BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Chuyến Đi

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1977)
Một Chuyến Đi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Chuyến đi của tôi là chuyến cuối cùng tại cửa biển Qui Nhơn. Rất nhiều người ra đi trước đây tại bờ biển khu một hay khu hai này đều trót lọt. Có lẽ tại vì nhờ có Ông phù trợ, vì ở tại khu hai có một lăng Ông (cá voi), dân đánh cá ở đây đã lập lên lăng này đã lâu, thờ cúng rất sùng bái và thường xuyên nên được ông phù hộ. Người ta nói thế, tôi cũng tin tưởng cho nên tôi đã được tới bến bờ.

Chiếc ghe chở chúng tôi ra đi trong một đêm tối trời, đã khuya, không có ai chú ý gì cả. Đi ra khỏi vùng kiểm soát của cửa biển Qui Nhơn cũng rất êm thắm. Có lẽ công an biên phòng không ngờ ngày giờ ấy lại còn có kẻ tìm đường ra đi. Ngày 14-3-1989 Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã quyết định đóng cửa các trại tị nạn rồi, mà năm 1990 chúng tôi còn dám ra đi thì kể cũng gan thật. Đúng là điếc không sợ súng. Mặc kệ ai suy nghĩ sao cũng được, riêng tôi nghĩ mình chẳng có gan góc gì đâu, chẳng qua tại vì hôm đó có chút hơn men gặp dịp cũng quá giang đại thôi, chứ trước đó tôi và người bạn cũng đều xác định không thể đi được. Chiếc ghe có tí xíu. Ra khơi giống như chiếc lá giữa dòng.

Trời yên mát, thuyền cứ lướt sóng băng băng, nhắm hướng đông thẳng tiến. Ba anh em tài công là con của dân đánh cá chuyên nghiệp nên rất thành thạo. Tối đó vì hơi men còn nhiều nên tôi ngủ không còn biêt trời trăng gì cả. Đến sáng mặt trời lên rõ, mọi người xôn xao tôi mới thức dậy. Cảm giác đầu tiên của tôi là thầy biển rộng bao la quá! Nhìn quanh chỉ toàn thấy một mầu xanh biếc, xa xa là muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, đường chân trời thì mù tít xa.

Suốt ngày dài quanh tôi lúc nào cũng là trời mây nước. Đến chiều, mặt trời lặn sau chân trời xa, màu nước loang loáng ánh vàng của mặt trời đã dịu cũng như phản chiếu từ những đám mây cao tạo cho trời mây nước thành một cảnh sắc rất đẹp. Xa nhà mới chưa được một ngày nên tôi chưa thấy gì buồn nhớ, tâm hồn vẫn còn thưởng Thức bóng hoàng hôn chung quanh thật tuyệt diệu. Bỗng trước mặt tôi xuất hiện từng đàn cá chuồn từ biển vụt lên bay là là trên mặt nước một khoảng dài. Từng đám hàng trăm con cứ bay về một hướng nào đó một khoảng cách nhất định rồi lại rơi xuống biển, rồi đám khác lại bay là đà trên mặt nước, cách xa một chút, hay chung quanh chiếc thuyền làm thành âm thanh nghe rào rào vui tai. Đến lúc trời tối mịt chúng vẫn còn bay lẻ tẻ.

Chúng tôi ăn uống đại khái rồi nằm xuống sàn để ngủ. Giấc ngủ trong đêm không nhiều mộng mị nhưng cũng không êm thắm, cứ chập chờn như những đợt sóng nhỏ xô vào mạn thuyền, cũng bay bổng lãng đãng như những đàn cá chuồn. Ngày thứ hai cũng đến bình thường, chân trời vẫn xa xăm, sóng nước êm, con tầu vẫn lướt nhanh từ sáng đến chiều tối làm tôi hơi lo, thầm nghĩ con tàu cứ đi về một nơi vô định nào đó. Ban ngày chúng tôi gặp nhiều tàu lớn đi qua, có lẽ là tàu buôn của các nước. Chúng tôi đã nhiều lần vẫy tay, phất cờ trắng làm hiệu, nhưng chẳng có chiếc tàu nào chịu ngừng cả. Tất cả vẫn hững hờ lướt qua, như hàng trăm ngàn lần trước đây đối với những người ra đi trước kia. Tôi nghĩ tất cả đã lạnh lùng hờ hững để biểu hiện sự mệt mỏi, chán ngán vì quá nhiều cưu mang đến những người khốn khổ này rồi.

Chiều lại xuống, từng đàn cá chuồn vẫn bay, hoàng hôn trên sóng nước vẫn đẹp, nhưng tôi không còn thưởng thức nổi như chiều hôm qua. Rồi những cơn gió Nam thổi đến, ban đầu còn dịu mát nhưng đến nửa đêm về sáng thì thành gió lớn, người ta gọi là “gió nam cồ”. Gió thổi mạnh bên hông thuyền nhỏ thấp của chúng tôi. Sóng lớn quá tạt nước lên chỗ tôi nằm ướt lạnh vì tôi mặc chiếc áo mỏng, tôi lấy tấm vải bạt che đỡ và không thể nào ngủ được. Cầm cự cho đến trời sáng, tôi thầm nghĩ đây mới chỉ là Gió Nam Cồ mà đã như thế này, rủi mưa bão ập đến thì sao. Nhưng rất may cho chúng tôi là không có mưa bão xẩy ra trong tháng này. Trời dần dần sáng rõ, tôi ngồi dậy, nói với tài công nên cho máy ngừng để nghỉ vì sợ máy nóng, và một phần nữa gió nhiều thuyền chạy không được nhanh. Tài công tắt máy, chiếc thuyền trôi trên sóng nước.

Bỗng tôi thấy từ hướng đông đằng xa một chiếc tàu lớn chạy đến. Tôi đánh thức mọi người dậy, đàn bà trẻ em nằm la liệt trên sàn ghe, các thanh niên vẫy tay và phất sào ngắn có cột áo trắng. Nhưng chiếc tàu như không trông thấy, vẫn cứ chạy qua luôn. Chúng tôi chán nản đành ngồi xuống sàn để nghỉ và nhìn theo chiếc tàu.

. Đột ngột chiếc tàu chuyển về hướng Nam cua một vòng rộng xa tít. Một lúc sau nó trở lại từ hướng đông đàng xa, nơi mà chúng tôi thấy nó xuất hiện lúc ban đầu. Sau này nói chuyện với viên hoa tiêu, tôi được biết lúc ấy thuyền chúng tôi, anh ta đánh thức thuyền trưởng dậy để xin lệnh, và viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho chiếc tàu quay lại. Chiếc tàu từ từ đến, to dần, lúc còn cách chúng tôi khoảng 50 mét thì ngừng hẳn lại. Mọi người trên tàu đó đều ra bao lơn đứng nhìn về chúng tôi rất lâu mà không nói gì, cũng không tỏ dấu hiệu gì là sẽ cứu giúp cả. Tôi nghĩ chắc là họ chờ đợi mình phải nói lời cầu cứu thì họ mới giúp, chứ mình cứ yên lặng họ không biết mình đi đâu, làm gì, muốn gì...Nghĩ như thế tôi bèn ôn lại thật nhanh vốn liếng chữ nghĩa của mình đã quá lâu không dùng tới. Tôi bèn la to một câu ngắn gọn vì không biết nói gì hơn để nói: “Help me please !”

Tôi lập đi lập lại câu này đến lần thứ ba thì thấy họ quăng dây xuống. Mấy anh em tài công lập tức bơi đến lấy hai đầu sợi dây về thuyền cột thật chặt vào hai đầu và đuôi thuyền xong thì họ kéo chiếc thuyền của chúng tôi đến sát bên hông tàu lớn. Rồi từ trên tàu ấy, một người thò đầu xuống nói vài câu, tôi hiểu đại khái họ hỏi lên tàu một người biết nói tiếng Anh mà thôi, và họ thòng thang dây xuống.

Mọi người phái tôi lên tàu, tôi ái ngại một phần vì tiếng Anh ít ỏi và một phần vì leo lên thang dây một khoảng cách cao quá, ước chừng leo lên một nhà lầu năm tầng vì tàu quá lớn. Sau này tôi được biết chiều dài chiếc tàu là hơn 280 m và chiều ngang là 80 m. Nhưng vì sinh mạng những người đồng hành nên tôi leo lên, tôi phải nghỉ vài ba lần vì hơi mệt. Lúc tôi bước xuống sàn tầu lớn vừa vững thì đích thân viên thuyền trưởng đến hỏi tôi ngay: “What are you looking for?” (Anh muốn đi đâu?). Tôi trả lời ngắn gọn: “We are looking for the freedom” (Chúng tôi đi tìm tự do)

Sau khi vài người bàn bạc với nhau, thuyền trưởng ra lệnh cho hạ những cầu thang lớn bậc tam cấp xuống, các thủy thủy xuống dìu từng người bước lên tàu. Thuyền trưởng bảo tôi nói với tất cả mọi người đứng quay mặt vô bao lơn tàu để họ lục soát xem có vũ khí gì không...

Tôi thực sự vui mừng không thể nói hết trong giây phút ấy. Sau đó chúng tôi được tắm rửa, ăn uống...Tối đến những anh thủy thủ người Phi rất dễ thương đem đến phòng chúng tôi nào là bia, rượu, bánh ngọt, nước ngọt, thuốc lá, nào là đàn guitar. Họ và những người trẻ tuổi trong bọn chúng tôi ăn uống la hét đàn ca đến nửa đêm mới dứt, vì theo họ đây là dịp hi hữu để ăn mừng cùng với chúng tôi – những người đi tìm tự do – ít khi nào có được.

Tiếp theo là những ngày lo lắng ít nhất cũng cho riêng tôi, những người khác thì hình như rất vô tư không lo nghĩ gì mấy, muốn ra sao thì ra. Ngày nào thuyền trưởng cũng gặp tôi vài lần, nói chuyện sơ sơ. Chiếc tàu cứ chạy, khi đi qua những nước Đông Nam Á từ Philippine, Mã Lai Á, rồi đến Singappore, Nam Dương. Thuyền trưởng đều gọi điện thoại xin cho tàu ghé lại để bỏ bọn của nợ này xuống, nhưng không một nơi nào chịu nhận.

Ngày nào thuyền trưởng cũng nói với tôi “No News!”. Ông cũng liên lạc được với Cao Ủy Tị Nạn gần Vịnh Ấn Độ cũng không giải quyết gì được. Rồi tầu lại cứ ra đi, theo lộ trình sẽ đi vòng Đại Tây Dương, ghé vài ba nước ở Châu Âu rồi đến Hoa Kỳ. Nhưng thuyền trưởng có nói với tôi rằng không chắc gì các nước ghé qua sẽ nhận, nhất là khi đến Hoa Kỳ sẽ bị trục xuất về Việt Nam vì nhập cảnh bất hợp pháp. Mọi thủ tục đều phải qua Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc giải quyết. Chúng tôi đã lên tầu lớn thời gian được mười ngày và thật là thất vọng, không biết số phận sẽ đi về đâu...

Có một lần thuyền trưởng và các sĩ quan nói chuyện với nhau, tôi tình cờ đứng gần đó nghe lõm bõm. Không biết buồn phiền gì mà vị thuyền trưởng khả kính ấy lại dùng chữ “Okies” để ám chỉ chúng tôi. Trước kia tôi có dịp đọc bộ truyện “Chùm Nho Phẫn Nộ” (The Grapees of Wrasth) Của Jonh Steinbeck nên biết được chữ “Okies” để chỉ những người bỏ xứ ra đi, những người tha phương cầu thực, đi đâu cũng bị coi khinh và bạc đãi. Thế là đêm đó tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ vẩn vơ, không biết chúng tôi sau này có giống như hình ảnh những người Okies kia không...Hình ảnh của những người ra đi vì miếng ăn mấy thập niên về trước. Tôi cho rằng chúng tôi khác với họ. Hành trình của chúng tôi gian khổ hơn họ rất nhiều. Bao nhiêu là người đã chết trên rừng sâu hay dưới biển đông, bao nhiêu là người đã bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp, giết chết. Chúng tôi vẫn cứ lao vào chỗ chết, có lẽ vì một nhu cầu bức thiết hơn là vì miếng cơm manh áo nhiều lắm.

Một buổi sáng đẹp trời, thuyền trưởng và một phụ tá đến gặp tôi đem theo một tấm bản đồ. Ông ta nói rằng có tin vui cho chúng tôi. Nhân viên truyền tin của tầu có liên lạc được với hội Hồng Thập Tự của Pháp, chi nhánh đặt tại đảo Réunion, họ đã chấp nhận chúng tôi vì họ có ngân khoản, vừa nói, viên thuyền trưởng vừa chỉ vào một điểm nhỏ trên bản đồ. Tôi thấy hòn đảo nhỏ nằm gần Mã Đảo (Madagasca), tôi vẫn còn mơ hồ lắm về vị trí này, nhưng chúng tôi thật sự vui mừng vi ít nhất có một bến bờ nào đó để cho chúng tôi dừng chân rồi sau đó hẳn hay. Chúng tôi cám ơn thuyền trưởng và vị phụ tá.

Thế là con tàu chuyển hướng, trực chỉ đảo Réunion, trong tâm trí tôi bỗng hiện ra những bài học sử ký hồi còn tiểu học và trung học. Tôi nhớ ra rằng chính tại đảo này, thực dân Pháp đã đầy an trí hai vị Hoàng Đế của ta là Vua Thành Thái và Duy Tân cho đến cuối đời. Khi tôi nói cho mọi người biết ai cũng vui mừng vì ít nhất mình cũng có được một chút liên hệ nào đó tại nơi xứ lạ kia.

Mất bảy ngày đêm tàu mới đến ngoài khơi của đảo, vì cảng nhỏ, sóng lớn tàu không vào được, nên Hội Hồng Thập Tự đã mướn tầu nhỏ và mấy chiếc ca nô ra để đón chúng tôi vào. Nếu tôi là người lên chiêc tàu này đầu tiên thì bây giờ họ bảo tôi phải xuống sau cùng, tôi không hiểu điều đó có ý nghĩa gì, nhưng không sao, và tôi vừa bước xuống tàu nhỏ thì bị ngay một nhóm 4 ký giả của đảo phỏng vấn. Họ hỏi nhiều chuyện nhưng vì không chuẩn bị trước nên tôi chỉ trả lời cầm chừng.

Họ vừa nói chuyện với tôi xong thì con tầu cũng vào tới bờ, nhân viên hội Hồng Thập Tự đưa chúng tôi lên xe bus đi đến một khách sạn sang trọng nhất của đảo. Đầu tiên họ đưa chúng tôi đến hội trường của khách sạn trước, vì họ mở cuộc họp báo ở đó. Có rất nhiều người Pháp đón tiếp chúng tôi, nhưng tôi cũng thấy có khoảng vài chục người Việt Nam cũng có mặt ở đó.

Đầu tiên là vị đại diện của Việt Kiều ở đảo cám ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ và dành nhiều cảm tình với các đồng hương của ông, rồi ông ta chào mừng chúng tôi và nói sơ qua tình hình của đảo. Phải có người thông dịch cho chúng tôi hiểu vì ông ta mặc dù là Chủ Tịch Hội Việt Kiều ở đó, nhưng là người Việt lai Ấn Độ, và không nói được tiếng Việt nhiều. Tiếp đến, Hội Hồng Thập Tự chào mừng chúng tôi và vị đại diện trao ngay cho tôi 22 chiếc vé máy bay để ngày hôm sau bay đến Paris gặp Phủ Cao Ủy Tị Nạn ở đó. Chúng tôi đã được cảnh sát làm thủ tục quá cảnh (Sauf –conduit) để vào nước Pháp.

Sau đó chúng tôi được tiếp đãi ở nhà hàng khách sạn. Trong lúc ăn uống chuyện trò với người Việt ở đó – phần nhiều các vị đã lớn tuổi, được biết họ là những thân nhân của những gia đình làm việc hoặc đi lính cho Pháp trước kia rồi sang Pháp sau hiệp định Genever 1954. Hầu hết đã thành đạt cơ nghiệp. Họ nói chuyện thân mật với chúng tôi, coi chúng tôi như con cháu, anh em, họ rớm nước mắt nghe chúng tôi kể sơ về hoàn cảnh của mỗi người và những khó khăn ở quê nhà, họ an ủi khi biết tôi ra đi có một mình. Các vị đã biểu lộ những tình cảm dạt dào nồng hậu nhất vì tôi đã đọc được những cái nhìn ưu ái trong đôi mắt của họ. Tôi cảm thấy thật nhiều an ủi pha lẫn đôi chút tủi thân.

Tôi thật sự cảm động khi biết có những người lái xe nhiều tiếng đồng hồ về đây để gặp chúng tôi. Tất cả đều bồi hồi thương cảm, vì trong đầu óc họ những người ra đi như chúng tôi mang ít nhiều hiểm nguy, nhìn thấy trên gương mặt chúng tôi những dấu ấn hãi hùng của biết bao số phận không may, mà cả thế giới đã thu thập được qua truyền thông.

Văn Thơ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn