BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77087)
(Xem: 63199)
(Xem: 40597)
(Xem: 32236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Còn may là xăng dầu không dễ thiu thối như thịt cá

12 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 921)
Còn may là xăng dầu không dễ thiu thối như thịt cá
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hêt 5 tháng, cả nước phải nhập 4,5 triệu tấn xăng dầu với số ngoại tệ bỏ ra là 4,5 tỷ USD. Hết tháng 8, lượng nhập khẩu tăng lên 7,1 triệu tấn. Riêng trong tháng 9, 454 triệu USD được bỏ ra để nhập 750 ngàn tấn. Con số nhập khẩu của tháng 9 bằng đúng lượng xăng dầu mà PVN đang tồn kho từ ít nhất 2-3 tháng nay, chưa kể đến 2 triệu m2 khí.

750 ngàn tấn, 454 triệu USD xăng dầu tồn kho. Có lẽ sinh động nhất là bằng lời than vãn của chính lãnh đạo PVN rằng: Tồn kho lớn đến mức “không còn chỗ chứa”. Và chính vì “Không còn chỗ chứa”, đến mức sắp phải ngừng hoạt động nên PVN mới bất đắc dĩ phải kêu, và may mắn thay, qua đó Bộ Công thương cũng như dư luận mới nhìn thấy cái đuôi “độc quyền sản xuất”, trong điều kiện cơm không lành canh không ngọt với “cái đầu”, cũng độc quyền, là phân phối.

Từ mấy hôm nay, Bộ Công thương và PVN cuống cuồng tìm cách tháo gỡ bởi cứ cái đà tồn kho như hiện nay, chẳng chóng thì chày Dung Quất sẽ phải cắt giảm sản lượng, thậm chí dừng hẳn sản xuất. Và với lý do “tồn kho”, là do Petrolimex không mua hết lượng xăng dầu sản xuất, Bộ Công thương liền tìm cách ép tập đoàn độc quyền đầu ra, với hơn 60% thị phần phân phối này phải tăng gấp đôi mức tiêu thụ. Nhưng Petrolimex cũng không phải tay vừa. Họ cho rằng PVN khi tăng sản lượng của Dung Quất lên đến 20-30% đã chả có kế hoạch, cũng không có thông báo, vì vậy, với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng và nhu cầu trong nước, P đã ký hợp đồng với nước ngoài đến hết năm. Mà hợp đồng là hợp đồng đâu phải hôm nay ký, mai phá bỏ được. Phó tổng giám đốc Petrolimex, bà Đàm Thị Huyền đe dọa một cách lạnh lùng: Nếu phải huỷ hợp đồng với đối tác xăng dầu bên ngoài, để mua xăng dầu của Dung Quất, thì thiệt hại sẽ “rất lớn”. Ngay cả việc Bộ Công thương yêu cầu giảm nhập khẩu xăng, để giải quyết tồn kho cho PVN cũng không dễ, vẫn vì chuyện hợp đồng đã ký. P từ chối có lý do, từ các nguyên tắc kinh tế tối thiểu. Và lý do đó không dễ bắt bẻ thậm chí là bằng mệnh lệnh hành chính. Bởi vì yêu cầu tăng gấp đôi lượng tiêu thụ của Dung Quất, có nghĩa là họ phải bán gấp đôi lượng xăng dầu ra thị trường, có nghĩa là đẩy bài toán ế thừa ở Dung Quất cho thị trường. Xem ra bây giờ chỉ còn cách yêu cầu nhân dân khẩn cấp tăng gấp đôi lượng tiêu thụ nhiên liệu.

Nhưng nguyên nhân sâu xa không phải là chuyện gì mới. Rất dễ hiểu là khi nắm nhà máy lọc dầu hiện đại nhất Việt Nam với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, tức là nắm độc quyền nguồn sản phẩm trong nước, PVN lại chỉ định Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), một công ty con của mình được độc quyền bao tiêu sản phẩm. P một ông lớn thực sự trong “làng tiêu thụ” muốn có xăng dầu trong nước phải qua cửa PV Oil. Và với 65% hệ thống tiêu thụ, phân phối trong tay, P sẵn lòng cho PVN một bài học về tầm quan trọng của độc quyền. Độc quyền đào lên để bán chắc gì đã bằng độc quyền phân phối. P đã thế, đàn em của P, những người ghét cay ghét đắng nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào P về chuyện giá bán lẻ trong nước, miệng thì nói đăng ký mua của Dung Quất nhưng thực lòng chắc cũng chẳng mặn gì. Tại sao phân phối lại phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ế thừa trong sản xuất khi giá xăng dầu, được coi là nội địa, chắc gì đã rẻ hơn nhập khẩu, chắc gì đã phải chi hoa hồng ít hơn, chưa nói đến việc đi lại, thủ tục nội địa vốn đã nổi tiếng về khả năng hành hạ đối tác. Cũng còn may là xăng dầu không dễ thiu thối như thịt cá.

Cũng lại chuyện độc quyền, trong khi PVN kêu ca vì ế thừa thì TKV lại thanh minh cho việc thiếu nguồn cung cho các nhà máy xi măng. Các nhà máy xi măng hiện cần 5.000 tấn than cám để có thể đỏ lửa mỗi ngày. Trong khi đó, TKV, một tập đoàn độc quyền trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh, xuất nhập khẩu than lại chỉ “cho” họ mua được một nửa. Và vì thế các lò nung bắt đầu ngừng hoạt động, các nhà máy, từ Bút Sơn, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Tam Điệp, cho đến Hải Phòng, Hà Tiên đang đứng trước thảm họa phải đóng cửa. Tất cả những thanh minh thanh nga của TKV có thể gói gọn rằng: Chuyện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nói là thiếu than cho sản xuất xi măng có thể là thật vào thời điểm này, nhưng chiếu theo các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng kinh tế được ký kết giữa hai bên thì lỗi thiếu than không phải do TKV không cung cấp”. Chuyện cái hợp đồng lại được đưa ra, nhưng mà trong một thái cực ngược hoàn toàn cho vụ ế xăng dầu. Sự thiếu hụt nguồn nhiên liệu cho sản xuất này lại được đặt trong hoàn cảnh 18 triệu tấn than TKV đã và đang xuất khẩu trong năm nay. Trong hoàn cảnh mà chính TKV cũng đang đi nhập than cho các nhà máy nhiệt điện trong hệ thống của mình. Hồi cuối năm 2009, bộ Công thương “tính toán” rằng, đến năm 2015 Việt Nam mới phải nhập than. Nhưng sự loạn xạ trong việc điều phối xuất nhập mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia đã làm nguy cơ này đến sớm những 4 năm. Tất tất là tại sự độc quyền. Tất nhiên, cả vai trò “nhạc trưởng” trong điều tiết vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia.

Đào Tuấn

12-10-2010

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn