BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà Giáo Hà Mai Anh & Tác Phẩm Tâm Hồn Cao Thượng

07 Tháng Sáu 20196:46 SA(Xem: 2761)
Nhà Giáo Hà Mai Anh & Tác Phẩm Tâm Hồn Cao Thượng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Lời Ngỏ:

Trong Đêm Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Ra Trường của Khóa Nguyễn Trãi I Trường Đại Học CTCT vào cuối tháng 5, 2019. Tôi gặp anh Hà Mai Khuê (Thiếu Tá Thiết Giáp, bạn học với Nguyễn Lương Tâm thời trung học ở Đà Lạt và cũng là bạn cùng khóa NT I của chúng tôi). Anh Khuê nhắc lại bài viết của tôi cách nay 15 năm khi được tin nhà giáo Hà Mai Anh (bác của anh Hà Mai Khuê) qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1975 tại San Bernadino, Hoa Kỳ.

Hà Mai Anh
Hà Mai Anh


Nhà giáo Hà Mai Anh, thân phụ của Đại Tá Kỵ Binh Hà Mai Việt (1933), tác giả Thép & Máu, Việt Nam Cội Nguồn Cuộc Chiến, Việt Nam & Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Lạnh... GS Hà Mai Phương (1939-2009) với nhiều tác phẩm biên khảo rất giá trị.

Trong thời gian qua, nhiều bài viết nói về nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa với chăm ngôn: Đức Dục, Trí Dục, Thể Dục. Nền giáo dục đó từ bậc tiểu học đã dạy dỗ, hướng dẫn trẻ thơ về Đức Dục để khi lớn lên làm con người lương thiện, tân hồn nhân bản để phục vụ cho đất nước.

Năm 1938 cuốn Công Dân Giáo Dục của nhà giáo Hà Mai Anh đã được xuất bản tại Nam Định được chấp thuận dùng làm sách giáo khoa. Quyển Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch của nhà giáo Hà Mai Anh đoạt Giải Thưởng Văn Chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943, cuốn sách nầy được xem như cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư của thế kỷ 20 và trở thành “kim chỉ nam” cho  thế hệ thiếu niên trong nhiều thập niên.

Nay đăng lại bài viết nầy

VTrD

*


Vào đầu thế kỷ XVIII, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn đã lưu lại trong văn đàn Việt Nam áng thơ tuyệt tác. Thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng Hán văn, vào niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Trung Hưng, năm 1741, gồm 483 câu, theo thể thơ cổ nhạc phủ trường đoản cú, câu dài đến 13 chữ, câu ngắn có 3 chữ. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển dịch sang quốc âm, thể thơ song thất lục bát, dài 412 câu (theo bản của Văn Bình Tôn Thất Lương, năm 1950, sách Giáo Khoa Tân Việt) được giảng dạy ở học đường. Qua bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Đặng Tân Côn đưa cho danh sĩ Ngô Thời Sĩ xem và ông ta ngỏ lời thán phục: “Văn chương tới mức nầy thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi”.

Nhờ bản dịch bằng quốc âm của Đoàn Thị Điểm, tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mới được lưu truyền và áng thơ Chinh Phụ Ngâm gắn liền với tên tuổi nhà thơ Đoàn Thị Điểm.

Vì vậy có những tác phẩm mà bản dịch lột tả, thể hiện tinh hoa của nguyên tác cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thạp niên; điển hình như tác phẩm của Edmondo De Amicis qua bản dịch của Hà Mai Anh.

Nhà giáo Hà Mai Anh (1905 - 1975), bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, tác giả của nhiều sách giáo khoa và dịch giả nhiều cuốn sách phổ biến trong thập niên 50, 60 ở Sài Gòn.

Năm 1954 cụ di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quý Cáp ở góc đường Trần Quý Cáp và Pasteur, Sài Gòn (nay là trường Trần Quốc Thảo) rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu Thư và Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà giáo Hà Mai Anh được trao tặng Giáo Dục Bội Tinh VNCH, Giải Nhất  Giải Dịch Thuật Pháp Văn của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa năm 1970. Cụ đã dịch những danh phẩm hầu như chúng ta đều  biết: Vô Gia Đình (Sans Famille của Hector Malot), Trong Gia Đình (En Famille của Hecotr Malot), Về Với Gia Đình (Romain Kalbris của Hector Malot), 80 Ngày Vòng  Quanh Thế Giới (La Tour du Monde en Quartre-vingt Jours của Jules Verne), Guy-Li-Ve Du Ký (Gulliver's Travels của J. Swiff), Em Bé Bơ Vơ (Charles Dickens), Chuyện Trẻ Em (Contes de Perrault của Charles Perraul), Thuyền Trưởng 15 Tuổi (Un Capitaine de 15 Ans của Jules Verne)... Hầu hết các tác phẩm chọn dịch đều có nội dung trong sáng, hướng thượng để học hỏi.

Tác phẩm Cuore của nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846-1908) được nhà văn Pháp O. Pazzi chuyển sang Pháp ngữ Les Grand Coeurs và nhà giáo Hà Mai Anh dựa vào bản Pháp ngữ nầy dịch Tâm Hồn Cao Thượng.

Hà Mai Anh-Tâm Hồn Cao Thượng.

Tác giả Edmondo De Amicis viết về tác phẩm cho trẻ thơ, câu chuyện dẫn dắt từ Ngày Khai Trường tại thành Torino, thành phố ở Tây Bắc nước Ý, vào thứ Hai ngày 17 tháng Mười đến Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi vào thứ Bảy, ngày 1 tháng Bảy. Tác phẩm tuy mỏng, gồm 60 “tiểu mục” ngắn từ (1 Ngày Khai Trường) “Hôm nay tôi đi học…” đến (60 Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi) với dòng kết “Mẹ tôi tin rằng hình ảnh trường cũ sẽ in vào ký ức của con cho đến lúc tàn hơi thở cuối cùng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng của nhà cũ kỹ mà ở đó mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con - Mẹ con”. (Thuở còn cắp sách đi học, chị Sáu tôi cho quyển sách nầy, tôi chưa cảm nhận được nhưng khi về già sống ở hải ngoại cảm thấy tuyệt vời ở trong lòng con người mất nơi chôn rau cắt rốn!).

Nhà giáo Hà Mai Anh, vị thầy khả kính trong ba thập niên 50, 60 và 70 dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng được nhà giáo Hà Mai Anh chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, khi đọc cảm tưởng như những lời tâm tình của cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô...

Hình ảnh vị thầy qua bài ký của Lưu An viết từ Thụy Sĩ, thể hiện sự trong sáng, cao quý của nhà giáo đã tận tâm đem cả tấm lòng của mình dạy dỗ học trò:

“... Nếu kể cả vị thầy giáo già cả nghèo khổ đầu tiên của đời tôi tại một ngôi nhà tồi tàn trong một xó xỉnh nào đó của thành phố Hà Nội. Người thầy đã dậy tôi đọc và viết vần ABC trong hai tháng ngắn ngủi trước ngày tôi di cư vào Nam năm 1954, khi đó tôi đã 8 tuổi! Thì thầy Hà Mai Anh là vị thầy giáo thứ tư của đời tôi, thầy đã dậy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi.

Sau khi vào Nam, việc học của tôi lại bị gián đoạn khoảng hơn một năm. Vì bố mẹ và anh em chúng tôi cùng với ông nội tôi phải theo gia đình chủ nhân ông đi lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Những sự giúp đỡ, cứu trợ của các cơ quan từ thiện và chính phủ cho người di cư, đã được chủ nhân khéo léo nuốt trọn. Mãi đến năm 1955, khi sự tham nhũng, lường đảo tiền cứu trợ của người di cư bị khám phá, chủ nhân ông thất thế. Gia đình tôi mới trở về Sài Gòn, hòa nhập với đời sống bình thường của những người nghèo khổ trong xã hội.

Lúc di chuyển về Sài Gòn, vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi đã xin ngang cho tôi vào lớp Tư trường Tiểu Học Chí Hòa. Nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, lớp của thầy Hà Mai Anh. Vị thầy kính yêu và cũng là vị thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản chất, hướng đi suốt cuộc đời tôi. Có lẽ đến nay, ở cái tuổi xế chiều, khi mà những ước muốn đã được coi là ảo vọng, dang dở, muộn màng. Khi mà sự nồng nàn, hăng say của tuổi thanh niên đã chớm màu buồn bã. Tôi tự cảm thấy lương tâm mình không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình. Phần lớn nhờ vào những bài học Đạo Đức, cũng như lời khuyên nhủ mà tôi đã thấm nhuần từ vị thầy kính yêu này.

Với thầy, tôi biết được ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ biểu tượng cho những ước mơ được phục vụ suốt đời và được chết cho nó như một người ái quốc. Tôi cũng đã lịm người đứng nghiêm trang kính cẩn, hát vang những câu hào hùng của bản Quốc Ca mỗi buổi sáng chào cờ ở sân trường trước khi vào lớp học...

... Rồi với những bài học Lịch Sử, thầy dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí bằng với những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng của quê hương. Lý Thường Kiệt phạt Tống, bình Chiêm. Trần Hưng Đạo sau Hội Nghị Diên Hồng là bản Hịch Tướng Sĩ oai hùng sát đuổi quân Nguyên. Rồi Nguyễn Trãi, khóc tiễn cha bên ải Nam Quan, gạt nước mắt trở về với Lê Lợi. Sau 10 năm nếm mật nằm gai, ông lưu truyền lại muôn thu bản Bình Ngô Đại Cáo. Cuối thế kỷ 18, đúng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, cùng với năm Cách Mạng dân quyền tại Pháp vua Quang Trung với chiếc áo ngự bào thấm đen thuốc súng đánh đuổi quân Thanh như lũ chuột đồng. Tất cả những âm thanh oai hùng của Tổ quốc ngàn năm đó đã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp Nhì hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên!

... Rồi những bài Đức Dục, Cách Trí, Vệ Sinh, và cả trong giờ Toán với giọng nói ấm cúng hiền hòa. Thầy gọi trò bằng con và xưng thầy (lúc đó ở miền Nam, thầy giáo gọi trò bằng em!) đã làm cho tình thầy trò gần gũi, thân tình hơn. Hình dáng thầy cao và hơi ốm, mái tóc muối tiêu, rẽ ngôi ở giữa trán (có lẽ lúc đó thầy khoảng trên 50 tuổi ?), da rất trắng, nét mặt hiền hòa thân ái. Trang phục của thầy đơn sơ, luôn luôn dưới chiếc áo sơ mi dài tay mầu trắng bỏ trong gọn ghẽ, có chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực. Hình ảnh người thầy nghiêm trang đã làm cho hơn 50 đứa học trò chúng tôi kính nể, nghe lời chỉ dạy.

Với vị thầy yêu kính này, ký ức tôi vẫn còn ghi đậm khá nhiều kỷ niệm, mà có lẽ trọn đời tôi chẳng bao giờ quên. Đến nay đã hơn 40 năm rời xa sự dạy dỗ của thầy, tôi có cảm tưởng thầy vẫn còn là một biểu tượng trong ký ức, làm khuôn mẫu cho tôi suy nghĩ và học hỏi. Để dành riêng cho vị thầy muôn thuở, một nhà giáo dục gương mẫu đó. Tôi xin đề cập đến vài chi tiết như là sự tôn vinh một người đã trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.

Thỉnh thoảng trong những giờ dậy học liên quan đến lịch sử địa lý, thầy thường nhắc nhở học trò về đất nước Việt Nam lấy sự phát triển nông nghiệp làm căn bản. Thầy khuyên chúng tôi nên hướng sự học mình vào kỹ thuật và nhất là về nông nghiệp. Với hướng đó, sự đóng góp vào quốc gia tích cực và thực tiễn nhất. Tôi không biết lời khuyên đó của thầy có ảnh hưởng nhiều đến các bạn bè khác của lớp không. Nhưng với tôi nó đã đi vào trí nhớ của tôi, chi phối sự ước mơ và nghề nghiệp sau này của tôi một cách quá sâu đậm...

... Khi tôi học với thầy, hình như tác phong trong sáng của thầy đã là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cửa tâm hồn tôi. Cho vào đó những lời chỉ dạy như là dòng chữ đầu tiên trong sáng! Tôi ôm ấp những ước mơ từ đó, tôi đã hướng tất cả đam mê của đời mình vào ngành nông nghiệp. Trong mấy chục năm làm việc ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc. Tôi cố dành tất cả sự thông cảm và giúp đỡ cho những thành phần lao động, đói khổ dưới quyền mình.

Tôi biết rất kỹ giá trị của sự nhọc nhằn, của những giọt mồ hôi. Tôi chưa một lần nào có những câu nói tỏ vẻ khinh rẻ đối với những người ít học, thua kém tôi. Rất có thể sự thông hiểu đó cũng được đến với con người tôi, vì tôi tìm thấy trong sự cực nhọc, nghèo túng của người khác là hình ảnh của bố mẹ và cũng chính cá nhân tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục và buổi sáng. Thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ, và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một truyện về lòng nhân đạo (không biết lúc ấy thầy đã dịch cuốn Tâm Hồn Cao Thượng và cuốn Vô Gia Đình chưa?) Rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa đông lạnh giá. Cả lớp hơn 50 đứa học trò im lặng nghe thầy kể chuyện trong sự say mê và cảm động bởi lòng từ ái của vị minh quân trong thời thịnh trị!...

...

... Tôi được biết sau năm 1975, thầy Hà Mai Anh và đại gia đình con cháu của thầy đã may mắn được đi định cư ở Mỹ. Nhưng một tin đã làm tôi buồn đau khi người bạn cho biết, thầy đã mất hơn 20 năm về trước vì tuổi già. Tôi hy vọng bài ký sự này được các anh chị, các cháu chắt, thân nhân của thầy đọc được. Coi nó như một nén hương lòng của đứa học trò kính gửi đến hương hồn của thầy.

Với những làn khói tỏa mùi thơm của tình thầy trò, với tâm tư cảm động của những bài học xưa đã hun đúc tôi nên người có chút khả năng và lý tưởng (dù nó chưa làm gì tạm gọi là hợp với ước mơ của mình.) Tôi xin gửi đến thầy Hà Mai Anh, người thầy mà tôi muôn đời kính nhớ và biết ơn.”

(Lưu An, Thụy Sĩ)

Qua những dòng của Lưu An viết về nhà giáo Hà Mai Anh nói lên cái đạo thầy trò dù thời gian và không gian có đổi thay nhưng đạo nghĩa Đông Phương như ánh mặt trời soi sáng trong tâm tư, tình cảm con người.

Ngày trước, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mang tâm trạng của người chinh phụ khi chồng là Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa, vì giặc giã, giao thông cách trơ, ngày đêm mong chờ nên đem tâm tư, tình cảm của bà để dệt thành áng văn bất hủ. Sau hai thế kỷ, nhà giáo Hà Mai Anh cảm nhận được sự cao quý trong tâm hồn nên chọn tác phẩm Les Grandes Coeurs của nhà văn Ý Edmondo De Amicis để gởi gắm niềm ước mong của mình cho tâm hồn trẻ thơ làm hành trang vào đời.

Vương Trùng Dương
12-2004

*

Ba bài tiêu biểu


Lòng Ái Quốc
Edmondo De Amicis - Hà Mai Anh dịch
 Thứ tư, ngày 25 tháng Giêng

 
Đầu bài thi của con sáng nay là: “Tại sao anh yêu xứ sở của anh ?” Con đã cảm động về chuyện “Chú lính đánh trống” hôm trước, tất con đã làm bài con một cách dễ dàng.

Tại sao anh yêu xứ sở của anh ? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao ? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy ; vì nguồn máu trong huyết quản của tôi đều là của người ; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng ; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, cái em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn chung sống với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi đã trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.

Bây giờ còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng tựa bao lan tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy tràn lệ cảm ở trong lòng con dâng lên và miệng con buột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.

Con sẽ cảm thấy tính yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cố giàu xéo vào đất ta; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu “dũng cảm”, nào mẹ tiễn con hẹn lúc “khải hoàn”.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ ba sắc bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tụng.

Con ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Ví một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con đã lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, cha vẫn đón con lúc đi học về bằng tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm tim mà thác cho rồi!

Cha con.

(Trích trong Tâm Hồn Cao Thượng)


 
Cha Tôi
Edmondo De Amicis - Hà Mai Anh dịch

 Thứ bảy, ngày 17 tháng 6

Enricô ơi! Chắc hẳn những bạn con như Côrêtti và Garônê không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đả đối với cha con chiều qua. Con phải thề cùng mẹ rằng từ rầy con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia - mà ngày ấy không thể tránh được - cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trối trăn. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tốt của con; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phảI làm cho con khóc.

Trừ lòng yêu con, thương con, còn ngoại giả cha con giấu hết. Nào con có biết: những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải chơ vơ và không nơi nương tựa! Nào con có biết: bao phen bị mối ưu phiền ấy ám ảnh, cha con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi! Nào con có biết: lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.

Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con; bổng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con khổ thống biết là dường nào ? Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cáci gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc còn bé... Con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngày mai cũng không biết chừng!

Ôi! đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở xung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con đầu tang tóc rối, âm thầm chua xót! Thôi! Con ơi. Mẹ nói đã nhiều. Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi.

Mẹ con.

(trích trong Tâm Hồn Cao Thượng)

 
Mẹ Tôi
Edmondo De Amicis - Hà Mai Anh dịch

Thứ Tư, ngày 25 tháng Mười Một

Sáng nay, cô giáo Đan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôị Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:

“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như 1 mũi daọ Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải “bỏ” con thì lại sụt sùị Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem 1 năm hạnh phúc của mình để chuộc 1 giờ đau đớn cho con, 1 người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống! Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là con mất mẹ con.

Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy là 1 đứa trẻ trơ vơ và yếu đuốị Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con ngườị Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn 1 điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt vui, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.

An ơi! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quí báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!”

Cha con.

(Trích trong Tâm Hồn Cao Thượng)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn