Theo Bản phúc trình của Tiểu Đoàn 1/50 thuộc Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ về trận phục kích gần Dak Po, tỉnh Bình Định, đã xảy trong hai ngày 21 và 22 của tháng 1 năm 1969
SƠ LƯỢC VỀ ĐỊA THẾ VÙNG DAK PO
Quốc Lộ 19 là một trục lộ nối liền thị xã Pleiku ở vùng cao nguyên và thành phố Qui Nhơn ở vùng duyên hải. Đây là một trục lộ chuyển quân và tiếp tế rất quan trọng trong vùng trách nhiệm của Quân Đoàn 2. Năm 1954, cũng trên con đường 19 này, một lực lượng lưu-động của Pháp đã bị Việt Minh đánh cho tan tành xíu quách. Nhưng đến giai đoạn năm 1965, 1966, thì Sư Đoàn 1 Không-Kỵ Hoa Kỳ đã có mặt, và với hỏa lực kinh khiếp, họ đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các đơn vị Cộng quân. Trong cuộc chiến Việt Nam, khi cường độ bắt đầu gia tăng vào khoảng giữa thập niên 60, thì Quốc Lộ 19 đã trở thành một con đường chiến lược có tầm mức cực kỳ quan trọng. Các đoàn xe tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, đạn dược, v.v. cho vùng cao nguyên hằng ngày đều đã di chuyển trên con lộ này. Ngoài ra, một hệ thống ống dẫn-dầu thật dài đã được thiết lập song-song với Quốc Lộ 19. Dầu chảy trong hệ thống được chuyển về các thành phố vùng cao nguyên để chạy máy móc, chạy xe cô, hoặc phi cơ.
Các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) biết rõ tầm mức quan trọng của Quốc Lộ 19, cũng như của hệ thống ống dẫn dầu này, nên họ thường tổ chức những kế hoạch phá hoại như đặt mìn trên đường (hay bên lề đường) và đặt chất nổ để phá vỡ ống dẫn dầu. Nhưng kế hoạch của quân Bắc Việt không có gì đáng kể bởi vì lúc đó các lực lượng đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã rất thành công trong việc bình định và giữ vững an ninh trong vùng.
Một đơn vị của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ được trao trọng trách giữ an ninh trên Quốc Lộ 19. Đó là Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn 50. Tiểu đoàn này chịu trách nhiệm bảo vệ quãng đường chạy dài từ đèo An Khê đến vùng hoạt động của Sư Đoàn 4 Bộ Binh (BB) trong tỉnh Phú Yên. Để hoạt động một cách hữu hiệu, Tiểu Đoàn 1 cho một đại đội lên trấn đóng trên những cao điểm dọc theo con lộ, còn hai đại đội khác sẽ mở cuộc hành quân lục soát về phía bắc và nam của con đường. Khi trời sụp tối, đại đội trấn đóng trên các cao điểm sẽ cử vài trung đội, hay tiểu đội, thiết lập các điểm phục kích trên những chặng đường nào được xem là quan trọng, chánh yếu.
Nằm về phía tây cách An Khê khoảng 10 km (khoảng 6 miles) là suối Dak Po. Con suối này chạy dài từ bắc xuống nam. Khi đến đoạn cắt ngang Quốc Lộ 19, thì suối Dak Po chìm vào giữa "lòng chảo," ở hai bên đều có triền đồi thấp. Nếu quan sát từ đằng xa thì nơi này nhìn giống như một tấm yên ngựa.
Tấm "Yên ngựa Dak Po" có chiều ngang rộng khoảng 500 mét. Nếu đứng ngay giữa "yên ngựa" thì tầm mắt sẽ bị che khuất. Nên nếu muốn quan sát cảnh vật xung quanh thì phải leo lên cao rồi đứng trên triền đồi nhìn xuống. Vì địa thế nơi đây giống như một thung lũng nhỏ, nên quân Bắc Việt thường xử dụng vùng yên-ngựa Dak Po này để bí mật chuyển quân vào Nam.
TIN TÌNH BÁO
Tháng 1 năm 1969, các đơn vị Bắc Việt trong vùng bắt đầu mở chiến dịch phá hoại hệ thống ống dẫn dầu dọc theo Quốc Lộ 19. Họ thường xuyên đặt chất nổ, hoặc dùng súng bắn thẳng vào ống dẫn dầu để làm cho hệ thống tiếp liệu này bị gián đoạn.
Cũng trong tháng này, quân Bắc Việt chôn một số lượng chất nổ cao ở dưới đất, gần ống cống, ngay tại giao điểm nơi yên-ngựa Dak Po cắt ngang Quốc Lộ 19. Chủ ý của họ là muốn cho nổ tung trục lộ ở giao điểm này. Nhưng kế hoạch bất thành vì các đặc-công Bắc Việt đã xử dụng chất nổ không đúng mức. Ngày 15 tháng 1, đặc-công Bắc Việt thử lại lần nữa. Và lần này, sự bộc-phá của chất nổ đã làm hư hại bốn thiết giáp, trong đó gồm một thiết vận xa và một xe tăng M-48 của Đại Đội A/1/50. Nhiều người tiên đoán Bắc Việt sẽ xử dụng Dak Po như một con đường ngầm để chuyển quân từ Bắc vào Nam, và quân Cộng Sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cắt đứt Quốc Lộ 19.
KẾ HOẠCH HÀNH QUÂN NGĂN CHẬN CỦA ĐẠI ĐỘI A/1/50
Dựa theo bản báo cáo quân-tình, vị sĩ quan chỉ huy trưởng của Đại Đội A/1/50 đã quyết định thiết lập một chốt phục kích tại Dak Po vào đêm 21 tháng 1 năm 1969. Nhiệm vụ này được giao cho Trung Đội 2/A, và 14 tay súng từ trung đội này đã được tuyển chọn cho cuộc hành quân. Các binh sĩ Mỹ được trang bị hỏa lực mạnh, với bốn đại liên M-60, hai khẩu súng phóng lựu M-79, chín súng trường M-16, hai ống nhắm Starlight (giống như ống-dòm gắn trên thân súng, ban đêm khi nhìn vào sẽ thấy cảnh vật sáng hơn) và 14 quả mìn Claymore. Mỗi binh sĩ trong toán đều mang theo tối thiểu là 10 băng đạn cho súng M-16, 300 viên đạn cho đại liên M-60, cũng như mang hai quả lựu đạn trên người. Người hạ sĩ quan toán-trưởng cũng muốn mang theo 2 máy truyền tin loại AN/PRC-25. Một máy để liên lạc với đại đội, còn một máy dùng để liên lạc với Căn Cứ Tiếp Vận Schueller cách đó 4 km về hướng đông trong trường hợp cần pháo binh bắn yểm trợ.
Theo kế hoạch, sau khi đến địa điểm phục kích, trung đội sẽ chia thành năm toán, mỗi toán gồm 3 người. Bốn toán sẽ bố trí gần lề đường, và toán cuối cùng sẽ giữ an ninh ở mặt hậu, khoảng 50 mét về phía nam. Mỗi toán phục kích mang theo 3 quả mìn Claymore. Hai toán nấp ở bên trái và phải con lộ sẽ cho mìn Claymore hướng về hai bên lề đường. Còn hai toán kia sẽ cho mìn hướng thẳng vào mặt đường.
Các toán phục kích (ngoại trừ toán chỉ huy ở giữa) đều được trang bị một khẩu đại liên. Hai toán nằm hai bên đường đều có súng phóng lựu M-79. Còn ống nhắm Starlight thì được trao cho toán bên phải và toán nằm bảo vệ ở mặt sau. Trước khi lên đường, toán trưởng hành quân đã xin pháo binh điều chỉnh sẵn tọa độ. Trong trường hợp cần thiết, pháo binh sẽ yểm trợ bằng cách bắn "phủ đầu" vào các vị trí khoảng 200 mét phía bắc, và 200 mét phía nam con đường.
Lúc 6 giờ 45 chiều ngày 21 tháng 1, trung đội bắt đầu khởi hành từ Căn Cứ Tiếp Vận Schueller. Họ di chuyển bằng thiết vận xa. Khi các thiết vận xa băng ngang vùng Dak Po, thì đoàn xe giảm tốc độ xuống còn 8 km/giờ. Các binh sĩ trong toán phục kích lặng lẽ nhảy xuống xe và biến mất vào màn đêm. Theo kế hoạch, bốn toán được bố trí trong vùng cỏ cao khoảng 15 mét về phía nam và song song với Quốc Lộ 19. Mỗi toán nằm cách nhau độ chừng 10 mét. Đến 8 giờ tối, tất cả đều đã chuẩn bị sẵn sàng.
Lúc 8 giờ 15, đột nhiên nghe tiếng súng tiểu liên SKS của Cộng quân vang lên từ cánh bên trái (hướng tây). Tiếng súng vang lên từng phát một, nhưng thỉnh thoảng có ai đó bắn một tràng ngắn. Tám giờ 20, hai cán binh Bắc Việt xuất hiện trên triền đồi. Họ nói chuyện và cười với nhau huyên thuyên, ầm ĩ. Nhưng ở phía sau hai cán binh này là cả một đơn vị Bắc Việt, với rất đông người, đang di chuyển. Mấy cán binh Bắc Việt dùng súng bắn từng viên một vào hệ thống ống dẫn dầu. Và họ cũng lớn tiếng nói chuyện với nhau, không nghĩ gì đến việc giữ im lặng. Toán phục kích của Trung Đội 2 lặng lẽ nằm im. Họ để mặc cho toán quân Bắc Việt đầu tiên vượt qua điểm phục kích.
Người hạ sĩ quan toán-trưởng cố quan sát xem có bao nhiêu cán binh Bắc Việt. Nhưng vì nằm trong "yên-ngựa" nên anh ta không thể nhìn qua phía bên kia triền đồi. Nhưng người hạ sĩ qua này đoán là địch quân có một quân số rất đông, và chắc-chắn Trung Đội 2 cũng không có khả năng để "xơi" trọn vẹn đơn vị Bắc Việt này. Nên anh ta quyết định phục kích đoàn cán binh đi đầu. Vì nếu Trung Đội 2 đánh vào ngay khúc giữa của đơn vị Bắc Việt, thì toán Bắc Việt đi đầu và toán đi phía sau sẽ phản ứng và ùa lại bao vây Trung Đội 2 ngay.
Chờ cho toán quân Bắc Việt đi đầu đặt chân vào ổ phục kích, người hạ sĩ quan toán-trưởng liền bấm nút để hai quả mìn Claymore phát nổ. Và đó cũng là hiệu lệnh cho các toán kia biết là cuộc phục kích đã chánh thức bắt đầu. Các toán phục kích liền cho những quả mình Claymore cài sẵn cùng một lúc phát nổ tứ tung. Một số binh sĩ gỡ chốt lựu đạn và ném vào vị trí của toán quân Bắc Việt đi đầu.
Ngay lập tức, toán quân phục-kích bắn vội hai trái đạn hỏa-châu lên trời. Một binh sĩ mang máy truyền tin liên lạc về Căn Cứ Tiếp Vận Schueller xin bắn đạn chiếu sáng. Theo luật của quân đội, phải chờ 30 phút để kiểm báo, sau đó đạn chiếu sáng mới được bắn. Lúc đó, địa điểm phục kích nằm ngoài tầm táx xạ của súng cối 81-ly. Các tổ súng cối ở Căn Cứ Schueller phải hạ nòng súng cối xuống thấp để bắn xa hơn.
Khi những trái hỏa châu bay đến soi sáng một vùng trời, các binh sĩ Mỹ thấy có một xác chết của địch quân nằm ngay trên mặt đường. Về phía bắc, vài cán binh Bắc Việt nằm rên rỉ vì những vết thương khá nặng. Khi những quả mìn Claymore phát nổ, vài mảnh đạn đã làm thủng một ống dẫn dầu, nên dầu bị áp suất đẩy theo lổ hỗng phun ra đầy mặt đường. Ai cũng nhớn nhác lo sợ vì vũng xăng-dầu này có thể phực cháy bất cứ lúc nào.
Khi ấy, toán phục kích ở cánh bên phải hạ sát thêm được một cán binh Bắc Việt. Có lẽ người cán binh này nghe tiếng mìn nổ, súng nổ, nên liền vội vã quay trở lại. Hai cán binh Bắc Việt khác vừa đặt chân lên con lộ thì đã bị người Mỹ toán trưởng và một toán viên bắn chết.
Lúc đó, từ một ngọn đồi ở phía bắc các bộ đội Cộng Sản bắn trả dữ dội. Phía bên này, toán lính Mỹ xử dụng đại liên M-60 để bắn ngược lại. Vài binh sĩ Mỹ chạy băng qua đường, họ muốn tìm lối lên ngọn đồi phía bắc. Khi lên đến đỉnh đồi, các binh sĩ Mỹ thấy vài ống đồng, và hộp giấy, được sắp đặt sơ sài ngay đường đi. Sau khi quả quyết đây không phải là bẫy của địch quân, toán lính tiếp tục di chuyển về phía bắc. Họ nghe rõ tiếng rên la của một số cán binh Bắc Việt. Thấy tình hình có vẻ quá nguy hiểm, với xăng-dầu đổ tràn lan đầy đường, và có thể phía Bắc Việt sẽ tổ chức cuộc phản công, người hạ sĩ quan toán-trưởng quyết định không tiến xa hơn nữa.
Toán quân phục-kích kéo những xác chết Bắc Việt đến giữa lộ, sau đó họ di chuyển đến một vị trí khác cách nơi này khoảng 300 mét về hướng đông. Từ đây, họ có thể kính đáo quan sát các tử thi. Người hạ sĩ quan toán trưởng nhắc nhở mọi người không được tấn công vì họ đã gần hết đạn (chỉ có 2 băng đạn cho mỗi khẩu súng trường M-16, với tổng cộng 160 viên đạn cho đại liên M-60, 3 trái lựu đạn, và hai quả mìn Claymore). Lúc 11 giờ tối, toán phục kích lập vòng đai phòng thủ mới. Và vì lo ngại địch quân sẽ phản công, người hạ sĩ quan toán-trưởng liền gọi pháo binh bắn yểm trợ vào những tọa độ đã được chọn lựa trước. Những quả đạn pháo binh xé gió bay đến, mãi đến 12 giờ khuya mới xong. Tối hôm đó, mọi sự đều yên tĩnh, không có cuộc chạm súngnào xảy ra.
Sáng hôm sau, Đại Đội B/1/50 mở cuộc hành quân lục soát khu vực. Họ dẫn theo vài chú chó đánh hơi, nhưng vì xăng dầu đổ đầy đường quá nhiều nên các chú chó không ngửi được gì cả. Đến chiều, Đại Đội B bắt được một cán binh Bắc Việt và tịch thâu một khẩu AK-47 tại một địa điểm cách nơi phục kích 2,000 mét về phía bắc. Người tù binh này cho biết anh thuộc Tiểu Đội 3/4/4 thuộc Tiểu Đoàn 407 Đặc Công. Người cán binh nói tối hôm trước đại đội của anh có nhiệm vụ thiết lập một chốt phục-kích tại Dak Po, tương tự như lần phục kích thành công vào ngày 15 tháng 1. Anh ta nói thêm là anh đã chính mắt thấy 8 cán binh Bắc Việt bị thương. Cả 8 người này đã được đồng đội kéo đi khỏi vùng phục kích. Sau đó, khi về được đến căn cứ thì một cán binh đã chết.
KẾT QUẢ
Trong trận phục kích đêm 21 tháng 1, phía Bắc Việt có 6 người chết, 8 người bị thương (ước lượng), và một số đạn, chất nổ, và lựu đạn đã bị tịch thâu. Phía bên Hoa Kỳ có một binh sĩ bị thương.
Phạm Cường Lễ dịch
Gửi ý kiến của bạn