BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những ngón tay bắt được của trời

04 Tháng Hai 20198:15 SA(Xem: 1305)
Những ngón tay bắt được của trời
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tạp chí Văn (trước 1975), ngoài là bệ phóng/bệ nâng của nhiều tên tuổi văn chương Việt, còn là một gallery thu nhỏ, một gallery chu đáo và ấn tượng nơi nhiều bìa báo (và cả những phụ bản) là những tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao của dàn họa sĩ thời danh – những con người với phước phần khi được ban cho “những ngón tay bắt được của trời” (từ của nhà văn Mai Thảo gọi họa sĩ Duy Thanh trong một bài viết trên tạp chí Sáng Tạo).

Những vóc dáng “em gầy như liễu trong thơ cổ,” nhưng gương mặt đẹp-đau-thương, những đường nét khêu gợi trí tưởng, những mảng màu siêu thực… trên bìa của Văn, khiến tạp chí này – ngoài giá trị nội dung không thể phủ nhận – còn bật lên với những giá trị thẩm mỹ và có thể được xem là một trong số ít những tạp chí văn chương được chăm chút nhất về mặt “mỹ thuật” của làng báo chí “ngàn hoa đua nở” trước 1975.

Bìa tạp chí Văn số đặc biệt viết về hội họa. (Hình Nguyễn Trường Trung Huy)
Bìa tạp chí Văn số đặc biệt viết về hội họa. (Hình: Nguyễn Trường Trung Huy)

Tính từ 1954 đến 1975, có thể chia “thế giới” hội họa – tạo hình thành ba làn sóng, trong đó có thể kể đến đợt đầu tiên gồm lứa của Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ… đợt thứ hai là lứa Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Duy Thanh… và Hội Họa Sĩ Trẻ có thể coi là đợt sóng thứ ba của hội họa Việt Nam.

Những họa sĩ tài danh của ba đợt sóng này đều đã tung lên những triều cường về màu sắc, hình ảnh, bố cục… trên bìa của một tạp chí thuần văn chương như Văn.

Riêng về Hội Họa Sĩ Trẻ, những tên tuổi nổi trội trong hội có thể kể đến: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng, Đinh Cường, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung…

Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam sở dĩ được thành lập, do “tham vọng” trước mắt là từ chính những cá nhân đứng ra thành lập hội, và từ những “nhận ra” – ví dụ như sự-nhận-ra được đề trên brochure ngày 10 Tháng Mười Một, 1973, cho cuộc triển lãm tại tại gallery La Dolce Vita thuộc khách sạn Continental.

“Nhận thấy nghệ thuật Việt Nam, nói riêng là hội họa và điêu khắc, trong hơn nửa thế kỷ nay, kể từ ngày có trường Mỹ Thuật Đông Dương do người Pháp thành lập tại Hà Nội, vẫn chưa đáp ứng được với thực trạng Việt Nam. Cảm hứng nghệ thuật có thể nói là quá nghèo nàn vì chủ nghĩa buông thả, vì chủ nghĩa cá nhân chật hẹp không tương xứng với hoàn cảnh Việt Nam với những vấn đề vô cùng lớn lao và phong phú.”

“Những kiểu cách sai lầm từ trước tới nay vẫn chưa được mổ xẻ; hoặc dùng những đặc tính gọi là Á Đông để làm căn bản nghệ thuật mà thật ra chỉ là những hình thức lệ thuộc Tàu, Nhật… hoặc nhờ cậy vào nghệ thuật Âu Châu, đặc biệt là trường phái Paris, lấy nó làm tiêu chuẩn để suy luận và làm việc, nhốt gọn nghệ thuật Việt Nam trong cái giỏ ‘thuộc địa’ nên những công trình thực hiện chỉ là cái gì thứ yếu đối với nghệ thuật Tây Phương.”

Hãy cùng nhìn lại từ điểm khởi đầu, từ chính lời tường thuật của một nhân chứng sống: họa sĩ Trịnh Cung (trao đổi điện tín với nhà văn Phan Nhiên Hạo năm 2009).

“Có lẽ do sự xuất sắc của một số họa sĩ trẻ, tuổi từ 22 đến 30, từng đoạt những giải thưởng mỹ thuật quan trọng của quốc gia như Giải Hội Họa Mùa Xuân bắt đầu từ năm 1959, Giải Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn Lần Thứ Nhất vào năm 1962, và Giải Văn Học & Nghệ Thuật Tổng Thống vào năm 1966 (?) mà hai nhân vật, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (nay đang định cư ở Canada), và họa sĩ Ngy Cao Uyên (nay đang định cư ớ vùng Hoa Thịnh Đốn), đã khởi xướng việc quy tụ lại những tài năng trẻ và thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.”

“Hai ông, Ngy Cao Uyên, sĩ quan Bộ Tư Lệnh Không Quân, và cũng là một họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, cùng với ông Nguyễn Tấn Hồng, một trí thức yêu hội họa, bộ trưởng Bộ Thanh Niên, đóng vai mạnh thường quân của hội. Theo trí nhớ của họa sĩ Cù Nguyễn, cuộc họp ban đầu để bàn về việc lập hội gồm có Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng, các họa sĩ Ngy Cao Uyên, Vị Ý, Cù Nguyễn, Âu Như Thụy và nhạc sĩ Phạm Duy. Thế nhưng khi họp để chính thức thành lập hội tại nhà Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn Tấn Hồng chỉ có chúng tôi, gồm các họa sĩ và điêu khắc gia Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng, Đinh Cường, Hồ Thành Đức và tôi, Trịnh Cung. Lúc đó là Tháng Mười Một, 1966. Họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm chủ tịch lâm thời của hội, Nguyễn Trung và Mai Chửng giữ vai phó, tôi làm tổng thư ký, các anh còn lại là ủy viên ban chấp hành. Kể từ đó, tất cả chúng tôi đều là thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, và những cuộc họp ban chấp hành thời kỳ chưa có trụ sở riêng đều diễn ra tại nhà Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng.”

“Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, trừ Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng và họa sĩ Ngy Cao Uyên, cả hai đều đã khá già dặn và có sự nghiệp, họa sĩ Hiếu Đệ là lớp đàn anh, chúng tôi còn lại đều rất trẻ, trên dưới 25 tuổi. Trừ Ngy Cao Uyên và Cù Nguyễn là hai họa sĩ tự học, còn lại đều là sản phẩm một nửa hoặc toàn phần của hai trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và Huế. Phần đông chúng tôi đều thích sống tự do dù có bấp bênh, sớm có xu hướng nghệ thuật hiện đại và đã gặt hái hầu hết các giải thưởng hội họa quốc gia quan trọng, nên tạo được sự chú ý của dư luận văn nghệ…”

Riêng tôi, với những người họa sĩ chưa-bao-giờ-gặp-mặt nhưng đã tiếp xúc với các sáng tác của các ông… cũng mạo muội xin chia sẻ một số ấn tượng riêng với một vài tên tuổi:

-Ngy Cao Uyên – người góp mặt trong tập nhạc/ thơ/ họa trứ danh (ngay khi xuất hiện, cũng là một phát kiến mới trong làng xuất bản sách vở) cùng với Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng: tập Tình Ca – nơi đúng nghĩa thi ca nhạc họa cùng thăng hoa, Ngy Cao Uyên đã mang những “người yêu xóm học,” những “người em mắt nâu/ tóc vàng sợi nhỏ” hiển bày trước mắt công chúng, làm dâng thêm nỗi khát khao “vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau”…

-Mai Chửng – nổi tiếng với bức “Tượng đài Bông Lúa” – biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp, là tác phẩm đồ sộ bằng đồng lá đã được dựng tại thị xã Long Xuyên (1970). Sau tượng đài Bông Lúa Con Gái (1970), không thể không nhắc tới một tác phẩm để đời khác của Mai Chửng, bức tượng Mầm (1973) cao 1.50 m, làm bằng cả ngàn vỏ đạn súng trường được hàn lại, biểu tượng cho sự sống vẫn vươn lên giữa tàn phá của chiến tranh và được Mai Chửng cho triển lãm năm 1974 tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental trên đường Tự Do Sài Gòn.

-Nguyễn Trung – cũng có khá nhiều tranh xuất hiện trên bìa tạp chí Văn… Lúc còn là sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định đã đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng: huy chương bạc Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân 1961, huy chương vàng Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân 1963. Tranh của Nguyễn Trung “với những đường nét, bố cục vững chãi, chặt chẽ, với một kỹ thuật chững chạc để nhào trộn màu sắc, đơn giản mà vẫn táo bạo, rất cổ điển mà đầy tinh thần sáng tạo và tìm kiếm mới mẻ, nghĩa là với một màu sắc đặc biệt, một bút pháp cá biệt, anh luôn luôn chế ngự được thế giới mình tạo ra” (Huỳnh Hữu Ủy nói về Nguyễn Trung trong tập Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, 2008).

Bìa tạp chí Văn số đặc biệt Giáng Sinh 1974. (Hình Nguyễn Trường Trung Huy)
Bìa tạp chí Văn số đặc biệt Giáng Sinh 1974. (Hình: Nguyễn Trường Trung Huy)

-Nghiêu Đề – tôi ấn tượng với những bức tranh của ông dùng làm bìa của tạp chí Tình Thương (của Sinh viên Y Khoa), của các tác phẩm nhà văn Ngô Thế Vinh (trong tác phẩm Vòng Đai Xanh, Triết nhân vật chính – nguyên gốc họa sĩ sau trở thành phóng viên chiến trường có bóng dáng Nghiêu Đề trộn lẫn với cái tôi của tác giả), và ngay cả phong vị không lẫn vào đâu tranh sơn dầu được vẽ vào những năm 1960-1970, như những bức: Đêm, Tỏ Tình, Vùng Thanh Thoát, và điển hình là bức Chân Dung đoạt huy chương bạc Hội Họa Mùa Xuân 1961. Ngoài ra, ông còn viết truyện ngắn – truyện của ông cũng thật nhiều đường nét, sắc màu… trong đó tôi thích nhất một truyện mang tên Vực Hồng. Ông cũng đã ra một tập sách mang tên Ngọn Tóc Trăm Năm (Sông Mã xuất bản 1965).

-Trịnh Cung – tác giả của bài thơ phổ nhạc nổi tiếng “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu,” tác giả của nhiều hình bìa sách. Cuộc triển lãm chính thức đầu tiên của Trịnh Cung khai mạc tại Sài Gòn năm 1962, cùng với hai họa sĩ Tôn Nữ Kim Phượng và Đinh Cường, tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn. Tuy chỉ là một cuộc triển lãm chung nhưng đã mở màn cho nhiều cuộc triển lãm riêng và chung tại quốc nội lẫn hải ngoại: Paris (1963), Tunis (1964), Hoa Kỳ (1969). Trịnh Cung là hội viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, từng giữ chức vụ tổng thư ký của hội này. Ông được huy chương đồng trong cuộc triển lãm Hội Họa Mùa Xuân năm 1963 và huy chương bạc trong năm 1964. Họa phẩm “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của Trịnh Cung là tác phẩm đầu tiên được Việt Nam Cộng Hòa chọn gởi tham dự triển lãm quốc tế, và được trao bằng danh dự. Và với tôi, tính đến thời điểm hiện tại, Trịnh Cung một trong số ít những nhân chứng thuộc dòng “họa sĩ” trước 1975 còn chịu khó viết/ kể/ nhận định… để những lớp hậu bối sau này còn có thêm tư liệu và một điểm nhìn về tình hình sinh hoạt của giới họa sĩ – tạo hình miền Nam trước 1975/ những trào lưu ảnh hưởng/ những định hình, định hướng… của các trường phái hội hoạ, tạo hình… tuôn chảy trong lòng xã hội những năm cũ ấy.

-Đinh Cường – Nhắc đến Đinh Cường, người yêu nghệ thuật nghĩ ngay đến dòng tranh thiếu phụ đài các, ẩn hiện bên thành quách rêu phong; trong cảnh có người và trong người có cảnh, rất mỹ miều và sang trọng… Ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1963, đến năm 1964 thì tốt nghiệp khoa hội họa trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Ngoài ra, ngay từ khi còn ở trong nước, Đinh Cường cũng đã sáng tác rất nhiều thơ và cũng xuất hiện khá nhiều trên Văn – tôi tạm gọi đó là dòng thơ-văn-xuôi-Đinh-Cường, nơi thủ pháp thơ đã thành một đinh danh cho ông: “thi sĩ của hoài niệm.”

-Hồ Thành Đức – tác phẩm của ông xuất hiện khá nhiều trên bìa các tập nhạc và cả bìa sách. “Những đường viền của tóc hay của môi trên chân dung người nữ trong tranh ông thường được chăm chút cẩn thận với một dụng ý khá rõ là nhằm tăng thêm nữ tính trong từng vết cắt của màu sắc. Ít khi Hồ Thành Đức để cho người nữ của mình im lặng hay bị buộc phải im lặng. Ông đưa hơi thở của nét, của màu, của ánh sáng vào nhân vật khiến người nữ trong tranh ông chừng như muốn bước ra, tung tăng với gió ngàn hay bước ra chỉ trong một khoảnh khắc để đối thoại với người đang đối diện với mình” (Mặc Lâm viết về tác phẩm Hồ Thành Đức).

Biết bao vật đổi sao dời, nhưng định (con đường) (chính) danh cho hội – như trong lời khai từ, xem như là Tuyên Ngôn – viết ở mục Nhận Định trong cuốn sách ra mắt Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (năm 1967), bây giờ, nhìn lại, và rõ ràng hơn là nhìn vào chính những sáng tác của các tác giả trong hội, không ai có thể chối từ những giá trị còn để lại cho đất nước này hiện tại, đó là tinh thần “luôn luôn đổi mới để theo kịp đà tiến của những khuynh hướng đi đầu và nuôi tham vọng hình thành một hội họa tổng hợp đặc biệt giữa kỹ thuật Tây phương và tinh thần Đông phương” và cả “Theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật tân kỳ nhất, ở gần chúng ta nhất: khuynh hướng đã có sẵn ngay trong lòng chúng ta, ngay trong lòng quần chúng Việt Nam” (Tuyên Ngôn lần thứ 2, năm 1973).

Trong Vựng Tập của buổi triển lãm 1969 của hội, Nguyễn Trung phát biểu một ý tưởng đơn giản, về cái nhìn của ông với nghệ thuật, nhưng giờ đây, nhìn lại, chúng ta cũng có thể xem như là một bộc bạch của những người làm-nghệ-thuật nói chung và những-họa-sĩ mang đến những cái đẹp cho đời nói riêng: “Dường như chỉ nghệ thuật mới có thể mang tình yêu và sự bình an trở về với tâm hồn ta. Dường như chỉ có nó mới có thể mang đến ta sự cứu rỗi ấy trong khi càng ngày chúng ta càng dấn thân vào cuộc sống văn minh thiếu nhân cách, địa ngục của giận dữ, thù hằn và bạo động đến nỗi chúng ta quên dần những lời xin lỗi và thứ tha, những cử chỉ yêu thương và thông cảm.”

Mong thay, sẽ có thêm những Hội Họa Sĩ, nhiều tâm hồn đẹp, thêm nhiều “ngón tay bắt được của trời” để cùng phất lên lá cờ sáng tạo, không chỉ riêng gì cho lãnh vực mỹ thuật-tạo hình của quê hương. Mặc dù biết rằng (như trong bài viết của Tô Thùy Yên, Tô Thùy Yên viết trong brochure của Việt Art Gallery tại Houston): “Mọi thành tựu của người nghệ sĩ, cụ thể là một bức tranh hay một bài thơ, cùng lắm cũng chỉ là một thành tựu tạm bợ nhất thời để rồi vứt bỏ, quên đi, không luyến lưu, cũng như mọi trạm đến của người tu sĩ cũng chỉ là một chặng đường đang vượt qua, vượt qua nữa, không ngừng…” (Tô Thùy Yên viết trong brochure của Việt Art Gallery tại Houston tổ chức cuộc triển lãm tao phùng của bảy trong số những thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam – năm 2013 tại Hoa Kỳ, gồm Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Đinh Cường).

Nguyễn Trường Trung Huy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn