BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời ở tuổi 101

02 Tháng Mười 20186:43 SA(Xem: 1936)
  • Tác giả :
Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời ở tuổi 101
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Đỗ Mười, nguyên lão kỳ cựu nhất của Đảng Cộng sản Việt hiện tại, vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 101 tuổi, báo chí Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tin vào rạng sáng thứ Ba ngày 2/10.

Theo báo chí Nhà nước thì ông Mười qua đời vào tối ngày 1/10 tại Bệnh viện Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Ông Mười đã kinh qua những vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam: cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) và cựu Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ông hai lần được bầu giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ 7 (1991) và thứ 8 (1996). Tuy nhiên, khi chưa đi được giữa nhiệm kỳ hai thì vào hội nghị trung ương 4 (khóa 8) vào tháng 12 năm 1997, ông Mười từ chức để nhường cho ông Lê Khả Phiêu lên thay. Khi đó ông Mười được cho là ‘tình nguyện thoái lui’ để tạo điều kiện cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.

Ông Đỗ Mười phát biểu sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 8 vào năm 1996
Ông Đỗ Mười phát biểu sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 8 vào năm 1996

Sau đó, ông Mười được cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, cùng thời với hai Cố vấn khác là các ông Lê Đức Anh (cựu chủ tịch nước) và Võ Văn Kiệt (cựu thủ tướng).

Tuy nhiên đến Đại hội 9 (2001), khi ông Lê Khả Phiêu bị mất chức Tổng bí thư mà nhiều luồng tin tức chưa được xác nhận cho là do tác động của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh thì cả ba vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương, trong đó có ông Mười, đều bị bãi chức.

Trước khi leo lên đến vị trí cao nhất của Đảng, ông Mười từng kinh qua các vị trí Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Nội thương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá, Phó thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết Cơ bản, Bộ trưởng Xây dựng, phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống) sinh năm 1917, nguyên quán ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông hoạt động cho Đảng Cộng sản từ khi ông 19 tuổi, tham gia vào Mặt trận Bình dân và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1939. Ông từng bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù tại nhà tù Hỏa Lò nhưng sau đó bốn năm ông vượt ngục thành công.

Trong những năm kháng Pháp, ông Mười chủ yếu hoạt động tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và lần lượt làm bí thư các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hải Phòng.

Ông Mười là một trong những tổng bí thư ít học nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tiểu sử chính thức do Đảng công bố thì ông xuất thân trong gia đình trung nông, nhưng nhiều nguồn tin không chính thức nói rằng ông xuất thân làm nghề thiến lợn.

Ông thuộc thành phần bảo thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với lập trường quyết liệt trong việc đánh đổ đế quốc và xóa bỏ bóc lột cũng như kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Sau khi quân đội miền Bắc tiến vào miền Nam năm 1975, ông Mười khi đó là phó thủ tướng đã được bổ nhiệm là ‘Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa’. Do đó, ông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc ‘đánh tư sản’ khiến cho nhiều gia đình tư sản và phú hộ ở miền Nam mất hết tài sản và tan nát nhà cửa.

Ông lên làm tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Văn Linh trong giai đoạn đất nước có nhiều chuyển đổi sâu sắc sau khi Đảng quyết định từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và tiến hành quá trình đổi mới mở cửa cho kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Thời gian đầu sau khi về hưu, ông Mười vẫn xuất hiện tại những sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng trong những năm gần đây, ông hầu như biến mất khỏi công chúng và chỉ xuất hiện khi ông được các lãnh đạo đương nhiệm như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm hỏi.

Ông Mười qua đời vào lúc Việt Nam vừa tổ chức quốc tang cho ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước mất khi đang đương nhiệm, cách đó vài ngày. Trước đó, sau khi ông Quang qua đời, trên mạng xã hội cũng đã xôn xao tin tức về ông Mười cũng đã qua đời nhưng không cho công bố. Tuy nhiên thông tin này sau đó đã bị báo chí chính thống trong nước bác bỏ.

Hiện chưa có chi tiết về tang lễ cho ông Mười, nhưng nhiều khả năng với vị trí và vai trò của ông trong Đảng, tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất là quốc tang. Nếu như thế thì Việt Nam sẽ trải qua hai quốc tang chỉ trong vòng có vài ngày.

Lúc ông Mười qua đời cũng là lúc các ủy viên trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp ở Hà Nội chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 8 sẽ khai mạc vào sáng thứ Ba ngày 8/10 với công tác nhân sự là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo.

Như vậy, sau khi ông Mười ra đi thì Việt Nam chỉ còn hai vị cựu tổng bí thư còn tại thế là các ông Lê Khả Phiêu và ông Nông Đức Mạnh. Một vị nguyên lão khác là ông Lê Đức Anh (cựu chủ tịch nước thời ông Mười làm tổng bí thư và là cộng sự thân cận của ông Mười) cũng đang được điều trị tại Bệnh y Quân Y 108.

2/10/2018
Nguồn VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn