BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76640)
(Xem: 63104)
(Xem: 40499)
(Xem: 32118)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về Nhan Đề Gốc Của Truyện Kiều

16 Tháng Chín 20197:07 SA(Xem: 1142)
Về Nhan Đề Gốc Của Truyện Kiều
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
truyenkieuTrong quá trình sưu tầm tài liệu để viết tiếp phần 2 và phần 3 bài TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Truyện, tình cờ tôi gặp bài viết: “Nhan đề gốc của “Truyện Kiều” của Đinh Văn Tuấn đăng trên trang Tạp chí Sông Hương SỐ 310 (T.12-14) và trên nhiều trang khác, trong cũng như ngoài nước. Ông Đinh Văn Tuấn Đưa ra kết luận như “đinh đóng cột” thế này:

“Nay, chúng tôi là hậu học, sau khi đã tìm hiểu lại ngọn nguồn, xin đề nghị trả lại nhan đề gốc do thi hào Nguyễn Du đặt cho một tuyệt tác thi ca nổi tiếng trong và ngoài nước từ gần 2 thế kỷ qua, đó là KIM VÂN KIỀU TRUYỆN 金 雲 翹 傳 “

“… Truyện Kiều cũng thế, nguyên truyện Trung Quốc là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳 của Thanh Tâm Tài Nhân và tự nhiên cụ Nguyễn Du cũng sẽ đặt nhan đề là Kim Vân Kiều truyện”[“Nhan đề gốc của “Truyện Kiều”- Đinh Văn Tuấn ][*]

Và trong bài: “145 Năm Tầm Nguyên Truyện Kiều” – Hợp Lưu 01/11/2015 ông Tuấn lại tái khẳng định:

Văn bản Truyện Kiều phục cổ do chúng tôi tái lập sẽ lấy nhan đề khởi thủy do Nguyễn Du đặt là Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳 chứ không lấy nhan đề Đoạn Trường tân thanh hay Truyện Kiều như chúng tôi đã khảo chứng qua bài viết “Nhan đề gốc của truyện Kiều”-Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, S. 6(113) (2014)

Đây là những lý do ông Đinh Văn Tuấn nêu ra để đưa đến kết luận cả quyết trên.

 

Trước khi xét và phản hồi từng điểm của ông Tuấn, tôi có những ý này:

— Cám ơn ông đã không “bất kính” với cổ nhân (chữ ông Đinh Văn Tuấn), đã tìm hiểu lại một cách khoa học để phục hồi lại “nhan đề gốc của ‘Truyện Kiều’ ” Nguyễn Du.

— Ông: “đề nghị trả lại nhan đề gốc do thi hào Nguyễn Du đặt cho một tuyệt tác thi ca nổi tiếng trong và ngoài nước từ gần 2 thế kỷ qua đó là KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”. Xin hỏi: – Sau KIM VÂN KIỀU TRUYỆN còn có thêm hàng chữ nào không ông? Thí dụ như Thanh Tâm Tài Nhân? Kim Thánh Thán bình…?

Mời ông đọc những lời này của ông “bạn vàng phương Bắc” Đổng Văn Thành:

[ … Phải chăng tác giả Trung Quốc Thanh Tâm tài nhân – con người “tầm thường”, “không thể cứu chữa” – đã làm hỏng đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi không một chỗ nào coi được, phải hoàn toàn nhờ sự gia công “thiên tài” của tác giả Việt Nam Nguyễn Du mới biến miếng sắt bỏ đi thành vàng ròng lấp lánh?...”] (Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005)

[ … “Nhìn tổng thể, tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được bản gốc mà nó mô phỏng, tức – Truyện Kiều của Trung Quốc –

Ông Đổng còn nói: “Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết trong toàn bộ nguyên tác”] [Nguồn: Nguyễn Huệ Chi -Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành]

– Và cũng mời ông đọc lại những hàng chữ chính ông chú thích sau đây:

Kim Vân Kiều” là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi….ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi.” [Ngô Đức Kế (1878-1929) , Luận về chánh học cùng tà thuyết, Tạp chí Nam Phong số 86. 1924][**]

Chắc ông Đinh Văn Tuấn cho rằng cái tên sách “Kim Vân Kiều” hay ho lắm nên muốn gán cho cụ Tiên Điền, thi hào ông không “bất kính”?

 

Giờ xin lần lượt vào từng điểm, cùng những nhận xét và phản hồi của tôi:

I.
[ Dựa vào bản khắc Liễu Văn Đường 1866, là bản cổ nhất hiện còn lại ta thấy ở dòng cuối cùng c

bản khắc LVĐ và KOM
bản khắc LVĐ và KOM

ủa bản LVĐ 1866 đã khắc là Kim Vân Kiều truyện quyển hoàn 金 雲 翹 傳 卷 完 (bản Liễu Văn Đường 1871, bản Thịnh Mỹ Đường 1879… cũng khắc như vậy), ngay cả bản Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu 1902 ở trang cuối cũng vẫn ghi “Kim Vân Kiều truyện chung”金 雲 翹 傳 終 (xem hình). Vậy nhan đề gốc là Kim Vân Kiều Truyện 金 雲 翹 傳 ] – Đinh Văn Tuấn.

 

@. Trả lời:
Tôi xin lần lượt trả lời từng bản khắc:

1. Bản khắc Liễu Văn Đường : Kim Vân Kiều truyện quyển hoàn 金 雲 翹 傳 卷 完

– Theo tôi, ông Đinh Văn Tuấn nghĩ là: Sách (quyển) Kim Vân Kiều truyện hoàn tất, xong.

Vì chữ Hán nhiều nghĩa, ai cũng có thể hiểu, suy diễn theo ý riêng nên câu này cũng có thể có nghĩa: Sách kể chuyện 3 người: Kim, Vân, Kiều đã hoàn tất, xong.

– Theo tôi, nghĩa thứ 2 đúng hơn. Tại sao? Vì:

Năm 1820, tháng 9 cụ Nguyễn Du mất. Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển đề từ cho truyện thơ cụ lại có đến Đoạn Trường Tân Thanh . Ông đã giải thích tên Đoạn Trường Tân Thanh như sau:

“Truyện Thuý Kiều chép ở trong lục Phong tình,

ta không bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường lại là cái tiếng mới vậy”.[Đề Từ Đoạn Trường Tân Thanh – Tiên phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển]

Phạm Quý Thích lại có bài : “Thính Đoạn Trường Tân Thanh hữu cảm”. Cả hai bài, theo tục truyền Phạm Quý Thích đã in cùng Đoạn Trường Tân Thanh trước 1821 và giảng cho học trò, nên mới có tập cho Minh Mạng xem ( bản Liễu Văn Đường) Phù hợp với tục truyền của học trò ông: Bản phường – Hàng Gai Hà Nội. Năm 1830 Tổng thuyết vua Minh Mạng đổi tên Đoạn Trường Tân Thanh thành Kim Vân Kiều truyện, rồi đến 1871, Tổng thuyết lần 2, của vua Tự Đức sửa tên thành Kim Vân Kiều tân truyện (Giải thích rõ thêm ở dưới)

Bên cạnh nội dung truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, bản Liễu Văn Đường còn có Bài tựa (bằng thơ Đường thất ngôn bát cú) của Lãng Đường Phạm Tiên sinh – Phạm Qúy Thích, bằng chữ Hán: “Đoạn trường tân thanh đề từ”(hoặc “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm”).

Giai nhân bất thị náo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc
Băng tâm tự khả đối Kim lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thùy thương

Dịch nghĩa

Nếu người đẹp Thuý Kiều mà không đi đến sông Tiền Đường,
Thì nửa đời lầu xanh vẫn chưa trả xong nợ.
Mặt ngọc của nàng đâu cần phải chìm xuống thuỷ cung,
Lòng băng tuyết của nàng thì xứng đáng gặp chàng Kim lắm.
Giấc mộng đoạn trường nay đã biết rõ nguồn cơn,
Khúc đàn Bạc mệnh dứt rồi nỗi hận còn vương.
Vì một mảnh tài tình mà ngàn năm còn luỵ,
Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng.
(Nguồn: Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968)

Câu 5 có 2 chữ “đoạn trường“, câu cuối của bài thơ này là:

Tân Thanh đáo để vị thùy thương” Dương Quảng Hàm dic̣h: “Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng”.
Phần đầu sách đã xác điṇh tên tập thơ là Đoạn Trường Tân Thanh, không lẻ Phạm Qúy Thích “tự chặt tay mình” mà cuối sách viết khác?
Trường hợp này cũng tương tự như câu trong bản khắc Kiều Oánh Mậu ở dưới.

 

ảnh bản in Kiều Oánh Mậu 1902
Bản in Kiều Oánh Mậu 1902

.
2.  Bản khắc Kiều Oánh Mậu“Kim Vân Kiều truyện chung”金 雲 翹 傳 終

.
— Đinh Văn Tuấn nghĩ là: Kim Vân Kiều truyện kết cuộc, hết. Như trên đã nói, câu này cũng có thể nghĩ: Truyện kể 3 người Kim, Vân, Kiều kết cuộc, hết.

Cũng giống như trên, nghĩa thứ 2 đúng hơn. Vì:

Đến năm 1883 Tự Đức qua đời. Triều đình Huế lúc này thực chất chỉ là bù nhìn, toàn bộ chính trường đều do người Pháp đã đạo diễn . 9 năm sau, năm 1902 cựu quan nhà Nguyễn, chủ bút tờ báo Đồng Văn là Kiều Oánh Mậu mới cho tái bản phục hồi tên cũ là Đoạn Trường Tân Thanh, có sự phụng mệnh vua đọc và kiểm duyệt của 3 cộng tác và Hàn Lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ Thư. Có sự kiểm duyệt của quan Hàn Lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ Thư thì không phải là chuyện đùa. Phải coi bản Đoạn Trường Tân Thanh do Kiều Oánh Mậu chủ trì biên soạn là cãi chính cuối cùng của đại diện triều Nguyễn chứa đựng nội dung trung thực nhất: Ghi đúng tên, nguồn gốc của Truyện Kiều.

Và cũng giống như trên, đã phục hồi tên tập thơ là Đoạn Trường Tân Thanh không lẻ Kiều Oánh Mậu “tự chặt tay mình” mà cuối sách viết khác?

— Câu bản khắc Kiều Oánh Mậu này còn có thể thêm một nghĩa: Chấm dứt cái tên “Kim Vân Kiều Truyện” từ đây, (Kim Vân Kiều Truyện cáo chung): – Để kết thúc một câu truyện, sách in đề tựa Đoạn Trường Tân Thanh (ở trang bìa), ta chỉ cần một chữ chung (hết) ở trang cuối, như bao cuốn sách khác là xong, sao lại tự dưng ghi “Kim Vân Kiều truyện chung”? Ở đây cần hiểu là: Truyện này tên Đoạn Trường Tân Thanh, cái tên Kim Vân Kiều truyện đã chấm dứt từ cãi chính này.

Suy luận nào cũng là suy luận, nhưng suy luận nào hợp với bằng chứng nhất do người đọc lựa chọn.

— Xin nói rõ thêm vài hàng: Trong lời dẫn thứ 3 của ấn bản Kiều Oánh Mậu, có nói rằng “Minh Mạng đặt tên nay theo đó mà giữ”, cũng chẳng qua là cách bào chữa giữ danh dự cho tiên vương thôi. Từ xưa đến nay, chả có ông nào làm vua, làm chủ tịch… mà tự nhận lỗi cả, nếu muốn thì đổ thừa cấp dưới hiểu sai ý thôi. Kiều Oánh Mậu là cựu quan nhà Nguyễn, nhượng bộ quan Hàn Lâm một chút, giữ uy tín cho tiên vương cũng dễ hiểu thôi, miễn mục đích đạt được. Tên đã phục hồi, đề từ của Phạm Quý Thích và Mộng Liên Đường cũng còn đó, đời sau tự hiểu.

.

II.
[ Ngoài ra, còn một tục truyền khác lại cho vua Minh Mạng đã cho đổi tên Kim Vân Kiều truyện thành Đoạn trường tân thanh nữa, theo bản Nôm Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳, ký hiệu V.N.B.60, không rõ niên đại, có đoạn chép tay (bút lông) như sau:

“…Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã)… 仙田阮攸演出國音名金雲翹傳,奉明命御覽(賜)(改)(為)斷腸新聲(從京本也)” (… Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh)…] – Đinh Văn Tuấn

   

 @. Trả lời:

.
Xin ông Đinh Văn Tuấn ghi lại cho đầy đủ cả lời của vua Minh Mạng, tôi thấy có điều gì “nhập nhằng” ở đây:

— Lập luận ông khiên cưỡng và “trở ngược đầu”: Vua Minh Mạng đổi tên Đoạn Trường Tân Thanh thành Kim Vân Kiều truyện, sao ông suy diễn ngược lại? Có ý gì?

Nếu Minh Mạng đổi tên Kim Vân Kiều thành Đoạn Trường Tân Thanh thì sao tất cả các bản in đều in là Kim Vân Kiều hoặc Kim Vân Kiều Tân Truyện, mà không là Đoạn Trường Tân Thanh? Cãi lệnh vua được sao? Muốn tru di hả? Phải đợi mãi đến Tự Đức chết, 1883 thì 9 năm sau tên Đoạn Trường Tân Thanh mới được phục hồi bởi Kiều Oánh Mậu 1902.

— Mời đọc đoạn này:

Tàng bản ký hiệu VN B60: Bên trong là các trang thơ Truyện Kiều chữ Nôm. Bìa sách ghi bằng bút sắt:

明命御覽(賜)(名)斷腸新聲. 金雲翹傳 (mấy chữ này viết bằng bút sắt).

Phiên âm là:
Minh Mạng ngự lãm (tứ) (danh) Đoạn Trường Tân Thanh Kim Vân Kiều truyện.

Thông thường ta hiểu là: Minh mạng đã đọc ban ân (tứ) tên( danh) Đoạn Trường Tân Thanh: Kim Vân Kiều truyện.

Như vậy đây là bản Đoạn Trường Tân Thanh trình Minh Mạng duyệt và Minh Mạng đổi tên thành Kim Vân Kiều truyện, có thể có chỉnh sửa, là bản gốc của bản Kinh về sau.

Nhưng mặt bìa sau ai đó viết chú thích bằng bút lông:
雲翹傳,本北國青心才人錄, 仙田阮攸演出國音名金雲翹傳, 奉明命御覽(賜)(改)(為)斷腸新聲(從京本也), 華 堂進士笵貴適題辭… (viết bằng bút lông)

Phiên âm là:

Kim Vân Kiều truyện, bản Bắc quốc Thanh Tâm tài nhân lục, Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã) Hoa Đường Tiến sĩ Phạm Quý Thích đề từ…
[Sách Kim Vân Kiều truyện vốn là sách Thanh Tâm tài nhân lục của Bắc quốc, Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh). Phạm Quý Thích, người Hoa Đường, đậu Tiến sĩ đề từ…] (Theo Trần Văn Giáp)

.
@ Nhận xét:.

.
— Bút tích viết bằng bút sắt ở trên có thể cho là của Minh Mạng:

  • Một là, giọng văn đó của vua trực tiếp phê. Giống như ngày nay văn bản cấp dưới trình cấp trên, cấp trên phê: đã đọc Đoạn Trường Tân thanh, tên đổi Kim Vân Kiều truyện.
  • Hai là bút tích Minh Mạng viết : “ Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên” cũng bằng viết sắt ( có ảnh kèm theo)

 

ảnh Tổng thuyết Minh Mạng
Ảnh Tổng thuyết Minh Mạng

— Bút tích sau viết bằng bút lông là giọng văn thuật lại” phụng Minh Mạng ngự lãm”(thể theo Minh Mạng đã đọc), tức là của người khác, viết bút lông không phải của Minh Mạng. Ta không biết rõ ai viết, viết vào thời nào; và vì sao trong một câu ngắn gọn của Minh Mạng lại suy diễn chi tiết như thế? Do đó không thể tin cậy được. Theo tôi, “ai đó” ghi thêm và chắc “có ý” gì đó?

Tuy nhiên, cả hai bút tích viết đều có nhắc tới Đoạn Trường Tân Thanh. Tháng 9 năm 1820 Nguyễn Du quy tiên. Trong khi đó Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển ( có nhiều người nhầm Mộng Liên Đường là Phạm Quý Thích) đề từ lại nói đến Đoạn Trường Tân Thanh . Ông đã giải thích Đoạn Trường Tân Thanh là “tiếng kêu mới xé ruột”. Phạm Quý Thích lại có bài : Thính Đoạn Trường Tân Thanh hữu cảm. Cả hai bài, theo tục truyền Phạm Quý Thích đã in cùng Đoạn Trường Tân Thanh trước 1821, giảng cho học trò, nên mới có tập cho Minh Mạng xem. Phù hợp với tục truyền của học trò ông: bản phường – Hàng Gai Hà Nội. Cần thấy rằng học trò Phạm Quý Thích là những tiến sĩ, cử nhân, thám hoa…Nhiều vị đã kế thừa ông làm thầy, và học trò của các vị này lại làm thầy cho đến 1919 bỏ Nho học. Cho nên tục truyền mà lại có giá trị vì thời gian liên tục và không lâu.

Minh Mạng tuyên triệu Phạm Quý Thích vào Kinh, năm 1821 nhưng ông cáo bệnh (theo tiểu sử Phạm Quý Thích), học trò ông lại nhiều người làm quan của triều đình bảo vệ ông. Cho phép ta suy luận việc này có liên quan đến ấn bản Phường. Không có mặt Phạm Quý Thích và Mộng Liên Đường, Minh Mạng đành đổi tên Đoạn Trường Tân Thanh ra Kim Vân Kiều truyện như bản VN B60 ghi bút tích và đã chỉ đạo Hàn Lâm Viện viết bình giảng truyện Kiều theo hướng làm ngơ việc phản ánh xã hội, phê phán vương triều… nếu ai quan tâm thì xem đó chỉ là chuyện bên Tàu (như Nguyễn Du đã cố tránh né vì “họa văn tư”̣). Tập trung hướng vào than tiếc và an ủi sự gian nan giữa tài và mệnh như hình thức câu truyện. Cuốn này ắt có lưu ở Hàn Lâm Viện nên năm 1902, Kiều Mậu Oánh mới chú giải, lấy lại tên Đoạn Trường Tân Thanh, có sự kiểm duyệt của Hàn lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ Thư. [theo Lê Nghị]

.

@. Nhận xét của tôi:

– Bút sắt thời trước chí các vị vương giả dùng. Vua Minh Mạng chắc được các sứ thần Pháp tặng bút sắt Paker, nên suy ra các hàng chữ viểt bằng bút sẳt là thật sự của ông.

– Do Minh Mạng đổi tên nên các bản in sau này đều lấy tên Kim Vân Kiều Truyện, hoặc Kim Vân Kiều Tân Truyện. Cuốn thơ cổ nhất được in tìm được hiện nay mang tên Kim Vân Kiều là bản in 1866 thời Tự Đức. Năm 1875 khi Trương Vĩnh Ký chuyển ra quốc ngữ ở Saigon, lấy tên Kim Vân Kiều, không nhắc gì đến Đoạn Trường Tân Thanh.

– Đã là nhà “nghiên cứu khoa học” thì phải minh bạch và khách quan, vậy sao ông Đinh Văn Tuấn ớ trên lại không ghi rõ đầy đủ lời phê bằng bút sắt của vua Minh Mạng ra? Ông có ý gì mà giấu nó?

.

III.
[ Nếu thật có nhan đề Đoạn trường tân thanh do chính tác giả đặt thì theo ý chúng tôi, không một ai dám tự tiện đặt lại tên (dù đó là người bạn tri kỷ), đáng ngờ hơn nữa là sửa lại bằng một cái tên rất bình thường là “Kim Vân Kiều”. Ngược lại, từ “Kim Vân Kiều” gốc Hán rất dễ bị sửa thành một nhan đề hay và ý nghĩa sâu sắc là “Đoạn trường tân thanh”, nhất là khi tin và dựa vào mấy chữ “đoạn trường tân thanh” từ bài thơ của cụ Phạm Quý Thích.

Có thể một nhà Nho nổi tiếng nào đó lúc ấy đã tự ý đổi nhan đề là Đoạn trường tân thanh hoặc cũng có thể là Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi xác nhận cụ Nguyễn Du đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh nên người sau mới tin theo như Nguyễn Hữu Lập, Kiều Oánh Mậu... ] – Đinh Văn Tuấn

.

@. Trả lời:

— Trước ông Đinh Văn Tuấn cho rằng: nếu Đoạn Trường Tân Thanh là tên có thật thì ai dám đổi, dù là bạn tri kỷ. Sau ông lại cho rằng một nhà nho nổi tiếng nào đó đổi. Xin hỏi nhà nho nào nổi tiếng thi tài hơn Nguyễn Du được nhắc tới? Người ta chỉ thấy Phạm Quý Thích là thầy của bao nhiêu tiến sĩ, cử nhân cũng chỉ vịnh Đoạn Trường Tân Thanh và Mộng Liên Đường một ông quan nổi tiếng tài hoa cũng chỉ sáng tác: Tục Đoạn Trường Tân Thanh.
Vậy thì ai đổi?

— Vua Minh Mạng đổi được không?

Xin nhắc lại ở trên:

“Minh Mạng ngự lãm (tứ) (danh) Đoạn Trường Tân Thanh Kim Vân Kiều truyện”
(Minh Mạng đã đọc ban ân (tứ) tên( danh) Đoạn Trường Tân Thanh : Kim Vân Kiều truyện)

— Ông Đinh Văn Tuấn có biết tại sao Minh Mạng đổi tên không?

Vì cái tên đó nhạy cảm chính trị. Nội dung của Đoạn Trường Tân Thanh “có độc” cho vương triều, mặc dù đã mượn tên chính sử Tàu và địa danh Tàu, nhưng cái tên nghe không ổn: Đoạn Trường Tân Thanh là “tiếng kêu mới đứt ruột”.

Tục truyền vua Minh Mạng ngồi uống trà và đã phê bình câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” khi vua vừa mới lên ngôi năm 1820.

Có ông vua nào muốn nghe thiên hạ ngâm nga “Tiếng kêu xé ruột” giữa thời ” thịnh thái” không? Có ông vua nào thích nghe “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”không? Có ông vua nào thích nghe những lời phê phán xã hội, suy rộng ra là chỉ trích vương triều của mình không?

— Vì sao gọi là ban ân?: Đúng ra là phải tịch thu, cấm lưu hành; nhưng vì tác phẩm lỡ lưu hành và vì nó quá hay, nên cho tiếp tục lưu hành nhưng phải đổi tên

Đó là lý do mới đổi tên. Dù gì vua Minh Mạng cũng biết trọng người tài, nếu không cụ Nguyễn Du dễ gì thoát khỏi “họa văn tự”

.

IV.
[ Cụ Phạm không dùng chữ “độc” (đọc) mà dùng chữ “thính” (nghe) cũng đủ để cho thấy nhà thơ không phải “đọc” một truyện thơ có nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Không có gì bảo đảm là Phạm Quý Thích đã viết chính xác nhan đề Đoạn trường tân thanh] – Đinh Văn Tuấn

.
@. Trả lời:
— “thính” (nghe) bạn tri kỷ, tri âm Nguyễn Du đọc truyện thơ của bạn có nhan đề là Đoạn trường tân thanh không được sao?

Chỉ có chú em Nguyễn Du đọc cho ông anh thân thiết Phạm Quý Thích nghe, chứ ai? Chú nó sống không dám công bố, chết rồi mình công bố vậy. Phạm Quý Thích, bạn tri kỷ tri âm của Nguyễn Du, lớn hơn Nguyễn Du 6 tuổi và mất sau 5 năm.

*

Còn nhiều điểm nữa cần bàn, nhưng thôi tới đây tôi nghĩ cũng tạm đủ để độc giả hiểu rõ lòng ông Đinh Văn Tuấn . Tôi chỉ muốn nhắc lại những lời sau đây tự ông viết trong bài viết ông:

Đào Duy Anh đã từng tin như vậy: “Sách mà ta thường gọi là Truyện Kiều hay là Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du đặt nguyên đề là Đoạn Trường tân thanh. Lập Trai Phạm Quý Thích là bạn thân của Nguyễn Du, khi đem khắc bản để in mới nhân nguyên truyện của người Trung Quốc tên là Kim Vân Kiều truyện mà đổi tên là Kim Vân Kiều truyện”, hay học giả Hoàng Xuân Hãn cũng đã từng nói: “Có nhẽ cụ Nguyễn Du đặt tên truyện là Đoạn Trường Tân Thanh thực đấy, chứ không phải là Kim Vân Kiều đâu. Kim Vân Kiều là tên của sách Tầu. Rồi sau những người khắc khác, trở lại cái tên cũ của người Tầu và để là Kim Vân Kiều Truyện”– Đinh Văn Tuấn

Xin nói rõ, tôi chỉ chú trọng đển tên thật của Nguyễn Du đặt cho truyện thơ mình, còn về nguồn gốc truyện thơ thì có những bài viết khác.

Tôi thật lấy làm lạ:

– Ông Đinh Văn Tuấn đã nói là kính trọng (không “bất kính”- chữ của ông) cụ Nguyễn Du, thế mà tại sao lại muốn gán “cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được”(lời cụ Ngô Đức Kế) cho truyện thơ của đại thi hào? [**]

.
Ôi, thương thay cho cụ Nguyễn Du!
.
Nguyên Lạc
………
Ghi chú:
[*] “Nhan đề gốc của “Truyện Kiều” của Đinh Văn Tuấn

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c319/n18166/Nhan-de-goc-cua-Truyen-Kieu.html

[**] Xin nói rõ kẻo hiểu lầm: Tôi chỉ đồng ý với cụ Ngô Đức Kế về việc chê nhan đề “Kim Vân Kiều” đặt cho truyện Kiều /Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du, còn những phê phán khác của cụ thì tôi không nói đến.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn