BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về tổ quốc và tổ quốc xã hội chủ nghĩa

13 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1036)
Về tổ quốc và tổ quốc xã hội chủ nghĩa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Anh Nguyễn Xuân Phước thân mến,

Tôi đã đọc bài viết của anh “Bàn về khái niệm ‘Tổ quốc xã hội chủ nghĩa’ của người cộng sản Việt Nam” trên mạng. Anh cũng đã có nhã ý gởi riêng tặng tôi và “những người đã hi sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc”. Điều đó đã gợi cho tôi những suy tư nên tôi viết bài này, với mục đích góp thêm vài suy nghĩ về nhận định của anh.

Phải nói ngay rằng tôi tán thành phần lớn những phân tích của anh, trên phương diện lý thuyết, căn cứ vào những câu chữ đã trích dẫn. Tôi không có ý phản biện, nhưng ở đây tôi nêu lên những điều thực tế để bổ sung và góp phần soi sáng vấn đề anh đã đưa ra.

Định nghĩa chung về Tổ quốc nhiều người đã nêu và có lẽ không có mấy dị biệt từ Đông sang Tây. Gắn liền và bao hàm trong khái niệm về Tổ quốc có quốc gia, dân tộc, đất nước, quê hương, lịch sử. Quốc gia có ý nghĩa pháp lý về tổ chức nhà nước, dân tộc nặng về con người đồng chủng, đất nước nhấn mạnh đến mặt địa lý, quê hương thiên về tình cảm đối với nơi sinh ra và lớn lên, lịch sử gắn liền với quá khứ… Đôi khi người dân hay trong văn học nghệ thuật, người ta dùng lẫn lộn hay thay thế nhau những khái niệm này, nhưng rất ít ai dùng Tổ quốc để chỉ chế độ chính trị, trừ sự áp đặt cố tình của những người cầm quyền độc đoán.

Năm 1966, tôi viết bài thơ xuôi “Đoản ca trại giam và trường học” có những đoạn sau đây:

… Chung quanh các em, chung quanh chúng tôi, chung quanh chúng ta là biên giới rừng núi bãi cát thép gai sắt máu khói lửa, không như đường dấu cộng các em vẽ trên bản đồ. Quê hương không còn là bình nguyên xanh tươi, thành phố phồn hoa, cao nguyên hiền lành, sông ngòi quanh co trù phú. Quê hương đã mọc đầy loài dây leo mắt gai lởm chởm, quê hương là trận địa tàn sát đồng bào, quê hương là bar-restaurant xanh vàng đỏ tím.

Các em là người Việt, chúng tôi là người Việt. Các em ngây thơ vui đùa, chúng tôi tù đày cằn cỗi. Rất ít kẻ tự nguyện làm phân bón một cách khôn ngoan sáng suốt. Tôi rời chấn song và viết những điều này bên cạnh mấy thùng nước tiểu bốc mùi khai nồng nặc.

Tôi vừa nhìn các em qua hình dây thép gai ô vuông méo mó dựng trên bức tường rêu mốc loang lổ. Buổi sáng các em đi học về lẻ loi một vài người, mỗi bước chân các em di chuyển qua một ô vuông thép gai chiều ngang trong khi những ô vuông chiều dọc vẫn tiếp tục đan lên các em thành đường hằn gai nhọn qua đầu qua thân qua ngực. Tôi nhìn các em như người thợ vẽ nhìn bức chân dung có gạch ô vuông để vẽ lại, nhưng ô vuông của tôi thì xô lệch gai nhọn rét rỉ, nhưng chân dung của các em thì hiền hòa, thì tuổi trẻ, thì bình an hiếm hoi của quê hương.

 

… Tôi nhìn các em qua phạm trù của tôi, thứ phạm trù thuộc loại ô vuông thép gai và lỗ tròn ổ khóa. Trước mắt tôi không còn khoảng không trong suốt để nhìn thẳng nhìn rộng nhìn xa nhìn dài. Chỗ đứng của tôi không có cơ hội để nhìn gần nhìn sát nhìn sâu vào môi vào mắt vào châu thân.

Quê hương đã dành cho tôi, cho nhiều người khác chỗ đứng mới. Tôi muốn xứng đáng, quả thật xứng đáng với chỗ này tù đày rách rưới. Các em biết không?

Quê hương chỉ còn có tuổi trẻ. Tuổi trẻ đang vỡ bờ nơi các em và hiện tại tương lai đang đưa các em vào nơi lâm nguy vô phương cứu chữa. Căn bệnh đã tràn lan khắp nơi với hàng trăm thứ vi trùng bên ngoài bên trong chia nhau đục khoét. Chúng tôi đã nỗ lực để tự cứu và thề sẽ đi đến cùng đường dù bằng tù đày xương máu.

Đó là lúc tôi 21 tuổi, học năm thứ ba đại học và đang nằm sau song sắt nhà giam để suy tư về quê hương, đất nước, Tổ quốc một cách cụ thể và đầy cảm xúc. Tôi đã viết bài thơ trên giấy bao xi măng dùng để lót nằm trên sàn nhà ẩm ướt băng giá của một mùa đông xứ Huế lạnh buốt xương da.

Cùng thế hệ với tôi vào thời điểm lịch sử đó, hàng vạn thanh niên sinh viên học sinh xuống đường để đấu tranh cho độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc. Họ hát những bài ca đớn đau, hùng tráng hay hi vọng về quê hương đất nước. Có thể trích dẫn một số bài hát sau đây trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của những nhạc sĩ sinh viên hay được sinh viên yêu mến.

Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập)

Hát cho sông không sâu, cho tiếng kêu đò thật gần. Hát cho đêm qua lâu, cô gái đưa người vào bờ. Hát sâu trong xa xưa, tiếng hát Trưng Vương hồng thơm. Hát vang danh Lam Sơn, người cũng như mây lên non. Hát cho trăm năm son, sử vàng cũng biết môi thơm.

Hát cho quê hương (Trần Long Ẩn)

Đất nước ta sẽ hùng cường, nhân dân ta sẽ ấm no, khi áp bức, khi xích xiềng, khi ác thù bị gục ngã. Quê hương mình mãi sáng chói, muôn lửa hồng mãi rực tươi. Việt Nam ơi! Việt Nam ơi! Đây tiếng hát con tim đời đời.

Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa (Thơ Võ Quê, nhạc Nguyễn Phú Yên)

Ơi người tù thiếu nữ trưa nay đang âm thầm quét lá khô vỉa hè vắng lặng. Hồn em đau, hồn em đau từng nhát chổi lạnh lùng. Ta biết lòng em rực hồng biền lửa, chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên.

Tổ quốc ơi ta đã nghe (La Hữu Vang)

Ôi Tổ quốc bao tiếng ca giờ lên đường. Đem máu hồng tô thắm đẹp cuộc đời. Lời xưa vang đâu đây chí kiêu hùng muôn phương tung bay. Đường ta đi hôm nay bao xác thù gục ngã tan thây. Tổ quốc ơi, bao thiết tha lời sông núi, thề nguyện cả cuộc đời trọn dâng cho quê hương này. Muôn hoa tươi thắm ngát hương trên bao nụ cười. Gian khổ nề chi ta ra đi.

Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)

Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương. Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm. Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương.

Hát từ đồng hoang (Miên Đức Thắng)

Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùi lúa mới. Rồi ngày mai đất ta hoa thơm hồng môi cười. Rồi ngày mai quê hương xanh lên mầu sông núi. Vì ngày nay dân ta quyết sống vì đất này.

Người về thành phố (Phạm Thế Mỹ)

Từ biển xanh lên trên non cao, máu các anh nhuộm đỏ đồng sâu, thắm trong tim tươi ngọn lúa mới. Nụ cười trên môi em thân yêu, trên hố hầm bom đạn tàn hoang, trên đất khô đã thành ruộng vàng.

Ruộng đồng ơi, thị thành ơi, trời Việt Nam hôm nay rực sáng. Nhà của ta, ruộng của ta, cánh tay ta xây lại đời ta.

Bạn bè ơi, kẻ thù ơi, đường Việt Nam thênh thang ngàn lối. Người đã đi, người đã tới, bước chân anh nối lại Việt Nam.

Gia tài của mẹ (Trịnh Công Sơn)

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ một bọn lai căn, gia tài của mẹ một lũ bội tình.

Dạy cho con tiếng nói thật thà. Mẹ mong con chớ quên mầu da, con chớ quên mầu da nước Việt xưa. Mẹ trông con mau bước về nhà. Mẹ mong con lũ con đường xa, ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

Tôi trích dẫn khá nhiều để thấy rằng những tâm tình đó không đơn lẻ, không phải chỉ ở tác giả những bài ca mà là ở hàng triệu con tim cùng hát với họ, âm vang mãi cho đến tận sau này. Ở đây cũng xin nhấn mạnh rằng không đặt vấn đề quan điểm chính trị đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, cho đến nay, vẫn còn tranh cãi giữa những người trong cuộc, mà muốn nói đến tâm tình của một thế hệ về quê hương, đất nước, lịch sử, Tổ quốc của mình. Những người đó có thể có người ủng hộ miền Bắc, có người là đảng viên cộng sản nhưng Tổ quốc của họ không bao giờ là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc chỉ là anh em đồng bào, người em, người chị, người mẹ, người tù, mái nhà, con sông, rừng sâu, non cao, biển biếc, tiền nhân chống giặc Tàu giặc Tây xâm lược… Tổ quốc chung của mọi người Việt Nam từ xưa đến nay không có gì khác. Đó là tâm tình của những người tôi hiểu rất rõ vì cùng hoàn cảnh và cùng thế hệ ở miền Nam.

Ở miền Bắc tôi không hiểu nhiều, dù tôi có thể biết khi đọc qua sách báo. Tuy nhiên tôi có người bạn ở miền Bắc vào, gần gũi chia sẻ nhiều điều từ hơn 20 năm qua tại thành phố Đà Lạt, nơi tôi đang sống. Đó là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tôi đã viết một chương về anh trong cuốn sách Mảnh trời xanh trên thung lũng (Nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ, 2007). Chương đó có tựa “Mẹ đâu ngờ”, viết về tập thơ của anh, có những đoạn sau đây:

“Như mọi người Việt Nam yêu đất nước yêu tự do, tôi đã hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đẫm máu của nhân dân mình để giành Độc lập cho Dân tộc và Tự do cho mỗi con người.

Độc lập đã có, nhưng Tự do thì chưa.

Những dòng thơ này là chút của riêng còm cõi mà người viết tự trang bị cho mình vào tuổi ngoài năm mươi, và hi vọng được góp vào hành trang của nhân dân mình trên hành trình khổ ải giành Tự do.”

Đó là những lời mở đầu cho tập thơ Mẹ đâu ngờ của Bùi Minh Quốc. Lời mở ngắn gọn và cô đọng này đã tóm lược suốt cả quá khứ và tâm trạng hiện tại của nhà thơ, với khát vọng và nỗi đau thấm trong từng chữ.

… Như mọi người trẻ tuổi yêu nước, hành trình của Bùi Minh Quốc thời thanh xuân là một hành trình khổ ải và bừng bừng ngọn lửa dấn thân cho lý tưởng. Từ Hà Nội, anh tình nguyện đi Nam để vào mặt trận khi con đầu lòng chưa đầy sáu tháng. Vợ anh cũng tiếp tục theo chân anh khi con vừa đầy năm, cùng chiến đấu trên một chiến trường. Vợ anh, một nhà văn chiến sĩ tài hoa, đã ngã xuống trong một trận càn dưới lằn đạn xé ngực.

“Ngắm con trong ảnh lệ trào

mẹ đi đi mãi cha sao đền bồi

mẹ trao con lại cho đời

trao con khát vọng làm người tự do”

(“Cho bé Ly con yêu”)

Gian khổ, hi sinh của anh quá nhỏ bé trong cuộc trường chinh máu lửa của dân tộc.

“Chốt địch kia anh. Ta vượt lẹ! Em cười…

Tôi nhắm hướng giọng cười, bước theo mải miết

Mỗi bước đi, lòng mắc nợ bao người

Những món nợ suốt đời không trả hết

Dẫu một chữ cũng phải dốc trọn máu tim mình để viết

Cho thơ tôi bắt kịp giọng em cười”.

(“Nợ”)

Chính vì canh cánh món nợ đó mà ngòi bút máu tim của anh hôm nay bừng bừng phẫn nộ:

“Không có ai

không có ai

Có thể nhìn trời

Bình tâm mỗi sáng

Khi những thằng đểu còn trong Đảng

… Đồng chí – tiếng ấm nồng máu đỏ

Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này?

Đồng chí – dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay

Mưu mô đã xong và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy

Khí trời, khí trời mỗi ngày ta thở

Bị ô nhiễm bởi bao lời dối trá

Phổi ta nám rồi – ta dẫu có làm sao…

Những lũ trẻ, trời ơi, lũ trẻ

Chúng lớn lên sẽ hít thở thế nào

Nếu dối trá vẫn chồng lên dối trá.

… Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom

mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng

Con xin nói

Với tất cả tấm lòng và

lương tri cộng sản

mẹ chẳng phải đảng viên

nhưng mẹ có tấm thẻ đỏ trái tim ròng ròng máu ứa

chính mẹ chứ không ai – mẹ phải nắm quyền

hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.”

(“Những ngày thường đã cháy lên”)

Đó là những dòng anh viết không lâu trước khi bị khai trừ Đảng. Anh vẫn còn nhân danh “lương tri cộng sản”. Đối với anh “lương tri cộng sản” chính là chống bất công áp bức, đòi độc lập tự do và công bằng xã hội, theo lời kêu gọi “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian” trong bài “Quốc tế ca”. Đối với anh, thẻ đỏ phải là tim đỏ, không chấp nhận thẻ đỏ tim đen. Tiếc thay những kẻ thẻ đỏ, tim đen lại có quyền lực thu hồi tấm thẻ đỏ của anh.

… Bùi Minh Quốc là một trong những người cầm bút đã có can đảm lội ngược dòng. Tôi đặc biệt yêu thích sự trung thực của anh, trước hết là trung thực với chính mình:

“Bao nhiêu năm ta ngỡ mình tự do

Những giáo điều đã thành những tín điều khi nào vậy?

Chất độc ngấm ngọt ngào không ai nhận thấy

Đất sét nhào nên thần tượng để tôn thờ.

 

Không có gì quý hơn độc lập tự do

Chân lý ngỡ thấm rồi ngờ đâu chưa hiểu hết

Sau bao phen đối đầu cùng cái chết

Vẫn chưa tan nỗi sợ trước uy quyền

… Không có gì quý hơn

Độc lập

Tự do

Ta hôm nay lại ôm đầu đánh vần từng chữ

Việc chi mà xấu hổ

Khi mỗi giọt máu mình khát độc lập tự do”

(“Không có gì quý hơn độc lập tự do”)

Sám hối về những sai lầm của mình là việc vô cùng khó khăn. Có người né tránh, có người xấu hổ. Nhất là đối với những người đang nắm quyền lực lại càng khó khăn hơn vì người ta nghĩ rằng thừa nhận sai lầm sẽ khởi đầu cho mất mát, sụp đổ. Bùi Minh Quốc thì không. Anh không có quyền lực gì để mất. Anh chỉ sợ mất chính mình. Nếu không muốn mất mình, nhất định phải sám hối.

… Ngày trước anh trung thực và bây giờ anh cũng trung thực. Anh đã sai lầm và anh đã sám hối. Lỗi không phải ở anh, ở thế hệ của anh mà chính là lỗi của những người đã lợi dụng lịch sử. Chính sự sám hối sẽ cứu rỗi dân tộc và con người chứ không phải là những lời lẽ ba hoa về chính nghĩa và chiến thắng.

Trên đây là tâm tình về quê hương, đất nước, Tổ quốc của những người mà tôi hiểu khá rõ. Mở rộng ra, nhân dân Việt Nam và đặc biệt, người lính của cả hai miền Nam – Bắc trong cuộc chiến nghĩ gì? Những chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa của miền Nam tự hào chiến đấu bảo vệ tổ quốc, quê hương, đồng bào khỏi sự xâm lăng của cộng sản. Người chiến sĩ của miền Bắc, từ khi “Đoàn Vệ quốc Quân một lần ra đi, dù có sá chi mong ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui”, với tư cách chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”, vì miền Nam ruột thịt, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chẳng có ai chiến đấu vì “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” cả.

Vậy thì “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của người cộng sản Việt Nam là gì, của ai? Những người cộng sản Việt Nam không phải sinh ra đã là cộng sản. Trừ một số ít lãnh tụ và đảng viên nòng cốt được đi học lý thuyết Mác – Lê ở Nga, Tàu, đại bộ phận là nông dân, công nhân, dân nghèo và một số ít trí thức đi theo Đảng vì bị cướp đất, cướp nhà, chịu bất công áp bức và muốn bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lăng của ngoại bang. Dĩ nhiên họ gắn bó ràng buộc với nhau trong tổ chức Đảng và trong bộ máy nhà nước khi đã giành được chính quyền. Về sau họ cũng được học tập về chủ nghĩa, kinh tế chính trị Mác – Lênin nhưng thuở ban đầu, như trong một chuyện vui của chính những người cộng sản, nhiều người trong các cuộc kết nạp hay trong các cuộc họp, nhìn lên ảnh của Marx và Lenin, không biết ai là ai, chỉ biết “Thưa ông râu dài và ông râu ngắn”.

Đảng viên cộng sản cũng không phải thuần nhất, giữa đảng viên lãnh đạo, có chức vụ cao với đảng viên thường. Ngay đối với những đảng viên cao cấp, dù trước đây họ tin tưởng vào “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của những người vô sản trên toàn thế giới, liệu họ còn tin được nữa không khi bắt đầu có sự xung đột giữa hai nước đàn anh Liên Xô – Trung Quốc. Và họ buộc phải thay đổi suy nghĩ trước cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Khi đó cả cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của nhà nước đều ghi rõ Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, trực tiếp và nguy hiểm. Làm sao có thể có cùng “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” với Trung Quốc. Về sau này khi tình hình thay đổi, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại bắt tay hữu hảo với người “anh em đồng chí bốn tốt” có “mười sáu chữ vàng” theo một chính sách ngoại giao hèn nhát mà có người mỉa mai là “ngoại giao Hàn Tín lòn trôn”.

Có những người cộng sản gộc đã phản tỉnh về chủ nghĩa như Trần Độ, Nguyễn Hộ… Có những đảng viên cộng sản lão thành, công thần của chế độ như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sĩ Nguyên, Dương Danh Dy, Nguyễn Trung… đã công khai lên tiếng báo động về ý đồ xâm lược của bọn bá quyền phương Bắc. Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đảng viên như Phạm Đình Trọng, Tô Hải, Tống Văn Công…, các thành viên của Viện IDS, nhóm Bôxít đã tố cáo chính sách sai lầm của những người lãnh đạo hiện nay, đặc biệt liên quan đến ý đồ xâm lược và sự chi phối của đế quốc Đại Hán mới, qua các vụ mất biển, đảo, biên giới, cho thuê đất rừng, khai thác bôxít và mới nhất là việc tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những người này nhất định không có chung “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” với các “Ba Tàu” cộng sản. Và nếu có cuộc chiến tranh quân sự xâm lược nổ ra do cộng sản Trung Quốc phát động, tôi tin rằng tuyệt đại bộ phận những người cộng sản Việt Nam sẽ cùng với toàn dân tộc, cầm súng chiến đấu chống lại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nếu các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đòi lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa của sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức ở Sài Gòn và Hà Nội không bị đàn áp dập tắt, tôi tin rằng sẽ có hàng vạn, hàng triệu người Việt tham gia.

Vậy thì “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” chẳng là cái gì và của ai cả, chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền của những người lãnh đạo cộng sản, cũng như bất cứ thứ gì gắn với “xã hội chủ nghĩa”, như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, chỉ có một nghĩa duy nhất là dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản. Ngoài ra không có gì khác. Để bảo đảm quyền và lợi ngày càng quá lớn của một thiểu số đã lợi dụng nhân dân khi giành được chính quyền.

Anh Phước thân mến ;

Thực tế không có “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và có lẽ đại bộ phận dân tộc Việt Nam cũng đồng ý rằng chỉ có Tổ quốc Việt Nam của mọi người Việt Nam. Và vì thế tôi đã có thể cùng anh và các bạn ngồi uống rượu nói chuyện về đất nước dưới mái nhà ven hồ thơ mộng của anh ở Dallas vào một tối mùa Hè năm 2009.

Đà Lạt tháng 10/2010

 Tiêu Dao Bảo Cự

Theo talawas
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn