BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chén Cơm Chờ Chết

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1433)
Chén Cơm Chờ Chết
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
- Báo cáo cán bộ... ộô... ộ... ô!!! Buồng 13 xin cấp cứu... ứu... ứ... ú!!!

Trong cái yên tĩnh của đêm đen lạnh lùng và cô tịch, giữa núi rừng hoang vắng, tiếng báo cáo của những người tù đang đói ăn mà vẫn phải gào to vì đó là vấn đề sinh tử của một người bạn cùng cảnh ngộ. Thế nhưng, tiếng kêu gọi đầy màu sắc nài nỉ đó sẽ mất hút vào vách núi đá và lá rừng bao quanh trại sau một vài lần vang đi vội lại nếu không được bạn tù của những buồng kế cận tiếp âm chuyển đến cán bộ trực trại. Âm thanh những lời báo cáo trên đây, từ buồng này chuyền sang buồng nọ, đi lần đến phòng "trực ban" của trại chẳng khác gì hình ảnh của một con cóc nhảy từ bụi rậm này sang hốc đá kia. Một phương tiện thông tin vô cùng thô sơ giữa lòng thế kỷ XX, chuẩn bị bước sang XXI và trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "anh hùng"! Tiếng kêu cứu vang dội đêm đen đó đem lại cho người nghe cảm thấy rùng rợn như đang sống trong một thời kỳ ma quái, xuất phát từ cái rung động của nó trong bầu không khí cô liêu mông quạnh và nhất là từ nỗi đau đớn của người tù ở điểm khởi hành của lời báo cáo.

Trại tập trung tù cải tạo nào cũng vậy, phần lớn thường nằm trong lòng chảo của một vùng đồi, rừng núi bao quanh theo hình chữ C hoặc chữ U. Trấn thủ ở nơi mở ngõ của chữ C hay chữ U là khu doanh trại của bộ chỉ huy và nhà ở của cán bộ "khung". Qua sắp xếp như vậy, trại chính danh giam tù kể như bị bao vây tứ phía. Ở vùng đồi núi, đất trống đâu có nhiều nên những buồng ở của tù rải rác khắp vùng đồi, cái nằm khuất dưới thung lũng, cái thì trên mỏm đồi con, khó có trường hợp tất cả các buồng cùng nằm trên một mặt bằng. Do đó, tiếng kêu cứu bệnh phải vất vả lắm mới đến tai cán bộ trực trại có phận sự trong đêm. Chưa kể trường hợp ông ta ngủ say, trùm kín vì mức độ lạnh lẽo của núi rừng.

Tiếng kêu cấp cứu đêm đó mãi lâu sau mới được đáp nhận bằng một giọng ngáy ngủ đầy bực tức của cán bộ trực trại:

- Nghe rồi, nàm gì mà gọi nắm thế!

Hầu hết những người tù cải tạo của các buồng trong khu giam đều thức giấc với tiếng báo cáo đó, lo âu cho người bạn ốm đau hiện tại và cho phận mình trong tương lai. Kêu cấp cứu cho buồng 13, con số không hên, thì ai cũng nghĩ rằng:"Chắc là nó rồi!"

Mấy hôm nay dư luận trong trại mơ hồ loan đi rằng dạo này "Nó" suy sụp và bệ rạc vô cùng. Từ một thanh niên lực lưỡng khỏe mạnh, điển trai, cột trụ của đội "cơ động", nay "Nó" chỉ còn là một bộ xương cách trí lê lết lẩn quẩn quanh chỗ nằm, sau một cơn bịnh phù vì suy dinh dưỡng. Hôm trước đây, có người đi khám bệnh ở "trạm xá" một lượt với "Nó" về cho biết tình hình là bây giờ "Nó" xệ kinh khủng, toàn thân phù to, hai chân nặng như chì cử động không nổi, còn hòn bi của bộ phận thầm kín to gần bằng quả dừa xiêm! Vậy mà cán bộ quản giáo của đội chưa chấp nhận đưa "Nó" vào "biên chế" đội "xi-cà-que" của những người bệnh hoạn ốm yếu mà vẫn giữ "Nó" lại đội gốc, để phụ trách "canh tác cải thiện" cho đội vì sợ mất sĩ số lao động, có ảnh hưởng xấu đến quá trình "thi đua"! "Nó" còn có bí danh "Phong-Giặc-Nái", một biệt hiệu mà anh em tù cải tạo, từ trại nào không ai còn nhớ nữa, đặt cho "Nó" theo điệu nói và cung cách phát âm vần "Lờ" thành "Nờ" của cán bộ cộng sản ở chữ "lái". Sở dĩ có tên tục đó cho "Nó" là vì cộng sản gọi người lính không quân Việt Nam Cộng Hòa là giặc lái.

Trước ngày "đứt phim" của Việt Nam Cộng Hòa, Phong là trung úy không quân, lái chiến đấu cơ A1H thuộc phi đoàn 214 và nằm trong thành phần mà tử vi tướng số gọi là "đào hoa chiếu mệnh". Vào buổi hưng thời đó, Phong có một ngoại hình rất đẹp mà người trai trẻ nào cũng ước mơ vì anh là khách hàng thường xuyên của phòng thể dục thẩm mỹ trong căn cứ. Đẹp trai, nhà giàu, học giỏi lại sĩ quan không quân loại chải chuốt, cười nói có duyên, ăn mặc là lượt nên các kiều nữ Sài Gòn đã đặt Phong lên mục tiêu hàng đầu, phải chiếm cho bằng được. Về phía Phong thì tự cho rằng đã là sĩ quan không quân thì phải giữ đúng truyền thống quân chủng là "hào hoa phong nhã" đúng mức, coi sự chinh phục như là lẽ sống đời mình. Đã lên trời thì phải chiếm mục tiêu được chỉ định trong chiến thuật và chiến lược, trong đời thường thì phải thu phục phái đẹp một khi đã giã từ trời mây hạ cánh đáp. Hai xu thế nam nữ gặp nhau như hai cực nam châm khác tên nên cuộc đời tình ái của Phong nhiều khi cũng phong ba bão táp, đúng như than phiền của các bà vợ không quân là: "Sống thì làm khổ vợ, chết thì làm phiền lòng giai nhân!" Tình cảm đa nguyên, đa dạng nhưng cho đến ngày "sập tiệm, nghẽn lối đường mây", Phong vẫn cứ độc thân, thui thủi một mình một bóng trên đường đời, mặc dù cha mẹ Phong luôn mong mỏi sớm có một tí cháu nội để nối dõi tông đường.

Trong những ngày đi tù cải tạo, Phong cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết vì khi "Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, quăng máy bay đi trại tập trung" thì những người em thơ mộng ngày trước của Phong đã phương trời biền biệt! Lắm thầy thối ma, nhiều đào chẳng ai ngó ngàng một khi đã sa cơ thất thế. Một số em theo gia đình di tản ra ngoại quốc, số khác thì vội vã đi lấy chồng vì sợ bọn cầm quyền cộng sản mới lên ngôi ép buộc phải chấp nhận những anh "binh tròn" mất tay, cụt chân, làm chồng, như tin đồn khi "cách mạng" vào thành phố. Một con người khỏe mạnh vạm vỡ như Phong trước kia mỗi sáng lót lòng tối thiểu phở "tàu bay" cũng phải hai tô cỡ B-52 vậy mà vào trại rồi chỉ đành hài lòng với mỗi tháng 15 kí gạo mốc đong non chan "nước đại dương", một loại nước muối pha loãng cộng thêm vài gắp rau luộc và năm khi mười họa một miếng thịt mỡ to cỡ ngón tay! Trong khi đó thì suốt ngày, một tuần sáu ngày có khi cả bảy ngày với ngày chúa nhựt mà trại gọi là "ngày thứ bảy cộng sản", thậm chí tám ngày nếu phải lấy đêm làm ngày vượt mức lao động xã hội chủ nghĩa! Những ngày công như vậy, Phong phải quần quật với những thân cây to tướng, những bó củi rợn người, lại thêm lập thành tích chào mừng này nọ nên cơ thể của Phong phải "khắc phục" tự túc, lấy thân nuôi thân bằng chất dinh dưỡng mà lục phủ ngũ tạng Phong đã tích lũy được trong mấy mươi năm đời mình, trước khi "Bác và Đảng về giải phóng" đưa vào trại tập trung cải tạo! Túng thì phải tính, nhất là túng quẫn vì miếng ăn khi bụng đói cào. Bao tử quyết định tất cả về con người, thậm chí lấn lướt cả lý trí. Cộng sản đã vận dụng nguyên tắc này để quản lý tù cải tạo, ngoài lý do thiếu kém lương thực thực phẩm cố hữu của ý thức hệ. Nhu cầu đòi hỏi quá mạnh mà số cung thì chẳng có bao nhiêu nên "Nó" phải tìm mọi cách để trám đầy dạ dày ngày đêm đòi hỏi, chớ không lẽ thụ động chờ chết? Lúc bình thường còn sinh hoạt trong đội cơ động, tiêu chuẩn ăn hàng tháng của "Nó" là 15 kí. Nay bệnh hoạn và bị "bố trí" canh tác cải thiện ở vườn rau của đội, "Nó" chỉ còn được hưởng tiêu chuẩn 13! Đã đói lại càng đói thêm. Thực tế ra chưa chắc con người "Nó" đã đói đến như vậy nhưng chính cái tâm lý đói làm tăng thêm cảm giác đói trong "Nó". Thế là những đám rau má hoang dại được "Nó" nhổ về hằng ngày để độn vào phần cơm tiêu chuẩn, sau khi chia ra mỗi người chưa được một chén. Ngần ấy cơm đem trộn lẫn với gần một thau rau má người ta chỉ thấy xanh rau nhiều hơn trắng gạo nhưng cũng tạm thời thỏa mãn cảm giác thiếu đói. Bữa ăn nào của "Nó" cũng là một "nghi lễ" trang trọng. "Nó" ngồi ăn ngon lành, chậm rãi, lấy muỗng lựa từng hột cơm một đưa vào miệng riêng rẽ để thưởng thức tận cùng chất ngọt của hột cơm. Hơn nữa cũng để kéo dài niềm "hạnh phúc" bé nhỏ hằng ngày. Đến lượt rau thì "Nó" dồn đầy mồm để tìm lấy cảm giác nhiều ăn mạnh nuốt, đánh bạt mặc cảm thiếu cơm! Ngay trong bữa ăn, "Nó" cũng phải đóng kịch tự dối mình, biết đâu chẳng là một cung cách sống của "con người mới xã hội chủ nghĩa" mà chương trình cải tạo tư tưởng của cộng sản muốn "Nó" tiếp nhận? Có nhiều khi ngồi ăn "Nó" nhớ lại những ngày còn thơ ấu khi được bà ngoại đút cơm. Bà thường nhủ rằng: "Mỗi hột cơm là một hột ngọc Trời cho." Bây giờ "Nó" mới thấy rõ chân giá trị của lời nói mà thuở ấy chỉ vào lỗ tai này để ra phía bên kia. Trong những lúc đầy đủ ngày trước, cơm gạo chẳng là gì hết đối với Phong, cùng lắm cũng là một chất để ăn cho phải lẽ, để đưa thức ăn vào bộ máy tiêu hóa phù hợp với nhu cầu người Việt Nam. Có cơm cũng được mà không có thì cũng chẳng sao. Nay thì những gì bị khinh thường trước kia lại trở nên nhu cầu sinh tử! Thời buổi bây giờ đã khác, không những khác về ý thức hệ mà còn khác về nỗi đầy vơi của cái bao tử. Cơm là một thức ăn vô cùng quan trọng dù chỉ là cơm lạt không thôi. Suốt ngày trong trại, từ khi mở mắt cho đến lúc đi ngủ, thậm chí ngay trong giấc mơ, "Nó" chỉ nghĩ đến phần cơm tiêu chuẩn. Một chén cơm đã ăn rồi còn thấy đói, vẫn thấy thòm thèm, nuốt khỏi cuống họng rồi vẫn thấy như chưa ăn, nôn nóng chờ giờ cơm sắp tới! "Nó" chợt hiểu ra rằng tại sao có những trường hợp người ta lại chém giết nhau vì miếng ăn. Khi đói, tâm trí cùng quẫn, không thể mà cũng không muốn nghĩ làm gì nữa đến những chuyện cao xa, đội đá vá trời hay dời non lấp biển.

Người đói mãi mãi bị chén cơm tiêu chuẩn ngày đêm ám ảnh. Không ăn thực tế được thì người ta phải bàn luận về miếng ăn. Đêm đêm chui vào mấy lớp mền nằm co quắp như tôm kho tàu trên ổ rạ rơm để chống lại cái lạnh trời đông tháng giá của những ngày rét ngọt có gió mùa đông bắc, bụng đói cào vì phần ăn ban chiều đã tiêu tan, anh em tù kể cho nhau nghe những cuộc liên hoan nhậu nhẹt dưới thời Sài Gòn cũ. Người ta ăn bằng hàm thụ, người ta chỉ cho nhau trong trễ muộn tiệm nào có món vịt tìm ngon, quán nào có món nhậu "hết xẩy", nhà hàng nào bán cơm Tây bình dân nhưng độc đáo... Có nhóm lại diễn trò "bà Quốc Việt" mở lớp dạy nấu ăn, người nói, người chép chép ghi ghi đầy cả tập giấy chẳng biết để làm gì? Tâm trạng người đói cũng là một hình thức mất trí. Đừng nghĩ tới cái đói thì sẽ đỡ đói hơn. Càng nghĩ đến, nó lại càng giày vò ta quá lắm. Nếu không bị chế ngự, cái đói sẽ là một ma lực bất kham, bướng bỉnh. Nó sẽ đưa đối tượng của nó đến những hành vi mà bình thường được cho là hèn hạ, nhục nhã.

Vậy mà không hiểu tại sao khi bụng đói lý trí lại có những lực đẩy kỳ quái như thế? Một hôm, trên đường từ suối lên buồng giam khi đi ngang qua đống khoai mì nhà bếp bỏ ra để nuôi heo, mắt "Nó" bị một củ khoai tương đối to tốt thu hút. "Một củ sắn như vầy mà bỏ cho lợn ăn thì phí thật"! "Nó" nghĩ vậy và từ ý nghĩ đến hành động không bao xa khi bụng đói đang cồn cào và miếng ăn lại đang trước mắt. Không một bóng người quanh đó, "Nó" lanh tay cho củ khoai vào túi áo để mai sáng ra vườn nổi lửa nấu, cũng đỡ đói được một lần. Việc làm của "Nó" bị phát giác. Trong buổi sinh hoạt đội tối hôm sau, "Nó" bị đưa ra phê bình và bị bắt làm kiểm điểm. Kết quả "Nó" bị kỷ luật, cắt một kỳ viết thơ cho gia đình và hạ tiêu chuẩn lương thực còn 12 kí trong một tháng! Đã thiếu ăn lại còn bị cắt giảm tiêu chuẩn, tâm trạng "Nó" bị dồn đến mức cùng. Đem hiện tại đối chiếu dĩ vãng, "Nó" nhận ra một nghịch lý không sao giải thích được mà lối thoát thì không thấy đâu. Khi lao động cần cù và cật lực đến đổi thân tàn ma dại như ngày nay để tạo ra không biết bao nhiêu của cải vật chất cho trại thì không thấy ai lấy đó làm yếu tố để thẩm định mức độ học tập. Nay chỉ vì một khúc khoai mì vứt đi cho lợn mà phải chấp nhận hình phạt nhục cả người! "Nó" như đang đi trong đường hầm mà ánh sáng ở đầu kia không bao giờ có được. Lẽ nào "Nó" lại đứng trước bờ vực thẳm một cách rẻ tiền và phi lý đến như vậy sao?

Từ đó cả thể xác lẫn tinh thần "Nó" bắt đầu sa sút và sa sút như tảng đá tròn trên núi cao đã đứt lìa núi mẹ mà lăn theo triền núi. Không ai có thể hình dung được một trung úy Phong ngày xưa lại biến dạng thành "Phong-Giặc-Nái" của trại tù cải tạo bây giờ làm nguyên nhân để nửa đêm về sáng bạn bè anh phải khẩn khoản gọi cán bộ trực trại đến đưa anh vào nằm bệnh xá trại. Một chiến sĩ đã từng ngang mây dọc gió mà giờ đây phải nằm liệt vì một chén cơm từng bữa ăn! Xé gió tung mây, không gian rộng lớn thu lại trong lòng bàn tay để rồi giờ đây phải thuần phục tiêu chuẩn cơm hằng ngày? Kỷ luật khắc khe của trại tù không cho phép bạn bè đến thăm Phong ở "trạm xá" nhưng theo dư luận thì không chắc gì anh qua khỏi con trăng và hôm nay đã hạ huyền rồi. Ngọn đèn trước khi tắt đôi khi bùng lên như tiếp được một luồng dưởng khí. Theo kể lại thì chiều tối hôm đó Phong tươi tỉnh lên, vui vẻ với những bạn tù trợ y trong trạm xá. Anh thỏ thẻ với bác sĩ tù được trại chỉ định "trợ lý" cho cán bộ y tế:

- Thưa bác sĩ, chắc là tôi không còn bao nhiêu ngày nữa...

- Mày đừng nghĩ bậy Phong...

- Không bậy đâu bác sĩ. Tôi biết sức tôi mà. Xin bác sĩ giúp cho tôi một điều rất nhỏ...

- ???

- Từ trước đến nay trại hay dằn trên bụng người chết một chén cơm và một quả trứng chẻ đôi...

- Rồi sao?

- Ngay bây giờ, xin bác sĩ đề nghị với trại cho tôi ăn phần đó, khi tôi tắt thở thì không cần nữa.

- Mày lúc nào cũng tếu được hết sao Phong?

- Tôi không đùa đâu bác sĩ.

Nói thì nói vậy nhưng người tù bác sĩ kia lòng ngập buồn đau vì ông biết rằng yêu cầu đó của Phong là chính đáng so với bệnh tình. Nhưng, ông cũng thừa hiểu rằng trại không bao giờ thỏa mãn loại đòi hỏi như vậy, nhất là của tù cải tạo gốc "ngụy quân" vì không có cơ sở và không đúng quy định.

Đúng là không thể có điều đó được dù cho bác sĩ có tha thiết trình bày một cách khéo léo nguyện vọng của Phong với cán bộ y tế. Trái lại, bác sĩ còn bị cán bộ y tế quản giáo của ông phán cho một câu nghe đến nhức óc:

- Anh lại mất quan điểm, cứ cảm tình lăng nhăng. Con người y tế phải nắm vững hành động của mình. "Lương y như từ mẫu" anh không nhớ à? Nhưng phải như là một bà mẹ lô-gíc cơ! Để anh ấy khắc phục rồi đâu sẽ vào đấy cho anh xem.

Một vấn đề cỏn con như vậy mà không làm cho bạn mình mãn nguyện được ông bác sĩ thấy buồn vô hạn nhưng biết làm sao hơn. Đêm đó, gió mùa đông bắc tràn về khá mạnh. Nằm trong buồng đóng kín cửa mà gió cứ vi vu, hất mạnh những giọt mưa phùn vào tường vôi nghe rào rào. Người đói thì cơ thể chống cự với cái lạnh một cách rất yếu ớt. Nằm dưới mấy lớp mền, mặc mấy lớp áo quần, người co quắp mà vẫn thấy lạnh như lúc cơn của bệnh rét rừng chợt tới. Không sao ngủ được với cái lạnh len lén vào hồn đó, những người tù cứ lăn qua rồi trở lại, đi tìm một chút ấm áp lảng tránh chập chờn. Như chừng hăm he đe dọa mãi rồi cũng mệt mỏi, rồi cơn gió dữ dằn cũng lắng dịu đi. Trong cái thanh vắng của nửa đêm về sáng, từ bệnh xá có tiếng búa đóng đinh vào thùng cây vang đi vội lại qua vách núi. Mỗi tiếng búa đập vào đầu đinh là một lần nhói động con tim của những người tù cải tạo nằm ở các buồng cận kề bệnh xá. Mỗi tiếng búa đóng đinh là mỗi bước đi của Tử Thần hăm hở tiến vào trại để cướp lấy một người tù học tập đã "cải tạo tốt" trước hạn kỳ! Không ai bảo ai nhưng trong bóng tối ngục tù và trong tâm trí của mọi người nghe được tiếng búa đóng đinh đêm đó đều thầm bảo rằng: "Thế là "Nó" đã vĩnh viễn ra đi!" Linh tính của tù quả không sai. Thuận lý với tác phong và tư cách của một con người nặng kiếp không quân, "Phong Giặc Nái" muốn xin được "hào hoa" lần cuối. Nhưng tiếc thay nỗi lòng chay đá của những con người cộng sản đã không thông cảm được người sống thì làm sao xót thương được người sắp về cõi hư vô? Một linh hồn đã ấm ức về đầu kia mây gió, như một phi cơ gặp nguy kịch mà phi trường lại không sẵn sàng tiếp nhận để nó phải âm thầm thẳng cánh bay xa và xa mãi khi chỉ còn là một chấm đen nhỏ ở cuối trời!

Hoàng Minh Huy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn