BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Danh Ná

11 Tháng Mười 20188:52 SA(Xem: 6376)
Danh Ná
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31

NHỮNG DÒNG VÀO TRUYỆN

Truyện Danh ná thuộc loại truyện “những đứa trẻ con không muốn lớn” mà bố tôi có ý định viết hàng trăm cuốn. Mỗi cuốn bố tôi giới thiệu một nhô con cự phách và dễ thương ở một địa phương. Để nhô con cả nước Việt Nam hiểu nhau, yêu nhau và thấy được rằng quê hương mình chỗ nào cũng đẹp, chỗ nào cũng hiền hòa. Nhưng việc làm của bố tôi bị ngừng lại từ tháng 5 năm 1975. Danh ná đã viết xong và đã quảng cáo sẽ phát hành. Buổi chiều ngày 8 tháng 4 năm 1976, khi người ta đến “mời” bố tôi “đi chơi xa”, người ta đã quên mất thằng Danh ná, không giải nó theo. Do đó, Danh ná, đứa trẻ con may mắn, còn nguyên vẹn những giàn ná, con gà tre, chiếc bè, bằng hữu, tuổi thơ và mộng ước. Và tôi, tôi có bổn phận giấu kỹ thằng Danh ná trong nhà tù mà tôi tự phong mình làm…chúa ngục ! Ngày 11 tháng 9 năm 1981, bố tôi về. Nhà tôi đã trải qua một cuộc biển dâu ghê gớm. Nhiều thứ đã mất mát, kể luôn ngót năm mươi cuốn sách của bố tôi bị ăn cướp ở nước Mỹ, những cuốn sách mà, vì viết ra chúng, bố tôi bị lưu đầy 2007 ngày rưỡi!

Nhiều thứ đã đem đổi chác lấy gạo, sắn, ngô, khoai. Nhưng Danh ná vẫn là đứa trẻ con không muốn lớn, không muốn mất chút xíu hồn nhiên, trong sáng, tinh nghịch nào. Bố tôi, hầu như quên nhiều chuyện. Ông trầm lặng và buồn bã khác hẳn ngày xưa. Chẳng khi nào, từ hôm trở về, bố tôi nhắc chuyện văn chương chữ nghĩa. Nên tôi chả dại gì khoe thằng Danh ná với cái bè đã ghép xong. Bè của Danh ná không để vượt biên đâu. Nó chẳng sợ gì bọn cướp biển Thái Lan man rợ. Nó chỉ sợ xa quê hương. Xa quê hương là xa tất cả, là đứt rời dĩ vãng, kỷ niệm, là một thứ gì đó nổi trôi trên dòng sông nước mắt chảy xiết không tên tuổi. Danh ná nhất định ở lại Việt Nam với Dzũng Đakao, Bồn lừa, Hưng mập... Tôi giấu bố tôi đem thiên anh hùng ca của nó, đem giấc mơ thắp sáng Việt Nam của nó theo tôi. Dĩ nhiên, Danh ná không thể nào so sánh với Thằng Vũ tuyệt vời được. Nhưng với riêng tôi, Danh ná là cái gì tôi còn giữ lại cho bố tôi sau cuộc phần thư * ở quê nhà và sau những âm mưu ăn cướp của đám bất lương ở quê người.

Thưa bố, những trang bản thảo Danh ná con biết bảo vệ năm con mười một tuổi. Năm nay, con đã mười tám rồi. Con xin bố tha thứ cho con cái tội đã trót giấu bố đem thằng Danh ná sang Pháp mong cho xuất bản công khai, không cần ký ẩn dưới bút hiệu nào khác. Xuất bản Danh ná, mục đích khờ khạo của con gái bố chỉ muốn nói lên điều này : “Bố tôi viết chuyện con nít đòi chiếm lại đảo Hoàng Sa, không chịu để mất một tấc đất cho kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa mà tại sao người ta dám bảo bố tôi phản động !”

Paris, 12/09/1982
Thiên Hương

Chú thích: * Phần thư : Đốt sách vở. Chỉ tội ác của Tần Thủy Hoàng thời xưa, đó là tội ác Phần thư khanh nho (đốt sách, chôn học trò).

Danh Ná

Nếu Danh ná đã xuất bản trước ngày tôi trốn khỏi Việt Nam, những dòng vào truyện sẽ như thế. Nhưng vợ con tôi đã ngần ngại. Do đó, Danh ná mãi tới ngày hôm nay mới xuất hiện. Và tôi bắt buộc cần có lời thêm. Truyện Danh ná tôi khởi viết ngay sau khi Trung Cộng tấn chiếm đảo Hoàng Sa, và Hoàng Sa, thuở đó còn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Thuở đó, Hà Nội đã cúi gầm mặt, im hơi lặng tiếng trước cuộc xâm lăng bỉ ổi này. Chương thứ nhất của Danh ná đã đăng trên Tạp chí Tuổi Ngọc. Bìa sau tiểu thuyết Cám ơn em đã yêu anh cũng đã quảng cáo Danh ná với mẫu bìa của Đinh Tiến Luyện. Thực sự tôi chưa viết xong Danh ná.

Nhưng vợ con tôi qua Pháp, tôi muốn giúp vợ con tôi có chút tiền còm và nghĩ rằng Danh ná là truyện tuổi thơ hiền lành, dẫu phổ biến ở ngoại quốc sẽ chẳng sao cả. Vậy thì tôi đã viết tiếp từ chương thứ năm và gửi lén sang Pháp, cùng với Đồi Fanta gửi lén sang Anh.

Từ chương năm tới chương cuối, tôi khéo léo trả lời bọn ngự sử văn học mác xít khi họ mỉa mai tôi : Yêu nước không bao giờ là vẽ ra mộng ước cho tuổi thơ, để tuổi thơ biết làm đẹp quê hương. Cũng chẳng bao giờ là vinh quang tưởng tượng ở những trận đá bóng chinh phục sự ngưỡng mộ Việt Nam của thế giới.

Bọn ngự sử văn học cho rằng, tuổi thơ yêu nước là phải biết ôm súng, cầm lựu đạn chống Mỹ cứu nước. [Những tên biệt kích trong mặt trận tư tưởng văn hóa miền Nam, Sự Thật, Hà nội 1980]. Tôi định sửa vài đoạn, viết thêm vài đoạn mới cho Danh ná, nhưng sợ làm phai chất hồn nhiên của Danh ná và bạn hữu của nó. Và tôi muốn cho xuất bản giống hệt bản thảo viết trên giấy xã hội chủ nghĩa, ở nhà người bạn đường Nguyễn Huỳnh Đức, quận Phú Nhuận.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hào, sau ba mươi năm hò hét, khoe khoang, cộng sản chưa đào tạo nổi một tay nào viết truyện tuổi thơ quyến rũ tuổi thơ như tôi. Tôi tin tưởng, rồi người ta sẽ quên những Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… Để chỉ còn nhớ Dzũng Đakao, Chương Còm, Bồn lừa, Danh ná…

Paris 6/1985
DUYÊN ANH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn