BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn học và sứ mệnh hòa giải dân tộc

12 Tháng Sáu 20197:24 SA(Xem: 1203)
Văn học và sứ mệnh hòa giải dân tộc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Mỗi dịp 30 tháng Tư, tôi lại trở nên trầm tư bởi vô vàn ý nghĩ cứ cuốn lại với nhau. Tình trạng này chỉ xảy ra với tôi cách đây khoảng hai mươi năm, khi tự cảm thấy mình đã đủ chín chắn để suy tư về lịch sử. Với tôi và những chàng trai sắp thành niên như tôi hồi 1975, thì ngày 30 tháng Tư là một cơ may sống sót vĩ đại. Quá sợ hãi và chán ngán cảnh cứ phải lẩn trốn bom đạn trút xuống từ trên trời bất cứ lúc nào, chúng tôi bỗng trở thành những kẻ yêu hòa bình nhiệt thành nhất thế giới. Vì thế vào hôm đó chúng tôi chạy nhảy và hát váng từ làng trên xuống làng dưới, từ trường học ra cánh đồng. Nhiều bậc cha mẹ, trong đó có cha mẹ tôi, đã khóc vì sung sướng. Nỗi sung sướng lớn nhất là những đứa con của họ từ nay sẽ không phải cầm súng vào chiến trường như cha anh chúng để rồi rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày 30 tháng Tư là dấu mốc để từ đó người Việt không còn phải đổ máu vì chiến tranh ngay trên đất nước của mình. Với tôi, đó là ngày Hòa bình, ngày nước Việt Thống nhất.

Thời gian chờ đợi cái ngày đó không phải chỉ 21 năm tính từ năm 1954. Mặc dù nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước tổng cộng gần một trăm năm, trước khi người Pháp lại tiến hành cuộc chia cắt đầy đau đớn, nhưng sự chia rẽ dân tộc có lẽ phải tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo ngang?

Tôi luôn tự răn mình rằng, một cá nhân nhỏ bé, lại thuộc về hậu thế, đừng bao giờ cho mình quyền đưa ra bất cứ một phán xét nào về những vấn đề mình ít hiểu biết. Vì thế, tôi tự nguyện đứng sang một bên trong mọi cuộc tranh luận mỗi dịp kỉ niệm 30 tháng Tư. Nhưng khát vọng hòa hợp dân tộc thì chưa khi nào nguôi cháy trong tâm trí tôi. Nó giống như khát vọng phục quốc đã thành bản năng, thành máu trong huyết quản của người Do Thái. Hơn bất cứ đất nước nào, hơn bất cứ thời điểm nào, người Việt cần phải trở về bên nhau trong một đại gia đình. Người Việt phải ân xá cho nhau vô điều kiện, trước hết để có thể nương tựa nhau tồn tại trong một thế giới đầy bất trắc, nhất là khi mà chúng ta không có quyền lựa chọn láng giềng như mình muốn. Tôi đã nghĩ về điều này nhiều đến nỗi bất cứ ai có ý kiến gợi đến sự chia rẽ, là tôi cảm thấy chính mình bị khủng bố, ngay lập tức bị tôi coi là thù địch.

Nhưng hòa giải, hòa hợp bằng cách nào? Hơn bốn thập kỉ qua, có khi nào chúng ta không nói đến câu chuyện này? Đã có rất nhiều nỗ lực cá nhân và cộng đồng để thực hiện điều đó. Nhưng thực tế cho thấy, còn cần nhiều gấp bội những nỗ lực như vậy và mạnh mẽ hơn như vậy, cho một sự hòa giải, hòa hợp thực sự. Đó là công việc của tất cả con dân Việt, không chừa một ai. Chúng ta, mỗi người phải tận dụng mọi cơ hội, mọi công cụ, mọi thế mạnh có trong tay cho công việc quan trọng và thiết cốt đó.

Với cá nhân tôi, thứ công cụ đó là văn học.

Văn học và sứ mệnh hòa giải dân tộc
Tôi được chia sẻ ý tưởng này bởi khá nhiều đồng nghiệp, trong đó có nhà phê bình Thụy Khuê, một người phải lang thang trên đất khách quê người vì thời cuộc. Hóa ra, Thụy Khuê cũng luôn đau đáu vấn đề hòa hợp dân tộc. Vì thế, khi một lần tôi đưa bà về viếng mộ nhà văn Nam Cao và nhà thơ Tú Xương, trên suốt đường đi, chủ đề hòa giải của người Việt cứ tự nhiên nhảy vào giữa các câu chuyện và chiếm phần lớn thời lượng. Trong những tâm sự gan ruột của Thụy Khuê, tôi nhớ nhất câu: “Cứ để văn học đứng ra làm nhiệm vụ hòa giải, mọi việc sẽ ổn hết”.

Tôi được sự cổ vũ mạnh mẽ bởi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông cũng không nguôi suy ngẫm về điều mà tôi và nhiều nhà văn khác nung nấu trong tâm khảm. Nhân Hội nghị văn học hướng tới hòa giải hòa hợp dân tộc, giữa cơn bão dư luận cho rằng nó đã thất bại, chúng tôi cùng có chung một nhận định: Bằng Hội nghị ấy, ít nhất thì cũng đã có người dám chạm vào cánh cửa vốn vẫn được cài then rất chặt và mặc nhiên bị coi là vùng cấm. Bước đầu hẵng cứ thế đã. Phải có người chạm vào, rồi mở he hé, rồi mới mong nó được mở tung. Bởi vì hòa giải dân tộc là một tiến trình mang tính lịch sử và có sự can dự của lịch sử”.

Giờ đây, cũng như Thụy Khuê, chúng tôi cùng cho rằng văn học cần phải nhận lấy sứ mệnh hòa giải dân tộc. Đó sẽ còn là câu chuyện rất dài và là thứ công việc vô cùng khó khăn trên thực tế. Nhưng giống như hành động chạm vào cánh cửa, chạm vào sự cấm kị, phải có những bước khởi đầu. Và tôi nghĩ, bước khởi đầu mở ra nhiều hy vọng nhất chính là tổ chức xuất bản và giới thiệu rộng rãi sách của các nhà văn ở hải ngoại. (Thực sự thì tôi không muốn dùng thuật ngữ quen thuộc này một chút nào, mà muốn thay bằng cụm từ Nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài. Nếu tôi vẫn phải dùng là bởi vì nó ngắn gọn). Hàng trăm hàng ngàn tác phẩm văn học ấy, cần phải được coi là thành tựu của chung người Việt, là sản phẩm của văn hóa Việt.

Bởi vì trên thực tế nó đã là như vậy.

Từng tiếp xúc với nhiều nhà văn hải ngoại, cả ở ngay trên chính quốc gia mà họ sinh sống, cả khi họ về nước, tôi nhận ra một điều: Không có bất cứ khoảng cách nào giữa những người cầm bút chân chính trong khát vọng về vẻ đẹp, khát vọng nhân tính, yêu thương tiếng Việt và nòi giống Việt, lo lắng cho tương lai của dân tộc… Đó là thứ có chung ở người cầm bút, có chung ở chúng tôi, như một mẫu số gốc, như một hằng số vĩnh cửu. Vâng, trước hết, hãy để văn học được thực hiện sứ mệnh nhỏ bé của nó trong vấn đề rất lớn là hòa giải dân tộc. Nhiệm vụ này thuộc về và nên trao trước tiên cho các nhà văn, cả trong nước và hải ngoại. Hơn ai hết, nhà văn là người có khả năng truyền thông điệp, truyền cảm hứng và thu hút sự chú ý của cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Hơn ai hết, nhà văn là những người biết lắng nghe và lắng nghe một cách chính xác ngay cả những tiếng nói rất dễ bị lãng quên. Qua họ, sự cộng hưởng của của những giá trị thiêng liêng sẽ được nhân lên và lan tỏa, đến mọi ngóc ngách của cuộc đời. Tác phẩm của nhà văn thực chất là sứ giả của tình thân ái. Và nó cần được tất cả chúng ta mở lòng đón nhận.

Việc in ấn, giới thiệu, phổ biến tác phẩm của các nhà văn hải ngoại đã không còn là chuyện gì mới mẻ khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Nhà xuất bản Hội nhà văn là nơi đi tiên phong trong chuyện này, không chỉ bằng sự can đảm mà trước hết bằng sự tôn trọng và tôn vinh mọi sáng tạo thuộc về nước Việt yêu quý. Giờ đây chúng tôi muốn được làm nhiều hơn. Chúng tôi muốn việc in ấn, giới thiệu ấy, khi hướng tới sự hòa giải, mang tinh thần hóa giải thù hận, thì cần phải là một công việc bình thường, được đối xử công bằng, như bất cứ công việc hữu ích nào đang làm. Tôi là người thường bi quan trong hành động, nhưng tôi lại rất lạc quan về kế hoạch mà chúng tôi đề xuất. Thứ chúng tôi cần DUY NHẤT là sự hiểu biết, thái độ thiện cảm và niềm tin của cộng đồng.

Cuộc chia rẽ dân tộc là một thực tế lịch sử, không ai mong muốn và không thể né tránh. Nhưng đã đến lúc người Việt hãy biết thương người Việt thay vì trách móc, kết tội, mạt sát nhau. Bởi vì, tất thảy chúng ta, xét về mặt nào đó, đều góp công góp sức để tạo ra cái lịch sử đau thương ấy.

Giờ đây, ngay cả khi không can dự, thì các nhà văn vẫn nên chịu trách nhiệm chính về sự chia rẽ dân tộc, chứ không phải ai khác. Và hãy tạo cơ hội để văn học trở thành thứ thần dược, hàn gắn, làm liền sẹo tốt nhất, nhanh nhất cho mọi vết thương tinh thần.

Tạ Duy Anh

(Rút từ Viết & Đọc, số Mùa hạ 2019)
(Nguồn: Văn Việt)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn