BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72631)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sẽ có khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?

12 Tháng Hai 20196:25 SA(Xem: 988)
Sẽ có khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.

Vẫn là ‘kẻ tử thù của chế độ’

Điểm trùng hợp ngẫu nhiên và cứ như thể một thứ điềm báo dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam là trong khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc vào thời gian cuối tháng 4 năm 2017 và chưa đầy một tuần sau đó báo chí Việt ngữ ở Đức và cả báo chí Đức đã đưa tin về vụ này, thì vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ xảy ra vào những ngày cuối tháng 1 năm 2019 cũng được phát tin khoảng một tuần sau đó bởi báo chí quốc tế. Nhưng đặc biệt nhất là được phát tin một cách rất chi tiết bởi một blogger - người bị xem là ‘kẻ tử thù của chế độ cộng sản Việt Nam’: Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, hiện đang sống ở Đức.

Blogger Trương Duy Nhất
Blogger Trương Duy Nhất


Trong khi một số tờ báo nước ngoài, trong đó có báo Thái Lan, bắt đầu đề cập vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ một cách thận trọng và tỏ ý nghi ngờ có sự nhúng tay của phía Việt Nam, thì blogger Người Buôn Gió đã huỵch toẹt: blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc bởi Tổng cục 2 tình báo (thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam) theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kèm theo nhiều chi tiết khá cụ thể về vụ bắt cóc này: lực lượng bắt cóc khoảng 10 người, trong đó có 2 người biết tiếng Thái, lên đường đến Thái Lan vào ngày 23/1; trước khi bị bắt, Trương Duy Nhất đã nhận số máy lạ có đuôi 6521; ngày Trương Duy Nhất bị bắt là 26/1; Trương Duy Nhất bị bắt tại siêu thị FuturePark; khi bị bắt, Trương Duy Nhất còn xin thay áo; một số hình ảnh về Trương Duy Nhất tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Bangkok…. Những chi tiết quá cụ thể này khiến độc giả không thể không nghĩ rằng tác giả Người Buôn Gió, nếu không phải do hoang tưởng, đã nhận được những nguồn tin cực mật từ chính nội bộ đảng CSVN, hay cụ thể hơn là từ nội bộ của giới công an Việt Nam, hoặc từ chính người nằm trong ‘lực lượng bắt cóc’.

Trong bài viết mô tả vụ bắt cóc Trương Duy Nhất, blogger Người Buôn Gió còn gửi đi một thông điệp vừa ẩn ý vừa lộ liễu: “Tôi biết nhiều hơn những gì tôi viết, những điều tôi biết là những bằng chứng chứ không phải là những suy đoán, trong vụ này cũng như trong nhiều vụ khác cũng vậy”.

Đây là lần thứ hai Người Buôn Gió làm cho chính quyền Việt Nam điên đầu và có thể sẽ rơi vào trạng thái lúng túng cao độ như tình trạng hậu cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, những thông tin mà blogger Người Buôn Gió cung cấp trong loạt bài viết về Trương Duy Nhất cho đến nay chỉ thuộc về tác giả mà chưa thể kiểm chứng được.

Nhưng khách quan mà xét, nếu nhìn lại vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và loạt bài viết của Người Buôn Gió về vụ này, có thể nhận ra một số chi tiết mà Người Buôn Gió nêu ra là phù hợp với thực tế vụ bắt cóc này và kết quả điều tra đã được công bố của cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Công tố Đức.

Nếu những cáo buộc chi tiết và như thể trong ruột mà Người Buôn Gió nhắm tới Tổng cục 2 quân đội là đúng, hoặc ít ra có một số cơ sở xác thực, vụ blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Bangkok gần như chắc chắn sẽ trở thành vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai. Nhưng lần này, ‘tác giả’ không phải là Bộ Công an mà lại là Bộ Quốc phòng với vai trò Bí thư quân ủy trung ương là ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

Liệu có ‘thỏa thuận ngầm’?

Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước tết nguyên đán khi xuất hiện tin tức Trương Duy nhất bị mất tích hay bị bắt cóc. Đó là khoảng thời gian mà có thể ‘thông cảm’ được: giới quan chức còn phải ăn tết.

Nhưng sau cái tết nguyên đán đầy cảnh ‘lót tay’, chúc tụng đãi bôi và ăn nhậu xả láng thì lại là chuyện khác: thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.

Điều an ủi mà có thể khiến chính quyền Việt Nam tạm thời yên tâm để đưa ra một thông báo theo kiểu trên là khác với lời tố cáo mạnh mẽ của nhà nước Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh, chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’, và chế độ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chẳng ưa gì tự do báo chí. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.

Nhưng còn sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông quốc tế đòi hỏi trách nhiệm của người Thái phải tìm ra tung tích của Trương Duy Nhất? Chắc chắn chính quyền Thái Lan sẽ phải tiến hành một số động tác nào đó, dù chỉ cho có, để có cơ sở hồi âm cho quốc tế về vụ việc này. Nội dung hồi âm này lại có thể có độ chênh, thậm chí là chênh biệt đáng kể, với một thông báo mà phía Việt Nam phải nêu ra sau tết nguyên đán 2019 về vụ Trương Duy Nhất. Khi đó, sự thật sẽ lộ dần ra.

Song mối lo sợ và nguy hiểm lớn nhất của chính quyền Việt Nam, và của cả chính quyền Thái Lan, sẽ đến từ… Người Buôn Gió.

Sẽ có bằng chứng?

Bởi khi Người Buôn Gió dám khẳng định là anh ta có những bằng chứng về vụ Trương Duy Nhất bị bắt cóc mà không phải là suy đoán, toàn bộ những ai quan tâm đến vụ này đều ngóng cổ trông chờ Người Buôn Gió tung ra những bằng chứng đó để xem tính xác thực đến đâu. Còn chính quyền Việt Nam, đặc biệt là thủ tướng Phúc và Tổng cục 2, có lẽ sẽ sống trong nỗi hồi hộp mòn mỏi.

Nếu Người Buôn Gió không thể cung cấp những bằng chứng trên? Nhiều quan chức Việt Nam sẽ thở phào và tổ chức phản đòn để cho quốc tế thấy ‘chính nghĩa Việt Nam’.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trong những ngày tới một số bằng chứng, và nếu đúng là bằng chứng có tính xác thực, được công bố theo đúng cái cách mà Người Buôn Gió thường làm là rỉ rả giết dần giết mòn sức chịu đựng của địch thủ?

Chỉ có thể là những cơn đau tim, thống phong và… xơ gan cổ trướng. Hoặc cả ba.

Và nếu quả thực vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ sẽ nổ ra như một cuộc khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’, đó sẽ là điềm báo ‘rông cả năm’ hoặc còn lâu hơn thế dành cho tương lai toàn màu tối của chính thể độc trị ở Việt Nam.

Phạm Chí Dũng
Nguồn VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn