BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72635)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

‘Ân huệ’ của chiến tranh: Chiếc thẻ bài vô tri?

13 Tháng Năm 20197:05 SA(Xem: 1494)
‘Ân huệ’ của chiến tranh: Chiếc thẻ bài vô tri?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Nhân thân người đàn bà trong truyện của Đinh Phụng Tiến và, những cảm nghĩ, những câu hỏi không có câu trả lời, rất quen thuộc trong đời sống thực của những phụ nữ miền Nam ở giai đoạn lửa đạn như “được mùa,” đã vùn vụt gia tăng cường độ.

Nhà văn Đinh Phụng Tiến
Nhà văn Đinh Phụng Tiến.
(Hình: Đinh Phụng Tiến cung cấp)

Giới thiệu nhân thân của nhân vật chính, xương sống của truyện, tác giả “Tro Tàn” viết:

“…Tôi là người đàn bà ít may mắn. Lập gia đình sớm, năm mười chín tuổi. Hồi đó, bố Hạo vừa tốt nghiệp trường Sĩ Quan Trừ Bị và tôi sửa soạn vào trường Sư Phạm. Ngay sau lễ cưới, chồng tôi được lệnh tham dự những cuộc hành quân xa và tôi ở lại nhà. Sau này thỉnh thoảng chồng tôi về thăm gia đình nhưng thường những ngày đoàn tụ ấy không lâu. Tôi có thai Hạo vào giữa thời kỳ lên lớp năm đó, và nó là chứng tích của những ngày tháng tôi sống vò võ một mình. Hạo giống bố và hai đứa em của nó sau này, giống tôi. Nhà tôi tử trận cách đây hai năm. Cái tang trong đời tôi chưa nguôi ngoai thì Hạo lên đường…”

“Chồng tôi rong ruổi trên cuộc sống khô khan ấy trong gần hai mươi năm với cấp bậc sau cùng, đại tá. Thời gian đằng đẵng như vậy vẫn chưa đủ chấm dứt sao? Và con tôi lại tiếp tục đến bao giờ? Chiều nay tôi có mặt ở đây để tìm con, tôi có lý do để phiền muộn, phẫn nộ cho những điều kỳ quái ấy. Khi mới lớn, tôi đã nhìn thấy có chiến tranh. Cuộc chiến ấy kéo dài cho đến tận bây giờ. Không biết bao giờ mới kết thúc…” (“Tro Tàn,” trang 17)

Dường như hiếm có gia đình nào không có ít nhất một người đàn ông đã vĩnh viễn nằm xuống, như một hậu quả đương nhiên của thời thế, chiến cuộc!

Chiếc bóng, cái chết của người chồng, người cha, trong đời thực của nhân vật chính trong “Tro Tàn” của họ Đinh là chiếc khăn tang thứ nhất sớm chít trên đầu người vợ còn quá trẻ và những đứa con, có đứa chưa kịp trưởng thành, trước khi hai mươi năm sau, người đàn bà bất hạnh này, lại tự chít lên đầu mình một khăn tang khác.

Và, sau đây, cũng là hoạt cảnh rất quen thuộc với nhiều người mẹ có con bị ném vào lò thiêu bom đạn:

“…Tôi bằng lòng theo người đàn ông ấy vào điếm canh, chờ Hạo. Đứa trẻ mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn nghĩ nó còn bé dại…” (“Tro Tàn,” trang 21)

Cảm nghĩ này của người mẹ Việt Nam, cũng là một thứ tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ Việt Nam, được Đinh Phụng Tiến ghi nhận một cách sâu sắc.

Tiếp theo là sự kinh ngạc, và cũng là tâm lý tự nhiên của người mẹ Việt Nam trong chiến tranh, đến nơi đồn trú, thăm con:

“…Nghe người trung sĩ hồi nãy kêu nó bằng ‘ông’ không khỏi dậy trong lòng tôi một cái gì đó rất lạ lùng. Hạo đã lớn, quả thật nó đã lớn. Bố nó ngày xưa khi trao cho tôi thư tình đầu tiên cũng cỡ tuổi này. Tôi hoảng hốt và sợ hãi. Nó đã vượt khỏi tầm tay, vượt khỏi tình yêu thương của tôi khiến tôi tưởng tôi chẳng còn gì nữa. Gia tài chồng tôi để lại cho tôi chỉ có ba đứa con…” (“Tro Tàn,” trang 21)

Đúng nhất, phải nói rằng, sự vuột mất khỏi vòng tay, khỏi vòng ôm thương yêu của người mẹ, không phải do đứa trẻ chủ động, mà đó là nhát chém thứ nhất của chiến tranh, như một thứ trớ trêu, đành hanh của định mệnh bao trùm một giải đất!

Sự trớ trêu của định mệnh còn ném những đứa trẻ ra khỏi ngôi nhà ấm êm hạnh phúc chúng, khi chúng cho những người mẹ đau khổ biết rằng, chúng không còn bé dại nữa, chúng đã thực sự trưởng thành và muốn thoát khỏi tấm lưới bảo bọc của người mẹ:

“…Chợt người lính kêu lên: Kìa, chuẩn úy Hạo đã về kia, thưa bà. Nói rồi anh ta la lớn: Chuẩn úy! Chuẩn úy! Tôi đứng lên, qua khung cửa Hạo đã trông thấy tôi. Nó chạy lại và đứng sững ngay trước cửa, cùng lúc la lên thảng thốt: Má!”

Nhưng giây phút cảm động, bất ngờ về sự có mặt của mẹ ở vùng hành quân, người con còn trẻ đã thống trách mẹ mình rằng, tại sao nó đã có thư yêu cầu mẹ đừng đi thăm nó. Và:

“…con muốn má ở nhà với Thục và Nhi. Còn con, con có thể tự xoay xở lấy được. Sao lúc nào má cũng coi con như đứa trẻ nít mãi vậy?”

“-Không. Má biết con đã lớn. Nhưng má ước ao lúc nào con cũng là đứa trẻ nít đối với má. Vì đó là lẽ sống của má…” (“Tro Tàn,” trang 24)

damtanglinh-150x150
Ảnh minh họa

Nhưng bi kịch của cuộc chiến miền Nam hơn 20 năm, không ngừng ở sự việc những người mẹ sớm mất những đứa con máu thịt của họ mà, chiến cuộc còn tiếp tục xuống tay bằng những vết chém thần lặng, là sự đứt lìa những mối tình tuyệt vọng của lớp người trẻ qua câu chuyện khá phổ cập là chuyện một thiếu nữ ba lần đốt áo cưới của mình. Khi cả ba ý trung nhân của cô, lần lượt ngã xuống do những viên đạn mù lòa, từ phía đối phương, họ Đinh lạnh lùng ghi lại:

“…Sau tang lễ, Hoài đem tấm áo cưới xếp lại gọn ghẽ, cất trong tủ áo như cất mối tình dang dở. Nhưng những bà cô ông chú trong họ hàng có tính dị đoan, bàn rằng hãy đốt ngay tấm áo cưới đó đi. Bởi vì, theo họ thì cô còn quá trẻ không thể sống cuộc đời góa bụa như vậy, Cô sẽ còn đi ‘một bước nữa.’ Ban đầu, Hoài không chịu nhưng trước áp lực của mọi người, cô để mặc ai muốn làm gì thì làm. Cô bỏ học, sống như một người mất trí. Khi tấm áo cưới được đốt dưới ngọn lửa to là lúc cô cảm giác đi theo tang lễ một lần nữa.”

Về những giây phút cuối cùng của Huấn, người chồng chưa kịp cưới của Hoài được đồng đội kể lại, có một chi tiết mà dường như nó chỉ xày ra trong cuộc chiến Việt Nam mà thôi:

“…Người hiệu thính viên đã chết. Lúc này, Huấn vừa là người chỉ huy vừa chiến đấu như một người lính và vừa liên lạc với cấp trên, trong vai người hiệu thính viên. Anh xin pháo binh bắn đạn nổ chụp lên đầu mình vì căn cứ đã bị tràn ngập. Yêu cầu của anh được trung tâm hành quân đáp ứng ngay, vì không còn cách nào khác. Quyết định của Huấn là một quyết định tuyệt vọng và can đảm. Đây là một yêu cầu tự sát để cùng chết với đối phương…”

“Huấn chết ngay trong loạt đạn đầu tiên dội trên đầu mình. Xác hai bên nằm hỗn độn…”

Vì thế, xác của Huấn nằm chung với xác đối phương:

“Người ta nhặt được khúc mình, xếp khúc đầu đã nát nằm chung. Có những chỗ quần áo cháy nát không còn. Thêm vào cái xác ấy là một cẳng chân còn dính chiếc giầy bốt, chiếc cẳng chân khác không có giầy, không có bàn chân, không biết của ai. Người ta xếp vào luôn cho đủ…” (“Tro Tàn,” trang 67, 68)

Và, bi kịch tròng chéo bi kịch. Sự khốc liệt không chỉ dành riêng cho người chết mà, hậu qua ghê khiếp hơn cả, vẫn là điều được coi là “di sản” để lại cho người sống.

Kiếp sống nào dù vắn vỏi hay dài lâu, cuối cùng rồi cũng phải bước vào cửa tử. Khác nhau chăng, những người trẻ chết trong lửa đạn và những người mẹ, người vợ, những đứa trẻ… vẫn phải tiếp tục sống như nhát chém cuối cùng của chiến tranh:

“…Tôi trở về nghĩa trang quân đội Dĩ An ở Biên Hòa. Con tôi nằm trong chiếc quan tài có phủ cờ vàng. Trong nhà tang lễ hoang vắng, có những người lính bồng súng gác, đứng yên như tượng đá. Tôi hỏi, con tôi đâu? Người ta nói đang nằm trong đó. Tôi đòi mở nắp quan tài cho tôi nhìn mặt con tôi lần chót. Người ta bảo sẽ không nhìn thấy mặt vì trong chiếc quan tài ấy chỉ còn là đống thịt vụn. Tôi gào lên, con tôi còn sống, người ta đã chôn nhằm xác. Hãy mở ra, mở nắp quan tài cho tôi. Người ta bảo không có sự nhầm lẫn nào ở đây, vì chỉ một trái 122 ly làm chết một người. Chiếc thẻ bài của người tử sĩ là duy nhất…” (“Tro Tàn,” trang 217, 218)

Phải chăng, “ân huệ” duy nhất mà chiến tranh dành cho người sống, là tấm tấm thẻ bài vô tri?

Du Tử Lê
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn