California đang trải qua một mùa hè nóng bỏng. Những đám cháy rừng bùng lên khắp hai miền Bắc, Nam. Cái nóng của lửa như làm tăng thêm cái nóng của đất trời. Có lẽ cái nóng dị thường đó dẫn đến sự liên tưởng. Một buổi ngồi lại với anh chị em bạn bè, hát về mùa hạ, bỗng tôi muốn chia sẻ những ca khúc mình đã quen thuộc trong một mùa hè xa xăm. Thế là, như một phản xạ mỗi khi không có bản nhạc trong tay, tôi vào internet để tìm. Tôi tìm một trường ca, một liên khúc: “Chiến Ca Mùa Hè” của nhạc sĩ Phạm Duy.
Nói cho đầy đủ, đây là tập thơ của Phạm Lê Phan, một nhà thơ-người lính. Những bài thơ ấy đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Khi tâm tưởng quay trở lại mùa hè đó, tôi như sống lại trong một đoạn phim. Thuở đi học, thích đàn hát, tôi thường ghé tiệm sách để “mua nhạc.” Ngày đó, hầu như tiệm sách nào cũng có bày bán những bản nhạc được in rất đẹp. Nhà sách lớn hơn thì có bán cả những tập nhạc. Cái thời người ta chưa biết internet là gì, mọi chuyện đều được in ra trên giấy. Câu “nhịn ăn để mua sách báo” hầu như người học trò nào cũng biết. Và cứ như là đi “rinh” cả tủ nhạc về nhà, hầu như tôi đã mua được những bản nhạc và những tập nhạc mình thích.
Mùa hè 1972, tôi đã có trong tay tập nhạc “Chiến Ca Mùa Hè”.
Rồi ngày 30 tháng Tư năm 1975, tập nhạc đó nằm trong số những cuốn sách đầu tiên bị hủy.
“Mẹ u sầu qua cầu Ái Tử
Trăm thương ngàn nhớ gửi lại bên sông
Bên sông máu thắm đôi dòng
Bên sông giặc về hiện hình muông thú
Con trai mẹ lao mình trong đạn bủa
Máu thép tim gang ngăn chiến xa thù
Mắt ngời say lửa dũng ngàn xưa
Bàn tay thép trên sắt che nòng súng
Cắn máu môi uống lời thề kiêu dũng
Lời thề chém đá xé mây…”
(Qua Cầu Ái Tử)
Chao ôi! Những lời thơ, nét nhạc tuôn ra như vừa mới hát hôm qua. Nhưng quả tình là có những đoạn tôi không nhớ được hết. Trí nhớ của con người mà! Đã – tôi lại phải làm bài toán trừ – bốn mươi sáu năm, eo ơi! Mình nhớ được một nửa là đã khá lắm rồi. Moi óc cũng không thể nhớ trăm phần trăm. Internet ơi, mi đâu rồi? Gõ “Chiến Ca Mùa Hè”, ngay cả trong trang của Phạm Duy cũng chỉ có một phần rất nhỏ. Hơn 15 ca khúc, mà chỉ có lời của khúc thứ 15 “Mặc Niệm” do ca sĩ Anh Ngọc hát, và bài thơ “Tha Thứ” mà thôi.
Một người anh đã phụ tôi tìm ra một trang khác: nhacxua, trong facebook. Mừng quá, trong trang này có kê ra như sau:
CHIẾN CA MÙA HÈ, thơ của Phạm Lê Phan do Phạm Duy phổ nhạc là một trường ca gồm 16 đoản khúc.
PHẦN I : TRỊ THIÊN
1.- Qua Cầu Ái Tử
2.- Bên Giòng Thạch Hãn
3.- Lời Dặn Dò
PHẦN II : TAM BIÊN
4.- Suối Trăng Hờn
5.- Đêm Hội Máu
6.- Một Tình Thiêng
PHẦN III : BÌNH LONG
7.- Đêm Hội Pháo
8.- Bất Khuất
PHẦN IV : CHIẾN THẮNG SAU CÙNG
9.- Đưa Mẹ Về
10.- Trị-Thiên Yêu Dấu
11.- Đưa Mẹ Về
12.- Hội Gió Trường Sơn
13.- Đưa Mẹ Về
14.- Sữa Trắng Rừng Xanh
PHẦN KẾT : MẶC NIỆM
15.- Mặc Niệm
16.- Xin Tha Thứ
Bản ghi âm trong ca khúc video clip này được trích từ một chương trình phát thanh trên đài Quân Đội trước 1975 tại Sài Gòn.”
Và đó lại cũng là bài “Mặc Niệm” do Anh Ngọc hát.
Ông anh cũng không có thêm chi tiết gì hơn ngoài những điều mà các bạn anh bên miền Đông giúp tìm. Nghe lời ông anh, tôi quay sang cầu cứu Nhà Văn Trần Hoài Thư. Phải rồi, anh Thư biết nhiều, lại đã từng đến Thư viện Cornell để tìm tài liệu. Hy vọng anh đã có lần nhìn thấy tập nhạc này. Tôi email ngay cho anh. Anh đáp lại liền: “Sorry, anh không có. Em gắng tìm. Mất thì quá uổng.”
Ở một trang khác, dotchuoinon.com, tôi biết được đôi điều về tác giả tập thơ. Mong là ông còn sống! Và đây:
“Thi sĩ Phạm Lê Phan sinh năm 1935 tại Thanh Hóa. Ông động viên khóa 3 phụ Thủ Đức (học ở Đà Lạt) nhưng không rõ lý do nào trước biến cố 30/4/1975 ông chỉ là một thượng sĩ phục vụ tại phòng Văn Nghệ/Cục Tâm Lý Chiến.
Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 một thời gian ngắn, vợ chồng ông và 9 người con đều bị nhà nước đương thời bắt đi kinh tế mới. Sau này các bạn HO qua Mỹ cho biết trong một chiều các cha con ông đi đánh vó ngoài sông, rủi sao ông bị sét đánh trúng và thiệt mạng.
Thi sĩ Phạm Lê Phan có để lại tập thơ “Chiến Ca Mùa Hè” và hơn 10 bài trong tập thơ này từng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. (Theo Hà Thúc Sinh)”
Mắt tôi như bị lửa khói làm cay… Mọi người đã không có dịp để biết thêm về Phạm Lê Phan và tác phẩm của ông!
Thôi đành moi trí nhớ tiếp… Tôi thấy mình ngồi cùng bầy em, trên căn gác năm xưa. Chúng tôi cùng hát trọn vẹn “Chiến Ca Mùa Hè”. Vâng, trong Mùa Hè Đỏ Lửa, mùa hè đã được đặt cái tên riêng ấy, lũ nhóc nhà tôi sớm suy nghĩ về chiến tranh tuy chẳng biết thế nào là chiến tranh, đã hát say sưa những đoản khúc đó.
“Mẹ bỏ Dakto từ khi giặc tới. Băng rừng qua núi băng đèo qua suối.
Mang cả giang sơn ở trên lưng gùi.
Mẹ bỏ lại cái buôn rừng rực lửa đau thương. Thương cái nhà cái nương
Thương cái bò cái mác. Mai còn chi dưới gót giầy xâm lược
Mai còn chi dưới gót giầy xâm lăng.
Mẹ về miền xuôi, thành phố đìu hiu. Cái khèn mang theo.
Tiếng khèn quê hương. Mắt mẹ mờ mây nhạt suối trăng hờn…”
(Suối Trăng Hờn)
Lời thơ Phạm Lê Phan, nét nhạc Phạm Duy, tưởng không còn gì thấm thía cho bằng.
Nhưng thật oái oăm, thường thì người ta dễ nhớ tên nhạc sĩ nhưng lại khó nhớ tên của thi sĩ làm ra bài thơ khơi nguồn cảm hứng.
Tôi có một mong ước nhỏ nhoi là biết đâu sẽ có một vị độc giả nào đó còn giữ tập nhạc “Chiến Ca Mùa Hè” sẽ chia sẻ trên internet để lưu giữ một tác phẩm cảm động, viết về mùa hè sôi bỏng năm xưa, năm 1972. Tôi xin được nói lời cám ơn trước, với lòng trân trọng.
**
Bên cạnh “Chiến Ca Mùa Hè”, nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ nhạc bài thơ của một thi sĩ-người lính khác: thi sĩ Phạm Văn Bình. Ai khiến xui chi tôi cũng yêu quý tác phẩm đó và hát thuộc lòng bấy lâu nay. Bài thơ mang tựa đề “Hành Trình Thủy Quân Lục Chiến”, mà sau này trong blog của Nhà Văn Trần Hoài Thư có đăng với một tựa khác: “Tường Trình Cho Em”. Bản nhạc phổ từ bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy ghi tựa là “Mười Hai Tháng Anh Đi.”
“Tháng Giêng xuôi quân ra xứ Huế
Cố đô tan hoang, gạch ngói điêu tàn
Không còn thấy áo em bay chiều bãi học
Tóc thề đã quấn khăn tang
Tháng hai về trấn giữ ven đô
Chong mắt hỏa châu ghì súng giữ cầu
Gió thoảng ngạt ngào hơi rượu mạnh
Qua màn sương lơi lả ánh đèn mầu…”
Cuối năm thì:
“Hoa mai nở đầy và em đang chờ
Mười hai tháng rồi dài những ước mơ
Nhớ má cho hồng, nhớ môi cho ngọt
Anh về bên em cùng đón giao thừa.”
(Phạm Văn Bình)
Người nghe và người hát nhận ra chân dung người lính, không phân biệt binh chủng. Chỉ thấy một nét chung là đời lính gian khổ, bận chuyện hành quân nên với người yêu thì cứ hẹn và… hẹn.
Tuổi học trò, tôi quý mến những vần thơ, những nét nhạc này biết mấy!
Đầu tháng Tám năm nay, đang ở xa thành phố, tôi nhận được email của Phay Văn chia sẻ bài trong blog Trần Hoài Thư:
“Nhận được tin trễ là nhà thơ Phạm Văn Bình qua đời vào ngày 22-7-2018. Người cho biết tin là nhà thơ Trần Yên Hòa.
Vào nursing home báo tin cho Y. nghe. Y. khóc. Mở youtube nghe bài Chuyện Tình buồn, thơ PVB, Phạm Duy phổ nhạc. Hai vợ chồng già cùng nghe, cùng rưng rưng.
PVB cùng khóa 24 Thủ Đức với tôi. Ra trường, anh phục vụ Phòng Báo Chí SĐ TQLC.
Chúng tôi không gặp nhau kể từ ngày ấy. Mãi khi ở Mỹ, tôi mới gặp lại anh tại Nam Cali. Sau đó, anh gọi điện thoại tôi thường xuyên. Anh bảo rất thích Thư Quán Bản Thảo, truyện của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh. Tôi khuyến khích anh tiếp tục làm thơ. Và tôi sẵn sàng giúp anh in (free).
Anh nói anh đang chuẩn bị.
Giọng nói thật khỏe, trí nhớ minh mẫn. Chúng tôi nhắc lại những ngày tháng ở Thủ Đức. Tôi nói một bài hát mà Y. thích nhất là bài Chuyện Tình Buồn. Nghe đi nghe lại không chán.
Vậy mà bạn lại bỏ mà đi. Từ đây mất một độc giả trung thành của TQBT. Và mất những lần điện thoại của bạn chia sẻ với tôi những vui buồn…”
(Trần Hoài Thư)…
Cuộc chiến Việt Nam đã trở thành quá khứ. Nhưng thắng, thua vẫn chưa phân định. Bởi lòng người vẫn luôn hướng về cái thiện, cái cao đẹp và lòng yêu nước chân thành. Hình ảnh người lính VNCH luôn rực sáng trong lòng dân tộc. Và những nét nhạc, vần thơ viết về người lính, không bằng lối xưng tụng thần thánh, chỉ đơn giản mà sâu sắc, luôn được giữ trong tim người mến mộ.
Tôi viết những dòng này để tri ân người lính VNCH, cùng cám ơn những người nghệ sĩ – viết về người lính – đã để lại những tác phẩm khó quên. Riêng với tôi, như đã vào trong máu thịt của mình.
Tháng 8, 2018
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Nguồn Phay Van