Con người cần có một nghề để sống và người lương thiện luôn chọn nghề lương thiện.
Ở Việt Nam có một vài nghề lương thiện mà những viên chức đảng Cộng Sản đã có nhắc đến – xin nói ngay, đó là nghề “làm (lao động) thối móng tay,” “chạy xe ôm” và “bán chổi đót.”
Ba viên chức cao cấp này là Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ; Nguyễn Sỹ Kỷ, phó Ban Nội Chính Tỉnh Ủy Đắk Lắk; Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Yên Bái. Những người chọn nghề lương thiện này đều là những người thành công và giàu có, có nhiều tài sản, biệt thự, đất đai trong tay. Chỉ tiếc là hầu hết những người dân bình thường không biết phấn đấu chọn nghề lương thiện như ba vị trên để có cơ hội thành công, giàu có như họ.
Nhìn lại thì ba tên đã ca tụng cái nghề “lương thiện” ở trên là những tên bất lương, nhưng trên đời này không ai nhận mình là người bất lương.
Cách đây ít lâu, trả lời câu hỏi của báo chí về khối tài sản lớn lao của mình, tổng thanh tra chính phủ phân bua: “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở.”
Tiếc thay, tài sản này đã được thanh tra chính phủ, một loại băng đảng như Trần Văn Truyền đã kiểm tra, và kết luận tài sản này do công sức, làm ăn lương thiện, hợp pháp. Bằng chứng là cho đến thời điểm này, ông Truyền vẫn bình an, vô sự.
Vậy thì chắc chắn chỉ nhờ khoản lương công chức bèo bọt, sự giúp đỡ của người thân và chủ yếu là bởi “làm thối móng tay” nên ông Truyền mới làm chủ nhiều lô đất, nhà và biệt thự to lớn như vậy. Thế thì ai nói làm nông dân là nghèo là khổ, nhỉ?
Phó Ban Nội Chính Tỉnh Ủy Đắk Lắk, Nguyễn Sỹ Kỷ cho báo chí biết số tiền mà ông xây ngôi biệt thự lớn 2 tầng diện tích gần 200 mét vuông, khu nhà bếp, nhà khách 91 mét vuông, hồ bơi 153 mét vuông, hồ nước 625 mét vuông cùng 3 thửa đất có tổng diện tích gần một mẫu tây tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam… là nhờ “chạy xe ôm từ thời trai trẻ.
Y còn nói về sự “lương thiện” của mình: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ Đắk Lắk về Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ…” Cũng có thể những quan tham XHCN, lúc nhỏ không học hành, vất vả tay chân, nhưng khi gặp thời theo đảng, trở thành những tên bất lương.
Khẩu hiệu ăn khách của Xã Hội Chủ Nghĩa là “Mình Sống Vì Mọi Người!” nhưng thực sự sau gần 45 năm (chưa nói đến 30 năm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc) con người đạp lên nhau mà sống, ích kỷ, gian dối, đi tìm một mẫu người tử tế, theo cách nói nhân gian, là chuyện không tưởng. Ca dao bình dân chẳng đã có câu: “Thẳng thắng thật thà thường thua thiệt!” thì làm người lương thiện trong xã hội này như người lội nước ngược, không vỡ đầu, sứt trán thì cũng thua thiệt trăm điều.
Ở Mỹ, nghề nào được đánh giá là nghề lương thiện, nghĩa là được tin cậy nhất? Đó là những nghề thuộc ngành y: Bác sĩ y khoa, nha sĩ, y tá, dược sĩ, bác sĩ thú y… Nhưng liệu với những vụ án gian lận chi phí y khoa trong thế kỷ này, ngành y còn được coi là một ngành “lương thiện nhất” hay không?
Tuy nhiên, không phải tất cả những người cùng nghề y đều được người dân Mỹ tin cậy như nhau. Chẳng hạn, tỷ lệ tin cậy các y tá cao hơn tỷ lệ tin cậy các bác sĩ. Vị trí thứ hai thuộc về các dược sĩ – họ chiếm được lòng tin của 72% những người được hỏi ý kiến, chỉ thua chút ít so với các y tá. Tiếp ngay sau các dược sĩ là các bác sĩ thú y với mức độ tin cậy dao động chung quanh con số 71%. Vị trí thứ 4 thuộc về các bác sĩ (tỷ lệ tin cậy là 69%). Trong số những người làm nghề y thì bác sĩ nha khoa ít được tin cậy nhất (tỷ lệ tin cậy là 62%).
Tỷ lệ lương thiện trung bình dành cho kỹ sư, giảng viên và linh mục (tỷ lệ tin cậy đều là 58%). Sau đó là nghề cảnh sát và nghề chuyên gia tâm lý. Nghề bán xe hơi, chuyên viên các công ty bảo hiểm y tế, và nghề bán bảo hiểm được xếp vào hạng kém tin cậy.
Điều cần ghi nhận là các chính trị gia không được xem là lương thiện, từ thống đốc tiểu bang, thượng nghị sĩ, dân biểu. Không nghe nói đến nghề tổng thống hay bộ trưởng có lương thiện hay không? Nếu lấy chức vụ của mình để làm lợi cho bản thân và gia đình thì rõ ràng những nhân vật này không đủ tiêu chuẩn lương thiện.
Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng của viện “Gallup” thuộc về nghề bị người Mỹ ít tin cậy nhất là nghề bán xe hơi (car saleman) – chỉ có 7% người Mỹ tin rằng những người làm nghề bán xe hơi hành động một cách trung thực và có đạo đức.
Có hai nghề mà người đời cho là “thấp hèn” nhất nhưng lại được coi là lương thiện. Đó là nghề mại dâm và nghề ăn xin. Người mại dâm lấy thể xác mình làm sinh kế, giá cả được đôi bên thỏa thuận, không ai gian lận ai, phục vụ cho người khác để có tiền nuôi thân, chấp nhận rủi ro nghề nghiệp. Người ăn xin tùy lòng hảo tâm của khách qua đường, ít nhiều tùy độ lượng, chẳng làm hại ai, chấp nhận sự thương hại của người đời, nên chưa nghe ai gọi nghề ăn xin là nghề bất lương.
Có những nghề nghiệp lương thiện, nhưng chẳng may gặp kẻ vô lương chọn lầm nghề, thì nghề đó trở thành hoen ố. Ai bảo nghề thầy giáo không phải là nghề lương thiện, nhưng trong xã hội hỗn loạn này, gặp phải những tên như Sầm Đức Giang, ép dâm với nhiều nữ sinh dưới 17 tuổi, còn đem nữ sinh dâng lên cho Chủ Tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô, thì tư cách y còn thua một thằng ma cô.
Làm nghề vá lốp, ruột xe trên đường qua lại đương nhiên là một nghề lương thiện, lấy công sức ra kiếm đồng tiền. Nhưng chồng vá lốp xe mà vợ rải đinh trên đường, cho xe qua lại thủng lốp để chồng có việc làm là chuyện bất lương. Tệ nạn này không phải chỉ có một mà đã xẩy ra nhiều nơi.
Phải chăng, chúng ta có thể nói rằng, không có nghề lương thiện, mà may ra, chỉ có con người lương thiện thôi?
Vậy chúng ta nên trước hết, nên hướng dẫn con cái làm người lương thiện, sau đó mới khuyên con nên chọn nghề lương thiện?
Huy Phương
Nguồn : Người Việt