Trong vài năm gần đây, hơi bị nhiều những dự án điên của chính quyền Việt Nam bị đa số nhân dân, đặc biệt là những tướng lĩnh, trí thức, đại biểu quốc hội có tâm với đất nước lên án gay gắt. Tuy nhiên, xem ra tất cả những lời cảnh tỉnh lên án ấy có vẻ như là "nước đổ đầu mượt", những kẻ tham danh hám lợi cá nhân vẫn không ngừng tìm đủ mọi cách để những dự án điên được thực thi. Nhưng rồi, người bảo không xong thì trời ra đòn cảnh tỉnh.
* * *
Đó là vụ vỡ bể chứa bùn đỏ ở xứ Hung-ga-ry bên trời Âu. Rất nhiều người (Việt) giật mình hoảng sợ, bởi vì, dù chỉ là nước kém phát triển của châu Âu nhưng người Hung chắc chắn hơn người Việt từ trình độ khoa học, năng lực kỹ thuật cho đến ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Vậy mà sự cố vẫn xảy ra. Thế thì chẳng có gì đảm bảo mấy cái bể chứa bùn đỏ bauxit ở Tây Nguyên - Việt Nam là tuyệt đối an toàn. Đặc biệt là khi tệ nạn tham nhũng, xây dựng gian dối đang là một trong những bệnh khủng ở nước Việt.
Mới gần đây thôi, đập Hố Hô (Hà Tĩnh) không có nguồn phát điện dự phòng. Kết quả, khi mưa to lũ lớn, mất điện, không mở được cửa xả, lũ dâng tràn đập, suýt nữa thì vỡ. Ấy vậy mà cách đây vài hôm, đang lúc cơn lũ lần hai lan tràn khủng khiếp, phó chủ tịch tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện không có ai trực canh ở đập. Thế thì với bauxit Tây Nguyên, ai dám đảm bảo chắc chắn là luôn luôn có người coi sóc cái bể chứa đầy chất thải nguy hiểm, ngăn ngừa kịp thời mọi bất chắc?
Cũng qua vụ việc tràn bùn đỏ tận xứ Âu châu, nhiều dân ta mới hay rằng trong thứ chất thải này có nhiều chất độc, hít phải bụi bùn đỏ là có thể có nguy cơ ung thư cao, không gì chữa được. Bùn đỏ từ Hung - ga - ry tràn ra sông Đa-nuýp, người châu Âu văn minh hiện đại chặn được ngay, nhưng vẫn có người chết và một số di hại. Giả sử không may bùn đỏ từ Tây Nguyên tràn qua sông Đồng Nai thì người Việt (năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm kém hơn người Âu nhiều) có chặn được không? có xử lý kịp thời và triệt để không?
* * *
Đó là vụ bão lụt Nghệ - Tĩnh - Bình đã và đang xảy ra mới đây. Cách đây chưa lâu, chính quyền tìm đủ cách ép quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dù dự án bị rất nhiều người phản đối vì tốn tiền và kém hiệu quả. Khi quốc hội bác bỏ, người ta lại tìm cách hoãn binh, đi đường vòng, "không làm toàn tuyến thì làm hai đầu, Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang".
Bây giờ, mưa lũ làm tê liệt đường bộ, trôi luôn cả đường sắt, từ Quảng Bình ra Nghệ An coi như chịu cứng, phải tăng bo bằng xe khách, thậm chí từ Vinh ra Hà Nội cũng có lúc tạm thời không dùng đường sắt được. Không biết các vị yêu đường sắt cao tốc có còn tiếp tục gân cổ bảo vệ cái dự án điên này nữa không?
Cũng qua đợt mưa lũ này, thực tế chứng minh cho thấy đường sắt, đường bộ vô dụng trước thủy tai. Thậm chí cả phương tiện thủy cũng thành vô dụng trong một số trường hợp. Đã và đang có hàng ngàn hộ dân ở hàng chục xã trong vùng lũ bị cô lập với bên ngoài, tàu xuồng không ra vào được vì sợ chân vịt vướng vào dây cáp, dây điện. Xuồng cao tốc đang phóng nhanh mà gặp dây cáp cản ngang thì lật nhào ngay. Phương tiện cứu nguy hữu hiệu là đường không, nhưng ta chỉ có mỗi thứ là trực thăng mà thôi và cũng không có nhiều.
Về giao thông, đã đến lúc Việt Nam phải xem xét nghiêm túc việc xây dựng tuyến giao thông qua Lào và Kampuchia, bởi vì thời tiết khí hậu còn nhiều biến đổi khắc nghiệt mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cái này là kết nghiên cứu khoa học quốc tế nghiêm chỉnh chứ không phải là cảm tính nói phóng đại kiểu "tay mơ". Song song đồng thời với việc tìm và xây dựng thêm đường bộ mới, đường sắt mới là tích cực phát triển vận tải hàng không. Gần đây, không chỉ Mỹ, Canada, Nga mà cả Úc cũng đang nghiên cứu phát triển phương tiện hàng không kiểu mới, ta nên tham khảo và hợp tác ứng dụng.
* * *
Đó là hàng loạt công trình to đẹp hoành tráng mới, sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng và có nhiều bất cập ảnh hưởng đến đến đời sống và môi trường. Tượng đài Điện Biên Phủ vừa qua lễ đã nứt vỡ, hoen gỉ, lún sụt. Đại lộ Thăng Long vừa khánh thành rất oai nhưng đầy bụi bẩn và người tham gia giao thông đã vào rồi là không thể tìm được lối ra, phải nhờ dịch vụ khênh xe vượt rào. Công viên Hòa Bình (Từ Liêm - Hà Nội) cũng vừa khánh thành rầm rộ đã vội nhếch nhác, xuống cấp. Có lẽ Hà Nội mở rộng đến tận Ba Vì như người ta đang cố làm chắc rồi cũng thế thôi, chẳng hơn gì.
Có không ít người nói rằng, cộng sản Việt Nam nói thì hay, vẽ ra đồ án thì đẹp, hứa hẹn tương lai cực tốt nhưng làm không tốt và kết quả phần nhiều tai hại hơn là mang lại lợi ích cho nước cho dân. Không biết thực tế như vậy đã đủ để dẹp luôn mấy phương án cướp đất của dân để xây nhà, làm phố, mở rộng thủ đô hay chưa?
Nói đến đại lộ Thăng Long, tiện thể nhắc luôn đến chuyện làm đại lễ ngàn năm tốn khá nhiều tiền bạc và cũng có nhiều người không đồng tình, bởi nước ta còn nghèo, dân Pô Kô và nhiều vùng khác còn thiếu cầu, thiếu đường, Sài Gòn còn thường xuyên bị úng lụt... Ví thử, chỉ một phần năm số tiền ấy thôi, đem đầu tư củng cố cho Miền Trung thì có lẽ thiệt hại do mưa lũ sẽ được giảm thiểu đáng kể, chứ không to lớn như hoàn cảnh bây giờ hàng vạn hộ dân Nghệ - Tĩnh - Bình đang phải gánh chịu. Bão Megi mà nó vào nữa thì dân tị nạn không biết chạy đi đâu?
* * *
Rồi đây, chắc chắn thực tế còn cho ra nhiều bài học nữa. Đó có thể là sự tai hại của các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Đó có thể là sự tụt hậu thảm hại và nghiêm trọng về giáo dục và phát triển bởi sự bưng bít thông tin. Đó có thể là sự rối loạn xã hội không khắc phục nổi vì độc quyền chính trị, nuôi dưỡng dung túng quan liêu tham nhũng lạm quyền . .v.v. . Nhưng cầu mong rằng: Trong những cánh rừng nơi đồi núi xa xôi (mà chính quyền cộng sản đã và đang cố ý cho thuê) đừng có nhiều quân binh và dân binh của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc.
Anh Tâm
Theo Dân Luận
Gửi ý kiến của bạn