Tôi ngồi lặng trong căn phòng yên tĩnh. Những ngày này năm xưa lại hiện về trong trí nhớ của tôi.
Những thế hệ bị ngộ độc thông tin
Ngày đó, 30/4/1975, tôi là cậu bé mới 13 tuổi, cái tuổi mới lớn và tập làm người lớn, mọi giác quan, mọi cái nhìn đều hướng ra phía ngoài xã hội và cuộc sống để ghi nhận lại tất cả, để tìm cho mình một lối suy nghĩ và cảm nhận về cuộc đời và xã hội xung quanh.
Cái nhìn bị hạn chế bởi tất cả mọi mặt xã hội Việt Nam được bao bọc bởi một màn sắt khổng lồ, về thông tin, về cách nghĩ, về cách làm và mọi hoạt động xã hội đều được sự “lãnh đạo tuyệt đối của đảng”. Do vậy mọi biến động xã hội được ghi nhận như một sự tất nhiên, một điều không thể khác.
Điều này sẽ khó hiểu với những người chưa từng sống với cộng sản. Nhưng lại là rất dễ hiểu với những người đã từng sống, từng gặp hoặc quan tâm đến hệ thống tuyên truyền cộng sản.
Những lớp người như chúng tôi, cứ mỗi sáng vào lớp từ lớp vỡ lòng trở đi, đều bắt đầu buổi học bằng bài hát: “Giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt Đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan, máu rơi, lòng hận thù ngất trời…”. Hoặc là: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa và khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù…” Những bài hát tương tự được lặp đi lặp lại cả ngàn lần từ miệng những đứa trẻ đến người già, đã dần dần trở thành khẩu ngữ, trở thành tư duy và tư tưởng khó mờ phai gột rửa một sớm một chiều.
Rồi ở tuổi thiếu niên, chúng tôi đã được chính quyền tổ chức các cuộc biểu tình, “đại náo” bằng chiêng, trống, mõ và bất cứ cái gì có thể gây âm thanh để “phản đối Đế quốc Mỹ xâm lược và ủng hộ đồng bào Miền Nam”.
Khắp nơi, các khẩu hiệu được giăng đầy các ngõ phố, quét bằng vôi, nhọ nồi trên các bức tường, các tấm cót, mẹt, nong nia… động viên, kêu gọi mỗi người dân “Tất cả cho sản xuất, tất cả để đánh thắng Giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội”…
Nhiều gương “trẻ em miền Nam giết giặc” được báo chí đăng tải hàng ngày rằng là em bé mới hơn chục tuổi đã giết được bao nhiêu quân Mỹ, bao nhiêu quân ngụy, rằng là đến thú vật cũng tham gia chiến đấu với quân dân Miền Nam. Thậm chí, những việc giết địch, làm bị thương được bao nhiêu tên, đã trở thành đề toán để giảng dạy trong hệ thống sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học.
Người dân miền Bắc vẫn cứ tin rằng cả miền Nam đang đứng dậy, “lật đổ chế độ phản dân hại nước” ở Miền Nam khi lê máy chém đi khắp toàn miền Nam tàn sát đồng bào đau thương.
Thậm chí, những câu chuyện về những tấm gương của biệt động quân Sài Gòn, của du kích miền Nam giết giặc, của những “Đội Thiếu niên Ấp Bắc”... đã ném bom mìn vào bất cứ nơi nào miễn là giết được người. đều trở thành những chiến công, những huyền thoại. Hệ thống tuyên tuyền miền Bắc đã biến cả mấy thế hệ thành những hồng vệ binh, mơ ước có một ngày nào đó được tự khẳng định mình bằng những màn chém giết.
Chúng tôi đâu có biết được rằng, đó là những hành động khủng bố bất chấp nguyên tắc, luật pháp quốc tế, kể cả những quy tắc của chiến tranh.
Thế là cả thế hệ cứ náo nức đón nhận những thông tin đầy máu và xác người được truyền đi truyền lại vào nhận thức, đến mức nó trở thành chuyện thường tình, đến mức chuyện giết một số người không cùng quan điểm cách mạng, giết bọn “phản động” là chuyện tất nhiên chẳng hề có tội lỗi gì.
Rồi những tháng ngày bom rơi đạn lạc, những cuộc tấn công vào các trọng điểm quan trọng về kinh tế, quân sự của miền Bắc như cầu đường, nơi tập trung kho tàng và vũ khí chiến tranh, nơi đóng quân…
Khổ nỗi, với lý thuyết “Chiến tranh nhân dân” nhà cầm quyền Việt Nam đã không từ một cách nào để đẩy mạnh cuộc chiến dù tính mạng người dân luôn bị đe dọa. Những đoàn quân hành quân ban đêm, ban ngày trú chân ở các làng xóm. Những đoàn xe vận tải hàng hóa, vũ khí viện trợ từ nước ngoài để chở vào Nam ngoài những con đường huyết mạch bị bắn phá liên tục, thì khi cần, họ tản vào các làng xóm ẩn trú. Những trận địa pháo phòng không cách nhà dân chỉ vài trăm mét, những bến phà, cầu đường được lập xuyên qua các làng mạc. Những kho đạn dược được chuyển về xây dựng ngay giữa làng xóm đông đúc nhất. Chỉ vì nơi đây kín đáo, đông dân sẽ ít bị bom đạn Mỹ tấn công.
Và cứ vậy, những cuộc ném bom tấn công của Không quân Hoa Kỳ vào các mục tiêu đó đã hàng ngày xảy ra, mạng sống của người dân có thể biến mất bất cứ lúc nào. Tất cả đều được coi là do Đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn gây tội ác.
Thậm chí, những xóm đạo quê tôi, nhà thờ, thánh thất bị chiếm đoạt, trưng dụng dùng làm nơi chứa những tài nguyên chiến tranh, làm trận địa. Và nếu có những cuộc tấn công vào đó của không quân Hòa Kỳ, thì khi đó, lại được đưa lên truyền thông để tố cáo kẻ thù đã đánh bom vào nơi thờ tự, cơ sở tôn giáo.
Những lễ lạt của giáo dân bị cấm đoán, những hồi chuông nhà thờ, chuông chùa bị cấm tiệt với lý do chiến tranh, phòng không… mà mục đích sâu hơn sau đó, là việc ngăn chặn tôn giáo trong cuộc “Cách mạng văn hóa tư tưởng” ở Miền Bắc. Thế nhưng, tất cả những hạn chế đó, đều được đổ cho là “vì chiến tranh, vì tội ác của Đế quốc Mỹ xâm lược”. Muốn được tự do hơn, được thoải mái hơn thì hãy cố gắng theo đảng phấn đấu lao động, để tiến đến ngày hòa bình.
Vì thế, thẳm sâu trong lòng mỗi người dân miền Bắc, một sự khao khát hòa bình mãnh liệt. Bởi nào có ai biết sự thật đằng sau những lời tuyên truyền kia là gì.
Những ngày này của năm đó, một không khí rộn ràng khắp nơi được hệ thống truyền thông cộng sản ngày đêm đổ vào đầu người dân: Chiến thắng, chiến thắng vĩ đại.
Những ngày qua, những bản tin “chiến thắng” liên tiếp dội về khắp hang cùng ngõ hẻm của Miền Bắc. Giải phóng tỉnh nọ, giải phóng tỉnh kia và cuối cùng thì Giải phóng Sài Gòn, Miền Nam hoàn toàn Giải phóng.
Kèm theo những bản tin chiến thắng đó, là không khí náo nức, hồi hộp của mọi người dân Miền Bắc đã bao năm dồn hết sức lực, máu xương “Vì miền Mam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội”. Cũng theo đó, là những hình ảnh của người dân Miền Nam hân hoan, phấn khởi chào đón những đoàn quân giải phóng từ Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa đến giải thoát cho họ khỏi ách xâm lăng và đưa họ lên thiên đường Xã hội chủ nghĩa.
Tôi còn nhớ lời văn sang sảng của Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN vang lên trong máy thu thanh: “Chúng ta chào mừng Tổ Quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vĩnh viễn thoát khỏi họa chia cắt, chào mừng non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau từ nay hoàn toàn độc lập tự do và vĩnh viễn độc lập, tự do”.
Tuyệt nhiên, tôi không hề biết được rằng, bên cạnh những thành phố, những tỉnh được giải phóng, để có cái gọi là “độc lập, tự do” ấy, những biển người đã vĩnh viễn nằm xuống, hàng triệu người dân Việt Nam đã phơi xác khắp mọi nẻo đường nước Việt.
Tôi cũng không hề được biết rằng, cũng những ngày “Chiến thắng” đó một nửa đất nước đang hò nhau bỏ chạy khỏi cuộc “giải phóng” và những nơi bóng dáng người Cộng sản.
Và hàng triệu người đã từ chối được giải phóng, để làm nên một câu chuyện huyền thoại về sự đau thương của dân tộc: Bỏ nước ra đi.
Trong đầu óc và trái tim của những người Việt ở miền Bắc lúc bấy giờ, một miền Nam được giải phóng là nỗi mơ ước, sự khát khao của không chỉ người dân Miền Bắc động lòng thương với tình đồng bào dành cho đồng bào Miền Nam đang “rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước”. Bởi ở đó, họ chỉ biết được rằng, đồng bào miền Nam đã bao năm chịu sự đày đọa, thống khổ do chính quyền Mỹ - Ngụy tạo nên.
Có thể mãi đến sau này, nhiều người dân Miền Nam vẫn không hiểu và không thể cảm thông cho những người dân Miền Bắc lúc đó, vì sao đã gửi con em mình để làm một cuộc xâm lăng trắng trợn đối với Miền Nam – một quốc gia có chủ quyền được Liên Hợp quốc công nhận.
Nhưng, mấy ai hiểu được rằng, trong hàng trăm ngàn người chiến sĩ ấy, hàng triệu người dân Miền Bắc lúc đó, họ vẫn chỉ nghĩ rằng phải “thắt lưng, buộc bụng, mỗi người làm việc bằng hai” để giải phóng miền Nam đang quằn quại đau thương.
Và họ đã ra đi. Họ ra đi khi trong mình luôn văng vẳng những câu thơ, những lời kêu gọi đi giải phóng cho miền Nam ruột thịt.
Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Hỡi lương tâm tất cả loài người
Hãy nghe tiếng của nghìn người bị giết
Không sống nữa, nhưng không chịu chết
Nghìn hồn oan bay khắp nhân gian
Thù muôn đời, muôn kiếp không tan!
Hãy nghe tiếng của nghìn xác chết
Chết thê thảm, chết một ngày bi thiết
Cả nghìn nguời, trong một trại giam
Của một nhà tù lớn: Miền Nam!
Hãy nghe tiếng của một nghìn cái xác
Không chịu chết, vạch trời kêu tội ác!
(Tố Hữu – Thù muôn đời muôn kiếp không tan - 1961)
Hay là:
Tất cả nói một lời: Giải phóng!
Cứu miền Nam! Cứu miền Nam!
Ôi cửa Phật cũng dầu sôi lưa bỏng
Dẫu thiêu mình làm đuốc, vẫn cam!
(Tố Hữu – Miền Nam – 1963)
Họ là thủ phạm trong cuộc cưỡng chiếm, nhưng cũng như hàng triệu người dân miền Bắc khác, họ chính là nạn nhân của chế độ cộng sản miền Bắc muốn gieo rắc hệ tư tưởng Cộng sản vào phía Nam đất nước theo nguyên tắc hành động của Cộng sản Quốc tế.
Vâng, làm sao mà những người dân Miền Nam có thể cảm thông được, có thể bình tâm mà hiểu cho được, khi mình đang có cuộc sống là mơ ước của biết bao dân tộc, biết bao nhiêu nước xung quanh, có một thể chế dân chủ mà cho đến hơn nửa thế kỷ sau, thì cả dân tộc lại đặt làm mơ ước rằng “đến bao giờ đất nước này có được”… Bỗng nhiên họ được chính những người anh em đồng chủng, đồng bào mình vác súng đạn đến “giải phóng” cho họ, để đưa họ vào một nhà tù khổng lồ không chỉ về đời sống vật chất và tinh thần.
Làm sao mà những người dân miền Nam có thể chấp nhận được từ giải phóng ngược nghĩa như vậy. Để rồi sau khi được giải phóng, họ bị đày đọa với cả dân tộc trong một thể chế chính trị độc tài, bán nước và hại dân.
Nhưng, khi đó, chúng tôi thì không hiểu.
(Còn nữa)
Ngày 29 tháng 4 năm 2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn Blog Nguyễn Hữu Vinh