BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh

09 Tháng Tám 201812:20 CH(Xem: 1561)
Một bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43

Minh Đức Hoài Trinh từng là nhà báo, phóng viên chiến trường, nhà thơ nhà văn ở trong nước và cả ở ngoài nước.

minhduchoiaitrinh
Có thể nói Minh Đức là một nữ sĩ rất đa dạng, có nền học vấn vững chắc. Từ 13 tuổi Minh Đức đã biết làm thơ và đã từng xuất bản nhiều tập thơ. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc thơ Minh Đức tôi quá ngạc nhiên thích thú bài “ Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ”. Đây là một bài thơ tình, một tình yêu thất vọng , một mối tình đau khổ. Nhưng sự hiện diện của tác giả, của nhân vật chính, gần như không có. Đó là một điểm là lạ kỳ thú khi đọc qua bài thơ này. Suốt bài thơ , sáu đoạn hâm bốn câu nhưng hết hai mươi câu là lời khuyên của người mẹ trước sự đau khổ của người con gái vừa thất vọng trong tình yêu :

“ Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân”

Trạng thái tâm lý của con người phần nhiều khác biệt ngày và đêm, buổi sáng trưa chiều và tối. Buổi sáng mới thức dậy người ta thường uống trà, buổi chiều buổi tối thường uống rượu. Rất ít người uống trà canh trưa và gần như không ai uống rượu khi tản sáng mới thức dậy. Nhất là con người buồn nản thất vọng càng chán chường hơn khi chiều đến khi hoàng hôn về, khi đêm tối. Hoàng hôn và đêm tối là môi trường tốt,thích hợp cho sự buồn chán nhất là buồn khổ vì tình yêu thất vọng.

Với kinh nghiệm trong cuộc sống, người mẹ khuyên người con gái đang đau buồn vì thất vọng, vì người yêu không trở lại. Nỗi đau buồn còn mới quá, chưa được thời gian làm dịu bớt, nên nàng thường một mình trong phòng sống những phút dằn vặt cô đơn. Bởi thế mẹ khuyên không nên nhìn qua cửa sổ, vì không muốn nàng thấy cảnh buồn của buổi chiều tà “ khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân”, Và cảnh hoàng hôn bắt đầu một đêm kinh khủng, một đêm cô đơn, một đêm lẻ loi.

Nhìn qua cửa sổ, vào buổi chiều, sẽ bắt gặp những đàn chim bay về tổ. Cảnh đàn chim bay về tổ, nói lên được một tập thể sum họp, những cặp chim như những cặp người yêu về tổ ấm, một giấc mơ của nàng vừa ra khỏi tầm tay. Cảnh sum họp đầm ấm sống động tích cực của đàn chim trong một không gian bao la, bay về tổ, đối chọi hẳn cảnh cô đơn đau buồn của nàng trong một căn phòng chật hẹp, trống trãi, âm u, lạnh lùng.

“Đừng ngước mắt theo lũ chim vể tổ
Khi trăng tàn nhẹ trải lối quanh sân”

Người mẹ quá tỉnh táo khi người con quá mê mang. Tỉnh táo nên người mẹ đưa ra những lý do như đương nhiên, nguyên nhân đó sẽ tạo ra kết quả đó. Vì yêu không đúng chỗ, cho nên những lời hứa hẹn, những tin tức ngày càng vắng. Mà không riêng gì con bà, mà hầu hết đều như vậy vì cuộc đời là “ một cõi u mê tăm tối.”

“ Mẹ dặn ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi niềm tin lỗi hẹn vắng đi về
Khi đã trót giao bôi không đúng chỗ
Mà cuộc đời là một cõi u mê.”

Lý luận của người mẹ nhuốm đầy triết lý Phật. Đời là một cõi u mê, một cõi ta bà. Muốn cho thoát cõi u mê phải tu thân, phải diệt dục. Bởi vì mọi sư sai lầm mọi sự đau khổ, truy cho cùng, vì dục, vì ham muốn. Và tình yêu đau khổ tình yêu thất vọng cũng vì muốn, vì dục.

Bốn câu đoạn thứ ba tôi trích dưới đây, là những câu thơ hay quá, ý rất tân kỳ:

“Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ
Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ
Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ
Hãy xuống hàng chấm dứt một bài thơ

Từ ngày người yêu không trở lại, nàng chờ đợi hoài, không tin tức. Quằn quại không ngủ được, nên cũng không mơ thấy người yêu. Nói như một thi sĩ bậc tiền bối đã thổ lộ: “Nằm gắng cũng không thành mộng được- Ngâm tràng cho đở chút buồn thôi”. Trên cuộc đời không gặp lại được, thì chỉ còn hi vọng gặp trong giấc mơ, nhưng nàng cũng không có được giấc mơ, vì nàng quằn quại ngủ không được. Trong khi đó, bên ngoài những cơn gió hãi hùng, những cơn gió mạnh làm cho cây cối phải run lên và lá rụng. Một thứ gió ác độc tàn nhẫn đối với loài cây bên ngoài trong đêm khuya, có khác gì một số phận nghiệt ngã, oan trái chụp xuống đầu nàng, lên cuộc đời hẩm hiu của người đàn bà bất hạnh, “Ngoải gió riết run từng cơn lá đổ”. Gió riết chứ không phải gió nhẹ nhàng, lãng mạn, mơn trớn như gió của nhà thơ Hàn Mạc Tử:

“ Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm”.

Còn nữa, cũng của Hàn Mạc Tử

“Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngập đầy sông chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.

Mẹ nàng khuyên nàng đừng nhìn qua cửa sổ để khỏi phải thấy những trận gió tàn nhẫn phủ phàng làm cho cây run lá đổ, để tránh bớt nỗi đau lòng nhân lên gấp bội. Và nàng làm thơ vì nàng là một thi nhân. Những đêm như thế đó, những đêm quằn quại, những đêm cô độc, hồn thơ của nàng lai láng. Hồn thơ càng tuông ra không làm cho nàng bớt đau khổ, trái lại chuốt mãi, nuôi dưỡng mãi nỗi đau khổ cùng cực của thi nhân, của nàng. Bởi vậy mẹ nàng khuyên nàng nên “ xuống hàng” chấm dứt bài thơ. Bài thơ thất tình này, có thể bất tận với nỗi đoạn trường bất tận, nên phải chấm dứt để may ra ngưôi bớt nỗi sầu. Tại sao “ xuống hàng” ? Thường thường khi nguồn thơ lai láng, khi cảm hứng trổi dậy, thi nhân ghi vội vã gấp rút cho kịp hồn thơ đang dâng trào, và khi ý đã hết, cảm hứng đã cạn, thi nhân chấm dứt bài thơ bằng cách “ xuống hàng” để ghi năm tháng, ngày giờ, địa điểm nơi sáng tác bài thơ. Thông thường là như vậy, nhưng ở đây, mẹ nàng như ra lệnh, chấm dứt việc làm thơ, dù bài thơ trường ca này mãi mãi không chấm dứt được.

Tôi dám bảo hai câu thơ “ Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ, Hãy xuống hàng chấm dứt một bài thơ” là những câu thơ hay nhất trong nền thi ca Việt nam. Hai câu thơ đó hình ảnh quá mạnh, có cả âm thanh, có cả những động tác dữ dội, có cả sự ngăn cản, sự đối phó trước một cảnh trí không thích hợp cho nỗi đau bất tận của nàng. Và ý rất mới rất lạ. Và gió siết run, siết là nhân, run là quả, tác giả dùng từ đáng bậc thầy, vì khó tìm một từ khác để thay thế mà không giảm sức mạnh hình ảnh của câu thơ. Ba chữ siết, run, đổ, vô cùng đắc thể. Nếu chúng ta thay thế chữ đổ bằng chữ rụng “ Ngoài gió siết run từng cơn lá rụng” thì hình ảnh nhẹ nhàng, không dữ dội, không hoang tàn, không khắc nghiệt như lá đổ. Lá rụng có thể là lá đã già, đã tới thời kỳ phải lìa cành, còn lá đổ là lá bị sức mạnh, bị sự hùy diệt của gió, làm cho phải lìa cành dù là lá còn non còn cuộc sống. Nhiều lắm, trong suốt bài thơ tôi dẫn chứng ở đây, tác giả chọn chữ rất cẩn thận tạo nên những hình ảnh sống động.

Hai đoạn tiếp theo:

Mẹ cấm ta không cho nhìn qua cửa sổ
Không cho nghe âm đoản giọng trầm buổn
Khi đã biết rừng đời nhiều trái khổ
Tô đậm làm chi bóng lẻ dưới trăng suông
Mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ
Nghiã lý gì đâu những hình ảnh vô thường
Một kíp người chưa bằng viên đá nhỏ
Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu thương

Hai đoạn trên hoàn toàn ý tưởng Phật giáo. Thường thường khi khuyên bảo hay an ủi một người đau khổ, hoặc người thất bại, hoặc người gặp bịnh nan y, người ta thường dùng nhân sinh quan của Phật giáo, “ một cuộc đời vô thường” “Đời là bể khổ” “ Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương”… bởi thế điều khôn ngoan nhất là diệt thất tình ( bảy tình ) thì con người nhẹ nhàng ra khỏi biển khổ “ Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu thương”

Dù người mẹ đã bảo, đã khuyên, đã dặn, kể cả đến cấm, đến xin, nàng đừng nhìn qua cửa sổ để vơi bớt nỗi buồn nỗi thất vọng; dù người mẹ lý giải theo tinh thần vô thường của Phật “ Một kíp người chưa bằng viên đá nhỏ” nhưng nàng vẫn :

Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ
Thả tâm tư về cúi nẽo chân trời
Tìm trong ánh sáng một vì sao bé nhỏ

Nói với sao:

Trần gian này còn một kẻ đơn côi.

Đoạn kết của bài thơ thật bất ngờ, vì hoàn toàn trái ngược với suốt bài thơ hai mươi câu trên. Thì ra những lời khuyên, lời dặn thiết tha của mẹ nàng, đủ những lý giải, đủ những giãi bày của một người mẹ đã từng trãi qua cuộc đời, không ngăn chận được nỗi đau khổ cùng cực của nàng. Vì người mẹ quên rằng, có khi càng cố làm cho quên đi lại làm cho càng nhớ càng đau càng buồn. Cho nên người đàn bà tuyệt vọng , người đàn bà bị người yêu bỏ rơi này vẫn lén nhìn ra cửa sổ, để đêm đêm tâm sự với bầu trời bao la, với những vì sao lạnh xa xôi, để tự biết mình là một người cô đơn nhất ở trần gian. “Trần gian này còn một kẻ đơn côi”

Cách nay trên dưới một năm, nhà văn Việt Hải cùng hội nghệ sĩ tổ chức buổi lễ vinh danh và chúc mừng nhà thơ lão thành Thinh Quang ở tại San Jose, bắc Cali. Buổi lễ này có nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và phu quân, nhà văn Nguyễn Quang. Năm mươi năm trước tôi đã đọc một số tác phẩm của Minh Đức ở Sài Gòn, nhưng mãi tới năm vừa rồi tôi mới được gặp người nữ sĩ tài danh này. Đêm đó anh chị Việt Hải và một số chị em trong đoàn ở lại nhà tôi và chúng tôi chờ mãi gần khuya anh Nguyễn Quang mới đưa Minh Đức tới. Anh Nguyễn Quang thì đúng là một người Nam kỳ cũ, tức chân thành cởi mở, rất dễ mến. Tất cả những đức tính tốt đó thể hiện rõ nét trong cuốn sách anh cho tôi. Còn chị Minh Đức, chỉ còn là hình dáng một người đàn bà rất Việt nam vào tuổi xế chiều. Vợ chồng tôi rất xúc động tiếp đãi chị với sự kính trọng một thượng khách.

Anh Quang vừa uống xong một ly rượu nho Napa, chị chỉ nhấp một chút. Bổng dưng tôi nhớ đến bài thơ của chị mà tôi ưa thích, bài “ Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ”. Tôi đọc bài thơ đó để chào mừng chị. Anh Quang và chị rất bất ngờ, rất xúc động thấy rõ, nghe từng câu tôi diễn ngâm.

Sáng hôm sau tôi đưa chị ra xa lộ, với cảm nghĩ rằng tôi đang tiển đưa một thiên tài văn học bậc nhất, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Và cũng có cảm nghĩ rằng đây là dịp cuối cùng, khó có dịp được gặp chị.

6/12/2017
Nguyễn Liệu
Nguồn Quảng Ngãi Nghĩa Thục

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn