1.
Khi đọc Trần Đăng Khoa viết về tâp "Bảy Sắc Mơ" của Ái Nhân (Bùi Cao Thế) đăng trên trang blog Đặng Xuân Xuyến, nhà thơ Nguyễn Đăng Hành mắng tôi đã hùa vào với nhà thơ Trần Đăng Khoa để bêu xấu bạn anh - Ái Nhân Bùi thi sĩ:
- Cả bài dài hàng mấy nghìn chữ, lão Khoa không thèm đả động đến 1 câu thơ của tay Thế “hâm”, toàn tán hươu tán vượn về bùa mê thuốc lú của nàng thơ với mấy thằng dở người,... khác đếch gì lão Khoa chửi tay Thế đã không biết làm thơ còn mắc bệnh ngộ chữ. Chú là chỗ anh em đồng hương với tay Thế, không gạt bài ấy đi mà lại hùa vào với lão Khoa, đưa bài lên trang web làm trò cười cho thiên hạ?
Tôi phân trần:
- Em điện cho anh Thế, nói bài của anh Khoa rất hay, nhưng trang nhà không có mục thư giãn cuối tuần ... Anh Thế bảo kệ, cứ đưa lên cho vui. Em biết làm sao?
Anh mắng xối xả:
- Chú ngụy biện. Sao chú không nói toẹt ra bài ấy Trần Đăng Khoa “chê khéo” Bùi Cao Thế là không biết làm thơ.
Rồi anh đột ngột đổi chuyện:
- Trang Văn đàn Nguyễn Nguyên Bảy giới thiệu 3 bài thơ: Quê Nghèo, Dấu Hỏi và Hồn Quê của chú in trong tập sách "Thơ Và Bạn Thơ 8", ghi là tác giả gửi đăng, không ghi người chọn như các tác giả khác. Chú gửi bài để đăng trong tập sách đó à?
Tôi trả lời:
- Em gửi bài đăng trên trang đó cho vui chứ không gửi để in "Thơ Và Bạn Thơ". Chắc chú Bảy chọn mấy bài đó đưa vào.
Anh trầm giọng:
- Các tác giả khác thì ghi người chọn nhưng với chú lại ghi tác giả gửi đăng, có phải chủ ý để người đọc hiểu sai về chú...
Tôi cười lớn:
- Anh cứ quan trọng hóa vấn đề. Chú Bảy không có ý đó đâu.
Anh lẩm bẩm: - Chú thật thà quá. Rồi cụp máy.
2.
Mươi hôm sau, anh điện cho tôi, vẻ rụt rè:
- Anh hỏi câu này, chú trả lời thật nhé. Bài "Ẩm trời" của chú, đáng mấy điểm.
Tôi có chút ngập ngừng:
- Tự chấm điểm thì em không biết cho điểm mấy nhưng bài đó cũng thường thôi, không thể là hay.
Anh ồ lên, lanh lảnh:
- Vậy mà bác Châu Thạch khen hết lời.
Tôi cười, nửa phân trần:
- Chú Châu Thạch khen hay ở phong cách tỏ tình mới lạ, bạo liệt chứ không khen bài thơ "Ẩm trời" hay.
Anh chậm rãi:
- Anh nghĩ bác Châu Thạch vì quý người mà quý thơ. Bác Châu Thạch nhiều bài bình rất sâu, rất hay, anh rất phục nhưng đọc mấy bài bình kiểu quý người quý thơ như thế không sướng.
Rồi giọng anh lanh lảnh, vút lên:
- Anh mới đọc mấy bài bình thơ của ông Bùi Đồng. Cha này bình tốc độ, tài tử, không ngại va chạm. Bình chưa sâu nhưng đọc dễ chịu. Không như ông “người quen” õng ẹo của chú, quý ai thì bốc thơm lên tận chín tầng mây, ghét ai thì đạp người ta xuống tận chín tầng địa ngục.
Tôi ngớ người, hỏi:
- Người quen? Là ai vậy?
Anh cười cười:
- Chú cứ giả bộ. Tay đấy chơi thân với lão dị hợm, vợ không lấy, cứ suốt ngày vỗ ngực nhận mình là đệ nhất thiên hạ triết học. Hai thằng đấy xoắn lấy nhau, tạo thành cặp bài trùng, suốt ngày nhòm ngó thiên hạ, ai không vừa ý là ngoạc mồm chửi người ta. Lão Trần Mạnh Hảo ông ổng chửi người khác về thơ phú kém cỏi còn nghe được, chứ 2 tay này, thơ văn cũng thường mà cứ lộng ngôn, rống lên chửi người khác thơ văn chẳng ra gì. Thật là trò rẻ tiền.
Tôi ngắt lời:
- Chuyện của thiên hạ, kệ người ta, anh nhiều chuyện làm gì.
Anh sẵng giọng:
- Anh là bạn chú. Tay õng ẹo Đỗ Hoàng cũng là chỗ chú quen biết, anh mới nhắc. Chú bênh mấy tay đấy à.
Không để tôi phân trần, anh cụp máy. Tôi gọi dăm bảy lần anh cũng không chịu nhấc máy.
3.
Khi bài "Mơ quê trong "Xóm Cỏ" của Nguyễn Khôi" lên blog Trang Đặng Xuân Xuyến, anh điện cho tôi, chùng giọng:
- Anh có lỗi với bác Nguyễn Khôi. Khi đọc "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại", anh không ưng cách bác Khôi vẽ mấy chân dung nhưng chỉ nghĩ trong đầu. “Thầy” Hoàng Xuân Hoạ điện cho anh, giãy nảy lên là "tầm cỡ tao mà ngồi cùng chiếu với mấy thằng bạn rượu của tay Khôi à!". Anh hỏi là ai? “Thầy” Hoạ bảo: "Thằng Xuyến và mấy thằng ngồi uống rượu với tay Khôi ở nhà nó đấy. Chúng nó là bạn rượu nên bốc thơm nhau ghê quá. Thằng Văn Thùy, cả đời thơ chỉ được mấy bài làng nhàng, tay Khôi cũng xếp nó ngồi cùng chiếu với tao, với ông Nguyễn Nguyên Bảy? Bắt chước người ta vẽ chân dung nhưng vẽ chân cẳng mặt mũi có ra hồn đâu. Hành làm một bài thế này... thế này... đập thẳng tay vào.". Anh nhận lời nhưng không viết theo ý “thầy” Hoạ vì viết thế thì mất dạy với bác Khôi. Anh viết theo cảm nhận của anh nhưng vì không cân nhắc, đã có những câu thất lễ với bác Khôi. Cũng vì không viết theo ý “thầy” Hoạ nên “thầy” ấy cạch mặt anh từ bữa đấy. Hôm gặp bác Khôi ở nhà chú, định xin lỗi thì bác ấy chửi anh là thằng lưu manh. Anh đau quá, không nói được lời xin lỗi.
Tôi bảo:
- Sao anh không điện xin lỗi chú Nguyễn Khôi.
Anh trầm giọng:
- Thôi, khi nào gặp bác Khôi, chú xin lỗi giúp anh. Hoặc, nếu viết bài nào về bác Nguyễn Khôi thì chú chêm lời xin lỗi hộ anh.
Tôi vội ướm:
- Em định làm một bài, tập hợp 7 tâm sự của anh qua điện thoại như thế này, ý anh thế nào?
Anh cười:
- Chú cứ viết đúng sự thật, đừng gia giảm, mặc ai chửi anh cũng được. Nhưng chú nên học cách viết bỗ bã, lỗ mãng, đề cao cái tôi cực đoan như tay Phạm Đức Nhì, đọc thấy đầy chất lưu manh, đểu cáng trong đó mới sướng.
Tôi bật cười:
- Nói Phạm Đức Nhì đề cao cái tôi cực đoan còn được, chứ nói Phạm Đức Nhì là lưu manh, đểu cáng ... thì không ổn.
Anh ngắt lời:
- Chú sợ bị Phạm Đức Nhì chửi tiếp như hồi chú "bênh" bác Nguyễn Khôi à? Anh thấy lạ, vụ đấy, bác Khôi gửi thư kêu cứu tới mấy chục bạn mà không ai lên tiếng. Chú là "bạn" mới quen trên facebook lại đứng ra “đòi lại sự công bằng” cho bác Khôi? Chiến hữu của bác Khôi toàn người tên tuổi lừng lẫy văn đàn, người ta chẳng lên tiếng, chú thá gì mà nhảy vào đánh nhau với “cối xay gió”? Nói thật, chú ăn chửi của tay Nhì cũng đáng. Anh hỏi thật nhé. Sau vụ bị tay Nhì chửi rát mặt, bác Khôi có cám ơn chú nửa lời không? Chú đã thấy chú ngu chưa?
Có lẽ sợ tôi phản bác, anh cụp máy luôn. Nhất quyết không nghe máy khi tôi điện đến.
4.
Khi bài "Như thiếu nữ đã vào chùa xuống tóc" của tác giả Nguyễn Bàng lên trang blog Đặng Xuân Xuyến được vài ngày, anh điện cho tôi, giọng không vui:
- Sao chú lại đưa tâm sự riêng của bác Nguyễn Bàng về bài "Biển của Nguyễn Thanh Lâm trong RỪNG XANH MƯA" lên các trang mạng thế? Bác Nguyễn Bàng góp ý riêng mà chú chưng ra với mọi người làm gì?
Biết anh thật lòng nên tôi giãi bày:
- Anh biết đấy, giờ mấy ai thật lòng như chú Nguyễn Bàng. Người ta chỉ nói với nhau những lời có cánh, dại gì chỉ ra những điểm yếu, những hạn chế của người khác để "mua" sự phiền phức. Em chia sẻ góp ý của chú như là bài phản biện để bạn đọc cùng thưởng thức. Em tin bài viết của chú sẽ hữu ích cho bạn đọc.
Có vẻ chưa an tâm, anh gặng:
- Thế chú có đặt cương vị nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm khi đọc "Như thiếu nữ đã vào chùa xuống tóc" sẽ phản ứng thế nào không?
Tôi chậm chậm trả lời:
- Cũng vì ngại anh Lâm không vui nên em lừng khừng thời gian khá dài không đưa bài lên trang. Nhưng anh biết tính anh Lâm rồi đấy: Thẳng tính và cầu thị, hơn nữa, góp ý của chú Nguyễn Bàng nhiều tính xây dựng, cũng nhẹ nhàng, chân thành nên sau vài tháng đắn đo, em chủ động gửi các trang mạng.
Anh có vẻ vẫn chưa an tâm, gặng tiếp:
- Thế ông Lâm nói thế nào? Chú chưa hiểu ông Lâm bằng anh đâu. Thẳng tính nhưng khi không vừa ý ai thì nghỉ chơi luôn. Hôm anh với chú tranh luận bài "Mợ Hữu" của Trần Nhuận Minh, anh điện cho ông Lâm để tham khảo ý kiến, ông ý mắng anh vỗ mặt: - Xuyến nó bình thế là OK rồi còn tranh luận đéo gì nữa. Rồi cụp máy. Anh điện lại mấy lần, ông ý không thèm nhấc máy.
Rồi anh chuyển giọng thủ thỉ:
- Anh vừa đọc mấy bài ông Nguyễn Xuân Dương bình "Hương Quê", "Tâm Sự Nàng Thúy Vân"... có vẻ là ông ấy nghiêng về "tán thơ"?
Tôi cười:
- Theo em thì đấy là mấy bài cảm nhận thăng hoa cả về cảm xúc và ngôn từ. Rất lãng tử mà tinh tế, phóng bút mà sâu sắc. Không phải là những bài "tán thơ".
Anh bât cười: thật á? rồi cụp máy.
5.
Sáng 30.11.2018, rất sớm, anh đã điện cho tôi:
- Chú có biết Nguyễn Thế Duyên không? Hắn vừa chửi Nguyễn Hoàng Đức đã ngu dốt, còn mất dạy dám đòi lật đổ tượng đài Nguyễn Du. "Thầy" Hoạ chịu khó nâng bi thằng cha Nguyễn Hoàng Đức này lắm. Một chặp cũng nhắng nhít đòi lật đổ tượng đài Nguyễn Du. Loại theo voi hít bã ý mà.
Tôi ngắt lời:
- Nói chuyện khác đi anh ơi. Em không thích nghe chuyện kiểu này đâu.
Anh ha hả cười:
- Chú dị ứng với "thầy" Hoạ à? Anh nhớ chú bị “thầy” Hoạ chửi vỗ mặt khi đề tặng “thầy” ý bài thơ "Thế gian say".
Tôi giãi bày:
- Thấy chú ấy hay viết status phê phán thói hư tật xấu trong xã hội nên em mới đề tặng, biểu thị sự quý mến, đồng cảm của em.
Anh cười lớn, giọng phấn chấn:
- Nhưng “thầy” Hoạ lại tưởng chú đá đểu bệnh cuồng vĩ của “thầy” ý vì bài thơ của chú có câu "đập chén trở cờ". Mắc bệnh cuồng vĩ, có tật giật mình, suy từ ta ra người ý mà. Thích được khen lắm. Chê thơ Chử Văn Long, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều,... Già rồi còn đú đởn thơ phú yêu đương, nghe giả cầy lắm. Buồn cười ở chỗ là không biết sự vô duyên của mình lại xăng xái chê người khác...
Để cắt chuyện, tôi vội "rủ rê":
- Chủ Nhật về Ân Thi chơi đi. Chiều nay em về, sáng thứ hai mới lên Hà Nội.
Anh hề hề cười:
- Hết năm nay anh mới rảnh. Hôm nọ, Văn Thùy điện cho chú nhưng chú không nghe máy. Ông ý đến tặng anh tập thơ hơn nghìn trang, coi như là tổng hợp sáng tác cả đời của Văn Thùy, trong đó in 3 bài bình thơ Văn Thùy. Bài của Trần Đăng Khoa không biết Văn Thùy có cắt bỏ đoạn nào không nhưng bài của chú ông ý bỏ hết những đoạn chú chê. Anh bảo cắt bỏ phần chê làm bài viết của nó mất tính xây dựng, Văn Thùy nói, "nó chê tao phũ phàng quá, tao cắt bỏ cho đỡ tức.".
Hôm qua, anh vào trang Đặng Xuân Xuyến, đọc Sương Nguyệt Minh nhưng mới đọc mấy bài. Chú thấy văn của Sương Nguyệt Minh thế nào?
Tôi hỏi lại:
- Anh đọc bài viết về Nguyễn Hoàng Đức chưa? Dí dỏm, hay mà thâm.
Anh hỏi dồn:
- Thế truyện ngắn của hắn thế nào? Có xứng với giải thưởng không?
Tôi thật lòng:
- Em đọc vài truyện ngắn của anh ấy nhưng không thích.
Anh gặng hỏi:
- Nghĩa là chú chê truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh?
Tôi cười:
- Anh không nên suy luận kiểu quy chụp như thế. Thích hay không thích là một chuyện. Còn khen hay chê lại là chuyện hoàn toàn khác. Em mới đọc vài truyện, sao đưa ra lời nhận xét chung về truyện ngắn của anh ấy được.
Anh tiếp lời:
- Anh thấy Trần Mạnh Hảo "phang" Sương Nguyệt Minh rất xác đáng. “Bộ 3 chọc ngoáy" đã ghi điểm trong việc chỉ đích danh bọn "Văn Chương Giả Cầy".
Rồi đột ngột, anh chuyển "đề tài":
- Hôm nọ, tay Thế "hâm" phàn nàn chú lấy thông tin từ bọn đố kỵ với hắn nên viết chuyện điên của hắn chưa chuẩn. Hắn điên nhưng không cởi truồng, không vắt vẻo ngồi hát những câu vô nghĩa. Cũng không ré lên cười một mình rồi nhận là "Ngọc Nữ cô nương". Hắn bảo: "Xuyến nó phóng bút, làm hỏng hình ảnh của em.".
Tôi trả lời:
- Anh Thế điện trách em chỉ nghe người làng xã kể mà không hỏi lại anh ấy, làm hình ảnh anh ấy bị méo mó. Anh ấy bảo, lúc điên là lúc trí tuệ anh ấy cực thăng, diễn thuyết rành rẽ, mạch lạc, bảo vệ quan điểm đến cùng. Những lúc điên, anh ấy thường tìm gặp các lãnh đạo để góp ý về chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược đào tạo con người, góp phần làm giàu cho địa phương, cho đất nước, được mọi người tán thưởng rầm rầm... Em nói: Anh điên nhưng tỉnh quá, thế thì ai tin?
Anh thủ thỉ:
- Mà anh thấy, Ái Nhân vẫn không chịu tỉnh chú ạ. Vẫn cứ lên facebook cãi với mọi người là hắn không điên như chú viết. Hắn điên theo kiểu của vĩ nhân tỉnh lẻ, của nhà thông thái cơ... Nặng lắm rồi chú ạ. Anh quý Thế "hâm" ở sự ngây thơ. Hắn ngây thơ tin 100% những lời còm khen hắn đẹp trai, thơ hay rồi hồn nhiên đem đi khoe. Lạ thế.
Ngần ngừ một lát, anh hỏi:
- Chú nhớ hôm uống rượu ở nhà chú, "thầy Hoạ" rối rít khen thơ chú không?
Tôi ngớ người một lúc, rồi trả lời:
- Em không, vì lúc "trà dư tửu hậu", những chuyện xã giao thì nhớ làm gì.
Có vẻ không hài lòng, anh chùng giọng:
- Hôm đấy, "thầy" Hoạ xin tập bản thảo thơ của chú, nói "về đọc lại để bình mấy bài thơ của Xuyến vì chú đồng cảm với mấy bài thơ đó lắm", thế mà về nhà, "thầy" Hoạ liên tục điện, bảo: "Hành đừng bình thơ của thằng Xuyến, tự hạ thấp Hành đấy. Nó biết đéo gì về thơ mà bình? Chỉ có bọn đéo hiểu gì về thơ mới xúm vào bình thơ của nó.". Anh nói là Xuyến có khiến em và bác bình thơ của nó đâu, thích mấy bài thơ đó thì em bình. Thế là "Thầy" Hoạ mắng anh là thằng điên.
Tôi phá lên cười:
- Nói chuyện khác đi anh. Nghe mấy chuyện đó, em không khoái.
Một thoáng ngập ngừng, anh mới hỏi:
- Chú thật sự không giận "thầy" Hoạ chứ?
- Vâng. Chẳng lẽ anh vẫn chưa hiểu tính em sao.
Anh lẩm bẩm: lạ nhỉ. Rồi cụp máy.
6.
Chiều ngày 03.12.2018, anh điện cho tôi, thắc mắc:
- Chú gây thù chuốc oán gì với tay Việt Thắng trong Sài Gòn mà chiều qua hắn điện chửi chú ghê quá. Hắn chửi chú xấc xược khi phác họa chân dung Văn Thùy, đá xoáy nỗi đau cả đời của Văn Thùy. Anh bảo hắn đọc chậm lại bài thơ "Văn Thùy dị nhân", ngẫm kỹ rồi hãy chửi thằng Xuyến. Bài thơ ấy Xuyến nó viết bằng sự trân trọng, cảm mến, xót thương từ đáy lòng. Văn Thùy rơi nước mắt khi đọc lời bình của Nguyễn Đăng Hành và Chử Văn Long đấy... Hắn cười: "Em biết rõ về thằng này. Hắn là đồng hưong huyện với Văn Thùy, cách nhà Văn Thùy có mấy cây số mà hắn chơi Văn Thùy quả đắng quá.". Thông cảm, vì Việt Thắng thần tượng Văn Thùy ghê lắm. Với hắn, Văn Thùy lung linh như một tượng đài.
Hắn còn tranh luận với anh về “bộ 3 chọc ngoáy” thích vén váy lên làm loạn xã hội. Chú đã đọc thơ Bành Thanh Bần chưa? Thơ ấy mà thằng cha Nguyễn Hoàng Đức khen không tiếc lời là cả thế kỷ may ra mới kiếm được 3 thi sĩ có tài thơ “nặng ký” như thế. Thằng điên! Khen thế không sợ trẹo mồm à? Cả lão Trần Mạnh Hảo nữa. Thơ của nhà thơ khiếm thị Việt Anh, cũng thường thôi, thế mà lão cúi xuống, phùng mang trợn mắt, dồn hết công lực thổi bay Việt Anh lên tận chín tầng mây là một thiên tài thế kỷ. Đúng là thằng điếm bút, loạn ngôn! Hắn coi thiên hạ mù hết nên vung vẩy khen như con điếm ve trai.
Tôi bật cười, hỏi bộ ba đó có thù oán với anh à? Chuyện của người ta, anh “ôm” làm gì. Anh ngắc ngứ chút, rồi chậm rãi:
- Thì cũng từ thằng cha Vũ Việt Thắng, chiều qua hắn chửi chú chán chê xong quay ra ca ngợi “3 ả” hết lời nên anh thấy chướng tai mới kể cho chú.
Tôi nhớ, có lần anh nói anh Việt Thắng chê tôi “làm thơ mà không theo luật, hình như thằng này không biết luật”. Tôi thật lòng: - Anh Việt Thắng nói đúng đấy. Ngay cả thể thơ Lục Bát, em cũng không biết thế nào là lỗi Lạc Vận, thế nào là lỗi Phong Yêu. Anh cười, chửi tôi là thằng ba xạo.
Lần này cũng vậy. Tôi lại cười, nhắc anh như lần trước:
- Lần sau anh Việt Thắng điện tới thì nhờ anh nói giúp em lời cám ơn anh ấy. Nếu không quan tâm tới em thì anh ấy chả nói những câu xây dựng thế đâu.
Anh lẩm bẩm: - Ừ, ừ... rồi cụp máy.
7.
Sáng ngày 23.12.2018, anh điện cho tôi, giọng nhiều tâm sự:
- Anh đọc trận quyết chiến giữa ông Châu Thạch với ông Nguyên Lạc bên Mỹ về bài "thơ Đường hậu hiện đại" của Châu Thạch thấy buồn thì nhiều, cười thì không được. Đều trên dưới 80 tuổi rồi mà chửi nhau như dân chợ búa trên facebook. Ông Nguyên Lạc thâm và đểu khi dùng thái độ nhã nhặn, lịch thiệp để ra đòn với ông Châu Thạch. Lại được ông Phạm Đức Nhì ma mãnh mượn thơ của ông Chu Vương Miện tung cú sút chiếm thế thượng phong. Ông Châu Thạch lụy chữ tôi quá mà làm hỏng hình ảnh lâu nay xây dựng là người hiền hòa, trọng nghĩa. Lại thêm ông Lang Trương chỉ biết ra đòn bằng những lời bù lu bù loa nên thế trận nghiêng hẳn về phía Nguyên Lạc. Ai cũng biết ông Nguyên Lạc mượn bài viết để “chơi” ông Châu Thạch, đẩy mình lên cao nhưng nếu ông Châu Thạch nhã nhặn trả lời thì mưu kế của ông Nguyên Lạc thất bại. Tiếc quá. Tiếc quá. Trận chiến này ông Châu Thạch mất nhiều quá.
Tôi trầm ngâm:
- Em có biết chuyện đó nhưng không thể còm...
Anh ngắt lời:
- Chú không tham gia là đúng. Con người ta khổ vì lụy chữ tôi nhiều quá.
Rồi anh cao giọng:
- Anh thấy ông Phạm Ngọc Thái cư xử khá hay. Bị ông Nguyên Lạc xỏ xiên thậm tệ nhưng ông ấy không thèm lên tiếng, vẫn tiếp tục "tự sướng" kiểu điên khùng của riêng mình ông ấy, hành động đó khác gì ông ấy chửi Nguyên Lạc: mày sủa kệ mày, tao đi cứ đi. Bị Nguyên Lạc nhục mạ là kẻ cuồng vĩ, không biết bình thơ,... nhưng ông Phạm Ngọc Thái kệ, cứ "tự sướng" tiếp, thế là ông ấy khác gì đã trả lời ông Nguyên Lạc: mày cũng giống tao nhưng chó hơn tao là mày vấy cứt vào người khác để mày được thơm hơn. Vụ này, ông Nguyên Lạc thua trắng ván.
Rồi anh hỏi tôi:
- Chú đã tập hợp bài trao đổi giữa anh với chú về mấy chuyện thế này chưa?
Tôi trả lời:
- Chốc em ghi lại cuộc nói chuyện này là xong. Chiều hoặc tối em chuyển anh đọc qua facebook ở chế độ CHỈ MÌNH TÔI và tag tên anh. Sau 7 ngày, nếu anh không ý kiến chỉnh sửa gì thì em sẽ đưa lên trang phụ CHUYỆN BẠN VĂN và cho bài hiện ở TRANG CHỦ vào dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi - 2019,
Anh khẽ ừ... rồi hỏi tôi:
- Chú định làm kiểu phỏng vấn à? Như thế thì vô duyên, mà cũng giả tạo lắm.
Tôi trả lời:
- Em kể lại 7 cuộc điện thoại anh tâm sự về những "nhân vật" em có quen, biết hoặc có nghe tên tuổi họ nhưng chỉ đả động đến chuyện văn chương. Chuyện "thâm cung bí sử", em nghe chỉ để biết thôi....
Anh ngắt lời:
- Anh cũng định nhắc chú điều đó nhưng chú nhớ là phải ghi đúng những câu chữ anh nói. Anh biết, anh sẽ bị nhiều người chửi nhưng không sao. Sự thật cần phải được tôn trọng chú ạ.
Tôi vâng dạ với anh nhưng thú thật vẫn lợn gợn những e ngại.
*
Chiều nay, 30 tháng 12.2018, sau 7 ngày bài đưa lên trang facebook ở chế độ CHỈ MÌNH TÔI và tag tên anh, tôi điện hỏi anh đã đọc kỹ chưa? Có cần chỉnh sửa gì không? Anh hề hề cười:
- Chú là thằng nhát gan. Sợ bị nghe chửi lây nên cố tình viết nhẹ đi. Những người biết anh, người ta không nhận ra anh vì chú vẽ anh ngoan hiền quá, không đúng chất ngông nghênh bất cần của anh. Thôi, chú cứ đưa bài này lên trang đi. Anh (cười) chịu khó mang tiếng là thằng ngoan hiền cũng được.
Ngồi đọc lại, tôi thấy, hình ảnh anh có chút nhạt nhòa vì sự “ngoan hiền” thật.
Hà Nội, chiều 30 tháng 12.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
(Mời tham khảo thêm trên:
https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/02/tung-tung-7-chuyen-cung-nguyen-ang-hanh_2.html)