Chính quyền tại Hồng Kông và Bắc Kinh từng gán ghép những người biểu tình tại Hồng Kông là bị xúi giục, kích động, giựt dây và kể cả mua chuộc bởi các thế lực thù nghịch. Họ chỉ ngón tay về phía Hoa Kỳ và các thế lực Tây phương, cũng như các thành phần “phản động” trong nước. Họ cũng đã từng làm như thế với phong trào Dù Vàng năm 2014 [1].
Nhưng khi những cuộc biểu tình liên tục kéo dài trên 14 tuần qua, tiếp tục thu hút một hai triệu người không chỉ một lần, và những người tham dự thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, điều này cho cho thấy các thế lực cầm quyền phi dân chủ thường không (muốn) hiểu và không thật sự (muốn) lắng nghe nguyện vọng của người dân.
Qua cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, người Việt cũng mong ước một ngày không xa người Việt Nam nói chung, giới trẻ nói riêng, có những khát vọng tự do lớn lao như người Hồng Kông thể hiện.
Mong ước như thế là điều dễ hiểu và chính đáng. Nhưng so sánh giới trẻ Việt Nam với giới trẻ Hồng Kông, trước hết, là hoàn toàn khập khiễng. Hơn nữa, sự chỉ trích, trách cứ, hay mắng nhiết, rằng giới trẻ Việt Nam thờ ơ, thụ động, vô cảm v.v… như đã từng xảy ra bấy lâu nay, một thói quen đổ lỗi/tội cho người khác, là điều tai hại và phản ứng ngược.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng giới trẻ Hồng Kông tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình trong 14 tuần qua là do ý thức muốn làm chủ cuộc đời của họ. Ý thức đó một phần đến từ văn hóa chính trị chịu ảnh hưởng của Anh quốc gần hai trăm năm qua. Nhưng phần quan trọng khác là từ nền giáo dục khai phóng, cấp tiến (liberal studies) tại Hồng Kông.
Cốt lõi của nền giáo dục cấp tiến là để phát triển tư duy phản biện (suy nghĩ độc lập, phê phán) để qua đó giúp phát triển cá nhân và cá tính của mỗi công dân trong xã hội, mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội, và sự liên kết giữa xã hội và văn hóa. Xã hội sẽ không là gì cả nếu không được cấu thành bởi những cá nhân. Cá nhân sẽ không thể phát triển vững ổn nếu không có những định chế và cấu trúc làm nền tảng cho toàn xã hội. Đây là những vấn đề phức tạp và liên hợp, mang tính lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội học, tâm lý học, chính trị học, và triết học mà các em học sinh cấp hai tại Hồng Kông bắt buộc phải học để hiểu biết về mình, về cộng đồng và, hơn nữa, về thế giới mình đang sống. Các môn học này đã có từ trước nhưng trở thành bắt buộc kể từ năm 2009. Qua các môn học này, các em trở thành những người có suy nghĩ phê phán, phản chiếu và độc lập, và phát triển kỹ năng và khả năng tôn trọng tính đa nguyên của văn hóa, quan điểm và con người. Chỉ khi nào có suy nghĩ độc lập mới đưa đến những khám phá và khai phá mới, và hình thành suy nghĩ sáng tạo do sự tìm tòi độc lập của mình [2].
Harvard, một trong những trường đại học luôn được xếp hạng đầu thế giới (năm 2019 tuy đứng thứ ba, nhưng uy tín về học thuật thì luôn đứng hàng đầu), cũng xem các môn nghệ thuật và khoa học cấp tiến (liberal arts & sciences) là trung tâm điểm của mục tiêu của trường. Triết lý căn bản của Harvard là trước khi có thể góp phần thay đổi thế giới, sinh viên cần phải hiểu về nó. Harvard cho rằng các môn nghệ thuật và khoa học cấp tiến là nền tảng trí thức bao quát làm dụng cụ để suy nghĩ phê phán, lý luận phân tích và viết rõ ràng. Harvard chủ trương “Những thành thạo này sẽ chuẩn bị cho sinh viên điều hướng các vấn đề phức tạp nhất trên thế giới và giải quyết những đổi mới trong tương lai với những thách thức không lường trước được.” [3]
Câu hỏi “Đâu là chân lý?” thì ai có thẩm quyền trả lời? Đối với các chế độ cường quyền, chân lý tuyệt đối thuộc về riêng họ, không ai ngoài họ. Luật pháp nằm trong miệng họ. Sự thật là do họ định đoạt: viết sai, viết phản khoa học, phản bản chất con người, thì họ vẫn cho là đúng; viết lại, sửa lại, nhưng sai tiếp thì… cũng đúng luôn! Nhưng trong nền dân chủ cấp tiến, không ai có thẩm quyền tuyệt đối để bắt mọi người khác phải nghe theo, ngoại trừ hiến pháp và pháp luật. Nhưng ngay cả thế, hiến pháp cũng thay đổi theo thời gian, và pháp luật cũng thay đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu xã hội và con người. Nói cách khác, không hề có sự thật bất biến. Do đó tất cả mọi người trong xã hội đều phải cạnh tranh gây gắt với nhau để tìm bằng chứng, lý lẽ và phương thức thuyết phục người khác, trong mọi lĩnh vực, nhất là các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ vấn đề nào, dù có sai đi nữa thì quyền được bày tỏ vẫn được tôn trọng và bảo vệ. Nguyên lý này đã giúp cho mọi cá nhân và toàn xã hội tìm đến được đỉnh cao của chân thiện mỹ. Và đỉnh cao đó luôn thay đổi để ngày một cao hơn. Giống như Thế Vận Hội/Olympic, kỷ lục mới luôn đạt được, nhưng thay vì mỗi bốn năm, nó diễn ra hàng giờ hàng ngày trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Những người như Joshua Wong, Agnes Chow v.v… đã tiếp thu được một nền giáo dục khai phóng, cấp tiến như thế, cho nên tư duy của họ, dù còn rất trẻ, nhưng rất độc lập và trưởng thành. Các em học sinh khác như Valerie chỉ 14 tuổi, Grace chỉ 16 tuổi, khi Hồng Kông trả lại cho Trung Quốc năm 2047 thì lúc đó Valerie 42 và Grace 44 tuổi, do đó vẫn ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời còn lại của họ. Các bạn trẻ này không chỉ biết dân chủ là gì trên lý thuyết mà còn tích cực đấu tranh để bảo vệ nó [4]. Các em hiểu rõ không đấu tranh bây giờ cho tương lai của mình thì hệ quả về sau này sẽ ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên những người ủng hộ Bắc Kinh như bà Priscilla Leung thì biện luận rằng chính môn học cấp tiến bị bắt buộc tại Hồng Kông đã là một trong các nguyên do đưa đến sự nhiệt tình quá độ của giới trẻ về vấn đề chính trị hiện thời. Bà đổ lỗi cho môn học cấp tiến này. Phía thân chính quyền Hồng Kông thì muốn chấm dứt môn học này vì nó khuyến khích suy nghĩ duy lý (rational thinking) [5].
Nền giáo dục cấp tiến tại Hồng Kông hiện nay hoàn toàn trái ngược với giáo lý và chủ trương của Bắc Kinh, nơi mà Internet thì bị kiểm soát ngặt nghèo, truyền thông thì hoàn toàn do nhà nước khống chế, và các môn học tại trường mang tính yêu nước nhưng được định hình của đảng, không phải của toàn dân tộc. Bắc Kinh muốn đào tạo ra những con người chỉ biết nghe theo làm theo, không thắc mắc đặt vấn đề, và không có tư duy phản biện hay độc lập.
Nhìn như thế, chúng ta sẽ không trách cứ người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam. Hà Nội cũng rập khuôn bao nhiêu chủ trương và hình thức của Bắc Kinh trước nay. Khi nào giới trẻ Việt Nam có được đầy đủ thông tin đa chiều và được hấp thụ nền giáo dục cấp tiến như Hồng Kông hay các nền dân chủ cấp tiến hiện nay, điều chắc chắn là họ sẽ không thờ ơ, thụ động hay vô cảm. Trong mọi thời đại sẽ luôn có những người có lý tưởng và mong muốn góp phần xây dựng cộng đồng, đất nước, chứ không chỉ sống ích kỷ cho mình. Nhưng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sinh ra và lớn lên, từ gia đình, nhà trường, xã hội và mọi hoạt động trong mọi lĩnh vực đều bị kiềm kẹp và kiểm soát, từ tư tưởng đến hành động. Cho nên chúng ta không có tư cách và không có quyền gì để nặng lời hay chửi mắng họ. Ngồi đó chửi đổng lên không những là một thái độ vô trách nhiệm mà còn vô cùng phản tác dụng. Nó chỉ làm cho giới trẻ tránh xa, không quan tâm hoặc không làm gì cả (inaction).
Cách tích cực và hiệu quả hơn là tìm những phương thức thích hợp và sáng tạo để giúp giới trẻ Việt Nam tiếp cận các luồng thông tin đa chiều, giúp đào tạo thế hệ hôm nay các kỹ năng suy nghĩ phê phán, để từ đó họ tự đi tìm chân lý cho mình và cho đất nước. Tương lai Việt Nam là thuộc về họ, do chính họ định đoạt, không ai khác. Khi có đủ kiến thức, thông tin và kỹ năng suy nghĩ phê phán, các bạn sẽ làm chủ cuộc đời của mình. Chẳng ai có thể dẫn dắt họ, xỏ mũi họ, bịt miệng bịt tai bịt mắt họ. Thử hỏi, ai dám coi thường Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) chỉ 22 tuổi hiện nay, hay lúc chỉ mới 15, 16 tuổi, kể cả Bắc Kinh!
Một thế hệ trẻ có khả năng định hình bản sắc và cung cách riêng cho mình như thế mới có khả năng đem lại một thay đổi tích cực và vững ổn. Xây dựng các thế hệ như thế chắc chắn mất nhiều thời gian. Nhưng nếu không tôn trọng giới trẻ và không chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo quốc gia trong tương lai ngay bây giờ, thì khi nào? Còn các giải pháp mì ăn liền, hay tính toán nhất thời, chụp giựt, cơ hội, mà không có viễn kiến cho đường dài, thì rốt cuộc chỉ phí sức và vô ích. Giải pháp cho bài toán phức tạp, như vấn đề chính trị tại Việt Nam, chẳng hạn, không hề dễ. Nhưng tiếp tục lối mòn cũ thì không chỉ “dục tốc bất đạt” mà còn vô cùng phí phạm. Không nên phí phạm nữa khi đất nước đang cần trí tuệ, kiên trì và nỗ lực chung trước những thử thách lớn lao hơn bao giờ hết.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA
Tài liệu tham khảo:
1. Juliana Li, “Were some Hong Kong marchers paid?”, BBC Blog, 19 August 2014.
2. Mary James, “Upper secondary education in Hong Kong: a case study”, the Royal Society’s symposium Broad and Balanced: What is the future for our post-16 curriculum? on 17 October, 2017.
3. Frequently Asked Questions, “What is a "liberal arts & sciences" education?”, Harvard College; Accessed on 14 September 2019.
4. Eliza Borrello, “Hong Kong school students join pro-democracy protests, prompting criticism of curriculum”, ABC News, 12 September 2019.
5. Sam Lo (Kowloon, Hong Kong) “Liberal studies blamed for Hong Kong ‘misbehaviour’”, Financial Times, 11 July 2019.