BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31017)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tại Sao Người Ta Cứ Nói “Samsung 100% nước ngoài”?

02 Tháng Giêng 20197:10 SA(Xem: 1064)
Tại Sao Người Ta Cứ Nói “Samsung 100% nước ngoài”?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Khai mạc Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội ngày 19/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “… người ta cứ nói Samsung là 100% nước ngoài, đó là nhầm lẫn”.

Theo Thủ tướng Samsung có tỷ lệ sản xuất trong nước, bao gồm cả FDI và doanh nghiệp Việt Nam, trước đây bằng 0 thì nay trên 30%.

Samsung-logo-2015-Nobg

Chuyện ốc vít ở Việt Nam…

Điện thoại cầm tay cần hằng ngàn bộ phận khác nhau, đơn giản nhất là những ốc vít, tất cả đều cần mức độ tinh xảo và chính xác tuyệt đối, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất của điện thoại, đến uy tín và đến thương hiệu của Samsung.

Vì thế Samsung vẫn phải nhập cảng hay phải tự sản xuất tất cả các bộ phận kể cả ốc vít để lắp ráp tại Việt Nam, người ta nói “Samsung 100% nước ngoài” là không có gì quá đáng.

Con số 30% từ đâu ra ?

Con số ông Phúc muốn nói có lẽ bao gồm cả tiền lương công nhân, bao bì đóng gói, vận chuyển, các dịch vụ kinh tế phát sinh, nhưng không rõ tại sao lên tới 30% một con số quá cao so với việc sản xuất iPhones của Apple tại Trung cộng.

Theo trang The Conversation giá thành của một iPhone 7 sản xuất vào cuối năm 2016 được ước tính chừng 237,45 Mỹ kim.

Trung cộng chỉ nhận được 8,46 Mỹ kim, hay 3,6% tổng số, bao gồm cả một cục pin do công ty Trung cộng cung cấp và tiền công trả lao động lắp ráp.

Mỹ và Nhật mỗi quốc gia nhận chừng 68 Mỹ kim, Đài Loan được chừng 48 Mỹ kim và Nam Hàn chừng 17 Mỹ kim cho việc xuất cảng các bộ phận vào Trung cộng cho việc lắp ráp.

Năm 2017, Samsung Việt Nam đạt doanh thu gần 64 tỷ Mỹ kim, với chừng 160.000 lao động.

Giả sử lợi tức, bao gồm làm thêm và tiền thưởng, cả năm cho mỗi lao động là 3.000 Mỹ kim thì tổng chi phí lao động là 480 triệu Mỹ kim chỉ chừng 0,75% tổng doanh thu.

Tỷ lệ 30% tính ra lên đến 19,2 tỷ Mỹ kim là một khoản tiền vô cùng lớn, không rõ Thủ tướng Phúc có được bằng cách nào.

Lắp ráp tại Trung cộng

Đằng sau chiếc iPhone, iPad, hay MacBook để ý thấy dòng chữ “Designed by Apple in California. Assembled in China", tạm dịch là “Thiết kế bởi công ty Apple tại California. Lắp ráp tại Trung cộng.”

Chính vì nỗi nhục “Assembled in China” (lắp ráp tại Trung cộng), Tập Cẩm Bình mới đề ra chiến lược “Made in China”.

Nhưng thay vì làm ăn đàng hoàng Trung cộng lại tìm mọi cách đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và nhiều quốc gia khác nên đang bị thế giới trừng phạt.

Để đáp ứng những đòi hỏi về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, ngày 27/12/2018 Bắc Kinh cho công bố dự thảo luật cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.

Hà Nội hiện chưa có luật này và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn vô tư đòi các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Chuyện con chip điện tử ở Trung cộng…

Sau 40 năm cải cách và mở cửa, công nghiệp điện tử Trung cộng đã vượt qua khả năng sản xuất ốc vít nhưng lại bị tắc nghẽn với việc sản xuất các con chip điện tử.

Tập đoàn ZTE sản xuất điện thoại di động lớn hàng thứ hai của Trung cộng, chỉ sau Huawei, phải ngừng hoạt động khi chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ bán các con chip điện tử cho ZTE.

Tập đoàn Huawei cũng sẽ chịu chung số phận nếu chính quyền Mỹ quyết định cấm các công ty Mỹ buôn bán với Huawei.

Có người cho rằng Trung cộng đang tìm cách tự sản xuất các con chip điện tử, thật ra nếu Trung cộng tự sản xuất được thì họ đã làm rồi.

Nhật, Đại Hàn và Đài Loan chưa đầy 30 năm phát triển công nghiệp đã vươn lên chỉ thua kém Hoa Kỳ cường quốc kỹ thuật bậc nhất trên thế giới.

Trong khi Trung cộng đã 40 năm, Việt Nam đã 30 năm vẫn chỉ đạt tới công nghiệp lắp ráp là một điều đáng chú ý.

Giáo Dục…

Tại Nhật Bản, từ những năm 1880, Minh Trị Thiên Hoàng đã thực hiện cải cách giáo dục với phương châm: "học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây".

Nền giáo dục Nhật từ đó dựa trên những giá trị tiến bộ về nhân bản, tự do, dân chủ và đặc biệt chú trọng đến giáo dục kỹ thuật thực nghiệm.

Đại Hàn và Đài Loan là hai cựu thuộc địa của Nhật Bản nên đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục này.

Trung cộng đến ngày nay vẫn duy trì một hệ thống giáo dục từ chương, học vẹt, học nhồi nhét, học bắt chước, học không cần suy tư, không cần sáng tạo, học theo khuôn mẫu “hồng hơn chuyên” và học để làm quan.

Miền Nam Việt Nam trước 1975 đã thoát khỏi lối học từ chương. Còn miền Bắc và cả nước sau 1975 chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo dục từ chương không khác gì Trung cộng.

Một nền giáo dục như Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã công khai bộc lộ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/6/2014:

"Chúng ta dạy hiện nay là dạy bắt chước, bắt chước thế nào cho khéo nhất và như vậy như việc chúng ta dạy khỉ."

Một hệ thống giáo dục bắt chước không cần suy tư hay sáng tạo hoàn toàn thích hợp với các quốc gia công nghiệp lắp ráp như Trung cộng và Việt Nam.

Sau cuộc cải cách và mở cửa năm 1978, Bắc Kinh còn cho phép các trung tâm nghiên cứu tại các viện đại học được quyền tự trị và khá độc lập với hệ thống chính trị. Điều này chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Thể Chế và Văn Hóa…

Người Việt vốn thích tìm tòi, học hỏi và có chí cầu tiến, trường hợp của Đại tướng Campuchia Trần Quốc Hải và người con trai Trần Quốc Thanh là thí dụ điển hình.

Ông Trần Quốc Hải gốc nông dân miền Nam nên còn được gọi là Đại tướng quân Hai Lúa.

Ông đậu đại học năm 1978 nhưng được phân ngành không đúng sở thích nên khi ra trường ông bỏ việc làm thợ sửa xe.

Ông 2 lần chế trực thăng phục vụ nông nghiệp nhưng đều bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm sử dụng.

Sang Campuchia sửa máy cày ông lại được Quân đội Hoàng gia Campuchia cho thử sửa xe thiết giáp cũ, rồi cho thiết kế xe thiết giáp mới với tính năng hoàn toàn mới.

Quốc vương Norodom Sihamoni đã ban thưởng ông chức vị cao quý nhất trong quân đội Đại tướng quân.

Đại tướng Hai Lúa từng tâm sự: "Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được."

Nhiều người Việt được đào tạo và chỉ thành công ở nước ngoài, trường hợp của Tiến sỹ kỹ sư Lê Nguyễn Minh Quang là một thí dụ khác.

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Xây dựng tại trường đào tạo kỹ sư Ecole Centrale Paris của Pháp năm 1995, với 3 văn bằng cao học về Quản trị Doanh nghiệp từ các trường Đại Học nổi tiếng Pháp, Mỹ và Singapore.

Tháng 6/2016, ông từ chức Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche chi nhánh Việt Nam, một công ty chuyên về xây dựng hạ tầng danh tiếng tại Pháp và quốc tế.

Sau đó ông nhận bổ nhiệm chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành Phố HCM, một chức vụ tiền lương chỉ bằng 5% tiền lương ông có được trước đây.

Ngày 21/12/2018 vừa qua, báo chí đưa tin ông đã bị tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Ban và cấm đi ra nước ngoài. Trả lời báo chí ông cho biết:

“Từ ngày về ban, cho tới giờ này tôi không nhận một đồng nào của ai. Tết có khi họ đến tặng quà, có bao lì xì, tôi đều mở ra và trả lại cho họ vì tôi nói là ở Tây họ mở quà trước mặt người tặng. Năm sau chẳng thấy ai mang quà đến tặng nữa.”

Nhiều người Việt được đào tạo tại Phương Tây, có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, khi nghĩ đến việc về quê phục vụ đều ngao ngán vì sự khác biệt về thể chế và về văn hóa.

Samsung Việt Nam

Với tiền lương thấp, lực lượng lao động dồi dào, được giảm thuế, được ưu đãi đất đai, được mọi ưu tiên và trợ giúp, tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam lên tới 17 tỷ Mỹ kim.

Theo ước tính tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 đã lên đến 49,6 tỷ Mỹ kim, trên 25% GDP Việt Nam, với lợi nhuận thuần 4,27 tỷ Mỹ kim.

Samsung vừa cho biết năm 2018 ước tính xuất cảng tăng 12% so với năm 2017, đạt hơn 60 tỷ Mỹ kim và chiếm 25% kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam dựa khá nặng nề vào 4 nhà máy Samsung nên việc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên ca ngợi tập đoàn này là một điều khó tránh khỏi.

Nhưng như đã phân tích bên trên công nghiệp hỗ trợ Samsung từ các công ty Việt Nam hầu như không có, nên đóng góp thực sự của Samsung cho nền kinh tế còn rất hạn chế.

Vào năm 2017, 4 nhà máy Samsung lợi nhuận ròng đạt 5,8 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó thuế cho nửa đầu năm 2017 chỉ phải đóng 186 triệu Mỹ kim. Lợi nhuận ròng năm nay có thể vượt con số năm trước.

Phần lợi nhuận thuộc về Samsung nhưng được tính vào GDP Việt Nam nên việc GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, phần chính là từ lợi nhuận của Samsung.

Công nghiệp lắp ráp Việt Nam…

Theo Tổng cục Thống kê năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn cả Lào, và chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước đang tiếp tục gia tăng:

"Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 Mỹ kim, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào".

Các nhà máy Samsung lắp ráp theo dây chuyền được cài đặt một tốc độ cố định, người chạy theo máy nên năng suất lao động hầu như cố định.

Bởi thế chọn công nghiệp lắp rắp là chọn thua kém trong cuộc tranh đua về năng suất lao động.

Báo Dân Trí ngày 19/12/2018 cho biết trong một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương đóng góp GDP của công nghiệp chế tạo Việt Nam "thua" cả Campuchia:

“Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN, Campuchia 22%, Thái Lan 26%...”

Như đã phân tích bên trên công nghiệp lắp ráp đóng góp rất ít cho GDP nên báo cáo của Bộ Công Thương phản ảnh được điều này.

Thủ tướng vẫn vô tư…

40 năm về trước Đặng Tiểu Bình đã nhận ra sự lạc hậu của Trung cộng để mở cửa giao thương với nước ngoài.

10 năm về trước, Tập Cận Bình nhận ra và hổ thẹn về công nghiệp lắp ráp để cố vươn lên thực hành phương châm “Made in China”.

Mặc dầu phát triển công nghiệp của Việt Nam giống phát triển công nghiệp của Trung cộng trước đây một cách hết sức lạ lùng, nhưng lãnh đạo Việt Nam lại vẫn hết sức vô tư về “Made in Vietnam”.

Vào ngày 14/3/2018, tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc trước những giáo sư và sinh viên Úc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giơ cao chiếc điện thoại di động hiệu Sumsung lên và khoe rằng:

“Rất có thể điện thoại thông minh của Samsung hiện đại nhất mà người Úc đang sử dụng hàng ngày đến từ Việt Nam vì theo Samsung khoảng ¾ lượng điện thoại này được sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam).

Chính bởi thế người ta mới cứ phải nhắc nhở Thủ Tướng Samsung là 100% nước ngoài.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

31/12/2018

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn