BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73234)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dân chủ trong lòng dân chủ

14 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 1484)
Dân chủ trong lòng dân chủ
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
Theo dõi thường xuyên những biến động chính trị trong nước nhằm có những phản ứng, hỗ trợ kịp thời cho công cuộc vận động, đấu tranh dân chủ của đồng bào trong nước là một việc làm đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu đứng vị trí (một độc giả) để quan sát, có một sự thật khó ai có thể phủ nhận: Những phản ứng mang tính hỗ trợ và công luận ấy của người Việt hải ngoại nhiều khi lại thiên về tính tố cáo, chỉ trích, bêu rếu (thậm chí chửi bới) chế độ trong nước hơn là việc tổng hợp, phân tích, tìm ra biện pháp, thức tỉnh quần chúng trong nước và hải ngoại hướng tới mục tiêu chung.

Cho tới nay vẫn còn không ít tổ chức, đảng phái, cá nhân đấu tranh chính trị ở hải ngoại trong chủ trương hoạt động của mình dường như chỉ chú tâm theo lối làm marketing, cốt để đánh bóng cá nhân hoặc thanh thế của tổ chức mình, hơn là việc hỗ trợ một cách thực chất cho công cuộc đấu tranh dân chủ trong nước.

Những việc làm như vậy đương nhiên chẳng những phản tác dụng, trái lại còn là cái đích để người dân trong nước vốn đã ngao ngán chế độ hiện hành, giờ càng thêm ngao ngán hơn với phương pháp hành động của một cộng đồng mà họ đặt niềm tin và xem là chỗ dựa quan trọng về mặt thông tin và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, nắm bắt được hoạt động thiếu công minh ấy của một số người hay tổ chức, giới lãnh đạo trong nước càng có thêm cơ hội để tuyên truyền, hạ thấp uy tín của người Việt ở hải ngoại, mà họ gọi là “các thế lực thù địch nước ngoài” hay “bè lũ lưu vong, phản động” nhằm xuyên tạc, bóp méo thông tin, và hướng dư luận nhân dân trong nước hiểu sai hoàn toàn về sự thật của một đại đa số rất vô tư, thực lòng yêu dân chủ tự do và mong muốn góp phần vào cuộc tranh đấu chung cho đất nước Việt Nam.

Đã có một giai đoạn nhiều người phải thốt lên rằng: cường độ đấu tranh, đả phá, bôi nhọ lẫn nhau giữa các tổ chức, hội đoàn, cá nhân đấu tranh chính trị của người Việt hải ngoại diễn ra còn ác liệt và sôi động hơn cả những cuộc đấu tranh yểm trợ cho đồng bào trong nước. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bất cập như trên? Theo cá nhân tôi, có thể xuất phát từ mục tiêu và khuynh hướng đấu tranh.

Mục tiêu

Ai cũng khẳng định chế độ cộng sản (CS) hiện hành là phi dân chủ, bạo quyền, thối nát, cần phải lật đổ hoặc chuyển hoá (transformation) hoà bình bằng một hệ thống khác dân chủ và tốt đẹp hơn. Mục tiêu đã định, nhưng làm thế nào để lật đổ hay chuyển hoá được chế độ đó? Tới đây hầu như các tổ chức đấu tranh chính trị của người Việt hải ngoại đều rơi vào tình trạng bế tắc.

Tuy nhiên, trong hơn hai thập niên qua cũng có nhiều ý tưởng phát xuất:

1) Dùng sức mạnh quân sự lật đổ chế độ hiện hành trong nước

Qua nhiều năm “bày binh, bố trận”, “mặt trận” này, “khu kháng chiến” kia, đều mang lại thất bại thảm hại, không những bị Việt Cộng đánh cho tơi bời, mà uy tín của các tổ chức bạo lực ấy còn bị suy giảm khủng khiếp trong cộng đồng vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là việc vận động thu góp tiền bạc ủng hộ.

Với xu thế của thời đại ngày nay, sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam là điều không tưởng. Đấy là chưa nói đến, giả sử như điều kiện nào đó có thể cho phép, thì người Việt ở nước ngoài cũng chẳng thể nào có đủ nhân tài, vật lực. Trước 30 tháng tư năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà đã từng có một đội quân hùng mạnh thuộc loại hàng đầu ở Đông Nam Á, thế mà hàng loạt tướng tá, khi Việt Cộng chưa tới thì đã bỏ mặc lính tìm cách thoát thân. Thử hỏi, với sự bình tĩnh và sáng suốt nhất, có ai chỉ ra cho chúng ta thấy, bằng bạo lực nào, phương pháp nào để lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay được không?

2) Công tác quốc tế vận

Những người tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam thường nghĩ rằng, trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa đều vận động quốc tế phải đưa vấn đề nhân quyền lên hàng đầu khi đặt mọi quan hệ, tiếp xúc, bang giao với chế độ CS trong nước.

Thực tế đã trả lời: quyền lợi kinh tế của các quốc gia dân chủ được đặt lên hàng đầu, trước khi họ quyết định hành động làm mất lòng đối tác, dù đối tác ấy chỉ là một quốc gia nhược tiểu, nghèo nàn lạc hậu, tràn lan tệ nạn... nhưng có lợi cho họ. Sự nhường bước của các tập đoàn Yahoo!, Google trước Bắc Kinh trong vấn để kiểm duyệt thông tin hay sự hiện diện cựu tổng thống (TT) Bill Clinton và TT George Bush tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, cùng với việc cải thiện bang giao trong nhiều lĩnh vực, kể cả quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tiền đề để chúng ta rút ra kết luận như tên.

3) Nâng cao dân trí toàn dân

Phương pháp tìm mọi cách, đặc biệt là chuyển tải thông tin, góp phần nâng cao dân trí, giúp người Việt trong và cả ngoài nước ý thức được vai trò, quyền hạn công dân và các quyền lợi khác trong một xã hội dân chủ, nắm bắt được nhu cầu thực tế của đất nước, có thể nói quan trọng nhất hiện nay. Nó sẽ tiến tới giác ngộ ý thức dân chủ và quyết định dấn thân cho dân chủ.

Đây là một mặt trận lâu dài và rất cần tới sự bền bỉ, mưa dần thấm lâu. Tuy thế, vẫn còn nhiều tổ chức đảng phái và cá nhân đấu tranh chính trị tại hải ngoại vẫn cho đây là những việc làm xa vời, không thực tế. Thực tế được hiểu theo họ là phải có tổ chức để sau này về nước tham chính, nắm quyền lãnh đạo (nhưng lại quên rằng, lá phiếu của người trong nước không dễ dàng dành cho Viêt kiều, rút kinh nghiệm từ các nước cựu cộng sản ở Đông Âu); là tổ chức biểu tình chống Cộng (nhưng lại thiếu kết hợp, không ai chịu ai lãnh đạo mình, nên rời rạc); là hô hào lật đổ chế độ bạo quyền, chửi cộng sản bạt mạng trên các diễn đàn… v.v. Cho dù có thông cảm và chia sẻ sự căm ghét, thù hận cộng sản của chúng ta bao nhiêu, người dân trong nước khó bao giờ chấp nhận cách thể hiện ngôn ngữ trong tranh đấu hay mong muốn tự do dân chủ đến với Việt Nam như vậy. Đó là chưa nói tới việc tranh đấu bằng miệng với một ý thức kém cỏi như thế, vô tình hay hữu ý sẽ trở thành rào cản trên con đường tiến tới dân chủ của Việt Nam. Vậy chúng ta vì ai và vì cái gì?

Có ý kiến nhận định rằng, người Việt hải ngoại có nhiều khuynh hướng quá; đa màu sắc quá. Ở một góc độ nào đó, sự đa khuynh, đa màu sắc là bản thể của tính đa nguyên. Thế nhưng, người Việt hải ngoại (hình như) càng đa khuynh, đa sắc bao nhiêu thì hình như càng trở nên hữu khuynh và hỗn độn bấy nhiêu. Nói vậy chắc mấy lãnh đạo cộng sản sẽ mừng huýnh, bởi ít ra như thế là đồng thuận cho sự độc tôn với chế độ đương thời và phủ nhận tính đa nguyên?

Thực tế không phải vậy, bởi đa nguyên mới chỉ là phương tiện để tụ hợp nhau lại, tìm sự đồng thuận để hướng tới đích chung. Phương tiện này trở nên hữu ích hay vô ích phụ thuộc vào mỗi nhất nguyên trong đa nguyên đó - sự đồng thuận. Xuyên suốt quá trình đấu tranh chính trị của người Việt hải ngoại ta nhận thấy một điều, không ít tổ chức đấu tranh chính trị chỉ chú trọng đến phương tiện chứ không chủ trương dùng phương tiện để tiến tới mục đích (giải thế chế độ CS; thiết lập dân chủ tại VN). Từ sự lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích này đã dẫn tới tình trạng hình thức hóa phương tiện hành động của mình một cách cao độ, cụ thể hơn: chỉ nhằm nâng cao tính nhất nguyên của mình hơn là tìm sự đồng thuận giữa những nhất nguyên với nhau, đương nhiên, khi cái nhất nguyên (ta cao hơn tất cả) trong đa nguyên đồng loạt trỗi dậy, tất cái đa nguyên đó sẽ dẫn tới đổ vỡ.

Nếu nhìn nhận ý tưởng thứ ba qua viễn kính từ một số quốc gia mới thiết lập dân chủ tại Đông Âu ta nhận thấy một điều: Quốc gia nào có sự chuẩn bị, trang bị kỹ lưỡng cho dân chúng về kiến thức hội nhập dân chủ, quốc gia đó sẽ sớm đi vào ổn định và phát triển. Nếu ngược lại, không những đổ vỡ mà còn rơi vào những thảm họa mới: nội chiến; chia rẽ; hận thù; kinh tế kiệt quệ...

Như vậy vấn đề cấp bánh hiện nay không thể lảng tránh vẫn là việc nâng cao ý thức dân chủ cho toàn dân, trong đó những người Việt đang sống, làm việc tại hải ngoại đóng một vai trò hết sức thiết yếu.

Có nhiều lý luận gia ở hải ngoại lại cho rằng: không nhất thiết toàn dân phải thấu hiểu và làm dân chủ mà chỉ cần một thiểu số nòng cốt, sáng suốt làm đầu tầu. Ở đâu thì giới elite cũng là xương sống của mọi cuộc cách mạng. Họ sẽ dẫn dắt cái số đông ù lì, bàng quan, thờ ơ trên noi theo.

Kể cả cho đây chỉ là một giả định thì nó cũng không có sức thuyết phục, bởi tính mơ hồ và ngụy biện, thiếu thực tiễn với hoàn cảnh văn hoá, lối sống của người Việt. Người Việt ta vốn quen cảnh “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, chưa kể tới cuộc sống sôi động, vật chất nơi hải ngoại khiến không thiếu người coi giá trị đồng tiền nặng ký hơn là phẩm giá con người và thể diện dân tộc.

Tôi có cảm tưởng, hình như tập đoàn lãnh đạo cộng sản trong nước đã và đang áp dụng liệu pháp này tại Việt Nam? Họ biết chắc chắn không thể cưỡng được xu thế dân chủ thời đại và không thể cai trị nhân dân mãi bằng bộ máy bạo lực của công an? Họ cải cách kinh tế trước, làm êm lòng một bộ phận lớn quần chúng qua cải thiện, nâng cao mức sống - một bước đầu của cơ chế thị trường tự do/dân chủ - sau đó cải cách chính trị từng bước và chọn thời điểm mà họ cảm thấy hạ cánh an toàn nhất, đặc biệt là khi đã hợp lý hoá xong tài sản, tiền bạc bất chính trong thời gian cầm quyền?

Như vậy ở một góc độ nào đó, tuy khác xa về khoảng cách, không gian, thời gian và mức tiếp xúc, thu nhận kiến thức tiến bộ của nhân loại, con đường tiến về dân chủ sẽ theo hướng của giới lãnh đạo cộng sản? Con đường này sẽ ngắn hơn hay dài hơn con đường của các lực lượng đối lập với cộng sản ở trong và ngoài nước? Có gì tác dụng hỗ tương với nhau không? Và như thế, trong bài toán này, chúng ta nên vận dụng khôn ngoan ra sao? Những câu hỏi này của tôi - một công dân bình thường - là gợi ý thô thiển tới những người làm công tác lý luận xã hội và chính trị. Tôi đưa ra nhận định chỉ với ý thức của một người ham học hỏi và trăn trở với vận mệnh của đất nước mà thôi.

Tình trạng rã đám, hỗn độn, thiếu đoàn kết, bới móc, công kích cá nhân, nhìn gà hóa quốc… giữa các tổ chức, hội đoàn tại hải ngoại cũng như cả trong nước những năm qua phải chăng đã đến lúc chấm dứt và cần phải sáng suốt tìm lại cách tổ chức chặt chẽ hơn?

Kết luận

Không có gì nguy hiểm và thất vọng hơn đối với khát vọng tự do, dân chủ của nhân dân nếu như một chế độ bạo quyền bị lật đổ, lại được thay thế bằng chế độ dân chủ trá hình, quản lý bởi những người lãnh đạo cơ hội, cực đoan chủ nghĩa, dân tộc hẹp hòi, thiếu kiến thức và lý luận kỹ trị (technocrat) trong thời đại toàn cầu hoá. Loại dân chủ trá hình này nhiều khi còn có thủ đoạn, hành vi tinh vi, tàn bạo và dã man gấp nhiều chế độ trước đó mà nó đã từng lên án. Không thiếu những cuộc bầu cử tự do ở các nước cựu cộng sản đã chọn ra một đại diện đa số cầm quyền không như mong muốn. Sân chơi dân chủ có những trái đắng riêng của nó mà chúng ta phải chấp nhận. Chỉ may mắn và hơn hẳn thể chế độc tài là nếu sai lầm, người dân có cơ hội loại bỏ thế lực cầm quyền ấy ở cuộc bầu cử kế tiếp. Nhưng ai chịu trách nhiệm về thời gian bị đánh mất?

Như vậy vấn đề quan trọng ở đây không chỉ đơn thuần chỉ ở việc lật đổ chế độ bạo quyền, mà quan trọng hơn cả là làm sao xây dựng được một thế hệ mới - một thế hệ được trang bị đầy đủ kiến thức về dân chủ, vừa để tranh đấu giành dân chủ bài bản hơn, hữu hiệu hơn, vừa tạo giống, gây mầm cho tương lai để phát triển đất nước bền vững, lâu dài.

Không có những nhà trí thức giỏi về lý luận xã hội, không có những nhà chính trị chuyên nghiệp, không có một đội ngũ vững mạnh về chuyên môn để ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn và điều hành bộ máy nhà nước, chúng ta sẽ lại dẫm đạp lên những lúng túng, tạo ra nhiều khe hở, đi ngược với nguyên tắc dân chủ như các nước cựu cộng sản đã và đang gặp phải. Giành được tự do dân chủ đã khó, bảo vệ và xây dựng nó còn gian nan hơn nhiều đối với một quốc gia đã chịu ách cai trị của hệ thống toàn trị cộng sản gần cả thế kỷ!

CHLB Đức, 5/2007
Việt Hà

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn