BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76741)
(Xem: 63128)
(Xem: 40526)
(Xem: 32151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mặt trận Thủ Thừa, Long An trước ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ

30 Tháng Tư 20197:06 SA(Xem: 4264)
Mặt trận Thủ Thừa, Long An trước ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ
57Vote
41Vote
32Vote
20Vote
10Vote
4.510
Hôm nay là đúng 44 năm tôi rời xa quê hương. Sau 6 ngày quần thảo với bọn Việt Cộng (VC) tại Thủ Thừa Long An, tôi đã bị thương nặng, tản thương về Tổng Y Viện Cộng Hòa hôm 13 Tháng Tư, 1975. Rồi cũng đúng 1 tuần sau đó tôi đã theo máy bay Mỹ, cùng vợ và hai con thoát khỏi Việt Nam.

Tôi đã ra đi khi đầu còn ôm đầy máu, và đứa con trai cũng đã mới được đẻ ra có 10 ngày. Cũng buổi chiều hôm đó, khi chúng tôi đến Guam, thì nghe được tổng thống VNCH từ chức, ông Thiệu và gia đình cũng đã lưu vong sau đó.

Sau 44 năm ôn lại vài kỷ niệm khó quên trong đời, nhất là vào những dịp 30 Tháng Tư, 1975.

Tấm hình tôi kèm đây là tôi chụp với ông George j. Veith, tác giả cuốn “Black April.” Nói về chiến tranh Việt Nam vào năm 1975. Tôi đã tình cờ gặp ông Veith hôm bác Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH ra mắt bộ phim “Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam.”

Tôi cảm ơn ông Veith đã kể trận đánh cuối cùng của tôi ở Thủ Thừa, Long An, vô cuốn sách lịch sử giá trị “Black April” của ông.

Tác giả Đinh Hùng Cường và tác giả George j. Veith. (Hình Đ.H.Cường cung cấp)
Tác giả Đinh Hùng Cường và tác giả George j. Veith. (Hình: Đ.H.Cường cung cấp)

Ông Veith nói đùa với tôi những người lính anh hùng ở Long An xứng đáng đi vô lịch sử (tôi sẽ trích dẫn bài viết của ông ở dưới). Đã 44 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những chuyện xảy ra ở Việt Nam như mới đây vậy. Tôi xin ghi lại một chút ký ức về đời tôi trong cuộc chiến vừa qua. Tôi luôn luôn nghĩ là mình phải nói thật, chỉ có sự thật mới tạo xúc động cho người đọc, nhưng với tôi, sự thật cũng phải cẩn thận, vì không khéo, thì lại bị mang tiếng khoe khoang tâng bốc cá nhân, nhưng bây giờ tuổi tác, tôi không ngại tị hiềm ghen ghét, tôi sẽ ghi lại những sự thật cho dù sự thât đó có thể tạo hiểu lầm. Hơn nữa cuộc chiến đã qua đi 44 năm, cũng cần bộc lộ tâm tư, người viết ở tuổi sắp qua đời, thì chả còn gì quan trọng ngoài sự thật.

Những ngày Tháng Ba, 1975, sau khi mặt trận Ban Mê Thuột thất thủ, Đại Tá Huyến, tỉnh trưởng Long An đã nói với tôi, ông chêm thêm tiếng Pháp nói là cai trị tồi tệ, ám chỉ TT Thiệu, nhưng ông quyết tâm đánh VC không đầu hàng hay bỏ chạy. Do đấy chúng tôi được lệnh phải củng cố phòng thủ, đánh tới cùng. Trong 7 quận trong tỉnh Long An: Bình Phước, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Rạch Kiến, Bến Lức, và Thủ Thừa. Công Trường 5 Cộng Sản đã chọn ngay tỉnh lỵ Long An và quận Thủ Thừa để tấn công. Chi tiết trận đánh ở phần dưới.

Sự thật tại Long An, VC đánh vô phi trường Cần Đước là “diện” phụ, điểm chính là địch sẽ đánh bứt quận Thủ Thừa do tôi làm quận trưởng để khống chế QL số 4, ngăn chặn tất cả những tiêp tế nhu yếu phẩm về Sài Gòn. Trận đánh đã xảy ra vô cùng ác liệt, Cộng Quân đã dùng chiến thuật biển người, nhưng thất bại, chúng tổn thất khôn lường. Cái chiến thắng này phải kể đến trước hết là quyết tâm của ông tỉnh trưởng, không chấp nhận bất cứ một cuộc tháo chạy hay đầu hàng, kế đến là hàng quận trưởng phải biết khôn ngoan, phối trí, điều quân, tiếp vận và dành lực lượng trừ bị để tiếp viện cho những nơi bị Cộng Quân đánh thủng. Rồi những tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, đã anh dũng chỉ huy anh em binh sĩ đơn vị của mình chiến đấu, giữ vững vị trí, không bỏ chạy, vì họ biết rõ rằng cấp chỉ huy của họ không bao giờ bỏ chạy, và không cho họ được rời trận địa.

thieutuongnguyenvantoan-300x235
Tướng Nguyễn Văn Toàn

Trên cao nữa là tư lệnh quân khu, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đã đích thân ngồi trên xe díp thanh sát trận địa, nơi mà địch pháo liên miên, đến nỗi chỉ mấy giờ sau khi Trung Tướng Toàn dời Thủ Thừa thì địch đã tấn công và pháo tôi bị thương bể đầu nằm lăn cu lơ cán quốc, không tản thương được. Kết luận, mặt trận Long An, Thủ Thừa (ĐPQ) đã chiến thắng cùng Long khánh (SĐ18 của Tướng Lê Minh Đảo) giữ cho Sài Gòn đứng vững đến ngày 30 Tháng Tư.

Có vài điều mà tôi đã giữ trong lòng, cũng nhân cơ hội này trần tình cùng quý vị. Tôi còn nhớ Trung Tá Tứ, Bình Phước. Trung Tá Quế, Cần Giuộc. Trung Tá Bê, Cần Đước. Thiếu Tá Bé, Rạch Kiến. Thiếu Tá Nhơn, Tân Trụ. Thiếu Tá Út, Bến Lức, người nào cũng công trận đầy mình và ở cái tuổi xấp xỉ 40 mới đi làm quận trưởng, trong khi cá nhân tôi chỉ mới 31 tuổi đầu thì thật là quá trẻ so với những vị kia, vì thế tôi đã nhủ lòng phải cố gắng làm sao xứng đáng, đừng để ông tỉnh trưởng từ thời ông Năm tới thời ông Huyến chửi cho là chăn dân như chăn dê vậy.

Tôi đã bỏ vợ, bỏ con, bỏ ăn, bỏ nhậu, bỏ Sài Gòn, cho dù Sài Gòn-Thủ Thừa chỉ 49 cây số, tôi có thể mặc đồ civil đi xe nhà, chạy chưa tới 1 giờ là qua Phú Lâm về tới Sài Gòn.

Tôi đã miệt mài làm việc, kiện toàn hành chánh, kiểm soát xã ấp. Về quân sự, ngày hành quân, tối ngủ đồn, ngủ ấp, chia sẻ hiểm nguy, gian khổ với anh em, với làng xã. Tôi đã tạo cho cô bác ở Thủ Thừa lòng quyết tâm đánh Cộng Sản của tôi, đến nỗi họ đã nói rằng ông quận này người Bắc, sẽ đánh Cộng Sản tới cùng. Và quan trọng hơn cả là cái tâm của người chỉ huy, nó quyết định sự thành bại nhiều lắm.

Điều nguy hại là cô em vợ tôi làm tiếp viên hàng không, đi ngoại quốc rất thường, do đấy tin tức Mỹ bỏ Việt Nam lan tràn, ở đâu cũng nói, chỗ nào báo cũng đăng, nào là Quốc Hội Mỹ không cho viện trợ, chính phủ Mỹ đã bắt đầu xây trại tị nạn “tent city” ở Guam, người em vợ đã cho vợ tôi những tin tức kinh hoàng, và không chịu nổi, ngưởi em vợ đã chở vợ tôi, với cái bụng chửa thè lè sắp đẻ lên quận, người em vợ đã nói hết tình hình VN ở Hồng Kông, Bankok, Đài Loan cho tôi nghe, và đòi hỏi tôi phải tìm cách giúp cho vợ con tôi và gia đình.

Tôi đã nghiêm nét mặt nói với vợ là tôi đã hưởng bổng lộc triều đình và trách nhiệm tôi quá nặng, tôi không thể hèn hạ bỏ lính bỏ dân, trốn về Sài Gòn, đem vợ con đào tẩu. Lương tâm và trách nhiệm con người không cho phép tôi làm thế, và giả sử tôi sợ hãi nghe lời người em vợ, tìm cách thoát thân lén lút tháo chạy, thì sau này tôi còn mặt mũi nào nhìn ai nữa? Không được, tôi phải chết ở đây, không thể bỏ dân bỏ lính.

Sau cùng tôi nói với Uyên, người em vợ, là cô hay đi ngoại quốc, nếu được, nhờ cô lo cho cha mẹ cô, lo giúp cho vợ con tôi, họ là chị ruột, cháu ruột của cô được thoát khỏi Sài Gòn, còn tôi, tôi phải ở lại đánh nhau, không chạy đâu cả. Và bây giờ sau chiế́́n tranh, vợ tôi vẫn ở cạnh tôi, em vợ tôi cũng ở gần tôi, nếu những lời nói này mà tôi bịa đặt nói sai, nói phét thì tôi sẽ nhục nhã vô vàn mỗi khi nhìn thấy hai người đàn bà này. Tôi đã làm điều tôi nói, tận sức lực chơi nhau một mất một còn với tụi Cộng Sản, nhưng số không may lại thành may, tôi đã bị trọng thương, được chở về nhà thương Cộng Hòa. Và tôi đã vượt thoát nanh vuốt Cộng Sản trong Tháng Tư, 1975.

Chuyện gì đã xảy ra khi tôi bị thương, đại tá tỉnh trưởng đã đề cử Thiếu Tá Nguyễn Văn Cử thay tôi làm quận trưởng, Thiếu Tá Cử là tiểu đoàn trưởng của tôi, anh đang giúp tôi ngăn cả một công trường 5 của Cộng Sản đang đóng trụ tại bắc Long Ngãi Thuận, giáp ranh Cam Bốt, chúng đang bổ xung quân số để tái tấn công Thủ Thừa.

Thời gian sau tôi đã gặp lại Cử người quận trưởng thế tôi. Khúc Chấp, người thiếu tá trưởng phòng 3 tiểu khu, đã cùng Đại Tá Huyến, Trung Tá Chất tiểu khu phó, di chuyển trực thăng chỉ huy trận đánh suốt 7 quận tại Long Anh trong Tháng Tư, 1975. Thiếu Tá Chấp là người đã vì tình bạn, dùng trực thăng nhiều lần cố đáp vào vùng lửa đạn, tản thương tôi về nhà thương Cộng Hòa. Ba chúng tôi hội ngộ với nhau tại nhà Chấp ở Chicago, Cử đã là người thế tôi, anh nói:

– Chỉ có một thời gian quá ngắn thay anh làm quận trưởng, tôi chưa hề được vô trong dinh của anh, tôi chưa được ngủ một ngày trong dinh, chỉ ở mặt trận, và đến khi bị bằt đi tù thì lại là thành phần nợ máu, chúng tống ra Bắc cả 10 năm trời, chỉ vì cái chức quận trưởng thay anh.

Còn Chấp bảo tôi:

– Khi Cường bị thương, tôi cố nhờ phi công, nhiều lần đáp xuống tản thương, không được, chúng bắn rát quá, sau cùng phải kêu mấy thằng em, khiêng Cường ra ngay bãi đáp, dùng mưu, đáp nhanh, sớt Cường đi, thế mà về Cộng Hòa, kiểm thấy hàng chục lỗ đạn trên máy bay.

Chấp còn nói thêm:

– Quân đoàn chấp thuận đặc cách mặt trận cho ba thằng mình lên trung tá, Trung Tá Cường, Trung Tá Cử và Trung Tá Chấp.

Điều này hàng chục năm qua, tôi không hề biết, vì khi tôi bị thương nằm xuống, thì nước mất nhà tan, Chấp, Cử đi tù có liên lạc gì được với nhau, cho đến bây giờ Chấp nói thì tôi mới hiểu, và nhìn thấy cái danh dự muộn màng của mình. Tôi thật ân hận nhìn hai người bạn, một người vì thay tôi trong lúc tôi bị thương đã bị đi tù thế tôi cả chục năm trường nơi miền Bắc cơ cầu cực khổ.

Một người vì tình bạn, đã liều thân cứu tôi đem về Cộng Hòa, nếu không thỉ vết thương trong đầu tôi cũng rỉ máu cho đến chết, đâu còn ngồi đây! Cảm ơn hai bạn, cảm ơn tình huynh đệ chi binh.

Một điều nữa mà cũng sau này tôi mới biết. Qua cuốn sách “Thảm Kịch Việt Nam 1975” của Trọng Đạt, người biên cứu lịch sử, trong trang 314, Trọng Đạt đã trích của Nguyễn Đức Phương, tác giả Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 790:

“Thượng tuần Tháng Tư,1975, đài phát thanh và truyền hình tại Sài Gòn ca ngợi chiến thắng Long An (Thủ Thừa), chiến thắng Long An và Long Khánh là những nhát búa đập lên đầu bọn chủ bại,” mục đích nâng cao tinh thần quân dân. Lê Đức Thọ, nhân vậ̣̣t Cộ̣̣ng Sản thứ hai, chỉ sau Lê Duẩn cũng phải công nhận thất bại tại trận Thủ Thừa Long An và Xuân Lộc, Long Khánh.

Trích lời Lê Đức Thọ:

“Sau hai lần B2 xin quân thì tôi vào chiến trường gặp lúc hội nghị Miền vừa kết thúc. Tôi được anh em báo cáo lại là đã bàn về việc đánh Xuân Lộc. Lúc ấy tôi cũng được biết trước đó, theo chủ trương của Miền, anh em đã đánh Thủ Thừa , đường số 4, nhưng bị thiệt hại nặng nề, không giải quyết được chiến trường?” Ngoài ra còn có bọn địch ngoan cố chống cự như trận đánh vào Đồng Dù (Củ Chi), Nước Trong (Trường Thủ Đức, Trường Thiết Giáp) là các trận đánh ác liệt tại Miền Đông thương vong của ta không phải là ít. Do đó tôi mới có ý toan bàn với các đồng chí ngưng đánh Xuân Lộc lại. Nhưng nghe anh Dũng nói, tôi cũng nghĩ có thể mình mới vào chưa rõ hết tình hình, cứ để các đồng chí đánh vậy. Kết cục là anh em ta không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng phải rút ra.” Hết trích.

Cuộc chiến đưa đến sự thất trận của miền Nam là Mỹ đã ngưng cung cấp vũ khí phương tiện cho VNCH, và ác nhất là Mỹ đã tạo hỏa mù, tung tin thất thiệt để làm tiêu tan cả một quân lực, QLVNCH đã không có cơ hội giao chiến với CS, cứ bị lệnh rút quân chạy dài. Duy chỉ có hai trận đánh là trận Xuân Lộc Long Khánh và Thủ Thừa Long An là đáng kể.

George J. Veith viết trong cuốn “Black April” các trang 403, 404 &534… Trích và dịch:

“…Sau trận đánh, tỉnh trưởng Long An đã tăng cường hai tiểu đoàn ĐPQ. Ngày sau quận trưởng ra lịnh đoàn tầu giấu sau con lạch nhỏ, dùng ĐPQ truy lùng. Bất thần đụng độ hỏa lực khủng khiếp, Công Trường 5 Cộng Sản dùng trung đoàn trừ bị tấn công, lực lượng ĐPQ đã phải tháo lui lại kinh Thủ Thừa, không còn chỗ để lui vì con rạch. Trưởng đã nhanh chóng phản công bằng đoàn tàu tuần giang ẩn náu phía sau. Cuộc tấn công đã làm cho Cộng Sản trả giá đắt. DAO Mỹ báo cáo VC bị giết 122 tên.”

Trang 534 ở 3 dòng cuối: “Đinh Hùng Cường, The last battle, Major Cường was the Thủ Thừa District chief until he was wounded in action on 13 April 1975.”

Tôi ghi lại những sự thật về tâm tư cá nhân tôi và những biến cố xảy ra trong thời gian Tháng Tư, 1975.

Mục đích tôi chỉ muốn nói lên rằng, chúng ta không thể quên ơn lòng dũng cảm của những người lính Địa Phương Quân của Long An và Sư Đoàn 18 của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã hy sinh để giữ cho Sài Gòn đứng vững được tới 30 Tháng Tư, 1975.

Nhân đây cũng xin nhắc đến sự bất công của lịch sử và thành kiến của một ít người, đã nhận định sai hai chuyện dưới đây:

1- Chỉ có Sư Đoàn 18 trấn Long Khánh giữ cho Sài Gòn không bị thất thủ trước ngày 30 Tháng Tư. Điều đó quá đúng, nhưng lịch sử và những người thành kiến quên rằng Địa Phương Quân Thủ Thừa không đẩy đươc Công Trường 5 Cộng Sản giữ an ninh cho Quốc Lộ số 4 thì Sài Gòn đã đói loạn vì không có nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, một khi khuynh loát được Quốc Lộ 4 Công Trường 5 sẽ tăng viện, bôn tập đánh thẳng vào Sài Gòn qua ngã Phú Lâm, không có một lực lượng chủ lực nào ở ngã Bình Chánh hay Phú Lâm để ngăn chặn Công Trường 5 (công trường là sư đoàn) Cộng Sản. Bởi thế trong buổi phỏng vấn Tướng Lê Minh Đảo trên đài truyền hình SBTN, thật là công đạo, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã nhắc tới trận đánh Thủ Thừa khí tôi phỏng vấn ông về mặt trận Long Khánh. Là người của SBTN ngồi phỏng vấn Thiếu Tướng Đảo, tôi không hề nói về Thủ Thừa, và cũng không hỏi ông về trận Thủ Thừa xảy ra cùng lúc với trận Long Khánh, nhưng Tướng Đảo đã ghi công cho chiến thắng Thủ Thừa-Long An cùng Xuân Lộc-Long Khánh. Đúng như Lê Đức Thọ của Cộng Sản cũng đã công nhận.

2- Những người quận trưởng, chỉ lo chạy tiền, chạy chức, tham nhũng. Sự thật không phải vậy. Những người trẻ như chúng tôi được thượng cấp giao phó cho chức vụ quận trưởng. Người quận trưởng là cấp chỉ huy dân sự và quân sự nòng cốt của đất nước. Trực tiếp điều khiển xóm làng, tiêu diệt hạ tầng cơ sở địch, dành dân giữ đất, lo an ninh cơm áo cho người dân. Cũng như người chỉ huy nòng cốt cửa quân đội là người hạ sĩ quan, trung sĩ (**). Những người hạ sĩ quan thực sự chỉ huy người lính để tiêu diệt kẻ thù làm chủ chiến trường. Người quận trưởng trách nhiệm ngập đầu, làm việc quên cả gia đình vợ con, chỉ thấy nhiệm vụ trước mắt.

Xin hãy nhìn sự việc trên thực tế, và nhìn những người quận trưởng với con mắt thiện cảm hơn là cáo buộc những điều không có. Sự thiên lệch của một số người, cũng như sai lầm của những nhà viết sử.

Họ cho rằng chỉ có những lực lượng tổng trừ bị, sư đoàn mới là những lực lượng dũng mãnh có thể chiến thắng Cộng Quân. Họ đã quên rằng QLVNCH với gần 1 triệu quân, Những sư đoàn tổng trừ bị, những sư đoàn bộ binh gồn các binh chủng nha sở, Tổng Tham Mưu, cộng lại ít hơn một nửa lực lương Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Và nếu chúng ta cho rằng hơn một nửa quân lực là Địa Phương Quân và Nghĩa Quân yếu kém, không anh hùng thì ai sẽ giữ an ninh cho 44 tỉnh miền Nam? Và nếu một quân lực có hơn 1/2 là yếu kém làm sao đứng vững trong chiến tranh trong suốt 21 năm qua.

Hãy trả lại công bằng cho lịch sử, hãy trả lại anh hùng và hy sinh cho những người lính anh hùng của miền Nam, vì nhu cầu chiến thuật, người lính phải làm những nhiệm vụ khác nhau, nhưng trách nhiệm và hy sinh giống nhau, như một câu nói của quân đội Mỹ: “Không nhiệm vụ nào khó, không hy sinh nào lớn. Bổn phận trên hết.”

Quốc Thái Đinh Hùng Cường
Nguồn Người Việt

Ghi chú:
Người trung sĩ quan trọng hơn ông đại tướng, do Đại Tướng Westmoreland nói. Khi là tổng chỉ huy MACV tại VN, Đại Tướng Westmoreland có đến thăm một đơn vị nhỏ, trong một tiền đồn. Đại Tướng đã hỏi, người trung sĩ truởng đồn, cấp bậc nào là quan trọng nhất? Ông trung sĩ chỉ ngay ông đại tướng. Đại tướng Westmoreland lắc đầu chỉ vào ông trung sĩ và nói. Ông trung sĩ mới là quan trọng. Ông là một hạ sĩ quan, chỉ huy trực tiếp và chiến đấu sát nách từng người lính một, sống chết đánh giặc. Còn từ thiếu úy trở lên, chỉ chi huy qua trung gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn