Thi sĩ Tô Thùy Yên, một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học miền Nam Việt Nam trước 1975, một nhà thơ trong quân ngũ VNCH, một nhà thơ của “Tù Cải Tạo Cộng Sản” vừa ra đi tối ngày 21 Tháng Năm, 2019.
Các trang mạng, nhất là những trang mạng văn học trong và ngoài nước cùng loạt đăng tin buồn này.
Tôi đọc thơ Tô Thùy Yên cũng khá lâu, tìm thấy thơ anh chất giấu trong đó những hệ lụy về kiếp nhân sinh: Lịch Sử, Đất Nước, Chiến Tranh, Tình Yêu và Cô Đơn. Đôi khi thơ anh trầm uất quá, như kéo mình xuống một con vực tối om.
“Trời đất thì buồn như xác rỗng
Ta thì như gió, tuyệt bơ vơ
Trăm năm, cửa khép hờ mưa nắng…
Mãi chẳng ai về qua gọi cho” (Nỗi Đợi)
Cũng may dưới đáy vực đó là những con chữ lấp lánh như sao, soi tỏ mặt người, những chữ như hoa cỏ làm đẹp cho mất mát. Anh mang hoa cỏ cài vào cái chết.
Trong thơ anh tôi tìm thấy khá nhiều bài, có những đoạn hoa cỏ và nỗi chết được gắn liền với nhau.
“Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
Anh biết anh đã trút linh hồn” (Trối Trăng)
Có phải thi sĩ muốn thăng hoa sự chết cho thiên nhiên và mất mát đó lại được đền bù bằng cây cỏ, những chiếc nấm bi thương và những cây xanh biết khóc.
“Em vùi xác anh dưới lớp tro mùa thu
Khuôn mặt ủ ê em bật trận mưa dầm
Tấm xương thịt anh lạnh lùng rã mục
Bừng nở loài nấm độc tên bi thương” (Trối Trăng)
Cứ tưởng tượng thân xác của một thi sĩ đã hòa tan cùng đất sau nhiều năm, loại hoa cây nào đã mọc lên, đã già cỗi nhưng linh hồn của thi sĩ thì dừng lại, không già thêm nữa. Đứng nhìn lại quãng đời của mình trên thân cây đó như nhìn về tiền kiếp.
“Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường” (Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
Rồi hồn thơ đó lại để cho cây xanh, cỏ biếc đêm xuân thời trẻ cùng ồ ạt kéo về.
“Đêm bạc hà nghe thơm cổ tích
Muôn sao trẻ nhỏ đùa rì rào
Trong vườn cây cỏ dường linh hiển
Đã hiện thành người đi dưới sao” (Mùa Hạn)
Có ngậm ngùi chăng? Khi linh hồn của thi sĩ cúi xuống nhìn cây cỏ, tiếc cái thời đã sống ở trần gian dù phải sống trong kinh hoàng và tủi nhục, tù đày.
“Còn ở đâu miền xanh bóng cây
Để ta đến đó ngồi trưa nay
Hình như hơi mát trong vòm lá
Có chất men làm ta thoáng say” (Mùa Hạn)
Xa hơn nữa, thi sĩ đã ví trái đất như một người mẹ, như một bào thai cưu mang cho cỏ cây được sinh ra.
“Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh” (Hề,Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
Khi anh viết câu thơ:
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Ta Về)
Hiểu thế nào cũng đúng “Hoa đã vì ta nở,” hay trên phần mộ của thi sĩ một loài hoa nào đó may mắn được mọc lên, cảm ơn nhờ thi sĩ mà hoa mới nở?
Thi sĩ đã đi xa lắm rồi, đi tới đâu chúng ta không biết, cũng chỉ đoán mà thôi. Chúng ta không thể biết rõ ràng như: đang ở trong tù, đã được thả, đã ra khỏi nước mình. Đi đâu thì thi sĩ cũng thấy mình thất lạc giữa cõi nhân gian, và anh đã khóc như liễu khóc.
“Đi như đi lạc trong trời đất
Thủy tận sơn cùng xí xóa ta
Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu
Có thật là ta đã đi xa” (Đi Xa)
Người thi sĩ đó đã thật sự bỏ đi, đi thật xa, không biết là đi đâu nhưng chắc trong chúng ta ai cũng mong cho nơi đến của anh là một cánh đồng cỏ xanh, và anh đã nằm xuống đó, ngửa mặt, giang tay nhìn bầu trời. Mặt đất sẽ nở tặng anh một đóa hoa thơm ngát, anh sẽ cài một bài thơ trên lồng ngực mới. Thơ anh không còn u uất nữa.
“Trong lồng ngực gầy
những chiếc xương như những song cửa nhà tù
đã thở những tiếng thơ u uất
cô đơn và bi thương
suốt một đời người
anh đừng mang theo nữa
trên cánh đồng cỏ
mặt đất sẽ chồi những cành hoa
bông hoa nào vì anh đã nở
sẽ nở cùng với mặt trời
Khi anh đi dù rất vội
nhớ bỏ lại
‘Cánh đồng con ngựa chuyến tầu’ (*)
Hãy cài bài thơ lên ngực mới
trang thơ sẽ xóa những vết bầm.”
Trần Mộng Tú
Nguồn Người Việt
—-
(*) Cánh đồng con ngựa chuyến tầu – tựa một bài thơ Tô Thùy Yên.