Tết Mậu Thân, Đại Úy Trần Văn Cả bị kẹt tại Bãi Dâu, Gia hội (Huế) trong vùng địch tạm chiếm đóng, ông phải ra trình diện một lần và sau đó thoát hiểm chạy về phía hữu ngạn Sông Hương, nương náu tại trại tạm cư đặt tại trường Kiểu Mẫu. Tất cả những người ra trình diện lần thứ hai đều bị Việt Cộng đem đi chôn sống, trong đó có người chủ nhà, anh rễ của ông là một Thượng Sĩ. Sau Tết Mậu Thân, Trần Văn Cả được đưa về Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I và mặc dầu được xếp loại 2, nhưng ông vẫn tình nguyện ra đơn vị tác chiến (TĐ 14 Pháo binh) trấn đóng sát vùng phi quân sự tại căn cứ A.1. Năm 1972, Trần Văn Cả theo học Khóa Bộ Binh Cao Cấp và sau đó về Sư Đoàn 3 BB, chỉ huy một pháo đội đóng tại Quận Đại Lộc (Quảng Nam). Cuối năm 1974, Trần Văn Cả lại bị thương, sau khi nằm quân y viện ba tháng, được cử về chỉ huy hậu cứ TĐ 31 Pháo Binh ít lâu thì Đà Nẵng tan hàng.
Tháng 6- 1975, Đại Úy Trần Văn Cả trình diện đi tù “cải tạo”. Cuối năm 1976, bị lên tàu Sông Hương ra Bắc (đợt 2), qua Thác Bà và lên trại 5 Hoàng Liên Sơn chặt tre, dập nứa làm trại tù trong rừng để nhốt mình. Lúc này các trại tù Hoàng Liên Sơn đang còn sơ sài với nhà tranh vách đất và hàng rào tre bao bọc, do bộ đội CS canh gác chưa cẩn mật cho lắm nên Trần Văn Cả đã nẩy ý tưởng vượt trại. Chỉ một tháng sau đặt chân lên đất Bắc, cùng với ba người bạn (Trực, Dân, Vân- lâu ngày quên họ), người pháo đội trưởng này đã dấn thân vào con đường nguy hiểm, có chút vô định bằng cách với vài lon gô bắp nấu lấy trong nhà bếp và chiếc poncho, bẻ hàng rào tre trong đêm tối, nhắm hướng tây, lẫn vào núi cao mà đi. Vì chưa có kinh nghiệm và đường đi khó khăn, trong năm ngày đêm, bốn người tù vượt trại chỉ mới di loanh quanh được khoảng 10 cây số đường chim bay. Bộ đội CS đã huy động chó săn, dân quân và bản làng Mường Mán trong vùng sục sạo đi tìm. Trần Văn Cả sa lưới trong đêm giữa một rừng đuốc và chó săn, bị đem về lại trại cũ, lãnh đòn hội chợ và biệt giam chung với heo trong chuồng heo bộ đội.
Tháng 2-1977, Trần Văn Cả cùng bốn người trốn trại được đưa về trại 4 Cẩm Nhân và cho đi lao động lại. Trại này nằm giữa ruộng, bên cạnh một con suối, giữa khu dân cư phần đông là người Tày, chỉ có một mặt là tiếp giáp núi cao. Lại chuẩn bị trong vòng ba tháng, tích trữ muối và thức ăn khô, Trần Văn Cả lần này chỉ kết hợp với một bạn tù là Lê Bá Tường, quyết tâm trốn trại lần nữa. Đợi tới ngày sinh nhật “bác Hồ” trại có ăn được chút “chất tươi” và vệ binh canh gác lỏng lẻo, đêm 19/6-1977, hai người đến những khu hàng rào đã được chuẩn bị nhổ gốc từ trước, lội qua suối, leo lên núi kiếm đường đi. Sau mấy ngày đi trên núi cao về hướng Thác Bà, hai người vượt trại quan sát thấy có dân sinh hoạt và thường dùng bè qua Thác nên đêm đến, anh em xuống thác lấy bè đi về hướng Tây. Trong vòng 15 ngày đêm, Trần Văn Cả và Lê Bá Tường chỉ mới đi được 45 cây số, và lần này “cán bộ địa chất giả” đụng đầu với “bộ đội thật”, hai người tù miền Nam lại bị bắt đưa trở lại cùm chân, biệt giam trong nhà giam của Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn (đoàn 776). Ngày 2/9 năm đó để kỷ niệm ngày lễ lớn, những người trốn trại được tha, đưa về lại trại Cẩm Nhân cho đi rừng chặt cây tiếp tục xây dựng trại tù đang còn dang dở.
Sau hai lần trốn trại thất bại và nhận những trận đòn thù nặng nề, người tù Trần Văn Cả vẫn con mang ý muốn “tự ký giấy ra trại cho mình”, anh lại điều nghiên, lần này kết hợp với ba bạn tù đã có kinh nghiệm một hai lần vượt trại ở các nơi khác là Lê Bá Tường (81 Biệt Kích Dù) Đặng Quốc Trụ (K.20 Đà Lạt), Vương Mộng Long (BĐQ Biên Phòng), tích trữ muối và bắp khô và bốn con dao “tông” đợi ngày ra đi. Qua năm sau (1978), vào tháng 5, giữa mùa nắng ráo, bốn người tù bắt tay quyết tâm vượt núi rừng qua tới đất Lào, họ băng suối để làm mất dấu theo dõi, lúc đầu ngày nghỉ đêm đi, khi thấy đã khá xa trại giam, họ đi suốt ngày lẫn đêm. Những người vượt trại này mưu sinh bằng cách ăn lá tàu bay, rau dại trong rừng, chặt buông lấy nước uống, đến đâu đào sắn của dân nấu ăn tới đó. Sau một trận đói ba ngày, bốn người tù quyết định giết một con trâu tại một công trường của bộ đội CS. Họ dẫn trâu vào sâu trong rừng, xẻ thịt, phần ăn, phần phơi khô và nhắm hướng tiếp tục đi về phía Tây. Tính từ khi ra đi, bốn người tù này đã ra khỏi trại, như những người thực sự “mưu sinh thoát hiểm” trong rừng già, thở bầu không khí tự do, không thấy bóng áo xanh bọn cai tù Cộng Sản một thời gian dài 3 tháng 14 ngày.
Vào ngày thứ 108, bốn người tù đã hầu như trở thành người rừng, râu tóc dài, ốm yếu, đen đúa, gần như kiệt sức, gần tới địa phận tỉnh Lai Châu thì họ bị rơi vào những giao thông hào của thời chiến tranh cũ mà không biết mình đã đặt chân tới Điện Biên Phủ. Chúng ta biết là năm 1979 mới có sự giao tranh giữa Trung-Việt, nhưng tại vùng Điện Biên , bộ đội CS đã có những vụ đụng độ lẻ tẻ với các toán tiền quân thám báo của địch, do đó bộ đội CS tình nghi đây là những người tù vượt trại để bắt liên lạc với quân Trung Cộng. Bốn người vượt trại tù được các cơ quan an ninh thẩm vấn và giải về trại 6 Hòang Liên Sơn, đi bằng xe hơi mất hai ngày. Trần Văn Cả và ba người bạn bị cách ly và giam trong hầm tối đào sâu dưới mặt đất. Tại đây và vào thời điểm này, vì tuyệt vọng, Trần Văn Cả có ý định quyên sinh nhưng không thành công vì trong tay không hề có chút phương tiện gì và bị còng suốt ngày đêm. Sau hơn một tháng bị giam, Trần Văn Cả bị giải về trại Phú Sơn 4 (Bắc Thái) và cho đi làm lò gạch.
Năm 1979, nhân vụ xung đột tại biên giới Việt-Trung, Cộng Sản giải tán các trại tù “cải tạo”và đưa tù dần về phía Nam. Tại trại Nam Hà, hơn 50 tù trốn trại được đưa về tập trung ở đây. Năm 1981, Trần Văn Cả bị đưa về trại Gia Trung (Kontum), tại đây có lần tù chính trị đã nổi loạn, tuyệt thực, đánh bọn “trật tự”, bọn cai tù lại biệt giam Trần Văn Cả và một số lớn tù binh. Chúng đã thẳng tay đàn áp và đánh chết hai người là Trung Tá Nguyễn Văn Thanh (ND) và Thiếu Tá Lò Văn Em (TK Pleiku), sau đó CS nhốt những người tù có thành tích và gan dạ chung với bọn tù hình sự để dễ bề kiểm soát và khống chế. Năm 1984, Trần Văn Cả được đưa về trại Hàm Tân (Z.30D) cho đến tháng 10- 1987 mới được tha về.
Với một đàn con bảy đứa, cảnh nhà Trần Văn cả rất nheo nhóc, ông phải vá xe đạp ngoài đường, vợ mua bán chợ trời để kiếm sống. Vào lúc này chương trình cho các cựu tù nhân đi định cư ở Hoa Kỳ đã ló dạng, đem lại nguồn hy vọng cho gia đình một người tù lâu năm đang lún dần vào tuyệt vọng. Tuy vậy cuộc ra đi cũng không song suốt, vết thương trong phổi của Trần Văn Cả đã làm cho ông phải hoãn chuyến bay nhiều lần.
Cuối cùng, Ông đến được Dallas, Texas trong danh sách H.O.7 vào tháng 10-1991, rồi sau đó theo bạn bè về định cư tại thành phố Philadelphia năm 1992. Ở đây nhà cửa rẻ và dễ kiếm việc làm. Trần Văn Cả, lúc đầu cũng như các anh em HO khác mới định cư phải làm những công việc nặng nhọc như hái trái cây, lựa cà, cắt rau giữa những mùa đông giá buốt của thành phố miền Đông này.
Bây giờ bảy đứa con của Trần Văn Cả đã ổn định có gia đình và công ăn việc làm trên đất mới, ngoài giờ đi làm, ông vẫn còn hăng say hoạt động trong các Hội Đoàn Quân Đội, với ý nguyện còn làm được một việc gì cho đất nước và để lại những bài học cho con em của thế hệ sau.
Huy Phương
Gửi ý kiến của bạn