BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76235)
(Xem: 62972)
(Xem: 40378)
(Xem: 31973)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một vài phụ chú về trận Hạ Lào

11 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 3142)
Một vài phụ chú về trận Hạ Lào
56Vote
41Vote
31Vote
21Vote
10Vote
4.39
Trong nghề phóng viên, ký giả, ngoài những kiến thức cần thiết của nghề nghiệp, bài viết của phóng viên hay hay không, chính xác hay không, phải cần một số tin tức thu lượm bên trong để làm khung, đây là đường dây mà báo chí Anh Mỹ gọi là confidential source, thì bài viết mới được nổi bật so với những bài viết khác. Điều này rất hiển nhiên khi chúng ta so sánh bài viết chỉ dựa trên tin tức đã được phơi bày ngoài công cộng, tin tức độc giả có thể tìm thấy, và bài viết dựa vào những tin tức còn trong vòng "chưa tiết lộ được," "còn bí mật," hay tin tức chỉ có những "thẩm quyền" mới biết, thì chúng ta sẽ thấy ngay sự khác biệt của hai bài viết.

Những bài viết dựa vào nguồn tin bên trong không những có được chiều sâu mà còn trong một vài trường hợp là một sử liệu về sau. Một thí dụ: Đọc những bài viết về trận chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972 của những phóng viên chiến trường như Phan Nhật Nam, Sao Bắc Đẩu, và Huỳnh văn Phú, ngoài lối hành văn có "nhịp hành quân," có "mùi thuốc súng," chúng ta còn thấy sự quen thuộc (có nghĩa là họ có sources hay contacts bên trong) của tác giả đối với chủ đề và chủ thể được diễn tả trong bài. Điều đó đúng khi chúng ta đọc bài viết của Phan Nhật Nam hay Đoàn Phương Hải về những giây phút hấp hối của căn cứ Charlie và Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù vào năm 1972 ở Kontum. Chi tiết trong bài viết của họ chính xác đủ để dùng như một sử liệu. Tác giả đạt được sự chính xác đó vì tác giả là người trong cuộc, hay là người có liên hệ thân mật với người trong cuộc.

Đến đây, người viết muốn nói đến những tin bên trong, tức là loại confidential sources, mà tác giả Phạm Huấn đã có được khi viết tác phẩm Trận Hạ Lào 1971. Như chúng ta biết, quyển sách Trận Hạ Lào 1971 xuất bản năm 1990. Trước khi tác phẩm đó ra đời, một số tác phẩm khác có cùng chủ đề được xuất bản như Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 của Đại Úy Trương Duy Hy, Lam Sơn 1971 của Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh. Ngoài ra, trong phần liệt kê thư mục tham khảo, ngoài một số bài viết ngắn đăng trên các tạp chí, tác giả có đọc 2 tác phẩm được coi là mới (so với thời điểm khi Trận Hạ Lào 1971 được xuất bản): một bài viết của tướng Sidney Barry và một tác phẩm của Keith W. Nolan. Nolan là một tác giả quân sử được ái mộ đối với độc giả ở Mỹ. Tướng Berry, trong thời điểm Lam Sơn 719, là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 101 Nhảy Dù.



Tác phẩm của Trương Duy Hy nhìn từ quan sát của một sĩ quan cấp nhỏ, có tham dự cuộc hành quân. Tác phẩm của Nguyễn Duy Hinh nhìn từ sự hiểu biết của một sĩ quan cao cấp, cộng với những tài liệu chính thức của ban tham mưu Hoa Kỳ soạn thảo ra kế hoạch hành quân. Nhưng khi đọc những gì tác giả Phạm Huấn viết, rồi so lại với những tác phẩm được nói đến, chúng ta thấy Phạm Huấn có được một số tin tức thu thập từ bên trong khá lý thú và chính xác, hay ít ra tương tự với những gì được giải mật về sau. Trong phạm vi của bài này, người viết muốn đóng góp thêm một vài phụ chú về Trận Hạ Lào 1971 của tác giả Phạm Huấn.

Sau phần giới thiệu tổng quát, ở các trang 38-42, Phạm Huấn viết về thái độ và ý nghĩ thầm kín bên trong của tướng Cao Văn Viên về kế hoạch hành quân, và sự khôi hài của cái gọi là "tối mật" hay "bảo mật" của cuộc hành quân sau khi kế hoạch được soạn thảo và bắt đầu chuẩn bị.

Tác giả ghi nhận hoàn toàn đúng khi tướng Viên ái ngại về thời gian các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phải nằm trong mục tiêu. Và đúng hơn khi ông không lo ngại giai đoạn tấn công mà lo ngại giai đoạn rút quân. Phạm Huấn viết tướng Viên là "tác giả hay đồng tác giả" cuộc hành quân đánh qua Lào. Nhận xét này có thể đúng và không: Đúng ở chỗ tướng Viên từng soạn thảo và ủng hộ đánh qua Lào. Không đúng là chỗ cuộc hành quân được soạn thảo năm 1971 không hoàn toàn đúng theo ý định và khái niệm của tướng Viên: Thời gian hành quân quá dài, kế hoạch hành quân được soạn thảo quá gấp. Từ lúc phát họa đến lúc thi hành chỉ hơn 2 tháng. Hơn nữa, như tác giả viết, với sự rầm rộ để chuẩn bị hành quân, vấn đề "bảo mật" là một chuyện khôi hài ở một nơi mà mọi di chuyển quân sự đều có một ý nghĩa duy nhất là hành quân.

Ở những trang kế tiếp tác giả viết về một sự kiện mà chúng ta chưa đọc thấy từ những tài liệu khác. Chuyện Đại Úy Lê Châu trong ban tham mưu của Lữ đoàn 3 nhãy dù đã thấy được bản đồ cuộc hành quân trong tay địch sau khi Đồi 31 [1] bị thất thủ. Một trong những câu hỏi chưa trả lời được về trận Hạ Lào là có thật kế hoạch hành quân của của chúng ta đã lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt? Trong sách, ở phía sau, tác giả có ghi lại cuộc nói chuyện với tướng Hoàng Xuân Lãm. Trong đó chúng ta được biết một chiếc trực thăng chở một đại tá trưởng phòng hành quân của quân đoàn bị bắn rơi. Trong người vị sĩ quan đó có mang theo bản đồ hành quân. Ngày trực thăng bị bắn rơi là ngày 9 tháng 2 năm 1971, tứ là chỉ 1 ngày sau khi cuộc hành quân chính thức mở màn. Có phải tấm bản đồ Đại Úy Lê Châu thấy trong bộ tư lệnh Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), thấy sau ngày 25 tháng 2 tức là sau khi Đồi 31 thất thủ, là bản đồ đến từ chiếc trực thăng này? Và nếu như người sĩ quan Bắc Việt đã nói là họ đã "mua" được, thì chúng ta có tin được không?

Qua nhiều hồi ký của các tướng lãnh Cộng Sản Bắc Việt viết sau cuộc chiến, chúng ta không tìm được một tài liệu nào khoe khoang, nói rằng họ đã mua được tài liệu, bản đồ bí mật của cuộc hành quân Lam Sơn 719. Nhưng có một điều chúng ta phối kiểm lại được chắc chắn, là ngay sau khi chúng ta tấn công qua Cam Bốt, các bộ tư lệnh của các binh trạm chung quanh vùng Tchepone, Cô Rốc và bên kia vĩ tuyến đều đã nhận lệnh sẵn sàng phòng thủ.

Trong hồi ký của một thượng tướng Cộng Sản Bắc Việt tên là Nguyễn Hữu An, tác giả nói từ tháng 10 năm 1970 ông ta đã được lệnh đi dọ thám, điều nghiên vùng Lao Bảo, Bản Đông, Tà Bạt, để chuẩn bị dàn quân trong trường hợp quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đánh qua vùng đó, một khả thể mà họ nghĩ sẽ xảy ra, dựa vào những gì đã xảy ra bên Cam Bốt vài tháng trước đó. Đó cũng là lý do Ban Quân Ủy Trung Ương của Cộng Sản Bắc Việt lập ra Bộ Tư Lệnh 70B (còn gọi là Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Nam Lào) với cấp số quân đoàn.



Theo những gì tướng Hoàng Xuân Lãm nói trong cuộc phỏng vấn với Phạm Huấn, thì vị trí của chiếc trực thăng bị bắn rơi cách căn cứ Ranger South (tên hành quân của một ngọn đồi nơi Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân phòng thủ) chừng 2 cây số, và cách Ranger Norh (vị trí của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân) chừng 6 cây số hướng nam đông nam. Lý do chúng ta muốn xác định vị trí rõ ràng, vì nếu tấm bản đồ hành quân không bị thiêu hủy theo chiếc phi cơ, thì có thể quân Cộng Sản Bắc Việt đang có mặt tại nơi đó đã tìm thấy. Chúng ta có thể suy luận như vậy, vì theo tin tức tình báo, theo những gì xảy ra chung quanh Ranger South và North hơn một tuần sau đó, và theo trong hồi ký của tướng Cộng Sản Bắc Việt thì họ đang có tương đương một sư đoàn bộ binh đóng cách căn cứ Ranger North chừng 2 cây số, và căn cứ Ranger South 8 cây số. Chắc chắn bộ đội trinh sát Cộng Sản Bắc Việt đã tìm đến nơi chiếc trực thăng rớt để thu thập tin tức. Có thể Cộng Sản Bắc Việt đã lấy được tấm bản đồ từ chiếc trực thăng, hơn là mua được như họ đã nói.

Ở chương 5, "Một Đơn Vị Biệt Động Quân," Phạm Huấn viết về trận đánh của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân (BĐQ) ở căn cứ Ranger North. Tác giả cho một chi tiết về tình trạng tuyệt vọng của căn cứ Ranger North, và theo lời của Thiếu Tá Khang (tiểu đoàn trưởng), một trong những chuyến bay tiếp tế cuối do một trung tá tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn trực thăng thực hiện. Chính người trung tá đó, sau này là một trong những nhân chứng, kể lại những gì anh ta chứng kiến, kể lại những gì đã xảy ra để phủ nhận những tin tức sai lạc cho rằng lính VNCH không có tinh thần chiến đấu.

Theo người trung tá, những chiến sĩ Biệt động quân ở Ranger North không còn gì để chiến đấu. Với hỏa lực khủng khiếp của phòng không, họ không còn đạn, họ không được tiếp tế. "Quân địch đông hơn Biệt Động Quân 6 đến 8 lần. Ba ngày trời chúng ta không tiếp tế cho họ được. Khi họ hết đạn, họ mò ra ngoài vòng đai tìm vũ khí của địch để tiếp tục chiến đấu. Khi di tản khỏi căn cứ, họ đánh cắt ngang trung đoàn Bắc Việt (đang bao vây họ), dùng vũ khí của đối phương để giết đối phương. Có 17 quân nhân mất tinh thần đu vào càng đáp trực thăng để di tản, nhưng tất cả quân nhân còn lại đã không làm như vậy."

Những gì tác giả Phạm Huấn viết trong đoạn đó đã được nhân chứng ghi nhận lại trên những trang quân sử về sau. Chuyện hai căn cứ Ranger North và Ranger South bị thất thủ là chuyện đương nhiên: làm sao một tiểu đoàn với 430 người có thể cầm cự lâu với 3 trung đoàn đối phương đang bao vây chung quanh họ? Và sau khi căn cứ Ranger North thất thủ, số mệnh của căn cứ Ranger South chỉ còn là thời gian.

Ở chương 6, "Đồi Tử Thần," ngoài những chi tiết về quân sự, Phạm Huấn viết hầu hết các chi tiết về những lủng củng ở bên trong cuộc hành quân: chuyện các tướng lãnh kình cự với nhau, chuyện Hoa Kỳ đã không hoàn tất được những gì họ hứa, và sự thất bại hoàn toàn của các cấp khi thi hành các quân lệnh giữa bộ tư lệnh và mặt trận tiền phương.

Trong chương này, tác giả cho một vài chi tiết xuất hiện lần đầu tiên trên sách vở. Thí dụ như cuộc đối thoại giữa ông và tướng Dư Quốc Đống về chuyện quân Nhảy Dù ở Đồi 31 (và sau này Đồi 30) không được tiếp tế yểm trợ đúng mức từ phía Hoa Kỳ. Theo sau đó là chuyện ông đề nghị đem vấn đề nói với nghị sĩ Trần văn Hương để đem chuyện đó ra ngoài công cộng. Cho đến ngày hôm nay, dựa vào những tài liệu giải mật của Bộ Tư Lệnh MACV (Military Assistance Command Vietnam, tức "Bộ Tư Lệnh Quân-Việt Hoa Kỳ tại Việt Nam), chúng ta biết khá đầy đủ về những sai lầm của các bộ tư lệnh quân sự Mỹ trong thời gian phác họa kế hoạch hành quân và trong thời gian yểm trợ cuộc hành quân.

Một trong những tài liệu được giải mật trong thời gian gần đây cho chúng ta một cái nhìn tương đối đầy đủ về cuộc hành quân đánh qua Hạ Lào năm 1971, Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes, 1968-1972, do tác giả Lewis Sorley soạn năm 2004. Như cái tựa đã nói lên chút ít về nội dung quyển sách: tác phẩm ghi lại tất cả những buổi họp hàng tuần của Đại Tướng Abrams tại Bộ Tư Lệnh MACV trong suốt 4 năm ông làm tư lệnh.

Trong tập tài liệu đó, hầu hết các tư lệnh Mỹ đều thú nhận sự lơ đễnh, sai lầm và thiếu chỉ huy đã đưa đến nhiều hư hại cho cuộc hành quân. Trong đó chúng ta sẽ đọc thấy chính miệng của Đại tướng Abrams, Đại Tướng Weyand (tư lệnh phó MACV), đã thú nhận những lỗi lầm vấp phải. Ở hai trang 108, 109, Phạm Huấn viết về sự thất bại của tình báo Hoa Kỳ khi họ ước lượng về cấp số và hỏa lực của địch chung quanh và trong địa bàn hành quân. Khi đọc The Abrams Tapes, đến những đoạn tình báo MACV thay đổi lần lần "khả năng" viện quân của đối phương, chúng ta thấy càng ngày sự nguy hiểm càng gia tăng cho các cánh quân đóng án ngữ trên mặt bắc của đường số 9, trục lộ tấn công chánh của quân đội VNCH.

Ban đầu tình báo phỏng định Cộng Sản Bắc Việt có một quân số tương đương 3 sư đoàn, kể luôn quân của các binh trạm đóng dọc theo mục tiêu hành quân. Nhưng đến ngày 19 tháng 2 thì MACV báo động, cho biết địch đang tăng viện tất cả các đơn vị từ miền Bắc, và trong vùng giao chiến, bây giờ địch đã có 9 trung đoàn, thay vì 6 trung đoàn như ước lượng.

Chẳng những tình báo ước lượng trật về cấp số quân của Cộng Sản Bắc Việt, họ còn trật luôn về hỏa lực phòng không của đối phương: ước lượng là 250-270 súng phòng không. Thực tế là 525-575 súng phòng không đủ loại. Trong lý thuyết quân sự, lực lượng tấn công lúc nào cũng cần 3 để tấn công 1. Ở đây, trong cao điểm viện quân của quân đội VNCH (tổng cộng là 19 ngàn quân sau khi viện thêm 1 trung đoàn Bộ Binh và 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến), quân tấn công của VNCH chỉ bằng phân nửa quân phòng thủ. Nên nhớ lại, vào năm 1966, khi Đại Tướng Westmoreland điều nghiên một kế hoạch tấn công qua Lào (tương tự như kế hoạch Lam Sơn 719), ông ta dự trù Hoa Kỳ cần tối thiểu 4 sư đoàn quân tác chiến và không lực yểm trợ của 3 quân chủng. Và chúng ta biết, một sư đoàn tác chiến của Hoa Kỳ đông hơn một sư đoàn VNCH nhiều.

Tác giả Phạm Huấn, trang 110 viết, "Gánh nặng Hạ Lào quả thật quá sức lực, khả năng, của các tướng lãnh Việt Nam và các đơn vị tham chiến," là quá chính xác. Ở đây, Phạm Huấn quên nói là, cùng lúc đó quân đội VNCH cũng đang có trên 20 ngàn quân đánh qua Cam Bốt.



Ở trang 118, Phạm Huấn viết, "Trưa ngày 25 tháng 2, khi tình hình Đồi 31 đang vô cùng nguy ngập, Đại Tướng Weyand và một số sĩ quan của MACV và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 24 [2] đến Khe Sanh để duyệt xét tình hình mặt trận. Không phải tự nhiên họ đến. Họ đến vì MACV đã hoàn toàn mất tin tưởng vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 24 và những cố vấn Hoa Kỳ đang làm việc tại bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh.

Ngày 24 tháng 2, ở Bộ Tư Lệnh MACV qua những đối thoại giữa tướng Abrams, tướng Weyand, và các sĩ quan tham mưu, chúng ta thấy cuộc hành quân đã có nhiều khuyết điểm. Tệ hại hơn, những khuyết điểm đó xảy vào những trận đánh then chốt, những trận đánh có thể thay đổi cục-diện cuộc chiến. Trong The Abrams Tapes, trong những buổi họp từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 2 (trang 538-549), chúng ta đọc những lời văng tục và hằn học của Abrams và Weyand về Trung Tướng Williams McCaffrey (tư lệnh phó cho Weyand) và James Sutherland, Tư Lệnh Quân Đoàn 24. Những khiếm khuyết được nói đến là những khó khăn lẽ ra phải được tiên liệu trước trong mọi cuộc hành quân, hay ít ra phải dự trù một kế hoạch phụ để giải quyết trong trường hợp cần.

Hai tuần sau ngày hành quân, Lữ Đoàn 101 Không Vận cho biết họ gặp trở ngại về nhiên liệu (xăng) cho chính họ và cho các đơn vị thiết kỵ bên kia biên giới. Họ cho biết kho dự trữ lữ đoàn chưa nhận được đủ 200,000 gallons xăng (khoảng 760,000 lít) như được hứa. Họ nói vấn đề cung ứng cho các đơn vị bên kia biên giới bị giới hạn phần thì không đủ trực thăng, phần vì sự giới hạn của thời gian, thời tiết.

Trong lúc đầu, kế hoạch chỉ tiên liệu cung ứng cho 12 tiểu đoàn tác chiến và 10 đại đội pháo binh (nước, thực phẩm, đạn, tải thương và di chuyển quân cụ, quân nhân). Khi chiến trường được tăng viện thêm quân, họ phải cung ứng cho 16 tiểu đoàn tác chiến và 12 đại đội pháo binh. Trong khi đó hỏa lực phòng không địch gia tăng, máy bay hư nhiều và phụ tùng lại thiếu. Thêm vào đó, thời tiết của vùng Hạ Lào rất giới hạn: sương mù chỉ tan từ 10 giờ sáng đến 2-4 giờ chiều. Sau đó, sương mù phủ kín lại, mọi liên lạc bằng trực thăng trở nên vô hiệu. Như vậy, một ngày tất cả trực thăng chỉ được trưng dụng từ 6 đến 7 tiếng trong thời gian đó. Nghĩa là 16 tiểu đoàn tác chiến và 12 đại đội pháo binh chỉ có thời gian nhất định trong một ngày để nhận tiếp tế. Và đó là thực tế của chiến trường Hạ Lào.

Nhiên liệu, trong nguyên thủy, được dự tính chuyên chở bằng xe tanker loại 5,000 gallon bằng đường bộ qua biên giới. Nhưng khi lâm trận thì mới biết có những đoạn đường trên đường số 9 di chuyển không được. Bây giờ trực thăng là phương tiện di chuyển duy nhất. Lại thêm một gánh nặng cho các đơn vị không vận. Rồi chúng ta đọc được về chuyện Quân Đoàn 24 phải tìm cách "mượn" thêm trực thăng từ các quân đoàn khác. Nhưng lúc đó, chúng ta biết, hơn 20 ngàn quân của Việt Nam Cộng Hòa thuộc hai Quân Đoàn 3 và 4 cũng đang hành quân ở bên kia biên giới Cam Bốt.

Ở trang 546 trong The Abrams Tapes, chúng đọc thấy tướng Weyand chửi thề với tướng Sutherland, nói rằng nhiệm vụ của một vị tư lệnh quân đoàn là phải biết mình có bao nhiêu chiếc trực thăng từng giờ trong một ngày, và nên có báo cáo 2, 3 giờ một lần. Nếu các sử gia sau này muốn đổ lỗi cho Quân Lực VNCH về tinh thần chiến đấu ở Hạ Lào, thì trước nhất nên đọc những gì chính các sĩ quan cao cấp của Bộ Tư Lệnh MACV thú nhận.

Trong buổi gặp nhau ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Khe Sanh ngày 25 tháng 2, Phạm Huấn ghi lại, tướng Đống đã "phàn nàn" với tướng Weyand và Sutherland về những "gián đoạn" khi Quân Đoàn 24 và Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1 yểm trợ các đơn vị Nhảy Dù đang lâm nguy. Đồng thời ông cũng có vài ý kiến về sự hợp tác của tướng Hoàng Xuân Lãm với các đơn vị Nhảy Dù. Sau đó Phạm Huấn không viết gì thêm, nhưng những tài liệu sau này cho thấy MACV nhận lời phàn nàn của tướng Đống rất cẩn thận. Lý do họ nhận và nghe những phàn nàn của tướng Đống một cách chân tình vì những gì ông ta nói họ đã biết; họ đã chứng nhận có xảy ra.

Ở trang 149, Phạm Huấn viết (trong sự hoài nghi bằng dấu hỏi), MACV thay ngay viên cố vấn Hoa Kỳ của Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH. Tài liệu giải mật trong The Abrams Tapes cho chúng ta thấy MACV đã nghĩ sao về vị đại tá cố vấn và ngay cả vị trung tướng tư lệnh Quân Đoàn 24: Đại tướng Abrams đích thân gọi Trung tướng Sutherland, và cuộc đối thoại đại khái như: "Tôi sẽ gởi một đại tá thay vị đại tá cố vấn Sư Đoàn Dù đương nhiệm. Và vị đại tá đó chỉ trả lời trực tiếp cho tôi. Trung tướng có 'vấn đề' gì không?" Dĩ nhiên, một trung tướng thì làm gì có vấn đề với một đại tướng!

Trong những trang sách đã trích trên, chúng ta cũng đọc được MACV nhận báo cáo đầy đủ về chuyện rời chiến trường khi chưa có lệnh của Trung Tá Thạch (chỉ huy trưởng của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù), và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật (chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ). Ở chương 7, từ trang 146 đến 171 trong Trận Hạ Lào 1971, Phạm Huấn viết về Căn Cứ Hỏa Lực 30, căn cứ duy nhất còn lại trên phía bắc đường số 9. Sau khi căn cứ Ranger North, Ranger South, và Căn Cứ 31 mất, Cộng Sản Bắc Việt dồn tất cả nỗ lực của họ để triệt tiêu cái gai sau cùng trên tuyến bắc. Theo lời kể của nhiều nhân chứng, tác giả ghi lại những đau thương trên Đồi 30, những tuyệt vọng trong những ngày sau cùng của căn cứ. Nhưng tuyệt vọng nhất là khi tiểu đoàn không liên lạc được và phải đánh lên trời một điện tín, yêu cầu các phi công nếu nhận được tin thì chuyển về thẩm quyền ở bộ tư lệnh tiền phương giùm họ. Bản tin nói, "Số thương vong 200 người, 2 ngày không được tiếp tế nước và lương thực... Sẽ di tản khỏi căn cứ trong đêm."

Sau khi tiếp xúc với tướng Đống, và sau khi trình bày những sự kiện đó với nghị sĩ Hương, tác giả Phạm Huấn nói ông được Nghị Sĩ Trần Văn Hương ủy nhiệm tổ chức một cuộc họp báo lên tiếng về sự thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc hành quân (Trận Hạ Lào 1971, trang 133-136). Cuộc họp báo, theo tác giả, đã gây ra nhiều tác động đối với thẩm quyền dân sự và quân sự Mỹ. Tác giả viết, ngay sau ngày họp báo, "một tướng 3 sao của Không lực Hoa Kỳ đã bay ra Khe Sanh điều tra về các sự việc xảy ra ngày 25 tháng 2 năm 1971." Nhưng tác động của cuộc họp báo không ngừng ở đó.

Theo một số hồi ký và tài liệu giải mật trong thập niên 90, chúng ta thấy tác động của cuộc họp báo ảnh hưởng sang đến tòa Bạch Ốc. Đại Tướng Alexander Haig, trong quyển hồi ký Inner Circles: How America Changed The World (tạm dịch Vòng Trong: Hoa Kỳ và Những Ảnh Hưởng Làm Thay Đổi Thế Giớixuất bản năm 1992, tức hai năm sau khi cuốn Trận Hạ Lào 1971 của Phạm Huấn xuất bản) nói về cơn thịnh nộ của Tổng Thống khi được báo cáo những hư hỏng từ phía Hoa Kỳ trong cuộc hành quân.

Tướng Haig, lúc đó chỉ là một chuẩn tướng, phụ tá an ninh quốc gia cho Henry Kissinger, nhưng rất được lòng của Nixon, kể lại Nixon đã gọi ông vào phòng, không giải thích gì, ra lệnh cho ông, "Về nhà chuẩn bị hành lý rồi lên chuyến bay sớm nhất qua Saigon," để thay Abrams làm tư lệnh MACV. Nhưng Haig dùng lời lẽ hợp lý để làm dịu cơn thịnh nộ của Nixon. Nhưng ngày hôm sau, Nixon cũng ra lệnh cho Haig đích thân qua Việt Nam duyệt xét tình hình để tường trình lại cho ông. Bản tường trình của Haig chỉ lập lại những gì tướng Đống nói ở Khe Sanh, những gì nghị sĩ Hương trình bày trong cuộc họp báo, và những gì MACV đã thú nhận.

Nhưng trước đó, trong 2 ngày cuối cùng của Đồi 31, Henry Kissinger, với những hệ thống tình báo riêng, đã biết được khá nhiều chuyện xảy ra ở mặt trận Hạ Lào. Trong một hồ sơ giải mật ngày 10 tháng 6, 1999, chúng ta biết được Kissinger đã "méc" với Nixon về những chểnh mãng, khiếm khuyết ở phía Hoa Kỳ trong cuộc hành quân. Trong cuộc nói chuyện với Nixon ngày 23 tháng 3 (nghĩa là ngày 24 ở Việt Nam, ngày cuối cùng của Lữ Đoàn 3 Dù ở Đồi 31), Kissinger nói: "Tôi nghĩ cuộc hành quân này là một thành quả quan trọng, dù với nhiều hư hỏng [trong vấn đề chỉ huy và điều khiển cuộc hành quân[... Tôi muốn nói thẳng với tổng thống là chính người của chúng ta đã làm chúng ta thất vọng, chứ không phải phía Việt Nam Cộng Hòa. Họ (thẩm quyền quân sự Mỹ ở Việt Nam) đã làm chúng ta thất vọng trong 3 tuần lễ đầu tiên (của cuộc hành quân), rồi họ còn báo cáo với tổng thống là tôi xen vào kế hoạch của họ quá nhiều."



Tiếp theo đó, Kissinger nói về vai trò của tướng Abrams trong cuộc hành quân: "Trời ơi, Abrams đi thăm gia dình bên Thái Lan hàng tuần, trong khi chúng ta đặt tất cả vào chuyện này (cuộc hành quân đánh qua Hạ Lào)... Rồi bây giờ Abrams bắt đầu uống rượu từ giữa trưa. Tôi nghĩ rất kỹ, chúng ta phải quyết định coi có nên thay ông ta hay không."

Cuộc họp báo của Nghị Sĩ Trần Văn Hương, qua sự thúc giục của Phạm Huấn, chắc chắn gây nhiều tác động cho các giới thẩm quyền Hoa Kỳ. Một trong những đoạn quan trọng tác giả Phạm Huấn viết trong Trận Hạ Lào 1971 là đoạn phỏng vấn Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Cuộc phỏng vấn đưa ra nhiều khía cạnh của cuộc hành quân và vai trò của tướng Lãm trong những khía cạnh đó. Ở đây chúng ta xét lại một vài câu hỏi và trả lời của Phạm Huấn và tướng Lãm.

Câu hỏi đầu tiên tác giả cho rằng cuộc hành quân đánh qua Lào là một kế hoạch hoàn toàn được thúc đẩy và phát họa từ Kissinger và các thẩm quyền dân sự từ Hoa Thịnh Đốn. Tướng Lãm trả lời là không, ông không nghĩ như vậỵ Ông nghĩ đó là một kế hoạch quân sự đến từ hai bộ tư lệnh Việt-Mỹ ở Việt Nam trong chiều hướng của các kế hoạch hành quân trong năm 1971.

Theo những gì chúng ta biết được sau này, sự giả định trong câu hỏi của Phạm Huấn hoàn toàn đúng: Cuộc hành quân đánh qua Lào hoàn toàn do giới dân sự trong tòa Bạch Ốc thúc đẩỵ Một trong những người thúc đẩy đó, là vị cố vấn an ninh quốc gia, Henry Kissinger. Chúng ta có thể xác định điều này căn cứ vào nhiều hồi ký và tài liệu được bạch hóa.

Dựa theo quyển hồi ký của H.R. Haldeman, tham mưu trưởng tòa Bạch Ốc cho Nixon, sau khi thấy cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt vào tháng 5, 1970 quá dễ dàng, Kissinger đề nghị tiếp tục đánh qua Lào để phá hủy những căn cứ hậu cần bên đó. Nhưng cuộc hành quân đánh qua Lào vào năm 1971 có một ý nghĩa chính trị khác: Hoa Kỳ muốn làm gián đoạn tiềm năng quân sự của Cộng Sản Bắc Việt vào năm 1972, năm bầu cử tổng thống Mỹ. Kissinger khuyên Nixon đừng nên rút quân quá nhiều, quá nhanh trong năm 1971, đợi đến năm 1972 rồi sẽ rút hết, giữ lại một số quân để bảo đảm tình hình quân sự ở Việt Nam và đồng thời có được một an toàn cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972 (trong ý nghĩa tình hình chiến sự ở Việt Nam được yên lặng thì giới phản chiến Mỹ không có lý do để biểu tình và đảng Dân Chủ không có cớ nói đảng Cộng hòa vẫn chưa giải quyết được tình hình quân sự ở Việt Nam). Đây là một chiến thuật chính trị khá độc đáo của Kissinger, và Nixon nghe theo.

Ngoài hồi ký của Haldeman, một tác phẩm được các sử gia hiện đại đánh giá quan trọng, chúng ta còn nhiều tài liệu và sách vở khác, để chứng minh kế hoạch đánh qua Lào có tính cách chính trị nhiều hơn quân sự, và được khởi nguồn từ phía dân sự hơn quân sự. Đại Tá Hoàng Ngọc Lung (Trưởng Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu, sau này), trong tác phẩm Strategy and Tactics, (Chiến Lược và Hoạch Định) trang 73, cũng xác định kế hoạch đánh qua Lào hoàn toàn đến từ phía Hoa Kỳ. Ở trang 302, Trận Hạ Lào 1971, và kế tiếp, Phạm Huấn hỏi tướng Lãm về cơ cấu của hệ thống chỉ huy và yểm trợ, hỏi về lối làm việc của các tướng lãnh cùng cấp bực với tướng Lãm nhưng bị đặt dưới quyền của tướng Lãm.

Khi được hỏi về những quyết định riêng rẽ của các tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), và các quyết định đó có ảnh hưởng gì đến toàn diện cuộc hành quân, tướng Lãm trả lời rất tránh né. Ông nói những quyết định đó hoàn toàn thuộc về thẩm quyền của các tư lệnh sư đoàn (trang 307-308). Có rất nhiều nhận định về vai trò tướng Lãm trong cuộc hành quân. Ở trang 62, Trận Hạ Lào 1971, Phạm Huấn có chú thích lời phê bình của tướng Cao Văn Viên về tướng Lãm: "Ông ta không bao giờ muốn báo cáo, muốn nói đến những thiệt hại, những chuyện xấu xảy ra, hoặc có nói cũng phải để thật lâu!" Cá tính này đúng theo lời một cố vấn Mỹ ở Quân Đoàn 24 thuật lại.

Trung Tá Darron kể: "Tôi nhớ gặp ông ta một buổi sáng vào những ngày cuối của cuộc hành quân, khi tất cả những gì xảy ra bên Lào đều là những tin buồn... Ông ta nằm dựa lưng vào một lô cốt, nằm trong một tư thế rất đau khổ... Mắt nhắm lại, ngửa mặt lên trời. Rõ ràng ông ta đang ôm một gánh nặng, thật nặng. Thật tình mà nói, (cuộc hành quân này) quá khả năng của ông ta." Chuẩn Tướng Sidney Berry (tư lệnh phó Sư Đoàn 101 Nhảy Dù) cũng có nhận xét: "Dự thảo và điều khiển cuộc hành quân ở cấp tư lệnh quân đoàn (Quân Đoàn 1 VNCH) có phẩm chất thấp một cách không chấp nhận được."



Về liên hệ của Thủy Quân Lục Chiến và tướng Hoàng Xuân Lãm, trở lại trang 61 của Trận Hạ Lào 1971, tác giả viết những sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân gọi tướng Lãm là người có "đôi bàn tay thép." Sau trận Hạ Lào, sau khi hai lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang đứng bên kia biên giới trong vai phòng hờ, bất ngờ bị thảy vào chiến trường mà không có một kế hoạch rõ ràng nào cho họ. Thủy Quân Lục Chiến gọi tướng Lãm là "bàn tay máu."

Ở Bộ Tư Lệnh MACV, tướng Weyand cũng tường trình là Trung Tướng Lê Nguyên Khang (tư lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến) đã đập bàn ở Khe Sanh khi nói chuyện với tướng Lãm về kế hoạch thảy 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến vào các cao điểm chung quanh vùng Cơ Rốc.Qua bài phỏng vấn của tác giả và tướng Lãm, chúng ta thấy được một sự kiện mà tác giả đã có ý chứng minh ở nhiều trang trong tác phẩm: Dù được chỉ định làm tư lệnh tiền phương của cuộc hành quân nhưng tướng Hoàng Xuân Lãm đã không sử dụng quyền hành đó tối đa. Ông cố gắng tránh va chạm với 2 vị tư lệnh sư đoàn đồng cấp. Và khi có những bất tuân quân lệnh xảy ra, ông cũng không đem chuyện đó báo cáo lại cho 2 thẩm quyền cao hơn là Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên. Với thái độ và lề lối chỉ huy đó, có thể, tướng Lãm đã tạo thêm một vài khiếm khuyết nữa cho một cuộc hành quân đã có quá nhiều khiếm khuyết.

Để kết thúc bài viết này về tác phẩm Trận Hạ Lào 1971 của Phạm Huấn, người viết muốn nói, với một số tài liệu căn bản, nhưng nhờ vào những "đường dây bên trong," Phạm Huấn đã viết lại cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam một cách tương đối chính xác. Với những sử liệu được bổ túc và giải mật sau này, độc giả sẽ thấy tác phẩm của Phạm Huấn, tuy không có nhiều sử liệu bổ túc, nhưng rất chính xác so với những gì được viết về sự kiện đó hơn 15 năm về trước.

Nguyễn Kỳ Phong


[1] Đồi 31, tức Căn Cứ Hỏa Lực 31 (CCHL31) là nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 3 và Pháo Đội B/3 Nhảy Dù. Ngoài ra, tại đây cũng có Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3. Ngày 25 tháng 2/1971, lúc 11 giờ sáng, sau một trận pháo kích tàn khốc, bộ đội và xe tăng Bắc Việt tấn công từ bốn hướng. Lính Nhảy Dù chống trả mãnh liệt. Khoảng 5 giờ chiều, Đồi 31 bị tràn ngập. Một trong những sĩ quan bị bắt là Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, ông là vị sĩ quan chỉ huy trưởng của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù.
[2] Trong chiến dịch hành quân tháng 2 năm 1971, Quân Đoàn 24 của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về việc tiếp tế và yểm trợ cho các lực lượng VNCH đánh sang Hạ Lào. Quân Đoàn 24 hoạt động tại Vùng 1 Chiến Thuật. Bộ Tư Lệnh của Quân Đoàn 24 đặt tại Phú Bài.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn