Trước khi lá đơn này gửi đi, Sang đã sử dụng dư luận xã hội làm bàn đạp để lá đơn có hiệu quả.
Những tin đồn Dũng sẽ bị xử lý sẽ bị bắt bỏ tù gây hưng phấn cho dư luận. Người ta háo hức chờ đợi một thủ tướng phải vào tù, đó là một kịch tích lớn mà ai cũng muốn thấy. Nhất là với quan chức lãnh đạo cộng sản phải vào tù thì người ta càng vui thích hơn. Phần khác là những kẻ đánh hơi thấy sự suy tàn của Nguyễn Tấn Dũng, muốn tranh thủ thể hiện mình là người cấp tiến, dũng cảm hay những kẻ muốn lấy lòng phe thắng cuộc mong kiếm chút sự nương nhờ sau này, tất cả tạo lên một làn sóng dư luận chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng.
Trương Tấn Sang đã thành công trong việc sử dụng dư luận xã hội, Sang làm được một điều mà trước đó ít ai làm hoặc ít ai thành công, là Sang đã đưa tin tức nội bộ ngầm xuống dư luận, cộng với những đơn thư tố cáo, tài liệu nửa kín nửa hở kích thích dân tình ngóng trông. Nếu nói về người đầu tiên đưa tin tức nội bộ ra ngoài, sử dụng mạng xã hội để tấn công đối thủ thì chính Trương Tấn Sang là người đầu tiên khai phá mảng này.
Quan Làm Báo ra đời , đưa tin tức trước về vụ bắt bầu Kiên đã gây chấn động dư luận, rồi tiếp đó những lãnh đạo cao cấp khác của cộng sản cũng học theo chỉ đạo đàn em lập ra những trang như Cầu Nhật Tân, Tư Sang nham hiểm ....và đỉnh điểm là Chân Dung Quyền Lực.
Các trang cá nhân của các cây viết có nhiều người đọc cũng được ai đó tuồn tin cho viết. Việc tuồn tin có thể được trực tiếp gặp gỡ tiết lộ đối với những cá nhân trong nước, còn một số trang website ở nước ngoài thì nhận được những Email không xác định được rõ người gửi.
Đặng Hoàng Yến, Nguyễn Công Khế, Trương Huy San... dùng các mối quan hệ của mình để tạo nên một mạng lưới dư luận nhằm vào Nguyễn Tấn Dũng hỗ trợ cho Trương Tấn Sang. Phía Nguyễn Tấn Dũng kém cỏi hơn trong việc quan hệ với mạng xã hội hoặc các '' trí thức cấp tiến'', những tay bút có thiện cảm với Nguyễn Tấn Dũng như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Như Phong... lại quá yếu ớt trong quan hệ với mạng xã hội.
Trước làn sóng dư luận và đơn tố cáo trong nội bộ nhắm vào mình, Nguyễn Tấn Dũng phải viết một lá thư dài gửi đến Nguyễn Phú Trọng để thanh minh.
Nguyễn Phú Trọng chỉ chờ có thế. Ông Trọng chả ghét gì Nguyễn Tấn Dũng, ông cũng chả ưa gì Trương Tấn Sang như dư luận lầm tưởng. Ông để Tư Sang tố cáo Nguyễn Tấn Dũng, đôi khi còn ủng hộ Trương Tấn Sang đánh Nguyễn Tấn Dũng. Đến khi Dũng phải đến ông như một kẻ dưới trướng đến thanh minh. Lúc ấy vị thế của ông đã thực sự trở thành một ông trùm.
Và quả thực sau những ầm ĩ tố cáo, thanh minh...của các đồng chí đang có khả năng đoạt ngôi báu, việc ông Trọng ở lại và các đồng chí có lực mạnh khác phải giã từ là một kết cục tất yêú mà ông Trọng đã chờ đợi.
Dưới đây là lá thư của Nguyễn Tấn Dũng gửi đến Nguyễn Phú Trọng để thanh minh. Lá thư này cũng là một sự xác nhận về quyền lực của ông Trọng sẽ nắm vị trí tuyệt đối ở đại hội 12. Nếu như Nguyễn Tấn Dũng không gửi lá thư này, ông ta quyết chiến tới cùng với Trương Tấn Sang, thì số phận đảng cộng sản VN sẽ có những bước ngoặt lớn. Nhưng ông ta, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp nhận chọn một cách chính thức công nhận ông Trọng sẽ là vị vua.
Trước trung ương 13 của nhiệm kỳ 11, Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu Nguyễn Phú Trọng ở lại tái nhiệm chức tổng bí thư. Việc đó gây sững sờ cho bao nhiêu đàn em của Ba Dũng. Nhưng ông ta, Nguyễn Tấn Dũng khó có lựa chọn nào khác, nếu ông ta không làm thế, ông ta chỉ còn cách dấy lên một trận chiến khủng khiếp có thể làm biến động lịch sử.
Ông Trọng nắm ngôi toàn quyền, chế độ cộng sản được củng cố hơn, những phong trào biểu tình, phong trào xã hội dân sự, phản biện dần dần bị dẹp hết, những án tù khủng khiếp đổ lên đầu những người bất đồng chính kiến. Rất nhiều quan chức cấp cao và các đại gia bị đưa ra toà lãnh án tù để đổi lấy niềm tin của dân chúng với chế độ.
Nhưng rồi thấm thoắt lại đến nhiệm kỳ 13, ông Trọng sẽ giữ được tình trạng như trên bằng cách nào ?
Người Buôn Gió
Nguồn : Blog Người Buôn Gió
Gửi ý kiến của bạn