(Phát biểu trong Đêm Hội Ngộ Văn Nghệ Sĩ Boston, 10/10/2010)
(Nhà văn Trần Doãn Nho tại Đêm Hội Ngộ VNS Boston, ảnh NguoiVietBoston)
Người ta nói bây giờ là thời kỳ bùng nổ thông tin, thời kỳ của truyền thông, của Internet, báo chí…
Nhưng có một yếu tố cấu thành rất quan trọng mà ít khi người nhắc đến: chữ. Không có thông tin, không có Internet, không có media nếu không có chữ. Ở đâu cũng cần đến chữ.
Hàng ngày, chúng ta sống với chữ. Mọi chuyện trên đời đến với ta đều phải băng qua ngưỡng chữ. Chữ vây hãm chúng ta. Tới trường, học chữ. Tới sở, đọc chữ. Ra phố, nhìn chữ. Vặn máy thu thanh, nghe chữ. Gặp bạn, nói chữ. Tỏ tình, chữ. Chia tay, chữ. Xin việc, chữ. Suy gẫm chuyện đời, chữ. Sáng tác, tìm chữ. Viết tiểu luận, nghĩ chữ. Lên mạng, chạm ngay từng rừng chữ. Trùng trùng điệp điệp chữ, mênh mông chữ!
Nhớ lại lúc người Việt chưa có chữ, phải muợn chữ Hán. Nói thì nói tiếng Việt nhưng viết thì viết chữ Hán. Vô cùng bất tiện. Do đó, có chữ Nôm. Chữ Nôm, tuy có thể ghi lại ngôn ngữ gốc tiếng Việt, nhưng chưa hoàn chỉnh. May mắn thay, những tình cờ lịch sử đã mang lại cho người Việt một thứ chữ viết thuận tiện, nhờ công của mấy nhà truyền giáo.
Chữ phát triển, củng cố và đi đến ổn định bằng một hệ thống ngữ âm, ngữ pháp.
Chữ và lời có liên hệ mật thiết với nhau. Trước ta nói: viết ra chữ, nói ra tiếng. Bây giờ có thể nói: nói ra chữ. Truyền hình Mỹ, trước thì có caption (phụ đề). Bây giờ thì chuyển thành chữ ngay sau khi phát biểu. Điện thoại mới Iphone: nói ra chữ
***
Chữ thì đi liền với nghĩa. Người ta thường nói chữ nghĩa. Muốn hiểu nghĩa, chỉ có việc tra tự điển: mèo, chó, nhà, học, đi, chơi,…Mỗi chữ thường có một nghĩa. Nhưng khi ghép chữ thành câu, thì nghĩa biến đổi. Từng chữ có thể mất đi nghĩa thường có của nó để cấu tạo thành một nghĩa khác, nghĩa mới. Từ một nghĩa đi đến hai, ba nghĩa và nhiều nghĩa hơn. Tự điển đã ghi lại những nghĩa khác nhau đó để ta tùy nghi sử dụng. Nhờ chuyên chở nghĩa, chữ sớm trở thành một quyền lực. Cũng như đồng tiền vậy, chỉ là một mảnh giấy, nhưng một tờ giấy đầy quyền lực. Người Mỹ nói: Money talks. Bằng chữ, người ta có thể sai khiến, cầu xin, tỏ tình, lừa dối…Nghĩa là có thể làm biến đổi cuộc đời.
Như thế, càng đi sâu vào thế giới chữ, ta thấy chữ không chỉ dính với một nghĩa nhất định nào đó, mà có thể chuyển nghĩa. Khiến cho đôi khi, ta có cảm tưởng chữ một đàng mà nghĩa một nẻo. Vài ví dụ:
Cửa, một khoảng không gian giữa nhà và bên ngoài: cửa nhà. Từ đó, ta có cửa miệng, cửa động, cửa sông và xa hơn cửa quan, cửa quyền…
Miệng, một bộ phận của thân thể dùng để ăn. Nhưng rồi ta có: miệng giếng, miệng chén, miệng mồm và xa hơn thế, miệng thế gian, miệng tiếng, độc mồm độc miệng…Miệng mà như không phải miệng. Nó chuyển nghĩa.
Chó, một gia súc. Như khi nói chó má, thì nghĩa đã khác. Còn: “Chó đâu chó sủa lỗ không/Chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn mày” thì chữ “chó” mang một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Ăn, một động tác bỏ thực phẩm vào miệng. Nhưng rồi ta lại có: ăn tiền, ăn vóc học hay, ăn mặc, ăn trên ngồi trốc, ăn quỵt, ăn cướp, ăn nắng, ăn ảnh. Vẫn là “ăn”, nhưng chẳng dính dáng gì đến chuyện “ăn” cả. Theo một cuốn tự điển mới xuất bản, chữ ăn hiện nay có đến 12 nghĩa.
Chữ “đưa” cũng thế. “Đưa” là lấy tay cầm một vật gì chuyền cho một người khác: đưa cái chén, đưa cuốn sách…Thế nhưng: đưa em về dưới mưa, tôi đưa em sang sông, đưa em đi học chẳng hạn, chữ “đưa” chuyển hẳn nghĩa. Đưa là đi cùng với sự bằng lòng (nếu đi cùng nhau mà em không bằng lòng cũng không thể gọi là đưa).
Chẳng thế mà, chữ Cộng Sản dùng khác, có khi hoàn toàn khác chữ của người Quốc Gia dùng. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, người dân miền Nam ai cũng cảm thấy lạ lẫm với những từ hay cụm từ như : khẩn trương, lính thủy đánh bộ, giải phóng, giáo án, hộ khẩu, bao cấp, truy chụp, bức xúc, làm việc, tranh thủ, ổn định chỗ ngồi, sự cố…Lạ, không phải vì họ có chữ mới, mà họ dùng chữ theo một cách khác, khiến cho ý nghĩa khác hẳn đi.
Và những giòng chữ như thế này: Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền.. Đây là một đoạn ngắn trích từ bản “cương lĩnh” của đảng Cộng Sản. Nghe thì rất kêu, nhưng so với thực tế của người dân sống với Cộng Sản, chúng không những không chứa đựng một ý nghĩa thực sự nào, nếu không muốn nói là vô nghĩa.
Vậy, do cách sử dụng mà nghĩa khác đi. Nói cách khác, chữ tự nó có thể có nhiều nghĩa. Những nhà ngữ học gọi đó là tính “đa nghĩa” (polysémie), không phải là đơn nghĩa (monosémie). Qua thời gian, theo giòng sinh hoạt của xã hội, của cộng đồng, chữ có thể mất đi một số nghĩa (vì không cần dùng nữa) và cũng có thể tích lũy nghĩa. Chữ chứa thêm nghĩa mới không hề xóa đi nghĩa cũ. Chẳng thế mà, cha ông ta có câu:
Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
“Lựa lời” tức là chọn chữ, chọn nghĩa. Ý bao hàm tính đa nghĩa của chữ.
Tính đa nghĩa của chữ, tuy làm phiền toái chúng ta khi viết, khi đọc, khi giao thiệp (lựa lời) và nhất là khi học ngoại ngữ, nhưng nhờ thế mà con người có thể dùng chữ để diễn tả được vô số điều vô hình vô thể xuất phát từ tâm hồn, tình cảm của con người và tương quan giữa người với người. Mặt khác, nhờ đa nghĩa mà với một số lượng chữ rất giới hạn, người ta có thể bàn đến vô số vấn đề trong cuộc sống. Kết quả là đã có hàng triệu nếu không muốn nói là hàng tỷ cuốn sách đã, đang và sẽ ra đời.
Biết bao nhiêu là chữ!
***
Chính vì có sự chuyển nghĩa, thay nghĩa mà có văn chương. Có thể nói văn chương là nghệ thuật tạo thêm nghĩa, tạo ra nghĩa. Tạo ra, tạo thêm nghĩa mới từ những chữ cũ. Có thể nói sáng tác là bịa. Bịa tình bịa cảnh. Lắm lúc, cái hay của một bài thơ, một câu truyện không ra ngoài cái bịa, thậm chí nằm ngày trong cái bịa. Nói bịa nghe bôi bác. Bịa tức là hư cấu (fiction).
Viết văn tuy bịa nhưng còn chứa đựng ít nhiều hiện thực. Làm thơ thì cái hư trùm lên cái thực.
Đọc thử mấy câu thơ của Nguyên Sa ngày nào:
Không có anh lấy ai đưa em đi học về/Lấy ai dìu em đi trong chiều mưa/Những lúc em cười trong đêm khuya, lấy ai nhìn những đường răng em trắng.
Chắc chắn là ông nhà thơ chẳng “đưa”, chẳng “dìu”, mà chỉ đi theo. Còn “cười trong đêm khuya” và “nhìn những đường răng em trắng” thì thật không có cách gì để tin đó là chuyện thực.
Ấy thế mà ta vẫn thích đọc. Và dường như vẫn tin cái điều không thực đó, y như thể nó có thực. Đó là cái lạ của chữ và nghĩa. Thực ra, nếu để ý, ta sẽ thấy những nhà thơ của chúng ta biến chữ thành thơ là bằng cách ví von. Chẳng cần đi tìm đâu xa, ta hãy đọc một số bài thơ trong “Đặc San Văn Nghệ Massachusetts” mà quý vị đang có trong tay. Này nhé:
Ta muốn xếp đời ta vào ngăn tủ
Nặng quá rồi bụi bám với rêu phong
(Phạm Linh Giang)
Phạm Linh Giang đang ví cuộc đời với những đồ đạc ngổn ngang (có thể xếp vào ngăn tủ)
Còn đây ta vơi tháng ngày
Còn đây ta một hồn đầy mộ bia
(Khoan Hậu)
Khoan hậu thì ví von tâm hồn (của ông) với nghĩa trang
Màu dĩ vãng đã nhòa theo năm tháng
Cây nhân sinh còn đượm vị ân tình (Ngu Lễ)
Ngu Lễ ví dĩ vãng với nước sơn (vì có màu)
Khuya rồi còn rót rượu
Nhẹ tay mấy cũng nghe
Rượu như mưa rào đổ
Cuộn lòng ly cong cao (Nhất chi Vũ)
Nhất Chi Vũ ví rượu với cơn mưa, mưa mạnh đến nỗi làm chiếc ly phải cong.
Ta mang em ra phố
Ném vào giữa chợ tình (Phạm Nhã Dự)
Phạm Nhã Dự ví tình yêu như một hàng hóa (nên có thể mang ra chợ bán.)
Em lang thang hỏi gió
Gió dỗi hờn vu vơ (Sóc Nâu)
Sóc Nâu ví gió như một con người (nên biết dỗi hơn vu vơ)
Mai về gom lại ưu tư
Ngổn ngang trong giấc mộng từ cõi hoa (Hoa Văn)
Hoa Văn thì ví nỗi ưu tư như những đồ gia dụng có thể thu gom lại cho gọn gàng.
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười (Trần Trung Đạo)
Câu thơ nổi tiếng ở hải ngoại để mô tả tình mẹ, Trần Trung Đạo ví nụ cười của mẹ với giòng thời gian bất tận. Thiên thu là ngàn năm. Ngàn năm thì dính dáng gì đến nụ cười của mẹ? Mà không dính dáng thì làm sao mà đổi? Rõ ràng là “bịa”. Nhưng tại sao ta vẫn nghe và không cảm thấy là “bịa”. Cũng như “Ta muốn xếp đời ta vào ngăn tủ” hay “Những lúc em cười trong đêm khuya, lấy ai nhìn những đường răng em trắng”, biết là bịa mà vẫn cảm thấy nó thực/có khi thực hơn cả chuyện thực.
Vì sao? Vì chúng không mô tả một cái gì bên ngoài, một cái thì có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, mà diễn đạt một cái gì bên trong, vô hình vô thể. Không ví von, không cách gì ta có thể diễn tả nỗi chúng.
Nhà thơ ví von như thế nào?
Tôi nhận thấy, trong rất nhiều trường hợp, để tạo nghĩa mới, thường nhà thơ dùng một vật cụ thể để ví von với một trạng thái, cảm giác…, nghĩa là một cái gì vô thể. Hay nói cách khác, dùng một (cụm) từ cụ thể (hay một từ mà nghĩa đã rõ ràng, được mọi người chấp nhận) đi đôi với một từ (hay cụm từ) trừu tượng.
Nói về nỗi buồn chẳng hạn. Nỗi buồn là một trạng thái tình cảm. Nhà thơ ghép trạng thái đó với một chi tiết, một hành vi cụ thể để tạo thành: phiến buồn (ví buồn như cục đá), giọt buồn (buồn như nước), sầu đong càng lúc càng đầy (sầu như lu gạo), cứa vào nỗi buồn (buồn như miếng thịt…bò)
Nói về tình yêu: phiến tình, chia tình, xẻ tình, hận tình, nụ tình, trái tình, mảnh tình, tình yêu chín tới, đong tình, đong đưa cuộc tình, tàn một cuộc tình, nghiêng tình, đốt tình, dốc tình, cửa tình (ta đưa nhau tới cửa tình), vũng tình, biển tình, sông tình, núi tình, hái một trái tình, ươm một cuộc tình, tình yêu như cơn bão, như trái phá, đường vào tình yêu (có trăm lần vui có vạn lần buồn)…
Ví von là so sánh, là tìm ra sự tương tự ở những sự vật tưởng chừng như không hề dính líu, quan hệ gì đến nhau. Chẳng hạn:
- nếu ví tình là biển: tôi lặn xuống cuộc tình
- nếu ví tình là ngọn núi: tôi leo lên cuộc tình
- nếu ví tình là chiếc xe: tôi lái cuộc tình
- nếu ví tình là cây: tôi trồng cuộc tình
- nếu ví tình là chiếc áo: tôi mặc cuộc tình
- nếu vì tình là mưa: tôi bước dưới trời tình
- nếu ví tình là cái mũ: tôi đội cuộc tình
- nếu ví tình chiếc ghế: tôi ngồi trên cuộc tình
- Nếu ví tình là cành cây: tôi vịn cuộc tình, tôi chặt cuộc tình
Nhiều cách ví von vô cùng lạ và gây ấn tượng, chẳng hạn: luống hát khô, tiếng khóc đâm chồi, đêm nhỏ giọt, thơm ngát nụ ca dao, gốc cây tàn phế, vòm lá bi quan, ngôn ngữ ốm o, trò đùa nhọn hoắc, móng vuốt ưu phiền…Những cụm từ “lạ lùng” như thế, ta có thể tìm thấy nhiều, và rất nhiều nơi các bài thơ. Ví von càng lạ thì tứ thơ càng lạ, càng hấp dẫn, và càng diễn tả được nhiều tâm cảm khác lạ mà bình thường ta không tìm thấy trong cuộc sống.
Chữ “hiền” cũng được ví von một cách thú vị: em hiền như cục đất, em hiền như trái ổi, em hiền như giòng sông, em hiền như mặt trăng, em hiền như chuối bà hương, em hiền như nắng sớm…và một cái “hiền” vô cùng nổi tiếng: Em hiền như ma xơ!
***
Khác với mọi thứ của cải trên đời, chữ có lẽ là món hàng thừa mứa và rẻ nhất mà chúng ta có. Tuy thế, nói như N. A. Berdyaev: “Chữ có một quyền năng lớn lao trên đời sống chúng ta, đó là một quyền năng huyền bí. Chúng ta bị chữ quyến rũ và với một mức độ đáng kể, chúng ta sống trong vương quốc của chúng. Chữ hành động, giống như những quyền năng độc lập, và độc lập với chính nội dung của chúng.”
Chữ có tác động vô cùng to lớn vào cuộc đời. Chúng làm biến dạng, thay đổi hay thậm chí tạo ra hiện thực.
Một lý thuyết hay có thể chuyển đổi khuôn mặt xã hội và nếp sống hàng ngày.
Một cuốn sách, một bản tuyên ngôn, đôi khi một câu khẩu hiệu, có thể huy động người ta lao vào chỗ chết.
Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau.
Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ.
Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ.
Ghét nhau thì ném chữ, bắn chữ, đôi chữ, mắng chữ (những chữ bẩn thỉu, tục tằn, xấu xa) vào mặt nhau. Thương nhau thì gửi chữ, tặng chữ, biếu chữ (những chữ thơm tho, đẹp đẽ) cho nhau.
Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền. Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gỉ, ai mà biết.
Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự?
Câu trả lời là: không!
Biết thế, các nhà nước toàn trị trị dân bằng chữ. Họ bắt người dân xài một số chữ và cấm xài một số chữ khác.
Ở Việt Nam, chữ phải xếp hàng về một phía. Bước qua phía bên kia thì sẽ nhận ngay một chữ: tù. Chẳng lạ gì, khi mới chiếm được miền Nam, việc đầu tiên mà nhà cầm quyền Cộng Sản làm ngay, là phát động phong trào bài trừ văn hóa đồi trụy, mà thực chất là tiêu diệt toàn bộ sách vở báo chí miền Nam, tiêu diệt chữ nghĩa miền Nam. Nó nhắc ta nhớ đến chính sách “phần thư, khanh nho” (đốt sách chôn học trò) thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa.
Cuộc đấu tranh giữa hải ngoại và nhà nước CSVN bây giờ là cuộc đấu chữ, đấu nghĩa. Nhà nước Cộng Sẳn cố bít chữ, chận chữ. Người hải ngoại cố chọc thủng bức tường “ô nhục” để tuồn chữ vào trong nước bằng tất cả những phương tiện có được.
Ở Trung Quốc, theo tin cho biết, người ta không thể google hai chữ “dân chủ” hay “nhân quyền”. Và nhất là ba chữ “Thiên An Môn”. Sau khi Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Nhân Quyền, người lên mạng Internet, vào mục tìm kiếm thông tin và gõ tên “Liu Xiaobo” (Lưu Hiểu Ba) hay “Nobel Peace Prize” thì sẽ không có gì ngoài vài giòng cáo lỗi. Ở các khách sạn dành riêng cho du khách quốc tế, khi xem các chương trình truyền hình quốc tế như CNN, người ta thấy màn hình tối đen khi có bản tin đề cập đến họ Lưu. Ngay cả khi gửi text-messaging trên điện thoại cầm tay cũng bị ảnh hưởng. Một công dân mạng ở Thượng Hải kể lại kinh nghiệm của mình: “Thẻ SIM của tôi mới bị de-activated, không còn hoạt động được nữa, biến cái iPhone của tôi thành iPod, sau khi tôi gửi text cho bố tôi báo tin ông Lưu Hiểu Ba thắng giải Nobel Hòa Bình.”
Chữ, nói như I.A. Richards, tự bản chất là không xấu không tốt không đúng hay sai. Chữ “dữ” không có gì là ác hết; chữ “hiền” chẳng có gì là “không ác”, chữ “cách mạng” không có gì là thay đổi, chữ “phản động” không có gì là chống nhà nước, hay chữ “nhân quyền” không có gì là quyền con người…vân vân và vân vân. Nhưng do cách dùng, chúng đến với chúng ta y như mỗi chữ đều có cá tính riêng, nội dung riêng, có thể quy định tính cách, trạng huống của sự vật, và lắm khi quy định cả nhân cách, bản sắc và số phận của từng người. Tên chẳng hạn: mỗi người chịu đựng một cái tên; đôi khi mỗi tên đeo theo một nhãn hiệu. Khi thấy tên mình xuất hiện trên mặt báo kèm theo những lời chê bai, chỉ trích chẳng hạn, ta cảm thấy y như ai đó lấy tay véo vào da thịt đau nhói. Vậy cho nên, nhái theo TCS, Làm sao em biết chữ nghĩa không đau!
Rõ ràng là, không có đời sống thì không có chữ. Không có chữ thì không có nghĩa. Không có chữ nghĩa thì không có văn chương. Vậy thì văn chương có được là do đời sống. Điều nghịch lý là: văn chương không phải là đời sống. Khác đời sống. Nếu nó giống hoàn toàn đời sống thì chẳng thể gọi là văn chương. Mà muốn giống hẳn cũng không được. Vì văn chương thì phải dùng chữ. Chữ như một tấm kính chắn gió hay như một tấm kính màu, qua đó, ta nhìn dung nhan cuộc đời theo một cách nào đó. Kính xanh thì đời màu xanh, kính đỏ thì đời màu đỏ, kính vàng thì đời màu vàng, kính vỡ thì đời vỡ.
Chữ cũng có thể như chiếc xe chở hàng…chế biến. Đồ chế biến thì cũng lấy vật liệu từ thiên nhiên (nguyên liệu), nghĩa là cũng từ đất, đá, cây cỏ, ánh nắng, nước…nhưng chẳng còn giống gì với nguyên liệu. Từ chỗ rất thực, qua chữ, mọi sự đời vượt qua sự thực để tiến đến một hư ảo mông lung của thế giới văn chương. Ví dụ, từ chỗ “Tôi ôm con mèo”(rất hiện thực), đến “Tôi ôm mảnh bằng mà vẫn thất nghiệp” (vừa thực vừa hư) và đến “Tôi ôm ấp niềm hy vọng” thì quả là ta đã nhảy vào chỗ không có gì để đối chiếu. Huống chi là bước vào cõi thơ:
Ngày xuống nắng vương tình sợi bạc
Nhớ giữa trời tiếc buổi chia tay (Lê Anh)
Chữ có phản ảnh nghĩa không? Không hẳn
Chữ nghĩa có phản ảnh hoàn toàn hiện thực không? Chắc là không
Văn chương có phản ảnh cuộc đời không? Có, tất nhiên. Nhưng có giống cuộc đời không? Không
Văn chương và cuộc đời cũng như chữ và nghĩa, bao giờ cũng có một khoảng cách, một sự chênh lệch.
Khoảng cách đó ngắn thì ta có văn chương hiện thực. Trong Đặc San Văn Nghệ Massachusetts, những bài ký viết về đời sống của những người mới đến định cư ở Hoa Kỳ rất gần gũi với hiện thực. Chẳng hạn như “Những ngày đầu nơi xứ văn minh” của Nguyễn Thị Lộc Tưởng với những kinh nghiệm “cười ra nước mắt” về chuyện “đi thang máy”, đi chợ trời hay “bệnh tiểu đường” (đi tiểu ngoài đường); hay “Đến đây thì ở lại đây” của Nguyễn Thanh Ty mô tả về cái lạnh, cái buồn và tâm trạng day dứt nửa muốn ở nửa muốn rời xứ tuyết, đọc mà cứ có cảm giác như mình đang sống lùi lại những ngày tháng đầy “tâm trạng” khi mới đến định cư ở xứ lạ quê người. Và vướng vất câu thơ “Ở đây xứ lạnh buồn ghê gớm/Có những người quen cứ lạ dần” của Hoa Văn. Cũng chứa đầy hiện thực là “Nhớ cù lao Giềng” của Vũ Linh Huy, kể lại những ngày đầu mới rời miền Bắc đến định cư ở miền Nam. Anh kể lại những khác biệt về ngôn ngữ khá ngộ nghĩnh: “Tuy cùng là người Việt Nam nhưng ngôn ngữ Nam, Bắc cũng có lắm bất đồng. Có những bất đồng vô thưởng, vô phạt như người Bắc nói “gọi”, người Nam nói “kêu”. Bắc nói “ngô”, Nam nói “bắp”. Bắc “gầy”, Nam “ốm”. Bắc “ốm”, Nam “bịnh” v.v.”. Thì thế, như đã nói ở trên: chữ và nghĩa lắm chênh vênh!
Xa hiện thực hơn, lãng đãng hơn, “hư cấu” hơn một chút, ta có “Bữa tiệc đêm giáng sinh” của Trần Thu Miên hay “Phía mặt trời lặn” của Chân Phương. Đọc “Bữa tiệc đêm giáng sinh”, tôi mong được trở thành nhân vật hư cấu Đương độc thân được một cô gái trẻ đẹp đón đường xin về nhà ngủ nhờ vào đêm Giáng Sinh. Đọc “Phía mặt trời lặn”, tôi bần thần với tâm trạng của một người ở đảo chờ một cách vô vọng ngày được đi định cư ở một xứ sở tự do: Và làm sao còn sức lê bước về căn gác đầy rệp chuột dưới kia trong khi, chơi vơi trên mỏm đất không tên này,anh không còn giữ nổi thăng bằng cho phần hình hài nguội lạnh đang chao đảo chẳng hiểu nghiêng về phía trời nào: bờ đông, bến tây hay ảo vọng nghìn trùng? Cũng bằng ví von, chữ và nghĩa ở đây đứng mấp mé ở bờ hư-thực. Nhích thêm một chút nữa thôi, chữ sẽ thoát khỏi cái xác nặng nề hiện thực để chỉ còn là …chữ.
Chỉ chữ mà thôi! Chữ biến thành thơ. Chẳng hạn:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. (Vũ Hoàng Chương)
Một nửa hồn! Tìm đâu ra “một nửa hồn” giữa cuộc sống, nếu không đi vào thế giới chữ.
***
Nghĩ cho cùng, từ thuở tạo thiên lập địa cho đến bây giờ thi tuyết vẫn thế mặt trời vẫn thế, đêm ngày, trăng sao cây cỏ vẫn thế. Con cọp vẫn là con cọp. Vẫn với tiếng gầm muôn thuở, chỉ có chừng đó âm thanh. Riêng với con người, chữ cho con người chu du vào một thế giới khác, thể giới ảo. Ảo mà vẫn thực. Con người muợn chữ để bày tỏ những gì không thể sờ, nắm, nghe hay thấy.
Chữ không nhất thiết là nghĩa. Chữ và nghĩa không nhất thiết tạo thành văn chương. Và văn chương không nhất thiết phải giống như đúc cuộc đời. Bởi nếu có làm cho giống đúc thì làm để làm gì? Cho nên phải làm cho khác. Cô dâu phải khác một cô gái. Bài thơ thì phải khác cơm, áo, gạo, tiền.
Nói tóm lại, văn chương là cái thêm vào cuộc đời.
Hôm nay là đêm hội ngộ, xin được gọi là “hội ngộ chữ, hội ngộ nghĩa”. Hội ngộ văn chương và cuộc đời.
Xin hãy cùng nhau chia chữ, những chữ thơm tho, ấm áp và thắm tình…văn nghệ!
Trần Doãn Nho
(10/2010)
Theo Người Việt Boston
Gửi ý kiến của bạn