Bọn nào mỗi khi tụ họp, không biết suy nghĩ gì khác ngoài việc bàn mưu tính kế để moi tiền, lấy tiền của bá tánh? Chỉ có thể là bọn cướp!
Tôi xem Hồi Ký của Trần Thư, Đèn Cù của Trần Đĩnh, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, và Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đến năm lần (bẩy lượt) nên cứ tưởng rằng mình cũng tường tận về Vụ Án Xét Lại chả khác gì người trong cuộc. Bữa rồi, tình cờ, coi được “Điếu Văn Bà Nguyễn Thị Mỹ” (thứ nam Đặng Kim Sơn đọc trước mộ thân mẫu hôm 25 tháng 5 năm 2019) mới biết đúng là Tưởng Tầm Bậy. Nước mắt của những nạn nhân (tràn lan) nhiều hơn tôi tưởng.
Theo nhà báo Huy Đức: “Điếu văn này có giá trị như một sử liệu.” Nói thế (e) ông có hơi quá lời chút xíu, và cũng chỉ chút xíu thôi, chứ không nhiều lắm:
Bà Nguyễn Thị Mỹ, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1919, mất ngày 22 tháng 5 năm 2019 (tức ngày 18 tháng 4 âm lịch) tròn 100 tuổi đời đóng góp cho đất nước, hi sinh vì gia đình.
Tốt nghiệp Thành chung năm 1937, cô giáo Mỹ bắt đầu nghề dạy học từ năm 18 tuổi, 7 năm dạy dỗ những trò nhỏ xứ Xiêng Khoảng và Thà Khẹt. Trở về quê hương bà tiếp tục dạy học ở thị xã Hà Đông. Suốt 7 năm đầu kháng chiến, bà giáo tiếp tục dạy các trường vùng tự do Thanh Môn, Nho Quan, nữ trung học Liên khu 3 và Nguyễn Thượng Hiền ở Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cách mạng Tháng Tám, như ngàn vạn trí thức đến với cách mạng, bà diện áo dài thêu hoa, đeo đồ trang sức xuống đường tham gia tuần hành dành chính quyền rồi làm việc tại Ủy ban Lâm thời Đà Lạt và tham gia ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc thành phố. Hưởng ứng “tuần lễ vàng” năm 1945, bà dốc hết đồ trang sức và của nả đóng sạch cho ngân khố.
Cuối năm 1946, bà lập gia đình với ông Đặng Kim Giang. Năm 1967, cụ ông đang là thứ trưởng Bộ Nông trường Quốc doanh thì lâm nạn chính trị. Gia đình đang là cán bộ cao cấp trở thành đối tượng thù địch. Trong gian khó thời chiến tranh và kinh tế bao cấp, mọi người dân đều khổ, các đối tượng bị phân biệt đối xử lại càng gian nan hơn.
Tiến Sỹ Đặng Kim Sơn – dường như – đã không tiện nói rõ cha ông “lâm nạn chính trị” trong hoàn cảnh nào, cả gia đình đã “trở thành đối tượng thù địch” của chế độ, và bị “phân biệt đối xử” ra sao? Qua điếu văn (thượng dẫn) ông chỉ cho quan khách đến tham dự tang lễ biết rằng: thân mẫu đã “bị cách chức hiệu phó trường làng (sau 40 năm dậy học) bị đưa ra khỏi Đảng, và ngoài việc phải chạy chợ, nấu ăn, chăm sóc cả nhà, bà còn lo kiếm thêm tiền bằng trông trẻ, khâu vá thuê…” để sinh tồn.
Bạn bè của Tướng Đặng Kim Giang ghi nhận mọi sự kiện đầy đủ và chi tiết hơn:
Tháng 10-1967, Đặng Kim Giang bị bắt ở Lim. Một trung đội lính súng ống tua tủa nhảy cả từ sau nhà vào trói nghiến rồi lôi đi ông tướng hậu cần từng lo cơm nước, súng đạn, thuốc men… cho mấy chục vạn quân lính và dân cồng ở Điện Biên Phủ. Tù ra, về lại Lim. Rồi chuyển tất cả nhà ra sống trong một túp nhà con ở góc sau chùa Liên Phái…
Tối hôm ấy tôi đến. Mất điện sau cơn mưa dữ. Cả khu chùa mù mịt, thê lương. Oàm oạp tiếng ễnh ương đòi trả lại chúng cái gì không rõ. Một ngọn đèn dầu với chị Mỹ lo lắng ngồi canh bên màn phủ kín. Oi nồng, ngột ngạt. Căn nhà rộng độ mười mét vuông tối tăm, ấm ướt. “Li bì suốt thôi chú ạ… Thỉnh thoảng mới tỉnh một tí. Chả đâu nhận chữa. Vào đâu được bây giờ?
Tôi về, chị Mỹ nói: ‘Những người theo anh đến đây đang lởn vởn ở sân chùa đấy. Khéo họ húc đổ xe’. Hai hôm sau đưa ma Đặng Kim Giang. Nghĩa trang Văn Điển. Lèo tèo hai chục người.
Hạ huyệt rồi, chị Mỹ đứng đầu huyệt khẽ nói:
– Thôi, chào vĩnh biệt người chồng tội nghiệp của tôi… (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Tướng Đặng Kim Giang qua đời năm 1983 nhưng oan khiên thì vẫn cứ tiếp tục theo đuổi gia đình và vợ con của ông mãi mãi. Mười hai năm sau, năm 1995, bà gửi “Thư Kêu Oan” đến các ông Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Quốc Hội, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao:
Thưa các ông,Tôi là Nguyễn Thị Mỹ, 77 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, tại phòng 20, nhà C2 Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà Nội, xin khiếu oan với các ông việc sau đây: Nếu ngày nay còn cái “trống kêu oan” của xưa kia thì tôi cũng xin đội đơn này đến gióng ba hồi trống như bà Bùi Hữu Nghĩa để “kêu oan” cho chồng tôi. Oan khuất này tồn tại đã gần 30 năm nay nhưng vẫn chưa được ai khui ra và giải oan cho gia đình tôi cùng với nhiều gia đình khác.
Đối với những đồng chí cấp cao kể trên thì khoảng thời gian 30 năm (chắc) chưa đủ dài. Do thế, sau khi đợi thêm mười hai năm sau nữa – vào ngày 27 tháng 7 năm 2017, khi sắp tròn trăm tuổi – bà Nguyễn Thị Mỹ (cùng “những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử 50 năm trước”) lại tiếp tục lên tiếng qua một văn bản khác, dài 3.382 chữ:
Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà:
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam
– Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.
Cũng như những đồng chí tiền nhiệm, qúi vị lãnh đạo hiện hành (Tổng Bí Thư, Thủ Tướng, và Chủ Tịch Quốc Hội) không hề có chút mảy may khái niệm gì về công lý và pháp luật nên tất cả đều vẫn cứ im thin thít, vẫn nhất định không ai chịu trả lời (hay chả vốn) gì ráo trọi. Sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi một phiên toà công khai trong vô vọng, ngày 22 tháng 5 năm 2019 thì bà Nguyễn Thị Mỹ từ trần, giữa một xứ sở mà nhìn đâu người dân cũng thấy những khẩu hiệu (“Sống và Làm Việc Theo Hiến Pháp và Pháp Luật”) đỏ rực khắp nơi.
Hình ảnh đẹp nhất mà bà để lại cho hậu thế – theo tôi – có lẽ là hôm “bà diện áo dài thêu hoa, đeo đồ trang sức xuống đường, hưởng ứng Tuần Lễ Vàng Năm 1945, và dốc hết đồ trang sức và của nả đóng sạch cho ngân khố.”
Tôi nghe người ta nói là “lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà.” So với hằng chục ngàn lượng vàng của của bà Nguyễn Thị Năm, và bà Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ cho Chính Quyền Cách Mạng (vào cùng thời điểm) thì đôi ba món tư trang chắt chiu của bà Nguyễn Thị Mỹ – tất nhiên – chả có gì đáng kể nhưng cũng đủ để “thử” tấm lòng của riêng một cô giáo trường làng đối với quê hương đất nước.
Ôi, những người đàn bà cao qúi (và tội nghiệp) nơi xứ Việt khốn khổ khốn nạn của tôi – nơi mà xương máu cũng như tài sản của người dân bị coi như là của riêng trong túi của một nhóm người. Họ đã từng có thể “huy động” bất cứ lúc nào, vào bất cứ việc gì (hoàn toàn) hoàn toàn tùy thích.
Năm 1945 vì quốc khố trống rỗng nên Chủ Tịch Nước Hồ Chí Minh phát động Tuần Lễ Vàng để tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Vì đất nước không chịu phát triển nên hai phần ba thế kỷ sau ngân khố quốc gia vẫn rỗng và nợ công thì vượt ngưỡng. Thế là bổn cũ bèn mang soạn lại:
- Báo Người Lao Động: Chính phủ giao NHNN nghiên cứu sớm có giải pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Báo Tuổi Trẻ: Đề xuất huy động đất, vàng trong dân chuyển thành cổ phiếu chứng khoán.
- Báo Dân Trí: Đại biểu Quốc hội kiến nghị sớm tính giải pháp huy động vàng, USD trong dân.
- Báo Vnexpress: Thủ tướng nhắc ngân hàng huy động vàng, đô la trong dân.
Tiền vàng trong dân nhiều ít cũng vẫn còn nhưng những người phụ nữa Việt Nam chân chất như qúi bà Hoàng Thi Minh Hồ, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Mỹ … thì đà khuất núi từ lâu. Với con cháu của họ ngày nay thì “giải pháp huy động vàng trong dân” e sẽ vô phương thực hiện. Ăn cháo đá bát là thứ hành vy khó có thể thực hiện được đến hai lần.
You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time. Bạn có thể lừa gạt tất cả mọi người vào một lúc nào đó, và lừa gạt một số người suốt đời nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được – Abraham Lincoln.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn Blog Tưởng Năng Tiến