BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77088)
(Xem: 63199)
(Xem: 40597)
(Xem: 32236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùa Xuân Qua Đèo

07 Tháng Hai 20207:22 SA(Xem: 2591)
Mùa Xuân Qua Đèo
50Vote
41Vote
30Vote
21Vote
12Vote
24

Hồ về tới phi trường tỉnh, trời đã quá trưa. Hai người Mỹ trên chiếc trực thăng lại ngồi xuống trên cát phơi nắng uống Coca như lúc ở sân bay của Lực lượng Đặc biệt. Hồ và người đồng hành vừa kịp làm quen chia tay nhau ở cổng phi trường. Quận lỵ cách đây không đầy bốn chục cây số sau mười phút bay đã thành một vùng đất dĩ vãng có những này cuối năm ra sân bay ngóng một chuyến về vô vọng. Nỗi vui mừng lúc được chui vào máy bay và điều lo ngại sẽ phải ăn Tết ở tỉnh đã đẩy lùi thiệt mau những điều thuộc về mấy ngày hôm trước.

Hồ giục người phu xe đạp mau về bến xe. Giờ này làm gì còn một chuyến xe khởi hành để băng qua hơn trăm cây số đường núi. Nhưng biết đâu. Chuyến phi cơ vừa rồi đã là một sự bất ngờ. Biết đâu… Hồ móc sẵn tiền xe cầm tay. Tới bến. Hồ nhảy xuống xách sắc lại gần hai chiếc xe hơi không người. Hồ nhìn quanh tìm chủ xe. Không có ai. Bàn bán giấy có người đàn bà đặt một thúng nem, giở khăn bịt lại đầu. Trời nắng vàng thoảng những hơi gió lạnh.

“Có còn chuyến xe nào chạy về… nữa không bà?”

Hồ hai lần hỏi người đàn bà. Người đàn bà tò mò nhìn Hồ, giọng chểnh mảng:

“Giờ này đâu còn xe…”

quangngaixua-xelamtrenduongquoclo1-300x201Hồ châm một điếu thuốc hút một hơi dài. Trên con đường vòng ngoài thị xã, những chiếc xe Lam-bét-ta ba bánh đầy người và hàng hóa ì ò chạy về các làng lân cận. Chỉ những người về ăn Tết muộn cách tỉnh một vài đoạn đường ngắn còn có xe đi. Hồ sang đường kiếm một tiệm nước ngồi uống. Chiếc sắc được đặt dưới chân Hồ không còn là một sự thôi thúc như trong những ngày gần đây. Hồ uống nước chậm rãi, hút từng hơi thuốc dài. Một phòng ngủ ở bên kia đường, sau tấm cửa xếp đóng nửa chừng, có những chậu thược dược đầy bông đặt trên nền gạch bông. Một đám người bao quanh một đống dưa hấu ở gần lối vào bến xe. Những người đi trên đường đều có vẻ vội vã.

Hồ đi sâu vào trung tâm thị xã. Những chiếc xe vụt qua, những người đi rảo bước chỉ gợi được những giờ cuối cùng trong năm đang trôi màu, không lấp được nỗi vắng vẻ. Thị xã thường ngày nhộn nhịp được là nhờ những công chức đã về ăn Tết. Họ chiếm số đông, đa số còn trẻ. Hồ không muốn gặp mặt một vài đồng nghiệp địa phương lúc này. Hồ với họ không có những điểm chung nào để họ có thể hiểu việc biểu lộ lòng ái ngại của họ là vô lý.

Hồ vẫy một chiếc xích lô về nhà một bà chủ nhà hồi Hồ còn ở thị xã. Con đường nhỏ nhiều ổ gà và đám trẻ nít nô giỡn hoảng hốt nhảy rạt sang hai bên tránh xe vẫn không thay đổi. Hồ nghĩ mình sẽ về nhà trong chuyến xe đầu tiên năm mới. Lúc đó, những đồng nghiệp Hồ có thể đã lục tục tính chuyện trở về nhiệm sở. Tâm trạng Hồ lúc bước lên chiếc trực thăng Hồ vẫn chưa quên. “Thoát.” Hồ như sẽ không có ngày phải trở lại nơi đó nữa. Nếu không ở trong tuổi quân dịch, Hồ có thể bỏ ra ba, bốn… nếu cần nửa năm lương để không bao giờ còn bận tâm tới vùng đó. Gần trọn một tháng nay Hồ mong có máy bay về. Quần áo đã sửa soạn đầy đủ. Những câu tiếng Mỹ để xin được lên phi cơ đã nằm lòng. Một tuần lễ chầu chực ở sân quận với gia đình những viên chức hành chính, với vợ con quân đội, với một hy vọng mong manh mình sẽ có ưu tiên. Những bộ mặt hoan hỉ sau cái gật đầu của người Mỹ có thể đếm trên ngón tay và in đậm trong đầu người ở lại. Những vẻ lo lắng, mệt mỏi mỗi ngày một tăng. Người chờ máy bay một ngày một nhiều. Hồ thấy một bà mẹ đứng sau đoàn người đổ xô lại gần viên phi công bấm móng tay sơn đỏ vào mông đứa con gái sáu tháng để thay cho tiếng nói quá nhỏ một quân nhân đã đứng nghiêm, thuật lại chín trận đánh có mình tham dự với quận trưởng, mắt lét thường trực về chiếc trực thăng và đám đông. Hai thiếu nữ áo dài màu hường, màu trắng hờn dỗi với người Mỹ ngơ ngác. Một đứa trẻ đã bị cả đám đông nguyền rủa đòi tát tai vì đã lén trèo lên phi cơ làm người Mỹ nổi giận. Số người ngày ngày ngong ngóng chờ đợi tăng dần, lòng hy vọng vào sự may rủi giảm sụt sau những lần bụng đói, uể oải khoác sắc đứng lên về nhà trọ trả thêm bốn chục đồng tiền cơm để sáng mai lại đeo sắc, lại nghe lời chúc may của chủ nhà. Trước những người dân ở đây, Hồ bị ám ảnh mình là người giàu có. Mua một con gà giò, hai trăm và một chục tiền “mượn trẻ nhỏ đi bắt”. Gà chưa bắt được, lối xóm chạy tới bao lấy Hồ khen gà mập, thịt ngon, giá “bán cho người quen”. Đến nhà quen được mời ăn tu-ma, Hồ phải gặng hỏi trả tiền chủ nhà mới chịu nói rõ năm đồng một trái. Có người từ xa tới vào một căn nhà xin nước uống, chủ nhà đem gáo giấu một chỗ. Đồng tiền thành một liên lạc duy nhất giữa họ với người khác. Đời sống đương nhiên trở thành đơn giản. Nhưng với những người ở trong quận lại không thế. Nhiều lần Hồ đã ân hận vì quen biết họ. Một người dân vệ một đêm bỗng bỏ trốn để mấy hôm sau thành một “kháng chiến quân” thường xuyên đón xe ở cái dốc cách quận cỡ mười cây số. Trong quận không ai không biết có lần Hồ đã mời hắn uống la-de ăn bún bò. Những lần có việc phải vào quận, Hồ thấy có nhiều con mắt nhìn mình khác thường, những con mắt của mấy viên chức đã được Hồ mời cùng một bận với hắn. Và hắn cùng “đồng chí” chắc chắn sẽ có những con mắt tương tự và một phát súng thích hợp nếu Hồ gặp vào những hôm phải qua con đường dốc. Ban đêm, nằm ở những chỗ ngủ không nhất định, Hồ nghe chó sủa và lập lại dự đoán của mình.

Chiếc xe dừng trước một đầu ngõ nhiều bóng dừa. Hồ trả tiền, xách sắc bước vào. Hồ đẩy một cánh cổng chằng kẽm gai. Hà – con gái út bà chủ nhà – đang phơi mẹt mứt bí ở ngoài sân, quay ra kêu kinh ngạc:

“Anh Hồ.”

Hồ hỏi:

“Má đâu? Anh Tước đâu em?”

“Má ra dọn hàng cho chị Hòa. Anh Tước đi chơi. Anh không về nhà ăn Tết?”

“Ở lại ăn Tết với bà má với mấy em cho vui.”

Hà dàn những miếng mứt đậm đường trắng thô lớn, cười:

“Anh chỉ ưa nói láo. Về nhà ăn Tết với chị, anh buồn chắc?”

Hồ vừa vào trong nhà vừa nói:

“Anh nói lộn. Ăn Tết ở đây cho nó lạ.”

Căn phòng Hồ bước vào là một khúc nối của ngôi nhà trên. Một ngôi bàn thờ lư đồng sáng loáng, bánh xếp chồng, hoa huệ trắng muốt và một chiếc bàn phủ khăn sặc sỡ sau một chậu thược dược bông lớn chiếm hết căn phòng. Hồ vén tấm ri-đô nhạt màu nhìn xuống cái chái kế bên thấy có một góc trống. Chắc hàng của Hòa sẽ để đó. Mỗi năm Hòa dọn hàng về nhà hai lần. Vụ lụt và những ngày nghỉ Tết. Ngày thường, Hòa về chợ như một nữ công chức về sở. Hàng trong gầm sạp khóa kỹ có cảnh binh coi ban đêm.

Hồ rót một ly nước, ra hiên ngồi sưởi sáng. Một hàng trụ gạch vuông mới quét vôi chạy tới đầu nhà trên.

“Mấy người thuê nhà về hết rồi sao em?” Hồ hỏi.

“Mấy anh đó về từ hôm hai lăm. Năm bữa nay rồi.”

Hà nhón một miếng mứt mang đưa cho Hồ:

“Mời lén anh một miếng. Anh ăn lẹ, coi chừng bà má về la em.”

Hồ bẻ đôi miếng mứt đưa cho Hà một nửa:

“Mỗi anh em một miếng cho công bình.”

Hà ngồi tựa vào trụ gạch vừa cắn từng miếng nhỏ vừa nhìn Hồ tủm tỉm cười. Nước da Hà nom thật mát. Còn kéo dài tình thế này, hai ba năm sau, về nhà này, Hồ sẽ ăn Tết với một thiếu nữ có duyên. Hồ hỏi Hà chuyện học hành, chuyện bà má. Hà nói luyên thuyên, cười luôn miệng. Khi bà má về, thấy Hồ bà la từ ngoài cổng: “Lỡ xe rồi ông? Lỡ xe rồi ông?” Bà gánh hai bó hàng quết đất, chân bước rầm rập, mồ hôi tháo đầy sống áo. Bà vào nhà nói Hồ năm trước ở đây, “Có Tết nào mà ông ở lại với mẹ con tôi đâu. Bây giờ xa xôi lại về đây ăn Tết bất tử. Muốn chuộc lỗi đó sao ông?” Bà cụ thật ồn ào, Hồ chỉ cười gật đầu. Ngày còn ở đây mỗi khi muốn vui, Hồ chỉ việc gợi chuyện cho bà cụ để thấy vui, không ai bị thất vọng. Nói chuyện một lát, Hồ lấy quần áo ra giếng tắm sợ hết nắng, trời lạnh.

Lúc bà má mổ gà cúng Giao thừa, Hà xách nước tưới những chậu bông trước sân. Hồ nói với bà mình ra phố có chút việc, không ăn tối. Trong các ngõ, trẻ con như đông hơn. Một vài đứa mặc áo mới nắm dây bong bóng bay. Ngoài phố, có nhiều cửa tiệm lục đục đóng cửa. Hồ mua một hộp bánh biếu bà cụ rồi ghé tiệm hớt tóc. Tiệm vắng, không được quét dọn sạch sẽ. Ông già chủ tiệm đang ngồi trước gương vắt chân đọc một tờ báo Xuân. Thấy Hồ, ông già lật đật tụt xuống, tươi cười nhường chỗ. Hồ cầm tờ báo kiếm một truyện ma đọc. Ông già yên lặng làm việc, không có vẻ vội vàng. Tóc Hồ hớt xuống cả đống trên khăn choàng. Hồ cười nhớ hồi còn nhỏ hớt tóc để ăn Tết. Vợ Hồ chắc sẽ lại có chuyện để nhạo Hồ. Hồ nhớ lần về trước cũng hớt tóc ở đây và phải lấy báo che mặt sợ đồng nghiệp nhận ra. Lần đó Hồ về ở nhà nửa tháng. Buổi sáng, hôm ra đây, vợ Hồ dậy từ bốn giờ sửa soạn hành lý cho chồng. Hồ tỉnh giấc không thấy vợ bên cạnh tự nhiên thấy thất vọng. Lúc vợ Hồ ở ngoài lên tiếng đánh thức, Hồ làm bộ ngủ. Vợ Hồ phải vào giường lay gọi. Hồ ngập ngừng kéo vợ nằm xuống giường. Vợ Hồ vùng vẫy gắt: “…Gì mà dữ vậy?” Hai tay Hồ ôm vòng lưng vợ kéo xuống. Người vợ hai chân vẫn đứng dưới đất, một tay cố gỡ, một tay đẩy mạnh xống ngực Hồ. Hồ bỏ lỏng vòng tay cho vợ thoát ra ngoài mùng, thấy đau ngực và giận nghẹn ngào. Lần đó ra tới đây, chờ xin máy bay về quận, Hồ bị gọi lên Ty vì tội bỏ nhiệm sở cả tháng trời. Trước mặt ông Ty, Hồ nói, cặp mắt trũng sâu ngơ ngẩn: “Xa vợ cả năm trời, nhớ quá không chịu nổi. Khổ quá hóa liều, xin bác thương.” Bây giờ, thời gian đó đã xa đằng đẵng. Vợ Hồ, đêm nay biết đâu chẳng khóc.

Hồ ra khỏi tiệm hớt tóc, ông già bắt đầu đóng cửa tiệm. Mái tóc hớt cao, những chân tóc vừa cạo bắt lạnh. Hồ cầm hộp bánh băng ngang đường, sang một phố khác. Buổi chiều cuối năm có những giờ nắng chói, vàng rực. Bây giờ, đã dịu. Hơi lạnh bắt đầu trở nên đậm. Hồ bước mau qua những khu phố vừa đóng cửa có những chậu cúc, thược dược bày trước nhà. Ở công viên cuối thị xã có người đông. Người và xe hai bánh chật trên các lối sỏi. Một chiếc xe bán bong bóng bay đậu ngay lối ra vào. Hồ để hộp bánh sau lưng, len vào vòng người nhìn xác chết. Có phải hắn đó không? Hắn nằm ngửa trên sỏi, đầu vẹo, hai tay úp lên rốn, hai chân dạng hai bên. Bộ mặt xanh khô hai đường xương gò má nhô cao. Hai mắt trũng như nứt phơi một phần con ngươi nhợt. Chiếc mồm nhô hàm răng hô. Kẽ mép do một kẻ tinh nghịch nhét một mẩu thuốc lá chỉ còn vòng giấy cháy đen và lớp tàn dính vào lợi. Tấm áo vải bô hai vạt nằm sang hai bên sườn để lộ cái bụng căng. Nơi thắt lưng một đầu ruột phòi tím bầm bên một đầu máu khô và đất. Hai bên có những ô vuông tím. Hồ ra khỏi vòng người, cảm thấy buồn mửa. Mùi hắn thật nặng nề đến nhức đầu. Người ta nói hắn và hai tên nữa võ trang súng “côn” chặn xe Lam-bét-ta ở Cây số Bảy. Trong xe, có một quân nhân mang trung liên. Hắn là trung đội trưởng. Để đó cho đồng bào coi.

Hồ bước mau ra cửa công viên, dừng lại bên xe bong bóng, cúi xuống hông xe châm một điếu thuốc. Hồ lên một chiếc xe bảo chạy tiếp con đường Hồ đi dở dang. Hồ xuống chỗ đầu xóm, đi bộ vào nhà ông lão có hai cây dừa. “Thầy uống la-de?” ông lão hỏi. Hồ lắc đầu, kéo ghế ngồi. Ông lão xách nón ra ngoài ngõ. Căn phòng lợp lá, tường đất mới quét vôi có một tấm màn gió chia đôi. Những ngày chầu chực chờ máy bay không phải chỉ để về đây bồn chồn nhớ vợ. Hồ nghĩ và thấy nhớ vợ nhiều hơn. Những ngày gần đây, vợ Hồ đã làm gì với số thì giờ nghĩ về Hồ và đi ra đi vào trông đợi. Đêm nay có đám tam cúc nào để một chân cho vợ Hồ không.

Ông lão trở về có hai người đàn bà áo ngắn theo sau. Người đàn bà mặc áo chửa lại gần Hồ, cúi xuống hôn má Hồ và cầm tay đặt lên bụng mình. Hồ xoa tay lên lớp áo mỏng hỏi:

“Bầu mấy tháng rồi?”

“Ba tháng… đang mọc tóc.”

Hồ kéo ghế cho người đàn bà ngồi. Ông lão hỏi:

“Thầy chịu cô này?”

Hồ quay lại nhìn người đàn bà đứng ở ngoài cửa, hai tay chắp sau lưng, chân dún đẩy, nhìn bâng quơ.

“Chịu.”

Hồ nói nhỏ giọng, Ông già và người đàn bà kia đi ra. Người đàn bà có bầu vạch tấm màn gió nhìn vào rồi ra khóa cửa. Hồ cản lại:

“Có ra ngoài lấy… gì thì lấy đi. Ở đây tới tối được chứ?”

Người đàn bà ra gọi ông già vào. Ông già nói, Hồ gật liên tiếp. Lúc ông già ra, người đàn bà đã sửa soạn xong, ra khóa cửa. Hồ dìu người đàn bà vào sau tấm màn gió. Bên người đàn bà, Hồ thấy mình quên được nhiều thứ. Tới khi người đàn bà đẩy tấm cửa nhỏ trên vách kêu “sắp tối”. Hồ ngủ lơ mơ và không buồn mở mắt. Người đàn bà lưng quay vào vách chống tay tò mò nhìn Hồ. Môi Hồ hé mở, mặt Hồ nom dài, gầy guộc. Chiếc gối của Hồ đầy phấn và tóc vụn.

Lúc Hồ trở dậy, trời tối thui. Người đàn bà đã thắp một cây đèn bóng dài để ở giữa bàn. Hồ đưa tiền và chìa môi cho người đàn bà hôn rồi lại gần ánh đèn, tháo mấy sợi thun bao lại hộp bánh.

Hồ bước ra đường mới thấy rùng mình vì lạnh. Hai bên ngõ, qua những hàng rào bóng cây tối thui. Hồ thấy những trang thờ ở ngoài trời, trong vườn, trước sân có ánh đèn, mùi nhang và hương hoa cúc. Giờ này vợ Hồ hết còn mong Hồ về. Có một sự yên lặng lạ thường. Người đàn bà có bầu vừa rồi hay ý nghĩ vợ hết còn trông đợi bồn chồn đã tạo trong lòng Hồ nỗi bình thản vắng ngắt đó. Ý nghĩ chua xót nào, cảm tình đau đớn nào rồi ra cũng có lúc mệt mỏi ngã quỵ như một người đàn bà khóc chồng, mắt ướt khép dần theo giấc ngủ. Đã bao lâu nay Hồ dự tưởng một cái Tết xa vợ và sau những ngày rượt đón những chuyến xe muộn, dự tưởng đó trở về nhập với hiện tại. Tâm trạng Hồ lúc tưởng tượng mình xa lạ với niềm vui ấm cúng của mọi người trong đêm Giao thừa đầy chua xót và sợ hãi. Bây giờ nỗi chua xót mỗi lúc lắng dần, lắng dần, chỉ còn khiến Hồ lờ mờ thấy bước chân mình có những bước chân ngậm ngùi. Hồ mệt mỏi thấy mình không thể nghĩ tới ai được một lúc lâu như ngày thường. Trong nỗi bình thản vắng ngắt, mơ hồ những bước chân ngậm ngùi đó, Hồ thấy mình hiền khô như nhiều người vẫn nói và phải đợi đến đêm nay Hồ mới biết một đời mình chỉ là người lỡ đường tuy chẳng rõ về đâu. Cơn giận nghẹn ngào vì bị vợ từ khước chuyện ân ái lần cuối có phải đã bắt nguồn từ một khao khát tưởng tượng như vợ Hồ là người có thể thỏa mãn? Hồ thoáng rung động, thương vợ đột ngột.

Hồ băng qua những phố vắng người. Mọi nhà đều đóng cửa. Mặt đường trở nên rộng. Những dãy nhà hai bên phố nhỏ thấp. Ánh điện trắng xanh đường ngang đường dọc. Hồ tưởng như mình là một gã khổng lồ đi giữa những nguồn suối ánh sáng lúc nghe tiếng giầy nện quá rõ trên mặt nhựa. Hồ kẹp gói đồ vào nách, đứng giữa đường châm một điếu thuốc. Một mùi trầm từ nhà nào gần đó thoảng trong không khí.

Hồ về tới nhà bà má lúc mọi người đã ăn cơm xong. Bà má đang sửa soạn bàn thờ. Hòa và Hà ngồi giữa những lọ, những mẹt mứt để trên mấy tờ báo trải dưới đất.

“Ngỡ anh mải đánh bài ở nhà mấy người bạn, mai mới về chớ.” Hà chế diễu.

Hòa phủi tay, kéo ghế cho Hồ:

“Anh về hồi chiều? Ăn tất niên vui không anh?”

Hồ cười thấy đói:

“Lỡ hẹn với người ta. Nếu không tôi đã ở nhà ăn cơm cuối năm với bà má và các cô.”

Hồ lột tờ giấy báo, đặt hộp bánh lên bàn thờ:

“Biếu bà má để cúng các bác.”

Bà má đập vào vai Hồ nói lớn:

“Mua bánh lúc này khác chi cho tiền nẫu. Mệt quá.”

Mọi người cười ồn ào. Hòa rót cho Hồ một ly nước nói chuyện thằng Tước kêu ở nhà dọn đĩa chén, bỏ đi đánh cua cá. Mặt Hòa như thoa phấn, lúc cười mơ hồ có nếp nhăn trên trán. Bà má gạt ngang câu khôi hài của Hồ, chỉ tay trên nhà trên:

“Đêm nay ông ngủ trên đó. Hồi này ổng về, tôi đã giao ước mở cửa trên đó ngày mồng Một.”

“Chưa tới Giao thừa bà má đã nói chuyện ngủ kỳ quá.” Hà kêu.

Bà má nạt Hà im, bảo Hồ:

“Ông lên trên đó mà thay quần áo. Đồ của ông tôi bỏ trên đó. Nhớ chỗ cái công-tắc chớ?”

“Lúc nào ngủ con thay cũng được. Để con nói chuyện với cô Hòa đã.”

Nghe Hồ, Hòa cười, mặt hơi cúi. Ở Hòa lúc nào cũng có sự khéo léo. Hòa lấy chồng năm mười sáu, năm Hòa hăm ba, chồng Hòa chết. Hòa chia cho cha mẹ chồng nửa số lương tử tuất để nuôi đứa con trai rồi về ở với mẹ. Những năm con lấy chồng xa, nghe nói con bị chồng và mẹ chồng hành hạ, bà má chỉ biết chửi thề. Thấy con về, bà mới yên tâm, mới đỡ kêu khổ. Những người ở đây đều là những người xa gia đình, gọi bà cụ chủ nhà là bà má và tùy theo tuổi tác gọi Hòa là chị hay cô. Nhưng ai cũng đối với Hòa bằng sự thận trọng, vì nể. Họ kêu Hòa thông cảm được sự bê bối của tuổi trẻ, không gay gắt như bà má mỗi lần họ đem gái về nhà. Hòa thành một người khéo léo và rộng lượng. Nụ cười Hòa sau một lớp người tới, sau một lớp người đi, lại trầm thêm một lớp.

Tới mười giờ đêm, Tước huýt sáo trở về. Nó ồn ào kể chuyện việc bị ông tỉnh bắt hụt. Ông bận đồ xi- vin một mình dạo phố. Gặp những người đốt pháo ông túm cổ bạt tai liền.

“Sao anh trốn được?”

Hà hỏi. Tước cười lớn, giơ hai tay xoay người một vòng:

“Tao mà thèm trốn, nói giỡn. Tao có mật báo, vẫn theo sau ổng, vẫn khơi khơi coi mấy người bạn bị bạt tai, đâu có sao.”

Hà bĩu môi:

“Sao anh nói bị bắt hụt?”

Tước rút một điếu thuốc của Hồ để trên bàn:

“Tao nói cho bà má giật gân… mà ủa, tao nói sai một lần không được sao?”

Tới gần Giao thừa, mọi người ra cả ngoài sân. Hỏa châu bắn rực trời để soi rõ bóng người ngoài ngõ. Mọi người ồn ào trong một không khí bình minh, lạnh buốt. Ở các căn cứ quân sự súng nổ liên hồi như giặc nhập thành phố. Ngoài đường người đi lại rầm rập. Chuông chùa, chuông nhà thờ đổ dồn, ngân nga, Hòa chạy vào trong nhà khoác thêm một manh áo ấm…

Suốt ngày mồng Một Tết, Hồ hết ngồi ở bàn bên này cắn hạt dưa, ăn mứt lang, mứt me, mứt bí, nói chuyện với Hòa, lại lên nhà trên chơi các-tê với đám thằng Tước. Bà má đi chúc Tết mọi người, kéo Hà đi theo. Chặp tối, sau bữa cơm chiều mỗi người đều uống ly rượu nếp, gia đình bà má đi lễ chùa, Hồ đóng cửa phòng dưới, lên nhà trên bật đèn nằm đọc cuốn Kiều đã cũ, Hồ mang về trả vợ. Sáng ngày mùng Hai, Hồ định về chuyến xe đầu nhưng Hòa cản, sợ mìn. Tám giờ sáng Hồ từ biệt mọi người sau khi đã điểm tâm bằng bánh chưng. Hồ lên xe, Hòa bảo:

“Có chiếc bánh chưng gửi anh đem về biếu chị để trong sắc anh đó.”

Hồ lật đật ngoái lại, thấy Hòa đã kéo em vào nhà với những tiếng cười hỗn độn: “Bánh chưng Trung kỳ.” Hồ chắc bà má và Hòa sợ Hồ bị kẹt xe giữa đường không có thức ăn, thác cớ biếu vợ Hồ bánh, báo cho Hồ biết vào phút cuối. Những hạt mưa trái mùa ướt láng đường. Phố xá vắng vẻ như một giấc ngủ muộn. Vài người đi chơi Tết đi dưới những mái hiên rải rác vỏ bong bóng, hạt dưa, xác pháo. Tới bến xe, Hồ mới biết hôm qua đã có chuyến xe chạy mở hàng. “Ngày lẻ mà coi lành. Hai bên gặp nhau không thèm bắn, ngó lơ chỗ khác.” Một người lơ xe nói.

Lúc Hồ lên xe, xe đã chật chỗ. Hồ ngồi giữa một ông già và một người đàn bà ăn mặt nửa như người buôn bán, nửa như người chơi bời. Một người lên xe muộn, hỏi lơ xe:

“Lúc này đường đi chắc lộn xộn dữ?”

Giọng người đó như đùa song không giấu được vẻ lo âu. Gã lơ xe nói:

“Hai chuyến gần đây nhứt không có gì.”

Ra khỏi thị xã, mọi người bắt đầu yên lặng. Chiếc xe chạy như tìm tốc độ. Tài xế và lơ xe đều châm thuốc hút. Những sườn núi như những đồng cỏ trên cao thuộc miền có ánh nắng. Hồ giở cuốn Kiều đọc mong tìm giấc ngủ. Xe càng chạy càng ít thấy những đồn binh và những chiếc GMC xả ga chạy ngược chiều. Biển có lúc chỉ còn thấp thoáng ở xa như một mặt hồ xanh thẫm sau những hàng cây và vách đá. Những làng mạc xanh lá cây, im ả dưới miền ruộng sâu. Những cánh đồng hẹp cỏ cháy và những cồn cát chạy dài như di tích thủa nước Việt có Đàng Trong, Đàng Ngoài. Chiếc xe như xa dần cuộc sống. Dấu vết con người và sinh hoạt như không hề có nếu không có những ngôi mộ mới rải rác trên những mảnh đất hoang. Một vài chòm khóm ở hai bên đường chỉ có những bờ tre nắng đốt khô trắng rợn mắt, không bóng sinh vật. Vài lò vôi rải rác, không mái, vách đất nền mốc với những đầu củi cháy dở, những đống san hô trắng toát.

Hồ “ợ” một tiếng gấp sách, loay hoay châm một điếu thuốc. Gió như dồn trên cao xuống. Người đàn bà bên tay trái Hồ cúi xuống cái giỏ ni-lông dưới chân lấy ra một tấm voan màu hoa đào buộc đầu. Vợ Hồ cũng có một tấm voan màu đó. Lần trước, khi ra ngoài này, lúc hai người chở nhau trên xe Solex ra bến xe, vợ Hồ cũng bịt tấm voan, trời cũng lất phất mưa. Những hạt mưa không đủ ướt bãi cát nhưng đủ làm mờ hồ những chồng đá quây quần ở ngoài biển xa.

“Chị cũng về…?” Hồ hỏi người đàn bà.

“Dạ.”

Người đàn bà đáp không nhìn Hồ. Hồ nói:

“Đường bây giờ chỉ có những người liều mới dám đi.”

Người đàn bà vẫn nhìn thẳng về phía trước, hai tay thủ bọc. Ông già bên tay phải Hồ đã ngửa đầu vào lưng ghế, há mồm ngủ sau khi uống nửa xị rượu mang theo. Hồ thấy dường như chỉ có mình mới xa lạ và thắc thỏm. Hồ nhớ lại ngõ tối có nhiều trang thờ tối hôm Giao thừa.

Xe qua một dốc núi, vào một cánh đồng nhỏ. Con đường không hề có bóng một chiếc xe khác. Hồ nói với người đàn bà:

“Con đường này chắc có lẽ dành riêng cho mấy chiếc xe này.”

Người đàn bà không lên tiếng.

Chiếc xe đột ngột dừng trước một cây cầu gãy gập. Thành cầu bằng sắt luồn trong các cột xi măng, một đầu rớt xuống dòng nước cạn như một chiếc thang để nghiêng. Hành khách ồn ào thò đầu ra ngoài xe bàn tán. Người lơ xe nhảy xuống chạy lại gần cầu. Tiếng người tài xế la lớn:

“Muốn giỡn với mìn sao đó mầy?”

Ông già cạnh Hồ mở choảng mắt hỏi:

“Chi vậy?”

Mặt ông đầy vẻ lo lắng. Một vẻ mặt lo lắng để dành bây giờ mới lộ ra. Người lơ xe đi rảo theo bờ con sông cạn, loay hoay tìm kiếm.

Một lát, hắn trở lại, hai ống quần lầm cát và ướt.

“Sao?”

Nhiều tiếng bật lên một lượt.

“Không phải trở lại đâu, bà con đừng lo.”

Hắn nói, giọng hớn hở.

“Bây giờ cảm phiền bà con xuống xe cho bớt nặng, qua sông được dễ dàng.”

Mọi người ồn ào lục tục xuống xe. Người đàn bà bên cạnh Hồ xách cả chiếc giỏ ni-lông xuống theo.

“Hên thiệt, đang mùa khô.” Người đàn bà nói.

Người lơ xe nhảy xuống lòng sông nhô cát và cỏ trước tiên. Hắn dang hai tay và đi giật lùi, vết chân hắn trên cát. Chiếc xe ì ạch vượt lên trên bờ cỏ rồi chúc mũi xuống. Hành khách lôi thôi theo sau. Hồ chống tay vào cái thang sắt sau xe bước từng bước dài. Nắng sáng cả bãi cát. Người đàn bà khăn màu hoa đào gọt một cái củ đậu, vừa đi vừa ăn. Suốt lòng sông những bãi cát nổi lên chạy dài. Nước hết còn luân lưu, đọng lại trong những vũng rải rác trông suốt đáy.

Hồ hỏi ông già:

“Thưa bác, xe sẽ dừng lại ở bên này hay bên kia đèo?”

“Chân đèo bên này.”

“Sao họ không sang tới bên kia? Đi bộ trên ba bốn cây số đường đèo cũng mệt lắm chớ?”

“Nẫu cấm.”

Sang tới bên này sông, mọi người vội vã lên xe. Chiếc xe từ từ xa cây cầu sập và lòng sông phơi nắng, chạy song song với rặng núi dài quá tầm mắt. Hồ lấy cuốn Kiều, tìm giấc ngủ. Nhưng thói quen ngủ trên xe giờ này không còn. Ý định tìm lại sự bình thường thành bất lực. Có lúc Hồ nhắm mắt, tựa đầu vào thành ghế như ông già bên cạnh nhưng chỉ để thấy mình rất tỉnh táo trước nỗi lo âu của mình. Nỗi chết dường như không đáng sợ. Người chết tĩnh, yên lặng vô cùng. Nhưng cảnh chạy trốn hoặc chờ đợi cái chết là một náo loạn và tuyệt vọng. Mùi bánh chưng ngầy ngậy chốc chốc lại dồn lên một tiếng “ợ” thiếu hơi. Tâm trạng Hồ lúc này biết đâu sau này sẽ lặp lại theo mùi bánh. Mấy con bồ câu của ông già chốc chốc lại vỗ cánh phành phạch trong chiếc giỏ tre để dưới gầm băng xe. Hồ mở mắt nhìn ra cửa xe và luôn luôn bắt gặp những sợi tóc vượt khỏi khăn voan của người đàn bà phất vào má. Vẻ đẹp của người đàn bà vừa buồn vừa gợi dục tình. Hồ ngượng ngập có lúc chợt thấy mình nhìn má người đàn bà chăm chú trong khi người đàn bà vẫn ngồi bất động, nhìn thẳng phía trước hai tay thủ bọc.

“Đồng bào có giấy tờ chi giấu đi. Rủi mà bị xét, nẫu xé uổng.”

Người lơ nói lúc chiếc xe lượn vào chân núi. Có nhiều người sờ lại túi, lục lại sắc. Hồ bắt gặp một bộ mặt đen sạm má phị ở băng đằng trước quay xuống nhớn nhác. Đôi mắt đuôi nhiều nếp nhăn mở lớn nhìn khắp cả mà như không nhìn rõ ai. Đó là người đàn ông đứng tuổi, dềnh dàng ngồi bên cạnh vợ, lòng ôm một đứa con. Người đàn bà khăn hoa đào cười yên lặng. Hồ ngơ ngác. Trước mặt quãng đường mất hút ở đầu dốc rậm rì bóng cây. Chỉ có tiếng xe nặng nề lên dốc. Trong xe có một tiếng “tách” nhẹ khô khan. Người ngồi trên mấy băng trước quay cả xuống. Người lơ xe ngửa mặt kéo một hơi thuốc nhả khói ra mũi, thong thả đóng cái nắp máy lửa. Hồ thấy cặp mắt mở lớn của người đàn ông ôm con thoáng vẻ phẫn nộ. Ông già bên Hồ cất tiếng ho và cúi xuống chân ngó giỏ chim. Ông cụ luôn luôn tỉnh ngủ đúng lúc. Có tiếng khóc ré của đứa con trong lòng người đàn ông vì cái bong bóng bay khỏi cửa xe. Người đàn ông ngoái cổ ra trông theo rồi cúi xuống dỗ dành đứa nhỏ. Người vợ đứng dậy chao người với cái sắc trên giá để hành lý. Người chồng đỡ cái sắc cho vợ ngồi xuống, lấy ra một cái kèn đồng sáng loáng đút vào cái miệng đang khóc của con. Đứa nhỏ mắt ráo hoảnh, phùng má thổi. Nhiều cặp mắt đổ dồn vào cha con người đàn ông.

“Kỳ vậy. Bộ muốn chết sao chớ.”

Một ông già vận áo len, mang kính ngồi phía dưới cầu nhầu. Người đàn ông lúng túng quay xuống, cười gượng như muốn phân trần. Thấy đôi mắt ông già giận dữ, cau có, người đàn ông vội quay lên cúi xuống nói gì với con. Bàn tay thô lớn sau ống áo veste cũ nhàu khum khum trước miệng kèn. Xe như ở giữa một rừng cây có nhiều vách núi cao sừng sững quây tròn. Có những cành cây động đậy. Có người quần áo đen ngồi ôm súng trên mấy cái gióng bắc ngang lên mấy cành cây, mắt nhìn xuống đường. Có người cởi trần lưng khoác lá dừa đứng trên một mỏm đá che mắt hướng về phía xe. Có chặng cây cao vút chằng chịt dây leo để lộ cái cẳng người đứng im, mang chiếc vớ thủng. Mọi người ngồi ngay ngắn, nom thẳng. Chiếc xe chạy thong thả nhiều lúc như chực ngừng. Cái bong bóng màu hồng thoát khỏi những ngọn cây, vật vờ bay lên một vách núi thẳng đứng nhuộm nắng. Chiếc xe ì ạch lượn vào sát những gốc cây tránh khúc đường đầy hố có một chiếc xe Jeep bẹp dụm lật ngửa bánh cháy đen thui. Người lơ bật lửa châm thuốc nghêu ngao nho nhỏ. Ông già mang mắt kiếng cau trán quay nhìn rồi lại ngồi ngay ngắn, yên lặng. Hồ muốn đập vào cái mặt xấc xược của gã lơ xe. Hắn muốn lợi dụng nỗi sợ hãi của hành khách để được chú ý tới. Nhưng Hồ hiểu ngay không bao giờ mình làm được chuyện đó. Những điều Hồ làm được, ít khi do một ước muốn thôi thúc. Lòng nhát sợ như bắt nguồn từ chỗ không còn tình yêu để thấy công phẫn nhưng là sự cố gắng bám lấy đời sống thiếu những tha thiết với người khác.

Qua khỏi vùng cây, Hồ nom thấy hai chiếc xe nối đuôi nhau trở về. Người tài xế xe Hồ dừng lại, chặn hai chiếc xe ngược chiều.

“Có chi trên đó không?”

“Đánh lớn bên kia đèo.”

“Còn không?”

“Hồi nãy về súng còn nỗ dữ. Đường chân đèo bên này hư rồi.”

“Dài ngắn?”

“Từ cầu Ông Luông.”

“Chết cha… Khách đâu mà chạy?”

“Không có. Bà con ngồi đây là mấy người khách quay trở về.”

Hành khách trong xe nhốn nháo, thi nhau quay sang xe bên kia hỏi. Ông già mang mắt kiếng nói lớn:

“Cho tôi quay trở lại.”

Người tài xế bên kia vọng sang:

“Bà con chớ hãi. Mình là dân mà. Khách của tôi xuống đi bộ gần hết.”

Người lơ xe nhìn ông già cười:

“Năm mới quay về xui xẻo thấy cha.”

“Không lộn lại, theo mấy người bộ hên sao chớ? Lấy giùm mấy cành mai trên nóc xe cho tôi sang xe không mất công người ta chờ.”

Ông già lật đật xách giỏ bánh nhào ra cửa. Có tiếng người khôi hài:

“Qua Tết còn tiếc chi ba cái cành mai đó. Cho tụi tôi mang lên tặng nẫu.”

Ông già sang bên kia. Người tài xế càu nhàu cho xe chạy. Người đàn bà khăn hoa đào bảo Hồ:

“Đã nhát sao còn đi đường này.”

“Những người trong xe không chắc đều là người bạo gan. Kẹt thì phải đi vậy.”

Người đàn bà cười nhẹ yên lặng. Hồ khó chịu châm một điếu thuốc. Chị ta có vẻ quen con đường này. Chị coi thường nguy hiểm nhưng không có quyền cười nhạo người khác nhát sợ. Muốn những người có mặt ở đây coi những họng súng trong lùm cây, con đường đứt khúc, những trái nổ trước mặt không là gì cả sao? Muốn tất cả coi những người như những bộ máy bắn giết không là gì cả sao? Trong cuộc chiến tranh này đã không có lòng phẫn nộ, người dân lẽ nào còn phải bưng bít cả nỗi hoảng hốt tuyệt vọng của mình. Tôi có thể bò lết như một con chó què chân ở trước mọi người mà không đỏ mặt. Điều sỉ nhục lúc này đâu có phải vì mình bị đơn giản vào một con vật hôi thối, bản năng. Con chó chỉ thật là con vật khốn nạn khi nào nó có óc suy nghĩ để thấy mình không thoát được hình dạng cầm thú. Có một cuộc vui nào đủ chỗ cho bấy nhiêu người tham dự để được là những kẻ trụy lạc quên đời. Thành phố xin hãy rọi về đây ít nhiều ánh sáng để chúng tôi từ những hầm hố, những bờ bụi nhảy ra, cào mặt mình bật máu tạo mê cuồng nhảy múa quên thôi.

***

Chiếc xe dừng lại trước một dòng sông rộng, tắt máy. Hành khách lao nhao hỏi nhau. Tiếng kèn “toe toe” của đứa con người đàn ông mặc veste nổi lên. Người tài xế tươi cười nói lớn:

“Bà con chớ hãi. Mình là dân, phi cơ nó ở trên mây nó cũng biết. Qua bên kia đèo, có xe Lam-bét-ta, xe ngựa, bà con khỏi lo.”

“Qua đèo cả năm sáu cây số, chết cha nó rồi còn đâu mà đi xe.”

“Đây tới chân đèo mấy cây? Chân đèo bên này sang chân đèo bên kia mấy cây?”

“Đường đèo ba cây số là nhiều. Xuống dốc đi lẹ lắm bà con. Đây tới chân đèo… bà con coi, nom gần chút xíu.”

“Gần gì, núi nào nom không gần.”

Tiếng người ồn ào bàn cãi. Người tài xế hết biết nói sao, cười vơ vẩn, ngồi gác chân lên bánh lái châm thuốc hút. Trước nỗi xôn xao của mọi người, hắn không còn dịp để biểu lộ nỗi thất vọng của mình. Đường từ đây tới chân đèo lại bị phá, khách nào còn dám băng từ chân đèo bên kia, đi bộ cả mười cây số tới đây đi xe... Trước kia chờ dưới chân đèo, máy bay tới còn có chỗ ẩn. Bây giờ, chơ vơ giữa cánh đồng, chẳng lẽ trương cờ trên mui xe. Làm sao trương một lúc hai cờ.

Có người quả quyết xách đồ đạc xuống. Có người xuống tay không, nhìn về dòng sông trước mặt. Vợ chồng người đàn ông mặc veste đã lấy đồ để dưới chân nhưng vẫn ngồi bàn tính. Hồ chờ ông lão uống xong phần rượu còn lại, hỏi:

“Giờ mình xuống chớ bác?”

“Xuống chớ sao không xuống. Bụng mà ấm rồi, qua sông, qua đèo, bất kể.”

Ông lão cúi xuống lôi cái giỏ chim nhét cái chai vào. Mấy hộp sữa trong đó dính đầy phân chim. Hồ cúi mình, xách sắc bước xuống xe. Ở mạn sông, hồi nãy vắng im. Thấy xe hơi tới, từ trong những vòm cây rậm, có mấy người đẩy ghe ra chèo lại gần. Người đàn bà chít khăn màu hoa đào xuống trước tiên.

Vợ chồng người đàn ông mặc veste xuống xe sau cùng. Lúc thấy ông ta đặt con xuống mặt đường nhớp nước, đưa áo veste cho vợ, đỡ cái xe Push từ trên mui xe, Hồ dự đoán hai vợ chồng hồi nãy có vẻ ngần ngại vì quá nhiều đồ đạc. Thấy Hồ tò mò nhìn, người vợ lắc đầu than:

“Năm mới gì mà xui xẻo hết chỗ.”

Người đàn bà mặt nhọn, da xanh, tay cầm cái áo của chồng một cách vụng về. Thấy ông già đã chạy lật đật tới bờ sông, Hồ đứng chờ vợ chồng người đàn bà. Vóc người cao lớn, khuôn mặt sạm đen có đôi má phị nhăn nhúm của người đàn ông làm Hồ chú ý ngay lúc ở trên xe. Thân xác nặng nề đó như có điều giống Hồ. Lúc nào cũng loay hoay, lật đật. Hồ lại gần người đàn ông ôn tồn.

“Ông mang đồ hơi nhiều. Tôi có thể xách giùm ông cái va-li.”

Người đàn ông vừa mặc áo veste, vừa nhìn Hồ dò hỏi. Có lúc ông ta như lạ lùng, có lúc như muốn cười gượng gạo. Người vợ mau miệng:

“Nhờ ông giúp cho một tay, may mắn cho chúng tôi quá. Xin cám ơn.”

Người đàn ông như mở to mắt nhìn vợ. Ông ta cười hai đuôi mắt dúm lại:

“Phiền ông quá… Dạ, phiền ông quá…”

Hồ đưa cái sắc của mình cho người đàn bà:

“Bà xách hai cái sắc… chắc cái sắc của bà cũng nhẹ.”

“Dạ không nặng lắm.”

Hồ cúi xuống nhấc thử cái va-li. Đúng như Hồ dự đoán, chiếc va-li khá nặng. Người đàn ông dắt xe đi trước, Hồ và người đàn bà vai đeo sắc tay dắt đứa nhỏ đi sau. Trời mưa lất phất giống như lúc ở bến xe. Người tài xế đứng ở bậc lên xuống vẫy tay chúc mọi người may mắn.

“Nếu khúc đường này không hư, đỡ cực được một phần.” Người đàn bà nói.

Hồ an ủi:

“Có người có ta, cũng không có gì đáng ngại lắm.”

Ở bờ sông, nơi chân cầu gãy, người đàn ông dựng xe, lấy chiếc khăn tay buộc đầu che mưa. Chiếc cầu đứt gọn một khúc giữa. Thành sắt và xi măng còn nhô trên mặt sông cản nước xoáy. Một người đàn ông ở trần lực lưỡng, một mắt, chèo ghe đậu sát trước mặt ông ta.

“Thầy qua sông?”

Gã đàn ông một chân trên bờ, một chân trên mạn ghe hỏi. Người đàn ông nhìn chiếc ghe nhỏ bé, còn đang phân vân thì gã chèo ghe đã nhấc chiếc xe mang xuống. Người đàn ông giơ tay ra hiệu cản lại, lúng túng:

“Tôi chờ chiếc ghe lớn bên kia sông. Tôi còn vợ, con tôi phía sau.”

Gã chèo ghe như không nghe thấy đặt chiếc xe nằm vào mạn ghe chao chát.

“Đứt dây côn của tôi rồi. Chiếc ghe nhỏ xíu này làm sao chở hết bấy nhiêu người?” Người đàn ông hớt hải la.

Gã chèo ghe nhìn lên người đàn ông bằng con mắt độc nhất:

“Ghe này nhỏ vậy mà chưa khẳm lần nào. Nhiều người thì chở hai lượt có sao. Thầy sang trước đi rồi tôi lộn lại chở mấy người kia.”

Vừa nói gã vừa giơ tay ra dấu cho người đàn ông bám lấy để gã kéo xuống. Người đàn ông lúng túng quay lại nhìn vợ rồi lật đật nắm lấy tay gã chèo ghe bước xuống. Gã chèo ghe ngồi phệt xuống ghe, cầm mái chèo quơ nước ra giữa dòng. Người đàn ông tay giữ đầu sợ cái khăn tuột, tay nắm cái ghi-đông xe, chốc chốc lại quay nhìn phía sau. Lúc thấy vợ con và Hồ xuống một chiếc ghe vừa chèo sang, ông ta vẫn có những lúc nhìn trở lại áy náy. Ngồi sát mặt nước đục lờ lờ, Hồ nhìn lên chiếc cầu đứt khúc càng thấy vẻ chơ vơ của nó. Người phá hoại mỗi lần hoàn thành công trình của mình có dừng lại giây phút chiêm ngưỡng công trình đó không. Nếu không có những ly rượu để trên những bàn cắm bông, bên một giàn nhạc, nếu không có muôn vàn cánh tay cầm cờ vẫy hai bên đường có khải hoàn môn, nếu không có những vòng hoa quàng cổ, theo nghi thức chiến tranh, ít ra họ cũng có một cái vỗ vai của cấp trên, một lời khen lẫn nhau của những người cùng dự cuộc. Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh, phía sau có lửa, phía trước có máu của mình.

Sang tới bên này sông, Hồ chuyển đồ đạc cho người đàn bà đứng trên bờ, rồi lấy tiền trả ông già chèo ghe.

“Nhiêu đó bác?”

“Cho nhiêu thì cho. Anh em mà.”

“Bác cứ nói rõ giá. Mấy người kia lấy bao nhiêu?”

“Tôi đâu có biết. Tôi sống về nghề đánh cá đâu có sống nghề chở mướn. Ngồi nhà, thấy bà con kẹt lấy ghe ra chở bà con cho vui, tính chi giá cả.”

Người đàn ông đứng trên bờ nói:

“Hồi nãy tôi trả ba chục. Hai chục xe, một chục người. Ông để tôi trả…”

Hồ đưa cho ông già ba chục, ông già lắc đầu nhón lấy tờ giấy mười đồng:

“Đủ rồi.”

Hồ nhìn ông già, nói cám ơn rồi nhảy lên bờ.

Trên con đường từ bờ sông tới chân đèo, không có khúc nào bị đứt nhưng bị xẻ dọc hai bên. Người đàn ông nhìn con đường, cúi xuống chiếc xe càu nhàu:

“Côn đứt, làm sao mà chạy. Người chi mà dữ tợn hơn ăn cướp.”

Ông ta nói vợ mắc hai cái sắc vào tay lái để bế đứa nhỏ kêu mỏi luôn mồm rồi lững thững dắt xe đi trước. Hồ vừa bước vừa lắng tai nghe những tiếng súng rời rạc ở phía đèo. Qua được quãng đường đèo mới đi được nửa đường nhưng coi như đã bớt nguy hiểm. Bên kia, đồng ruộng, xe nhiều trở ngại. Trước mặt Hồ người ta đi rải rác như một đoàn hành hương trong mưa xuân. Có những người đàn ông, những đứa nhỏ mười lăm mười sáu, quần sà-lỏn, áo đen xuất hiện chở những người con gái. Đàn bà áo dài sặc sỡ. Người đàn ông nhờ hai chiếc xe đạp chở vợ con đi trước. Hồ nói:

“Côn đứt, ông cho máy nổ, đẩy cho có trớn, sang số hai có thể chạy được.”

“Đường này chạy mau nguy hiểm. Lỡ xe nhào xuống hố… Nghe nẫu nói, mấy cái hố trên đèo đều có mìn… mìn pin.”

“Đường còn rộng thế này, chẳng hề chi. Lên tới đèo, đường hẹp, dắt xe cũng không muộn.”

Người đàn ông yên lặng dắt xe, bước những bước dài. Hai vạt áo veste gió thổi bạt ra phía sau. Chiếc khăn trên đầu người đàn ông đập lất phất. Hồ định mướn một chiếc xe đạp chở va-li nhưng ngại người đàn ông sợ mất đồ. Mặt Hồ ướt nước, càng đi càng thấy hai thái dương bốc nóng. Có lúc Hồ muốn châm một điếu thuốc lại sợ gợi sự chú ý của những người quần áo đen. Họ như những sinh vật còn tồn tại được, thích hợp với không khí bom đạn. Họ như số ở những chỗ Hồ không thể đoán, buồn thảm. Nhìn cảnh vật quanh mình, Hồ thấy khó hình dung lại cảnh căn nhà, khu phố vợ mình đang sống những ngày đầu năm.

Lúc Hồ và người đàn ông, hai người sau cùng, tới chân đèo, trời đã gần trưa. Trên mạn dốc, những người đi trước đang đứng dưới một vách đá có những khẩu hiệu sơn đỏ đả đảo Mỹ nghe một cán bộ tuyên truyền. Hồ nghe có tiếng cười quen thuộc ở trên cao, trước mặt. Hồ ngạc nhiên thấy người đàn bà khăn hoa đào ngồi trên một khúc cây ở sườn núi, ăn củ đậu bên mấy người đàn ông cắm cúi kẻ khẩu hiệu.

Hồ thoáng chạm cặp mắt chị ta và bước mau lại vòng người như mất hồn. Những người quần áo đen và những chiếc xe đạp mất dạng. Đứa con trai người đàn ông tay níu mẹ, tay cầm kèn mắt mở lớn nhìn người cán bộ làm điệu bộ. Thấy mình bị nhiều cặp mắt lạ quan sát, Hồ đứng sát lại sau mấy người đàn bà. Cả chuyến xe chỉ có Hồ là thanh niên, lạc lõng xa lạ. Người cán bộ đang nói về một chiến công đầu năm ở địa phương. Từ trên đầu dốc, có hai người kéo một chiếc xe ngựa chạy xuống. Trong xe ngựa có một xác chết thò cẳng ra sau. Không thấy đầu, bụng đầy ruột và tóc. Ở trên sườn núi có tiếng người xôn xao. Người đàn bà khăn hoa đào cầm củ đậu, mấy người đàn ông cầm chổi sơn đỏ đứng nhìn xuống. Người cán bộ giở cái mũ nan đưa mắt nhìn khắp mặt mọi người. Có nhiều bộ mặt ngơ ngác, có vài người bắt chước, quay ra nom theo chiếc xe ngựa, giở nón. Vợ người đàn ông mặc áo veste vội dằng cái kèn khỏi miệng đứa con. Nó ngồi bệt xuống, đạp chân khóc lớn. Người đàn bà lật đật ngồi xuống làm bộ vắt mũi cho con, tay bịt mồm cho nó khỏi la.

Lúc trời nắng gắt, mọi người bắt đầu qua đèo. Người đàn ông nói với Hồ:

“Tôi đi trước với mấy người kia coi tình hình. Nhờ ông coi giúp cháu nhỏ.”

Dốc đèo càng lên càng cao. Đường đèo từng khúc ngắn lại mất hút sau vách đá, phía trước luôn luôn thấy khoảng trống của vực sâu. Người đàn bà luôn luôn đổi bên đứa nhỏ. Nhiều lúc bà ta hốt hoảng ôm chặt lấy con khi nó cựa cẳng ngả người chỉ trỏ. Hồ luôn luôn để ý đến những người đi trước mình tuy ít khi nom thấy họ. Họ mau chân bỏ những người đi sau một đoạn khá xa. Ở bên này đường đèo nhìn qua bên kia, Hồ thấy người đàn ông dắt xe, ông già xách giỏ chim như đang dò dẫm trên bờ vực. Càng đi tiếng máy bay, tiếng bom từng chuỗi nghe càng vang vách đá. Người đàn bà bảo Hồ:

“Nhà tôi không biết có nghe ngóng hay cứ đi liều mạng.”

Hồ cười nhếch nhác:

“Ông nhà cẩn thận lắm, không có chi đáng ngại.”

Vượt được hơn hai cây số đường đèo đám người đi sau đồng ý ngồi nghỉ một lát. Người đàn bà ngồi dựa lựng vào vách đá thở dốc hai tay vòng lấy bụng con. Hồ lấy khăn lau mặt, lấy chiếc bánh Hòa cho bóc đưa mỗi người một miếng. Những bụi tranh sắc như lá mía ở hai bên đường gió thổi rạt từng hồi.

Người đàn bà ăn không hết miếng bánh đã kêu no đứng dậy đi xin nước uống. Hồ nằm dựa vào vách châm một điếu thuốc. Đoàn người đi trước có người trở lại nói phía trước đang bỏ bom không đi thêm được. Sau một hồi bàn tán mọi người quyết định vừa đi vừa dò đường. Hồ nhổm dậy xách va-li uể oải bước sau cùng. Nếu Hồ cứ ở lại ăn Tết với bà má. Hồ không muốn hình dung lại cảnh mọi người đứng ngoài sân lúc Giao thừa, cảnh những đường phố thị xã như một giấc mơ ngủ muộn. Sống ở đó để mỏi mệt vì những ý nghĩ thì thà cứ đi như thế này. Hồ về không phải vì tình yêu vợ nhưng do những ước muốn đã giúp Hồ sống được những ngày ở xa. Ước muốn đó có khi sẽ không là gì khi đã được bàn tay người ngưỡng vọng đặt lên. Nhưng nó đã khiến Hồ quay về mà không như người chạy trốn tuyệt vọng. Hồ mong lần này về sẽ có với vợ một đứa con.

Đám người đi trước đã ở quá gần chỗ dội bom. Những tiếng nổ rung chuyển chạy dài. Có vài chiếc máy bay lao qua lao lại trên không. Ông già xách lồng chim chạy ra đón đám người mới tới xin nước uống.

“Đường đèo hiện có dội bom không bác?” Hồ hỏi.

Ông già lắc đầu:

“Chắc không. Êm êm một chút qua cây số nữa xuống tới chân đèo là nom thấy đường về. Về nhà còn kịp ăn Tết mà.”

“Không dội bom mình đi đại có sao đâu.”

“Đâu có được. Bom bỏ trên núi, qua chân núi không sợ chết sao?”

Một giờ qua nhiều người đã sốt ruột sửa soạn hành lý để băng nốt quãng đèo. Có một số người lại tình nguyện đi trước dò đường. Hồ nói với người đàn ông;

“Ông ở lại đi sau với bà nhà. Tôi đi trước một chuyến coi sao.”

Người đàn ông cười gượng lắc đầu.

“Tôi có xe rủi có điều chi mau hơn.”

Dứt lời người đàn ông dắt xe bước mau theo mấy người đang đi rải trước mặt. Bọn người đó đi khuất sau những góc núi được một lát, một người chợt nghe có tiếng súng liên hồi thật gần. Ba bốn chiếc máy bay ầm ầm từ đâu tới lao bổ xuống. Hồ vội kéo người đàn bà nằm sấp xuống chân núi. Có tiếng hoảng sợ vừa vứt chiếc va-li rớt xuống vực. Tiếng kêu hoảng hốt là tiếng một bà già lúc thấy chị ta bổ ra bờ đường ngó xuống dưới sâu. Mấy chiếc máy bay vừa vụt đi, mọi người kéo nhau ùn ùn chạy về phía trước. Phía trước cũng vậy thôi nhưng không lẽ nằm yên ở chỗ bị đe dọa. Đi được một quãng, quay lại Hồ vẫn thấy người đàn bà đánh rớt va-li tần ngần bên lề đường ngó đăm đăm khoảng không.

Người đàn ông đã quay trở lại với mấy người khác.

“Mấy người kia chạy nhào đi trước rồi. Tôi nằm tránh đạn, mấy người đó vẫn chạy, lúc nhổm dậy, không thấy họ đâu, chắc họ đã thoát.”

Đoàn người do dự một lát rồi lại tiếp tục đi. Họ như đã quen với mọi đe dọa. Lúc qua chỗ máy bay đang dội bom người ta chạy ùa theo sườn núi. Hồ ngạc nhiên dừng lại nhìn quanh quất ngơ ngác. Bên vệ đường cái giỏ của ông già ngồi cạnh Hồ trên xe bỏ lăn lóc. Mấy con bồ câu đập cánh nhảy trên những hộp sữa tìm lối ra. Một nỗi hoảng sợ đến kinh dị chiếm lấy Hồ, Hồ cắm đầu chạy nhào đuổi theo đoàn người trước mặt. Lúc đã tới chân dốc, Hồ mới nhận ra vẻ hớt hãi của mình. Hồ vừa thở vừa rảo bước xuống dưới ruộng có những chiếc xe đậu với hy vọng nom thấy mặt ông già. Từ chân dốc đó cách hơn một cây số người ta bắt đầu đi thong thả, ồn ào nói chuyện. Phía sau tiếng nổ vẫn nghe thật gần, vẫn vang vách núi. Những người lái xe Lam-bét-ta đón khách đang ngồi trên mui xe coi máy bay. Hồ ngồi bệt xuống sau một chiếc xe lấy thuốc lá ra hút. Cánh đồng nom thật rộng, nhiều nắng. Người đàn ông đi bên vợ con dắt xe thong thả đi tới. Đứa bé chạy trên đường mồm đang thổi kèn.

 

Y UYÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn