Một bài viết mang tựa đề rất ấn tượng “Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục Trưởng C03, Bộ Công An và các điều tra viên có liên quan” của một tác giả ẩn danh hiện ra trên mạng xã hội vào đầu Tháng Tám, 2019 – xảy ra gần như đồng thời với thời điểm “lên tiếng” của phát ngôn viên Bộ Công an là Lương Tam Quang về “cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công An) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả” – đã vô hình trung tiết lộ nhiều dấu hiệu và dấu vết mang “mùi” gấu ó nội bộ.
Từ sự mô tả của bài viết trên về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công An, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc Phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu “nhân quyền” và sau đó phải tuyệt thực đến chết, cùng tên và chức danh một số điều tra viên phụ trách vụ án Trần Bắc Hà chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào…
Có thể xác định gần như chắc chắn là bài viết này được đạo diễn, viết ra và loan tải công khai trên mạng xã hội bởi một số, nếu không muốn nói là một thế lực chính trị trong nội bộ đảng. Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong khoảng một thập niên qua và đã dẫn đến một kết luận như đinh đóng cột rằng, chỉ có những tác giả nằm sâu trong nội bộ đảng mới có được thông tin sắc đến thế.
Một khi bài viết trên có nguồn tin từ nội bộ đảng, có thể cho rằng tính xác cứ của một số thông tin trong bài viết này là đáng tham khảo hoặc đáng tin cậy.
Hình thức thông tin này cũng rất giống cách thức đưa tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực về Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh trong những ngày gần đất xa trời vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 (bệnh viện ở Mỹ nơi ông Thanh điều trị, tình trạng sức khỏe của ông Thanh, số hiệu chuyến bay và ngày giờ chuyến bay đưa ông Thanh về Đà Nẵng, cái chết thực thể của ông Thanh trong lúc báo chí nhà nước vẫn ra rả dẫn lời quan chức quản lý y tế về “tau khỏe mà, có chi mô”…).
Hoặc cũng khá giống với cách thức đưa tin của một vài trang mạng xã hội về Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh (đi chữa bệnh ở Pháp, chuyến bay về Việt Nam, nhân vật đóng thế Phùng Quang Thanh…).
Việc kiểm nghiệm lại thông tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực sau khi Nguyễn Bá Thanh được chính quyền thông báo chính thức qua đời, cũng như kiểm nghiệm lại thông tin mạng xã hội sau khi Phùng Quang Thanh chính thức “biến mất” khỏi chính trường kể từ khi trở về từ Pháp, đã cho thấy những thông tin trên mạng xã hội là cơ bản phù hợp với thực tế diễn biến của hai vụ việc đình đám đó.
Nhưng vào lần này, có sự khác biệt cơ bản giữa một kết luận rất quan trọng của bài viết “Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…” của tác giả ẩn danh với những gì xảy ra ngay sau cái chết này.
Tuyệt thực hay bị diệt khẩu?
Bài “Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…” đã chỉ xoáy vào trách nhiệm của Bộ Công An đối với cái chết của Trần Bắc Hà mà không hề nói đến trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng, dù Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam 771 của Bộ Quốc Phòng chứ không phải trong trại tạm giam của công an.
Vì sao thế? Phải chăng tác giả, hoặc nhóm tác giả của bài viết này được đạo diễn bởi một bàn tay nào đó bên quân đội?
Cũng theo bài viết trên, nguyên nhân Trần Bắc Hà chết là do tuyệt thực – khác với đồn đoán đã dậy sóng về việc Trần Bắc Hà bị đầu độc hoặc bị ám sát trong trại giam nhằm diệt khẩu. Nếu quả đúng là Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực, đó là nguyên nhân dễ chịu nhất để khi bị quy trách nhiệm về việc để Trần Bắc Hà chết trong thời gian bị tạm giam, trại giam đang “phụ trách” Trần Bắc Hà (Trại 771) và cấp trên của nó (Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc Phòng) sẽ phải chịu mức kỷ luật nhẹ nhàng nhất.
Thế nhưng lại có dấu hiệu về cái chết của Trần Bắc Hà không phải do tuyệt thực.
Vào ngày 18 Tháng Bảy khi Trần Bắc Hà được báo chí nhà nước, có thông tin từ nguồn tin nào đó trong nội bộ, bất ngờ cho biết ông ta “tử vong ngoại viện.” Một số tờ báo thậm chí còn khẳng định Trần Bắc Hà chết do bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, hoặc do bệnh cao huyết áp – những bệnh lý mà hẳn báo nhà nước đã được ai đó mớm cho để đăng tải nhằm định hướng dư luận rằng cái chết của Trần Bắc Hà là rất bình thường.
Thế nhưng từ đó đến nay lại không có bất kỳ lời nhận xét nào của bệnh viện quân y 105 – nơi Trần Bắc Hà được đưa đến cấp cứu, cũng chẳng có bất kỳ thông tin nào từ cơ quan pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết của Trần Bắc Hà, trong khi việc khám nghiệm tử thi và đưa ra kết luận là quá đơn giản với các cơ quan này, nếu quả đúng Trần Bắc Hà đã tuyệt thực mà chết.
Chỉ đến cuối Tháng Bảy năm 2019, không phải Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc Phòng mà là Trung Tướng Lương Tam Quang (phát ngôn viên của Bộ Công An) cho báo chí biết là việc giảo nghiệm tử thi (khám nghiệm tử thi) được chủ trì bởi Bộ Quốc Phòng.
Vì sao việc giảo nghiệm tử thi được chủ trì bởi Bộ Quốc Phòng mà không phải bởi Bộ Công An, trong khi Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an chứ không phải quân đội? Và vì sao Trần Bắc Hà được thông báo chết ngày 18 Tháng Bảy, đã được chôn cất sau đó nhưng đến cuối Tháng Bảy mới có tin về giảo nghiệm tử thi? Phải chăng đã có nghi ngờ về cái chết này không phải là “tự chết” mà bởi một nguyên do ẩn khuất?
Những câu hỏi trên lại cần được khớp nối với những dấu hỏi trước đó vào lúc hiện ra thông tin Trần Bắc Hà “tử vong ngoại viện”: Vì sao Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an nhưng lại chuyển sang giam tại trạm tạm giam quân đội chứ không phải trại tạm giam công an?
Phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội? Hoặc thuộc loại án “an ninh quốc gia” nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng Cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công An?
Hay do “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công An – nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên “đội hình chiến lược” các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội – khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn?
Và nếu Trần Bắc Hà không phải chết do tuyệt thực thì ông ta đã bị ai giết?
Trong khi vụ Trần Bắc Hà đã xuôi tay khó bề nhắm mắt vẫn chìm trong màn sương mù mờ đục lạnh lẽo, Nguyễn Phú Trọng đã mất đi một nguồn thông tin và cũng là nhân chứng cực kỳ quan trọng nhằm phục vụ cho quy trình tố tụng hình sự những cái bóng thấp thoáng sau lưng Trần Bắc Hà.
Bầu không khí vụ án, hoặc kỳ án Trần Bắc Hà, đang trôi ngược về thời gian cuối năm 2014, phảng phất hương hồn Nguyễn Bá Thanh sau khi lan tràn đồn đoán ông ta bị đầu độc.
Và cả hương hồn của những kẻ còn sống sót. Sát cạnh “tử thi ngoại viện” Trần Bắc Hà…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt