BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73410)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khủng hoảng lãnh tụ và sự cần thiết thay đổi tư duy

12 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 997)
Khủng hoảng lãnh tụ và sự cần thiết thay đổi tư duy
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Bài viết "Cuộc khủng hoảng lãnh tụ của Việt Nam và hệ quả xã hội của nó" của tác giả Hoàng Giang đăng trên mạng Bô-xít ( http://www.boxitvn.net/bai/4507) đã nêu ra một vấn đề quan trọng cần thảo luận rộng rãi và nghiêm túc, đó là vấn đề lãnh tụ.

Chúng ta vẫn chưa quên những phát biểu của linh mục Nguyễn Văn Lý sau khi ra tù rằng có ba vấn đề lớn mà một tổ chức (đảng) đối lập dân chủ phải có lời giải nếu muốn thành công :

1. Tổ chức (biết đoàn kết, gắn bó, rộng rãi).

2. Cương lĩnh (trong sáng, dễ hiểu và phù hợp với thời đại).

3. Lãnh tụ (đứng đắn, có viễn kiến).

Bất cứ một tổ chức nào muốn thành công thì cũng phải hội tụ đủ ba điều kiện trên.

Và một nguyên tắc nữa, đó là một tổ chức chính trị đứng đắn chỉ có thể hình thành và phát triển khi chưa thành công. Nếu thành công rồi thì phần lớn những người mới gia nhập sẽ là những kẻ cơ hội. Trong bài "35 năm sau ngày 30-4-1975 : Vài khẳng định cần thiết", ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng "một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể hình thành trong đấu tranh gian khổ, không ai thành lập được một chính đảng một khi đã cầm quyền".

Hai vấn đề "tổ chức" và "cương lĩnh" chúng ta đã đề cập đến nhiều rồi, hôm nay chúng ta cùng mổ xẻ chủ đề quan trọng thứ ba đó là "lãnh tụ".

Bất cứ trong một tổ chức nào dù nhỏ nhất như trong một gia đình hay trên bình diện quốc gia thì luôn phải có người lãnh đạo, có người chịu trách nhiệm chính. Không những là với con người mà ngay cả bất cứ loài vật nào cũng cần có đầu đàn để dẫn dắt hoặc làm chỗ dựa cho cả đàn. Nếu không có thủ lĩnh thì mọi hoạt động sẽ là hỗn loạn và bát nháo không theo một nguyên tắc nào và kết quả ra sao thì ai cũng có thể thấy được.

Vai trò của thủ lĩnh hay lãnh tụ vì vậy có một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong bất cứ một tổ chức nào từ trước đến nay. Vì có vai trò quan trọng như vậy nên thủ lĩnh luôn là nhân vật xuất sắc nhất trong tập thể đó, nếu không vị trí đó sẽ bị đe dọa bởi sự tẩy chay hay bất phục của cả tập thể hay một số thành viên trong tập thể. Mọi sự "ổn định" sẽ bị phá vỡ khi số thành viên bất mãn trong tập thể đó tăng lên.

Một lãnh tụ muốn thu phục được quần chúng thì ít nhất phải có hai yếu tố. Một là có năng lực để giải quyết khủng hoảng và viễn kiến để tránh khủng hoảng ; hai là phải lương thiện và đứng đắn để người dân có thể đặt niềm tin. Đấy là lãnh tụ đúng nghĩa theo quan niệm văn minh và tiến bộ.

Người Việt chúng ta không quan niệm như vậy. Suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, những vị thủ lĩnh sau này trở thành vua hay hoàng đế đều xuất thân từ những anh hùng, hảo hán. Có nghĩa là từ những người là quan võ chứ không phải là quan văn. Sau khi chế độ phong kiến tại Việt Nam kết thúc và thay vào đó là chế độ cộng sản thì lịch sử lại tiếp diễn. Những lãnh tụ cộng sản đa số đều "trưởng thành trong chiến đấu" hay xuất thân từ giới quân sự như Lê Đức Anh hay Lê Khả Phiêu…

Quan niệm của người Việt về lãnh tụ khá mộc mạc và đơn giản, lãnh tụ đó là những người có công lao. Đảng cộng sản Việt Nam khai thác tối đa tâm lý này để biện minh cho sự cầm quyền của họ. Cũng vì lý do đó mà các lãnh tụ cộng sản đều luôn được tôn vinh và không sai bao giờ. Ngay cả trường hợp lãnh tụ Lê Duẩn cũng vậy. Có một đồng thuận kỳ lạ từ quan đến dân về Lê Duẩn, đa số đều đồng tình rằng Lê Duẩn là người đã phạm nhiều sai lầm và làm cho Việt Nam tụt hậu, nghèo đói... Thế nhưng trên các phương tiện chính thống thì không bao giờ Lê Duẩn bị chỉ trích hay phê phán. Vì thế mới có chuyện cười ra nước mắt là có người đã phải thốt lên rằng tại sao Việt Nam nhiều lãnh tụ kiệt xuất thế mà nước ta vẫn nghèo và lắm ăn mày đến thế ?

Theo tác giả Hoàng Giang thì với chiến thắng 30-4-1975, "cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của chúng ta bị chấm dứt một cách khiên cưỡng ở giai đoạn giải phóng dân tộc bởi chính những người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy, dẫn đến giai đoạn cách mạng dân chủ đáng lẽ ra phải được tiếp tục thực hiện thì lại bị xóa sổ". Tất cả đều kết thúc với việc áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên toàn quốc, hệ quả của nó sinh ra những lãnh tụ cộng sản trong thời kỳ này đều là "lớp người lãnh đạo không hề đáp ứng cho chiều hướng của thời đại, của nhu cầu xã hội và của quần chúng đương thời". Tác giả quên hoặc không muốn nhắc đến một lý do quan trọng khiến cho việc "khủng hoảng lãnh tụ" ngày càng trở nên sâu sắc, đó là việc thần thánh hóa nhân vật Hồ Chí Minh. Cho dù tài giỏi đến đâu thì Hồ Chí Minh cũng là một con người chứ không phải ông thánh, sự cường điệu quá mức khiến sự ca tụng trở nên lố bịch. Hồ Chí Minh là người "vĩ đại" thì cũng là vĩ đại trong một giai đoạn lịch sử nhất định chứ không thể vĩ đại mãi mãi được, ví dụ trình độ vi tính của ông lúc sinh thời không thể bằng đứa bé học lớp 5 bây giờ vì thời ông sống làm gì có máy tính, làm gì có toàn cầu hóa, chỉ có chiến tranh lạnh…

Với việc biến Hồ Chí Minh thành ngọn núi Thái Sơn và bắt mọi người dân Việt Nam nhất nhất điều gì cũng phải học theo một người ra đời cách đây 120 năm cũng là điều rất vô lý và kỳ quặc. Cũng vì hình tượng của Hồ Chí Minh bao trùm lên mọi người, mọi thứ nên không thể có "lãnh tụ cộng sản" nào có thể hay dám vượt qua Hồ Chí Minh. Và nếu như cha ông chúng ta đúng khi cho rằng "con hơn cha là nhà có phúc" thì dân tộc Việt Nam là dân tộc "vô phúc" vì sẽ không có ai hơn được "cha già dân tộc", tức Hồ Chí Minh.

Một lý do nữa khiến cuộc "khủng hoảng lãnh tụ" kéo dài đó là do Việt Nam áp dụng chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa lỗi thời, độc hại. Một thứ chủ nghĩa không thừa nhận cạnh tranh trong chính trị, không tạo ra môi trường lành mạnh cần thiết để có sự cọ xát và phát hiện ra những nhân tài, lãnh tụ cho đất nước. Tất cả các lãnh tụ và lãnh đạo các cấp các ngành ở Việt Nam đều do "cơ cấu" hoặc ô dù, bè phái đưa lên chứ không hề qua bầu cử dân chủ, không qua sự lựa chọn và tín nhiệm của dân chúng.

Nhà cầm quyền Việt Nam có lý do để làm như vậy vì họ muốn cầm quyền mãi mãi. Góp phần vào cuộc "khủng hoảng lãnh tụ" là chính tư duy của chính người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức tinh hoa của dân tộc. Câu chuyện nóng hổi đang được nói đến là sự "đầu hàng" vô điều kiện của thầy giáo chống tiêu cực nổi tiếng trong ngành giáo dục Đỗ Việt Khoa.

Đây là kết quả tất yếu trong xã hội Việt Nam, khi cái xấu, cái tiêu cực là đa số thì cái tốt phải nhường chỗ cho nó. Xung quanh sự việc này có một sự liên quan "thú vị" đến câu chuyện đang nói đến trong bài viết này đó là quan niệm của chúng ta về lãnh tụ. Giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng đã có phát biểu về thầy Khoa rằng thầy "không bình thường". Trong nhiều sự "không bình thường" của thầy Khoa có một sự không bình thường, đó là việc thầy tự ứng cử đại biểu quốc hội. Việc này là "không bình thường" trong con mắt của nhiều người Việt Nam mà giáo sư Văn Như Cương chỉ là một trong số đó. Đây là tâm lý, não trạng chung của người Việt chúng ta. Chúng ta cho rằng một người chưa có "công lao" gì mà ra "ứng cử" chức vụ này nọ là chuyện "tham vọng", "ảo tưởng" thậm chí "ngông cuồng". Chuyện này đã xảy ra với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, với luật sư Cù Huy Hà Vũ (khi ông ra ứng cử chức Bộ Trưởng Văn Hóa) hay đơn giản là ngay với bản thân người viết bài này và tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà người viết là thành viên. Rất đáng nói là những chỉ trích đến từ "phe ta", tức là những người đang đấu tranh cho dân chủ !

"Muốn" là một chuyện còn "được" hay không lại là một chuyện khác. "Muốn" khác với "đòi". "Đòi" cho mình những cái không phải hoặc chưa thuộc về mình là điều vô lý và cần chỉ trích nhưng "muốn" và cố gắng để đạt đến những cái mong muốn lớn lao hơn một cách lành mạnh là điều cần khuyến khích. Việc người nào đó "muốn" ứng cử vào chức vụ nào đó trong bộ máy nhà nước là việc cần khuyến khích, vì đây là sự thể hiện trách nhiệm công dân cao. Còn họ có đạt được điều đó không thì họ phải trình bày kế hoạch của mình (như thí sinh khi đi thi) để người dân (giám khảo) đánh giá (chấm điểm). Được chọn (thi đỗ) vào một vị trí nào đó trong chính quyền hay không là quyền của người dân, tức giám khảo. Hoàn toàn dân chủ, sòng phẳng và rõ ràng. Không có gì là "ảo tưởng" hay "tham vọng".

Với bản thân người viết thì cho rằng khi đã tham gia vào một tổ chức thì phải tin vào sự trong sáng và đứng đắn của tổ chức đó, tin vào lãnh tụ của tổ chức đó, tin vào tương lai tốt đẹp mà tổ chức đó có thể mang lại. Người viết chia sẻ và đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng rằng mỗi người trong chúng ta thay vì làm "nạn nhân" của xã hội hiện nay thì hãy làm "tác nhân" để thay đổi xã hội đó. Và để làm được điều đó thì chúng ta phải tham gia tích cực và thành tâm vào một chính đảng nào đó, bởi vì chỉ có một "chính đảng đúng nghĩa" mới có thể là "phương tiện để thể hiện một tư tưởng chính trị và thực hiện một dự án chính trị" (xem "Tiến tới một văn hóa tổ chức", Nguyễn Gia Kiểng, TL 170, tháng 4-2003).

Làm thế nào để phát hiện ra "lãnh tụ", và Việt Nam có thể có những lãnh tụ xuất sắc không ? Đầu tiên chúng ta phải đồng tình với ông Hoàng Giang rằng "khủng hoảng lãnh tụ" là vấn đề quan trọng và vô cùng nghiêm trọng bởi vì "sau khủng hoảng lãnh tụ thì có thể dẫn đến sự sụp đổ của một quốc gia, hoặc sự tiêu vong của một dân tộc" (Hoàng Giang). Trong bài "Tiến tới một văn hóa tổ chức", ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng : "Một dân tộc thông minh biết nhìn ra những người xứng đáng trong vai trò lãnh đạo. Không thiếu những người có khả năng lãnh đạo, nhưng chúng ta không nhận diện được họ vì một lý do văn hóa. Chúng ta coi vai trò lãnh đạo như một phần thưởng cho những người có công, thay vì một trách nhiệm khó khăn đòi hỏi những người có khả năng. Nhưng trong hoàn cảnh bi đát của đất nước hiện nay, ai có công ? Và chúng ta lẩn quẩn trong bế tắc"
.
Như vậy chỉ có một môi trường dân chủ, thật sự tự do và công bằng mới có thể xuất hiện được những lãnh tụ tài năng và có viễn kiến để chèo lái con thuyền đất nước. Muốn trở thành lãnh tụ của quốc gia thì đầu tiên người đó phải là lãnh tụ của những chính đảng thật sự. Không nhất thiết người đó phải "thần thánh" như trong trí tưởng tượng của một số người. Nhân vô thập toàn, không ai có thể hoàn thiện được tất cả mọi mặt nhưng là lãnh tụ thì nhất định phải có lòng bác ái, biết thương dân, phải có năng lực lãnh đạo thật sự.

Người lãnh tụ đó phải có một chính đảng đủ mạnh và thật sự đoàn kết để hậu thuẫn. Quan trọng hơn tất thảy, người lãnh tụ phải có và nắm rõ lộ trình để có thể dẫn dắt dân tộc đi không chệch hướng. Lộ trình đó, cương lĩnh, đó tư tưởng chủ đạo đó phải được xây dựng trên các giá trị nền tảng mà cả thế giới thừa nhận và tất cả đa số mọi người Việt Nam đồng tình ủng hộ. Số phận của dân tộc không thể để một cá nhân hay một nhóm người tùy tiện quyết định và mang ra thí nghiệm mà phải rõ ràng, cụ thể và có sức thuyết phục.

Một cách cụ thể hơn, một lãnh tụ mới của quốc gia phải đưa ra được những "đồng thuận nền tảng" cho đất nước, ví dụ, đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là gồm bốn điểm : "đất nước phải được quan niệm như một không gian liên đới và một tương lai chung, thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên, tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc, cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân". (Thành Công Thế Kỷ 21, Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - Phần III : Đồng thuận nền tảng cho một cố gắng quốc gia mới).
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rõ ràng rằng : "để phát triển đất nước, và trước hết là phát triển kinh tế, chúng ta cần một thể chế dân chủ, một nhà nước pháp trị, một sinh hoạt kinh tế thị trường, một sự tôn trọng tuyệt đối ý kiến và sáng kiến cá nhân, một niềm tin mạnh mẽ vào con người. Thể chế đó sẽ làm nảy nở óc sáng tạo, tinh thần cầu tiến, tinh thần trách nhiệm. Nhưng chúng ta cũng cần một cố gắng văn hóa quan trọng để thượng tôn những giá trị của tiến bộ và đưa những giá trị đó vào tâm hồn và phản xạ của mọi người. Những giá trị đó là hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, nhà nước pháp trị, hợp tác, lợi nhuận liên đới và môi trường".

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tin rằng "tấm bản đồ" tức lộ trình đi tới tương lai của Việt Nam mà chúng tôi "giới thiệu" qua dự án chính trị của mình là đúng đắn và có thể làm được vì nó đơn giản, dễ hiểu và hoàn toàn thành tâm. Chúng tôi muốn "bài thi" của mình được dân tộc Việt Nam chấp nhận để chúng tôi có cơ hội thực hiện dự án của mình. Chúng tôi tin rằng đất nước sẽ hồi sinh và mỗi người trong chúng ta đều có quyền sống như những con người văn minh, có nhân phẩm và được bạn bè trên thế giới tôn trọng. Chúng tôi cũng mạnh mẽ tin rằng qua các "cuộc thi" dân chủ và minh bạch dân tộc Việt nam sẽ tìm ra được những lãnh tụ thật sự. Chúng tôi sẽ tôn trọng và hết lòng ủng hộ bất cứ sự lựa chọn nào của đa số người dân Việt Nam.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

© Thông Luận 2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn