảo: “Châu, Châu chạy đi Châu!”.

Thế là anh tôi thoát nạn tử hình, vào Saigon bằng đường bộ và được người Chú của tôi là bác sĩ Đặng văn Hồ – con út Ông Bà nội của tôi – gửi đi Pháp học. Sở dĩ anh tôi chọn trường Marine Marchande, vì trường ấy cho sinh viên được hưởng lương tháng, gọi là bourse. Không ngờ do hoàn cảnh eo hẹp tài chánh, vì Bố tôi đã qua đời sớm, anh tôi vào học cái trường mà chẳng có sinh viên Việt Nam nào vào học, nhưng khi thành tài, lại được Thủ tướng Ngô Đình Diệm mời về thay thế chỗ của Thực dân Pháp, lương cao.

Cho nên câu thơ “Thời lai đồ điếu thành công dị; vận khứ anh hùng ẩm hận đa” đều đúng vào bất cứ thời đại nào. Trong đầu tôi không hề có ý định vào Không Quân, vì Mẹ tôi muốn tôi học Y Khoa để nối nghiệp Bố hay ông Anh Cả. Vì có xe hơi lái đi học, giúp mấy thằng bạn vào Tân Sơn Nhật xin đơn để nạp đi Không Quân, tôi bỗng cao hứng điền đơn và nạp luôn. Cuối cùng, sau khi khám sức khỏe tại Trung tâm Giám định Y khoa, tôi được chọn, nhưng hai thằng bạn lại trượt vì mắt kém thì chúng trở thành bác sĩ. Còn mình tinh mắt, được chọn làm phi công, hàng ngày phải chạm mặt với tử thần, mất nước thì bị kẻ thù xếp hạng cho cái tên “Giặc lái”! Có đúng là số mạng không?

Anh tôi mất tại Paris năm 2008, bà chị dâu tôi và các cháu muốn đưa quan tài của anh tôi về Việt Nam chôn cất, theo ước muốn của anh tôi lúc sinh tiền. Chẳng hiểu luật lệ ở Pháp ra sao, anh tôi phải được chôn ở Pháp và ba năm sau mới được phép mang tro cốt về nước.

Tôi được chị dâu tôi báo tin tro cốt anh tôi sẽ mang về chôn tại Nghĩa trang gia đình Họ Đặng tại Nghệ An chỉ trước khoảng một tuần, không thể nào kịp xin Visa. Như vậy là mình có lý do để không về mà không mang tội với vong linh người anh yêu quý của mình. Không ngờ chị M. A. biết chuyện, bảo tôi cứ ra hãng du lịch mua vé máy bay, rồi ở đó người ta lo mọi thứ giấy tờ cho tôi. Quả nhiên, đúng như lời chị M. A. nói. Hãng du lịch lo cho tôi đầy đủ giấy tờ, khi về tới phi trường sẽ có người lo mọi thủ tục.

Qua sự kiện này, tôi hiểu rằng cái hãng du lịch đó ắt có làm ăn với Việt Cộng. Chị M. A. cho tôi biết không phải chỉ có hãng du lịch đó mới làm ăn với Việt Cộng mà thôi đâu. Tất cả những dịch vụ như gửi tiền, hãng điện thoại viễn liên giống như V247, hay điện thoại Nam Lộc đều phải “bắt tay với Việt Cộng” như thế cả.  

Khi tôi về tới phi trường Nội Bài, trình Passport cho Công An. Họ nhìn kỹ vào mặt tôi, vào tấm hình trên Passport để nhận diện, rồi nhìn vào màn hình computer với vẻ mặt nghiêm trọng lắm. Sau đó, họ bảo tôi đứng qua một bên chờ. Chừng 10 phút sau, có hai anh Công An, một già một trẻ, đến hướng dẫn tôi vào một căn phòng bên cạnh. Hai anh Công An mời tôi ngồi và bắt đầu cuộc thẩm vấn:

–   Chúng tôi được lệnh trên đến gặp ông để trao đổi một số vấn đề. Nếu ông ở trong nước mà viết những bài viết chống lại Tổ Quốc như thế này thì chúng tôi đã bỏ tù ông từ lâu rồi. Nhưng vì ông ở Ngoại quốc, không hiểu tình hình Đất Nước, thì chúng tôi có nhiệm vụ đả thông tư tưởng.

Vừa nói, họ vừa chỉ một chồng giấy in những bài viết trên mạng, đặt trên bàn. Tôi nói:

–  Những gì tôi viết đều dựa trên “thông tin” đăng báo của các anh; tôi không phịa chuyện để nói xấu Tổ Quốc. Các anh cứ việc hỏi, tôi sẽ trả lời. Xin nói để các anh biết rằng trước khi về đây, tôi đã báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Tòa Đại sứ Mỹ biết. Tôi phòng xa thôi; chứ không phải tôi sợ các anh thủ tiêu. Vì tôi biết các anh giết tôi, sẽ sai chính sách mở cửa của Đảng để đón “khúc ruột ngàn dặm” về xây dựng quê hương.

Nghe tôi nói tới đó, cả hai anh Công An cùng một lúc xua tay, nói:

–  Không! Không! Chúng tôi chỉ trao đổi quan điểm với ông thôi!

–  Thế thì OK! Chẳng qua vì số phận nghiệt ngã của dân tộc, mà chúng ta kẻ Bắc người Nam, trở thành thù nghịch nhau. Thế lực quốc tế chia cắt đất nước ta ra làm hai: Một bên được phong là “người lính Tiền phong”; một bên là “người lính Tiền Đồn”. Các anh hên, các anh thắng. Chúng tôi xui, chúng tôi thua. Nếu bên tôi thắng, tôi sẽ mời các anh đi nhậu bia thịt chó; chứ đâu có cảnh phải ngồi “làm việc” như thế này, phải không?

Vừa nói, tôi nghĩ thầm: “Các anh có cái quái gì mà trao đổi với tôi? Kể cả Nguyễn Khoa Điềm, Tô Huy Rứa là Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương cũng không không thể đấu lý với tôi được”.

Thật thế, anh Thanh Lâm ạ! Bởi vì tôi chỉ cần đưa ra câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn “Ta đánh Pháp, đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” là đủ cho họ cứng họng, đâu có chính nghĩa cao quý gì mà có thể giương danh, tự hào?

Bất ngờ, cuốn sổ tay nhỏ trên túi áo của tôi rơi xuống. Anh Công An cúi nhặt ngay, dở ra từng tờ để xem. Đó là cuốn sổ ghi số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà bà con, bạn bè và một số nhà đấu tranh dân chủ trong nước như: Hà Sĩ Phu, Nguyễn Quang A, Dương Trung Quốc, Vũ Cao Quận, Phạm Thanh Nghiên, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Đình Trọng, Tô Hải, Nguyễn Thượng Long, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Thị Công Nhân … và nhiều nhân vật nữa. Anh Công An xem xong, trả cuốn sổ lại cho tôi và nói:

 –  Những tên ông có trong cuốn sổ đều là những phần tử xấu, phản động, đừng nên tiếp xúc, liên lạc.

Tôi nói bông lơn:

–   Không có đâu! Anh họ tôi là Hùm Xám Đặng văn Việt, người hùng trong chiến dịch Cao Bắc Lạng, được “Bác Hồ” tuyên dương thì làm sao gọi là phần tử xấu, phản động cho được? Các anh có thấy không? Hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, khiến cho anh em trong nhà chém giết nhau, đâu có gì mà hãnh diện? Càng nghĩ, càng đau lòng thôi!

Cuộc trao đổi kéo dài khá lâu, chừng 90 phút, và khá lý thú. Hôm nào khỏe trong người, tôi sẽ tường thuật để anh Thanh Lâm và độc giả đọc chơi.

Tôi được người cháu con ông Anh Cả tôi đón về khách sạn, lúc bấy giờ khoảng 2 giờ sáng, trời mưa lâm râm, ánh đèn đường mờ nhạt, tôi chẳng thấy Hà Nội ra sao cả. Năm ấy tôi đã 71 tuổi, đi đường xa cũng hơi mệt. Sáng hôm sau thức dậy sớm, làm công tác vệ sinh xong, rồi tôi thả bộ sang nhà cháu gần đó, ăn sáng và nói chuyện gia đình.

Công An biết tôi về Việt Nam chỉ có mục đích tham dự buổi lễ chôn cất tro cốt anh tôi; chứ chẳng phải làm ăn buôn bán hay hoạt động gì khác. Có lẽ vì thế cuộc thẩm vấn, trở thành buổi trò chuyện bình thường, không có gì gọi là căng thẳng. Nhưng tôi vẫn phải cẩn thật khi di chuyển. Thỉnh thoảng ngoái nhìn lại để xem có ai theo dõi hay không.

Hai ngày sau, tôi nhận được điện thoại của một trong hai anh Công An, báo cho biết họ sẽ đến khách sạn gặp tôi để “trao đổi” tiếp. Tôi đứng trên lầu cao khách sản, nhìn xuống đường, xuyên qua cửa sổ, tôi thấy hai anh Công An đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng, trùm áo mưa, trông thật nghèo nàn, tội nghiệp. Xong, tôi đi thang máy xuống Lobby đón hai anh Công An. Cả hai tươi tỉnh chào hỏi tôi một cách vui vẻ:

 –  Thế nào? Bác Âu có ngủ được vì trái giờ giấc không? Bác Âu đã ăn sáng chưa?

Tôi cũng cười tươi và lịch sự đáp:

–  Vâng, cám ơn hai anh, tôi ngủ được và chờ hai anh đến để gọi khách sạn mang quà sáng lên phòng mời hai anh cùng ăn.

Tôi nhận thấy hai anh Công An đổi cách xưng hô, gọi tôi bằng Bác; chứ không bằng Ông như cái buổi “làm việc” ở phi trường. Hai anh có vẻ e dè khi tôi mời hai anh dùng quà sáng. Tôi bèn “địch vận”:

 –  Tôi đứng trên lầu cao, nhìn thấy hai anh đèo nhau trên xe máy, đến gặp tôi, tôi thương lắm. Con cái của các ông bà trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp Hành Trung ương Đảng sang Mỹ du học, ở nhà to, đi xe xịn, bao gái đẹp, mắt xanh, da trắng, tóc vàng sợi nhỏ ngon lành vô cùng. Con cái của các anh có được đi ra nước ngoài du học như mấy con của các ông, bà lãnh đạo không? Chắc chắn là không, phải không?

Hai anh Công An lặng lẽ nhìn nhau, không đáp. Tôi mời:

–   Thôi, chúng ta hãy ngồi vào bàn ăn để còn có thời giờ “làm việc”.

Hai anh Công An sửa lưng tôi:

–   Chúng ta chỉ trao đổi thôi, Bác Âu.

–  Xin lỗi! À, tôi quên, ừ thì trao đổi!

Sau đó, anh Công An lấy trong cặp ra một xấp giấy, cây bút nguyên tử, nói với tôi:

 –  Bây giờ Bác Âu viết quãng đời của bác từ lúc học Tiểu học, Trung học, Đại học và 13 năm lính trong Không Quân, mấy chục năm ở Mỹ của Bác làm gì.

Tôi vừa cười vừa nói:

–  Phải kê khai lý lịch như thế này mà các anh bảo là “trao đổi” à? Lâu lắm tôi không viết tay, quen đánh máy trên Computer, nên chữ viết tôi bây giờ rất xấu, các anh không đọc được đâu.

Anh Công An nhỏ nhẹ nói:

–   Bác Âu cố gắng chấp hành. Chúng tôi chỉ làm bổn phận với cấp trên giáo phó thôi. Bác Âu muốn viết gì thì viết.

Tôi phải viết thực, vì họ đã từng đọc những bài viết của mình trên mạng và họ cũng đã điều tra lý lịch của mình kỹ rồi. Tuy chưa bao giờ ở tù Việt Cộng, nhưng nhiều lần trò chuyện với một số anh em H.O. từng ở tù trong trại tập trung, tôi cũng biết một số kỹ thuật của mấy anh Công An. Dù được đối xử tử tế, nhưng phải luôn luôn cảnh giác, không thể để cho tình cảm chi phối mà bị sập bẫy. Sau khi làm bổn phận tường thuật “lý lịch trích ngang”, tôi giao nộp xấp giấy báo cáo cho họ bằng cái lối chữ viết rất nguệch ngoạc (squiggy). Họ cho ngay xấp giấy vào cặp, không cần nhìn vào. Anh Công An nói với tôi:

 –  Xin bác Âu cho biết cảm tưởng của bác thế nào khi về thăm Đất Nước?

Tôi đáp:

 –  Suốt mấy ngày ở Hà Nội, tôi chỉ ngồi nhà để chuyện trò với anh em, bà con dòng họ. Tôi cảm thấy họ hàng đều hết sức ân cần, không một ai xem tôi là “Ngụy”. Ngoài ra, tôi chẳng biết gì hơn, vì có đi đâu đâu mà biết tình hình đất nước như thế nào?

–  Thế bác Âu không thấy nhà cao cửa rộng, đường sá rộng rãi, xe cộ tấp nập là hình ảnh của đất nước giàu mạnh hơn thời kỳ chiến tranh Chống Mỹ hay sao?

–   Đồng ý rằng giàu thì có giàu hơn thời kỳ chiến tranh thực, nhưng bảo là mạnh thì không phải là mạnh. Bởi vì mạnh thì phải nói đến trình độ dân trí cao và sống có trách nhiệm với Cộng Đồng. Tuy chưa có dịp đi thăm dân cho biết sự tình, nhưng tôi có một cảm tưởng riêng mà nếu tôi nói thẳng ra thì hai anh sẽ không hài lòng.

–   Không sao! Bác Âu cứ nói thực ý nghĩ của mình. Chúng tôi xin ghi nhận.

–  OK! Nếu hai anh đã nói vậy thì tôi nói, nhưng hai anh đừng chột dạ nhé! Thứ nhất, tôi thấy trên đường phố, mấy anh Công an Giao thông đứng tụm vào nhau nói chuyện và hút thuốc lá, để mặc cho xe cộ không dừng khi đèn đỏ, chạy xe ngược chiều, bất chấp bảng cấm. Hai anh biết tại sao có tình trạng như thế không?

Anh Công An cứ bị nhiều lần tôi hỏi ngược, nên có vẻ sốt ruột, gay gắt gằn giọng:

–   Bác Âu nên nhớ, chúng tôi là người hỏi bác Âu để biết ý kiến; chứ tại sao bác Âu cứ hỏi  ngược chúng tôi hoài là nghĩa làm sao?

–   Ủa, các anh đã bảo đây là cuộc trao đổi thì các anh hỏi qua, tôi hỏi lại, mới gọi là trao đổi chứ; còn nếu tôi chỉ biết trả lời không thôi, thì đấy là cuộc hỏi cung với chấp pháp; chứ đâu còn là trao đổi nữa? Thứ hai, tôi nhận thấy những người bán hàng rong trên đường phố sau khi rửa chén bát vào cái thau xong, thì bưng thau nước tạt ra mặt đường, không cần biết mình đã làm mất vệ sinh cho người qua đường, mà kể cả bản thân mình nữa cũng bị hứng ô nhiễm lây. Đó là thói ích kỷ, sống chết mặc bây, thiếu tinh thần trách nhiệm với Cộng Đồng, thì đất nước không thể nào mạnh được!

–   Không! Không! Chúng tôi đã có kế hoạch làm cho mọi thứ ngăn nắp. Lần sau bác Âu có về nước thì sẽ thấy đất nước hoàn toàn đổi khác.

–   Các anh có Chính Quyền trên 21 năm, từ 1954 đến 1975; rồi 36 năm từ 1975 đến nay là năm 2011. Tổng cộng là 57 năm mà các anh chưa làm xong cái việc cỏn con ấy hay sao? Nếu tôi có Chính Quyền trong tay, chỉ cần ba tháng là xong ngay! Các anh có biết tại sao đất nước bị rơi vào tình trạng này không? Bởi vì “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”! như người xưa từng nói. Tại vì hai anh hứa sẽ không phiền lòng thì tôi mới dám nói sự thật. Hai anh còn muốn nghe tôi nói tiếp nữa không?

–   Bác Âu cứ tự nhiên tiếp tục. Chúng tôi xin nghe.

–  Hai anh có dịp xem Truyền hình nói về đứa bé 9 tuổi người Nhật xếp hàng chờ lãnh phần ăn, quần áo sau trận bão Tsunami không? Mặc dầu chứng kiến Bố Mẹ bị sóng thần cuốn ra biển, cậu bé vẫn tỉnh táo, không khóc lóc. Một thiện nguyện viên trông thấy cậu bé run cầm cập vì lạnh, đến đưa cậu lên phía trước để lãnh phần, nhưng cậu bé từ chối, đứng chờ cho tới phiên mình, không giành đặc quyền vì mình là trẻ con. Đó là sự biểu hiệu tinh thần của dân tộc, sức mạnh của đất nước nằm ở chỗ đó; chứ không phải hễ có nhà cao cửa rộng, xe xịn hay đeo vàng đầy mình là giàu mạnh. Hai anh hiểu không? Sở dĩ tôi viết lâu nay là muốn cho đất nước tiến lên về phía dân chủ, văn minh. Chứ  tôi tự biết sức mình, làm sao tôi có đủ sức để lật đổ Chính phủ của các anh cho nổi?

Anh Công An trẻ, mặt mày trắng trẻo, đeo kính có vẻ rất trí thức, không có dáng vẻ gì là tướng mạo Việt Cộng, nói:

–  Sau hai buổi tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy bác Âu là người yêu nước. Nhưng chúng tôi khuyên bác Âu khi về Mỹ thì đừng viết nữa. Hãy an hưởng tuổi già. Chúng tôi cảm thông tấm lòng của bác, nhưng nếu bác tiếp tục viết như trước thì khi bác về lần sau, chúng tôi không bảo đảm an ninh cho bác được.

 – Vâng, tôi biết điều đó lắm chứ! Hai anh yên tâm.

Hai chữ “yên tâm” không có nghĩa là tôi hứa sẽ ngưng viết những bài Chống Cộng. Nhưng dù có ngưng viết, tôi cũng sẽ không bao giờ trở về Việt Nam lần thứ hai, cho tới khi đất nước không còn chế độ Cộng sản. Dù chế độ hiện hành không làm khó dễ đối với một người già vô dụng như tôi, tôi cũng không về, vì bản tính của tôi không biết im lặng trước những điều chướng tai, gai mắt.

Nghe anh Công An nhìn nhận tôi là người yêu nước, tôi cảm thấy vui trong lòng, liền đưa hai tay ra bắt tay hai anh và nói:

–   Cám ơn hai anh! Hai anh đã đọc được tâm can của tôi! Đúng! Tôi chỉ là người yêu nước, ngoài ra tôi không có bất cứ tham vọng nào khác.

Nói xong, tôi bước tới mở va-li, lấy ra hai cây thuốc lá Winston và tiếp tục:

–   Đây là món quà của “khúc ruột ngàn dặm”, tôi xin tặng hai anh làm quà lưu niệm; chứ không phải là của hối lộ đâu nhé! Vì nó chẳng đáng gì để gọi là của hối lộ.

 –  Bác Âu có máu tếu thật! Thôi thì “Chùm khế ngọt” xin hân hạnh đón nhận món quà của “khúc ruột ngàn dặm” vậy!

Nhận thấy hai anh Công An cũng tếu như mình, tôi mời họ ngày mai đến dự buổi Đại tiệc tổ chức cuộc họp mặt hai dòng họ Đặng Văn – Cao Xuân. Hai anh Công An ngỏ lời cám ơn, nhưng không tới được, viện cớ vì bận công tác. Tôi biết họ đâu được phép đi dự tiệc một cách tự do, nếu chưa có lệnh của thủ trưởng.

Tôi biết trong số đảng viên cộng sản, vẫn có người tử tế. Nhưng bộ máy đảng không cho phép họ được sống tử tế theo đạo lý làm người. Giống như cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn văn An khi về vườn đã thú nhận: “Lỗi này là lỗi hệ thống” để ngầm nói lên tình trạng trì trệ của đất nước là do cơ chế. Anh nào có ý kiến đòi đổi cơ chế là tiêu ngay.

–  À! Tôi quên hỏi hai anh chuyện này. Ở Houston, tôi thấy có người thường xuyên cầm cờ vàng ba sọc đỏ đi biểu tình trước Tòa Lãnh sự của các anh. Thế mà họ vẫn đi đi, về về Việt Nam như đi chợ, có bao giờ họ bị các anh làm khó dễ gì đâu? Trong khi tôi chỉ viết lách lăng nhăng, chẳng bao giờ cầm cờ vàng ba sọc đỏ đi biểu tình, tại sao các anh chặn tôi ở Phi trường và đến khách sạn làm việc như thế này?

–  Chúng tôi không đặt nặng vấn đề người Việt ở nước ngoài biểu tình. Tôi phải gặp gỡ những người viết như bác để đả thông tư tưởng. Bởi vì những bài viết thuộc loại như của bác, rất không có lợi cho tư duy của thanh niên trong nước.

–     Các anh bày đặt quan trọng hóa! Bài viết của tôi đâu có ảnh hưởng gì đâu mà các anh lo. Vả lại, những người tiếng tăm viết thì mới đáng lưu ý. Còn tôi chỉ là loại tép riu. Nếu chế độ làm tốt cho dân thì lo sợ gì các ông bà Chống Cộng ở Hải ngoại?

Cuộc trò chuyện lai rai như thế mà mất 4 giờ đồng hồ vẫn chưa xong. Tôi cảm thấy đói bụng, mời hai anh Công An đi ăn. Hai anh Cộng An từ chối, đồng thời cáo từ ra về, nhưng không quên dặn dò lần chót: “Bác Âu nhớ nhé, về Mỹ đừng viết lách gì nữa nhé!” Tôi đáp: “OK!” Rồi tiễn hai anh ra cửa. Tôi cũng rời khách sạn, đến nhà người cháu và ăn buổi trưa. Tôi thuật lại buổi làm việc với hai anh Công an cho cháu nghe.

Sau ngày dự Đại tiệc Hội ngộ hai gia đình Đặng Văn – Cao Xuân, cháu tôi thuê hai chiếc xe lớn, đưa tất cả bà con họ Đặng về làm giỗ Đại Tôn tại nhà thờ Họ ở Nghệ An và làm lễ chôn tro cốt của anh tôi. Chẳng hiểu, lúc tôi chết, tro cốt của tôi có được chôn chung tại nghĩa trang dòng họ hay là đất nước đã bị thuộc về Trung Cộng?

Tôi bị vợ đòi ly dị, vì bị một người anh em Không Quân rất thân thiết “bỏ bom” một cách hết sức tai hại. Giải thích đến thế nào, vợ tôi cũng không tin tôi mà chỉ tin cái người anh em Không Quân đó, cho rằng anh ta rất có uy tín, không lý do gì lại đâm sau lưng tôi lút cán. Âu là số trời đã định. Tôi chẳng hề trách móc một lời nào đối với người anh em Không Quân đã bịa chuyện hại tôi. Xin kèm theo đây mẩu chuyện có tựa đề “Định Mạng An Bài” để anh Lê Thanh Lâm và độc giả tiêu khiển:

https://khongquanc130.blogspot.com/2020/04/inh-menh-bai-bang-phong-ang-van-au-ban.html

Bài này đã được đăng trên Kỷ Yếu Không Quân Khóa 62B, nhân dịp chúng tôi có cuộc Hội Ngô vào năm 2012, kỷ niệm 50 bước vào đời quân ngũ. Sau đó, có nhiều tờ báo giấy, báo mạng đăng tải.

Tôi nghĩ cuộc đời của mỗi người đều có một số phận do sự xếp đặt từ Ơn Trên. Nếu không, làm sao bà thầy bói Bụi biết được tương lai chúng tôi mà tiên đoán một cách chính xác đến thế? Người “fiancée” cũ của tôi  xin đi du lịch từ Việt Nam sang Mỹ để dự buổi họp mặt Quốc Học – Đồng Khánh. Khi nàng gặp gỡ lại tôi, thì ở lại luôn; chứ tôi không mất công đi đi, về về Việt Nam để lo việc hôn nhân như những người Việt khác về Việt Nam lấy vợ. Tôi hơn vợ tôi 5 tuổi, năm nay nàng đã 75 tuổi; chứ không còn là em bé chân dài như một số người thù ghét tôi, vu khống những điều không đúng sự thật. Muốn biết tôi về Việt Nam chính xác bao nhiêu lần, thì chỉ cần hỏi Bộ Di trú của Hoa Kỳ là biết ngay. Tôi luôn luôn hành xử quang minh chính đại, không làm điều gì khuất tất có hại đến danh dự Quân Đội, Quốc Gia.

Còn cái việc tại sao tôi viết bài Chống Cộng quyết liệt như thế mà về nước không hề bị chế độ làm khó dễ? Tôi cũng chẳng hiểu. Bởi vì đối với Việt Cộng, chẳng có gì là tiêu chuẩn để so sánh. Thiếu gì ông Chủ tịch đoàn thể Chống Cộng, tiếng tăm nổi như cồn, vẫn về thoải mái đi đi, về về Việt Nam đấy thôi! Phân biệt đối xử là cái mánh của họ!

Ví dụ: Hai người bạn đồng tù, bí mật bàn tính nhau trốn trại Tập Trung. Chẳng may bị bắt lại. Một người bị cùm cát-xô; một người được đi lại thong thả như khi chưa trốn trại. Với sự kiện đó, người tù bị cùm liền nghĩ ngay thằng bạn mình là đồng lõa của Việt Cộng, cố ý làm hại mình, mà không ngờ đó là trò phân hóa, gieo nghi ngờ của Việt Cộng.

Ví dụ: Một người tù bị quản giáo kêu lên làm việc. Chỉ ngồi hút thuốc lá và uống trà với cán bộ. Chả có khai báo gì cả, rồi cho về phòng. Anh em bạn cùng tù hỏi thăm, thì người bạn tù kể lại đúng như thế. Hôm sau, cán bộ quản giáo gọi người tù khác lên làm việc. Mở đầu, cán bộ quản giáo bảo:

 –  Anh Nguyễn văn X. hôm qua gặp chúng tôi đã khai báo đầy đủ về anh rồi. Bây giờ anh hãy khai báo thành thật cho chúng tôi biết.

Thế là người bạn tù nghĩ ngay đến anh Nguyễn văn X. phản bội mình, làm “ăng-ten” cho giặc. Từ đó, anh bạn tù không bao giờ nhìn mặt anh Nguyễn văn X.

Tôi biết một ông Chuẩn Tướng Không Quân về Việt Nam cưới vợ cho con trai, nhưng chẳng bị Việt Cộng làm khó dễ, thì đâu phải ông Chuẩn Tướng tư thông với Việt Cộng?

Chắc chắn, kỹ thuật phân hóa, chia rẽ là chiến thuật trường kỳ của Việt Cộng. Bạn tôi, Trung tá Thủy Quân Lục Chiến nổi tiếng “Sát Cộng” và nhiều người bị kết tội có nợ máu với nhân dân vẫn về Việt Nam thoải mái đấy thôi!

Thiếu tướng Kỳ mất ở Mã Lai vào ngày 23 tháng 7 năm 2011. Cuối tháng 8 năm 2011 tôi mới về Việt Nam. Thế mà có đứa vẫn vu cho tôi theo Tướng Kỳ về Việt Nam làm ăn với Việt Cộng! Đã dấn thân vào đường Chống Cộng, tôi rất ý thức sẽ bị bọn “Dư Luận viên” cộng sản bôi nhọ. Tôi viết thư này trả lời anh Lê Thanh Lâm không hề có mục đích phân trần điều gì cả. Tôi chỉ muốn nói rằng kỹ thuật phân hóa là ngón nghề của Việt Cộng để người Quốc gia đừng mắc mưu, khiến mất đoàn kết.

Đối với tôi, không có sự dối trá nào có thể giấu kín mãi mãi. Vì thế, tôi chủ trương công khai, trung thực, chẳng làm điều gì khuất tất thì về lâu về dài mọi người sẽ hiểu mình, kính trọng mình. Tôi coi lòng tự trọng cao hơn mọi thứ trên đời. Tôi coi Phùng Quán, tác giả bài thơ LỜI MẸ DẶN là lý tưởng sống của tôi. Rồi đây, tôi sẽ thuật cho mọi người biết cuộc tranh luận của tôi với Tướng Kỳ trước khi ông về Việt Nam. Nếu ông Kỳ về Việt Nam để hòa giải hòa hợp với Việt Cộng thì tôi cũng chống. Lập trường dứt khoát của tôi là không đội trời chung với Việt Cộng, cho đến chết!

Bằng Phong Đặng văn Âu
Ngày Thứ Bảy 11 tháng Tư năm 2020
Địa chỉ email: bangphongdva033@gmail.com
Số điện thoại: 714 – 276 – 5600
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn