BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72635)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

‘Tàn cơn binh lửa’

04 Tháng Năm 20186:30 SA(Xem: 3881)
‘Tàn cơn binh lửa’
56Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
4.48
Tri ơn và tưởng nhớ các anh hùng, thương binh, tử sĩ 81. Biệt Cách Nhảy Dù

Sau khi rời khỏi chức vụ biệt đội trưởng để đảm nhận trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, tôi có thì giờ và có nhu cầu theo dõi tình hình quân sự và chính trị nhiều hơn. Ngoài những hành động gây chiến giành dân lấn đất, bọn Cộng Sản đang thăm dò thái độ của Mỹ sau khi họ ký Hiệp Định Paris năm 1973.

Trước chủ trương “thay đổi màu da trên xác chết,” Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa càng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn về tình hình chiến đấu và tiếp liệu. Việc “một đổi một” không được thi hành vì theo lệnh của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho VNCH. Tình hình chính trị kể từ đầu năm 1975 càng xáo trộn hơn, nhiều phong trào nảy sinh nhằm hạ uy tín của không những cá nhân tổng thống mà toàn bộ chính quyền miền Nam. Đó là mục đích của Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Ký Giả Đi Ăn Mày và Phong Trào Chống Tham Nhũng. Phong trào này được tổ chức toàn cõi VNCH. Dĩ nhiên, tình hình xáo trộn này ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của Binh Sĩ VNCH, khiến họ phải suy nghĩ về việc làm của họ. Không lý họ chiến đấu cho một chính quyền tham nhũng, đang bóc lột người dân mà họ đang bảo vệ.

Quan trọng hơn nữa, viện trợ ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của binh sĩ. Đạn dược, xăng nhớt thiếu, nên khả năng vận chuyển binh lính bị hạn chế. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, các sư đoàn Bộ Binh hơn là ở các lực lượng Tổng Trừ Bị, trong đó có Biệt Cách Nhảy Dù. Trong giai đoạn này, câu binh thư “Thực túc binh cường” ám ảnh trí óc tôi không ít. Binh sĩ của Liên Đoàn còn đủ “thực túc,” nhưng gia đình họ gặp khó khăn không ít trong đời sống hằng ngày.

ledaclucvadongdoibietcachdu
Tác giả và đồng đội.

1- Rút khỏi căn cứ hành quân, Biên Hòa

Sau khi chiếm Phước Long ngày 6 Tháng Giêng, năm 1975, quân Cộng Sản chiếm Ban Mê Thuột ngày 10 Tháng Ba cùng năm đó. Rõ ràng, như trong bài trước đã trình bày, đánh Phước Long, là Cộng Sản thăm dò phản ứng của Mỹ. Thấy Mỹ bất động, lại còn cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản thấy thời cơ đã tới, làm tới luôn, mở đầu chiến dịch tổng tấn công miền Nam bằng trận đánh lớn kế tiếp: Ban Mê Thuột.

Mặc dù tình hình căng thẳng, ngày càng nặng nề, hoạt động của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vẫn bình thường. Theo lệnh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Đại Tá Phan Văn Huấn đã cho rút Bộ Chỉ Huy nhẹ của Trung Tá Nguyễn Văn Lân, từ Tây Ninh về lại Căn cứ Hành Quân Biên Hòa, để lại Biệt Đội 813 do Trung Úy Lại Đình Hợi chỉ huy, tăng cường phòng thủ cho chiến trường Tây Ninh. Điều động Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật, do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy, gồm ba Biệt Đội 811, 817 và 818 đến bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu.

Riêng tại căn cứ hành quân Suối Máu Biên Hòa, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn do Đại Tá Phan Văn Huấn chỉ huy và hai Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật 1 và 2, với quân số các biệt đội còn lại lên tới 2,000 binh sĩ, vẫn bố phòng ở mặt Bắc phi trường Biên Hòa, sẵn sàng chiến đấu. Các toán Thám Sát vẫn được thả vào Chiến Khu D để do thám, thu nhặt tin tức các hoạt động của địch.

Trưa ngày 28 Tháng Tư, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn III họp tất cả đơn vị trưởng, chỉ huy trưởng các đơn vị đang đồn trú ở địa phương. Trong buổi họp, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn thông báo tình hình quân sự tuyệt vọng ở Quân Khu III, và ra lệnh tất cả các đơn vị rút về phòng tuyến mới, dọc theo Xa Lộ Đại Hàn, Thủ Đức, để bảo vệ Thủ Đô Saigon. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù là đơn vị rút cuối cùng, có nhiệm vụ bảo vệ Cầu Biên Hòa, trên Quốc Lộ 1, gần ngã ba đường đi vào Núi Bửu Long, để toàn bộ binh sĩ rút qua khỏi cầu này được an toàn.

Cũng trong ngày hôm ấy, Bộ Tổng Tham Mưu hầu như có kế hoạch cho trực thăng đến đón các cấp chỉ huy di tản khỏi Việt Nam. Nhưng đối với Đại Tá Huấn thì ông đã từng tuyên bố khẳng định: “Tôi có vợ và tám con. Tôi có thể bỏ lại gia đình, nhưng không thể bỏ lại hai ngàn chiến sĩ của tôi để mà ra đi trong hoàn cảnh như thế này được…”

Và Đại Tá Huấn đã ở lại với binh sĩ của ông, cho đến giây phút cuối cùng, khi có lệnh buông súng đầu hàng của tân Tổng Thống Dương Văn Minh, tổng tư lệnh tối cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ngay trong đêm 28 Tháng Tư, Đại Tá Phan Văn Huấn ra lệnh Biệt Đội 812 đến canh giữ cầu Biên Hòa, để ngăn cản đường tiến quân của giặc cộng, không cho bọn chúng phá sập. Sáng sớm hôm sau, liên đoàn rời khỏi căn cứ hành quân Suối Máu, khi đoàn quân vừa rút qua khỏi cầu, thì cũng vào lúc đó, qua làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn đã nghe được lệnh của Tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, người vừa lên thay thế cho ông Trần Thiện Khiêm, đã đào thoát sang Đài Loan, yêu cầu toàn thể người Mỹ phải cấp tốc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ. Tin tức này đã gây hoang mang không ít đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

Đoàn quân Biệt Cách Nhảy Dù, theo thứ tự được phân định, từ từ di chuyển trên Quốc Lộ 1, hướng về Sài Gòn. Đến gần xế chiều, khi cánh quân vừa đến Tân Vạn, thì trời sập tối. Mặc dù, đang đứng trước tình hình bi đát, Đại Tá Phan Văn Huấn vẫn liên tục dùng máy truyền tin liên lạc nhiều nơi, từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, tới Bộ Tổng Tham Mưu, cũng như các đơn vị bạn ở địa phương, nhưng hoàn toàn im lặng vô tuyến, không một ai phản hồi. Như “rắn mất đầu,” Đại Tá Huấn ra lệnh cho Bộ Chỉ Huy và tất cả các biệt đội rút vào đóng quân qua đêm trong rừng Cù Mi, chờ lệnh thượng cấp. Nhưng suốt đêm lặng lẽ trôi qua, vẫn chẳng có một tín hiệu liên lạc nào cả.

Sáng hôm sau, ngày 30 Tháng Tư, Đại Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân Đội VNCH buông súng đầu hàng. Đại Tá Huấn liền cho đơn vị rời khỏi rừng Cù Mi, băng rừng, vượt đồi, tiếp tục cặp theo Quốc Lộ 1, di hành theo hướng Nam đến quận lỵ Thủ Đức. Trên trục đường này, Liên Đoàn đã phát hiện, từ hướng Sài Gòn về Biên Hòa rất nhiều toán thanh niên chỉ mặc áo lót, quần “xà lỏn,” tay cầm giấy tờ tùy thân, chạy chân đất hớt ha hớt hải. Chận một vài người lại hỏi mới biết họ là lính Bộ Binh và Địa Phương Quân, bị Việt Cộng bắt tước vũ khí, cởi bỏ quân phục, mũ nón, giày vớ, mới thả cho về nhà. Sự kiện này có thể làm cho tinh thần binh sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù dao động! Tuy nhiên, đây là một đơn vị quân đội thiện chiến và kỷ luật. Tất cả vẫn giữ nguyên đội ngũ, từ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đến các Biệt Đội, bốn hàng dọc ngay hàng thẳng lối chậm rãi bước đi. Từng đoàn xe Molotova, chở đầy bộ đội Việt Cộng chạy song hành, chúng nhìn các Chiến Binh 81 Biệt Cách Nhảy Dù với những ánh mắt đầy kinh ngạc, sửng sốt, lạ lùng.

Là một cấp chỉ huy gương mẫu, giữ kỷ luật nghiêm minh, Đại Tá Phan Văn Huấn chấp hành lệnh của tổng tư lệnh tối cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi đã họp tất cả các cấp chỉ huy Liên Đoàn, để cùng đi đến một quyết định chung.

Đoàn quân 81 Biệt Cách Nhảy Dù vẫn hiên ngang tiếp bước trên xa lộ Đại Hàn. Đến gần trưa, khi qua khỏi Lăng Chú Hỏa chừng 100 mét, trong khi dừng lại nghỉ ngơi gần ngã tư Thủ Đức và xa lộ Đại Hàn, thì một đơn vị bộ đội Việt Cộng đã đến gặp Đại Tá Phan Văn Huấn để nhận giao nạp vũ khí. Đại Tá Huấn đã nói với họ: “Chúng tôi đã ra đến nơi đây là chấp nhận đầu hàng. Chúng tôi sẽ bàn giao vũ khí, nhưng mong các ông không bắt buộc chúng tôi phải cởi bỏ quân phục như một số quân nhân các đơn vị bạn đang chạy qua đây…”

Họ chấp nhận yêu cầu. Thế là từng chiến binh một tự tước bỏ vũ khí, đạn dược, nón sắt vào điểm chỉ định. Sau đó, họ ôm choàng nhau, siết chặt nhau, nhiều người đã bật khóc, để rồi lẳng lặng, ngậm ngùi, chia tay mỗi người mỗi ngả.

Trước một đơn vị quân đội hơn một ngàn người, giữ kỷ luật, trật tự cho đến giây phút chót trong đời quân ngũ, quân Cộng Sản không thể không tỏ lòng kính trọng và nể phục. Dẫu sao đây cũng là một đơn vị thiện chiến lừng danh mà bộ đội Việt Cộng đã từng kinh hãi, khiếp sợ, kiêng dè trong các trận đụng độ trên khắp các chiến trường. Nếu bây giờ mà không linh hoạt nhân nhượng để tỏ ra là “hảo hán anh hùng,” thì chắc rằng họ sẽ phải gánh chịu thêm một tổn thất nặng nề, khi các chiến sĩ Biệt Cách Dù từ bỏ quyết định buông súng đầu hàng, quyết tử chiến một mất một còn đến giọt máu cuối cùng với bọn chúng.

Sau đó, một cấp chỉ huy của họ đến gặp Đại Tá Huấn, đề nghị để họ cho xe đưa các sĩ quan của đơn vị về Saigon. Không muốn để cho các sĩ quan của mình đi thất thểu trên đường về nhà, trên một lộ trình quá xa và đầy rủi ro, đại tá đã đồng ý nhận lời.

Vài ba chiếc xe Molotova được điều đến, tất cả các sĩ quan cùng một số binh sĩ lên xe. Đến Làng Đại Học Thủ Đức, Đại Tá Huấn nghĩ lại, không thể để sĩ quan của mình vào Saigon bằng xe Molotova của địch. Việc ấy có thể gây hiểu lầm và cũng không vẻ vang gì cho kẻ đầu hàng. Do đó, Ông yêu cầu dừng lại, các sĩ quan, binh sĩ rời khỏi xe, cùng ôm chặt lấy nhau lần cuối, rồi tự động tản hàng, với nỗi đớn đau ê chề bất tận.

30thang4-saigon

Vậy là chấm dứt hai mươi năm quân ngũ, một đời chiến đấu vì Dân vì Nước của ông thầy tôi. Tôi không thể không nói đôi lời, tỏ bày lòng cảm mến của tôi đối với ông thầy:

Đại Tá Phan Văn Huấn, xuất thân Khóa 10 Võ Bị Đà Lạt, là một sĩ quan kỷ luật, tài ba, gặt hái nhiều chiến công trong cuộc đời 20 năm cầm súng chiến đấu. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đánh giặc giỏi, áp dụng nhiều chiến thuật thích ứng với chiến trường Việt Nam, bách chiến bách thắng, đến tới đâu đồng bào hoan hô, ngưỡng phục tới đó, cũng là nhờ ở đại tá. Không có Đại Tá Phan Văn Huấn, Biệt Cách Nhảy Dù không chắc đạt được các chiến thắng vang dội ấy trên khắp mọi chiến trường, ở thành phố cũng như trong các mật khu của địch.

Điều đáng nói hơn nữa là tấm lòng của đại tá đối với anh em binh sĩ. Đại tá quí trọng mạng sống của họ như của chính ông. Một đơn vị dù lớn hay nhỏ, hành quân thất lạc trong rừng bao nhiêu ngày đêm, là bấy nhiêu đêm ngày đại tá trằn trọc không ngủ yên.

Đại tá là một sĩ quan liêm khiết, trong sạch, tôn trọng quyền lợi của binh sĩ. Đại tá quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của từng người lính, luôn luôn nghĩ đến họ, làm cách nào để họ có một đời sống vui tươi, nghỉ ngơi sau những ngày hành quân mệt nhọc mà vẫn văn ôn vũ luyện. Những ngày dưỡng quân là những ngày nghỉ ngơi nhưng cũng là những ngày tái huấn luyện cho thuần thục các khả năng tác chiến đặc biệt của người lính Biệt Cách Nhảy Dù.

Cái giá mà Đại Tá Phan Văn Huấn phải trả cho hai mươi năm chiến đấu cho dân tộc và đất nước là 13 năm tù cải tạo khổ sai ở Việt Bắc.

Đời sống ông thầy tôi và gia đình sau những năm tù trở về khá đạm bạc, nếu không nói là quá thiếu thốn, cơ cực bên cạnh một đàn con 8 đứa, bởi vì ông không có gì để lại cho vợ con khi ông bước chân vào vòng lao lý.

Hễ mỗi lần đến thăm ông, nhìn tấm thân tiều tụy, đau đớn vì bị những vết thương chiến trận đang hành hạ, mà điển hình vào một dịp đến viếng thăm, trong lúc trò chuyện thì cơn đau của ông bộc phát dữ dội, ngay lúc đó chính tôi và Bác Sĩ Trắc, cựu y sĩ Liên Đoàn, đã cấp tốc nâng bồng ông từ trong nhà ra xe hơi của Bác Sĩ Trắc, để cùng đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Lòng yêu kính ông trong tim tôi như dâng trào. Tôi không khóc, nhưng có cái gì đó đã đè nặng trong thâm sâu đáy lòng, chỉ chực chờ là bộc phát.

Tôi cảm thấy hãnh diện vì ông: Đại Tá Phan Văn Huấn, là cấp chỉ huy mà tôi đã được phục vụ, trong suốt quãng đời binh nghiệp, trong một đơn vị kiêu hùng, thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đó là: Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.

2- Tại hậu cứ An Sương

Là một cấp chỉ huy tác chiến, đã từng đầu tên mũi đạn, sau khi bàn giao biệt đội để trở về hậu cứ trong trách vụ mới, với một thời gian còn quá ngắn, tôi khó mà quên được việc “điều binh khiển tướng” giữa các chiến trường phong ba bão táp thuở nào. Vì thế, đứng trước tình hình rối ren, quá ư bi dát đang diễn tiến từng giờ, từng ngày một của đất nước, tôi đã dành hết tâm sức, khả năng, kinh nghiệm để hợp sức cùng Thiếu Tá Trần Quang Huế, chỉ huy hậu cứ lo tổ chức phòng thủ doanh trại, tung các toán tiền đồn, lập các công sự tại ngã tư An Sương chờ giặc đến, ngăn chận và tiêu diệt chúng, không để cho chúng tiến công vào Sài Gòn một cách ngang nhiên.

Bên cạnh các vị trí phòng thủ đã có sẵn của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở ngã ba Trung Chánh, dọc theo Quốc Lộ 1 và trên Xa Lộ vòng đai Đại Hàn, Biệt Cách Nhảy Dù đặt thêm các tổ đại liên 60, M.72, đại bác và súng cối. Trong khi chúng tôi đang tổ chức phòng thủ, binh sĩ của Sư Đoàn 25, binh sĩ cũng như khóa sinh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rút chạy về đây thiếu trật tự, không cấp chỉ huy. Một số họ dừng lại đây, tự động cùng tổ chức phòng thủ bên cạnh chúng tôi. Lòng yêu nước và tự ái của người lính VNCH không cho họ rút về xa hơn nữa.

Ngày 29 Tháng Tư, sáu xe tăng T-54 Việt cộng từ hướng Củ Chi hàng một trên Quốc Lộ 1 tiến đến, nghênh ngang như chỗ không người. Khi đến gần ngã tư An Sương, từ phòng tuyến của hậu cứ liên đoàn, hai hỏa tiễn M.72 bay vụt tới, bắn đứt xích chiếc đi đầu, chiếc xe tăng bị quay nằm ngang. Quân cộng sản từ các xe tăng phía sau nhảy xuống xe bố trí hai bên đường. Bọn chúng bắn ầm ĩ, loạn xạ, vừa trung liên, B.40, B.41 và AK.47 vào các công sự, các ổ kháng cự nằm trải dài hai bên đường, và vào cả Khu Gia Binh của Biệt Cách Dù, nằm ngay hai góc của ngã tư An Sương. Các chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù và lực lượng bạn vẫn cố thủ, đại liên, M.79, không ngớt bắn vào đám địch quân, đang cố tìm cách mở đường cho chiến xa của chúng tiến lên, xác địch rơi rớt trên Quốc Lộ 1 không phải là ít, các xạ thủ M.72 bắn cháy thêm một T.54 ngay ngã tư đường xa lộ Đại Hàn và Quốc Lộ 1, những quả kế tiếp chẳng mang lại kết quả, nhưng dẫu sao cũng chận đứng được phần nào bước tiến quân của địch trên đường tiến vào thủ đô Sài Gòn.

Một số công sự chiến đấu bị đại bác xe tăng địch tác xạ tiêu hủy, nhiều xác chết của quân bạn bị văng ra nằm ngổn ngang bên vệ đường. Xe tăng của địch tiến lên, càn lên các công sự, binh sĩ bạn rút chạy hoảng loạn, địch càng lúc càng bắn phá dữ dội bất kể là nhà dân chúng. Hỏa lực đại bác trên các chiến xa của địch quá mạnh và địch quân mỗi lúc mỗi đông, buộc lòng chúng tôi phải rời bỏ vị trí chiến đấu bên ngoài, để vào cố thủ trong doanh trại liên đoàn. Trong khi đó, một xe Jeep chở một vài quân nhân, từ trong hậu cứ liên đoàn phóng ra, vừa quẹo trái hướng về Saigon, một xe tăng của địch quay nòng đại bác bắn theo, chiếc xe Jeep trúng đạn, bay tung lên, hai ba binh sĩ trên xe đều tử trận.

Sáng hôm sau 30 Tháng Tư, xe tăng, bộ đội địch và du kích địa phương đã dốc toàn lực, đánh vào các ổ kháng cự còn lại trong và ngoài hậu cứ liên đoàn. Trên xa lộ Đại Hàn, quân trang, quân dụng của tân binh quân dịch Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân tháo chạy đã bỏ lại đầy rẫy trên mặt đường. Đứng trước tình thế tồi tệ này, tôi dẫn số binh sĩ còn lại, phá rào đằng sau, rút về hướng Saigon. Vượt qua cầu Tham Lương, đến hãng dệt Vinatexco, gặp một tiểu đoàn Nhảy Dù đang bố trí tại đây, tôi ra lệnh cho binh sĩ dừng lại, hợp tác phòng thủ cùng với họ. Nhưng không lâu sau đó, nghe lệnh Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi, toàn thể quân nhân buông súng đầu hàng. Tất cả đều rụng rời, nhìn nhau trong nghẹn ngào, uất hận, xong tự động tan rã.

Trên đường về nơi tạm trú của một người bà con ở Quận Tư, Khánh Hội, nghĩ tới 9 năm đời Quân Ngũ, vào sinh ra tử bao nhiêu lần, chưa bao giờ tôi chùn bước, khuất phục trước quân thù. Vậy mà giờ này…

3- Món nợ còn lại

Ngày 30 Tháng Tư, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vẫn còn các toán thám sát đang hoạt động trong Chiến Khu D. Tất cả các phương tiện liên lạc, truyền tin cũng như trực thăng đều không còn. Tuy nhiên, các toán thám sát vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình.

Lần hồi, lương thực hết, thời hạn hoạt động của các toán cũng đã chấm dứt, lại thêm mọi sự liên lạc với Bộ Chỉ Huy đã bị cắt đứt, các toán thám sát tự động triệt xuất khỏi mật khu, theo phương cách mưu sinh thoát hiểm.

Ngày 5 Tháng Năm, 1975, hai toán thám sát lần ra đến ấp Thái Hưng, xã Đại An, quận Tân Uyên để tìm hiểu tình hình, họ được quần chúng cho biết quân đội Miền Nam đã buông súng đầu hàng, vậy là họ cùng ra đầu hàng. Nhưng bọn Việt Cộng đã ra tay tàn sát hết tất cả, rồi mang xác thả trôi sông. Cho dù họ đã hy sinh, nhưng khí tiết, tinh thần chiến đấu bất khuất, kiêu hùng của họ, vẫn mãi mãi sáng ngời trong trang sử 81 Biệt Cách Nhảy Dù.

Về sau này, vào năm 1995, Liên Đoàn đã đưa người về lại ấp Thái Hưng, xã Đại An, để tìm cách di dời mộ phần các tử sĩ, nhưng không thực hiện được, trong dịp này, qua trò chuyện tìm hiểu vói các cư dân nơi đây thì được biết bọn giặc cộng đã bắn chết 12 người, một số đem thả trôi trên sông Bé, số còn lại bọn chúng mang chôn trong một cái giếng đã bỏ hoang lâu năm.

Ngày 7 và 8 Tháng Năm, 1975, toán thám sát của Chuẩn Úy Phương, Biệt Đội 815 và toán thám sát của Chuẩn Úy Nguyễn Minh (hiện đang định cư tại Dorchester. MA), rút ra khỏi Chiến Khu D, đã lần ra ấp Thái Hưng, nhưng may mắn, hai toán đã được dân chúng vào rừng làm nương rẫy, báo tin chính quyền VNCH không còn nữa, Đại Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng đầu hàng, nên sau khi hai toán đã giao nạp vũ khí, bọn Việt Cộng có lẽ sau khi tàn sát hai toán thám sát trước, đã bị đồng bào địa phương bàn tán xôn xao, nên với hai toán này, bọn chúng chỉ bắt đưa vào trại tù gọi là “cải tạo.”

Ngày 9 Tháng Năm, 1975, toán thám sát cuối cùng của Chuẩn Úy Lê Xuân Hiền, Biệt Đội 812 (hiện đang định cư tại Annaheim, CA), rút ra khỏi Chiến Khu D, khi gần đến ấp Thái Hưng,tToán này cũng nhờ qua thông tin của người dân trong vùng, nên thấu đáo tình hình, họ cải trang thường dân để bôn đào, nhưng bị bọn dân quân du kích tại đây phát hiện, bắt giải giao cho chính quyền Việt Cộng, rốt cuộc toán cũng bị bọn địch bắt đưa đi tù khổ sai ở trong trại tù Bình Sơn, nơi rừng sâu nước độc cùng với hai toán thám sát trên.

Âu đó cũng là số phận chung của toàn thể Quân Cán Chính VNCH sau ngày mất nước.

***

“Tàn cơn binh lửa.” Sau khi quân thù giặc Cộng đã cưỡng chiếm miền Nam, vẫn còn những người lính Biệt Cách Nhảy Dù hoạt động trong lòng địch, họ chiến đấu cô đơn, âm thầm, để hoàn thành sứ mạng thượng cấp giao phó, dù thượng cấp đã không còn ai và cũng không ai còn để cho họ được nhắc lại lần cuối cùng câu tâm niệm: “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.”

Không ít người đã hy sinh vào giờ thứ 25.

Đó là món nợ những người còn sống phải trả cho họ.

***

Cho dù sau hơn 43 năm cuộc chiến đã trôi qua và cũng đang dần dần chìm vào quên lãng theo với dòng chảy của thời gian. Nhưng, đối với những chiến binh cầm súng chiến đấu để tiêu diệt quân thù, bảo vệ Tổ Quốc, những chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù đã vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường, mật khu, căn cứ địa của địch, thì đó là một vết thương nặng, sẽ mãi mãi âm ỉ cháy bất tận trong đáy lòng họ. Bởi vì, có biết bao đồng đội, chiến hữu của họ đã hy sinh, đã trở thành phế binh, đang sống cuộc đời còn lại trong tận cùng đau thương, khốn cùng và tủi nhục. Bởi vì, chính họ đã dâng hiến tuổi trẻ, xương máu, mạng sống, để bảo vệ tiền đồ Tổ Quốc, nhưng cuối cùng, họ phải đành buông súng đầu hàng, trở thành kẻ chiến bại trước một bọn người vong bản, vô thần và vô nhân tính.

***

Trong cuộc sống lưu vong nơi đất khách quê người, cứ mỗi lần tình cờ, coi lại những tấm ảnh cũ trong đời binh nghiệp, với Bộ Áo Hoa Rừng ngụy trang, với Chiếc Nón Xanh huyền thoại, với bảng Phù Hiệu Con Đại Bàng khạc lửa, sải rộng cánh, bung móng vuốt tung hoành, tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện vì mình đã từng được chiến đấu trong một đơn vi thiện chiến, hào hùng: “Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.”
Nhưng rồi, kèm theo đó, một niềm xúc cảm lạnh buốt, từ từ lan rộng khắp cùng trong cơ thể tôi, trước mắt tôi hình ảnh những vị anh hùng tử sĩ như: “Lê Như Tú, Nguyễn Văn Tùng, Từ Bá Thọ, Hoàng Xuân Cường, Đặng Thiện Chẩn, Trần Phụng Tiển, Lương Hữu Yên, Lưu Huyên, Nguyễn Ích Đoan, Mã Thế Kiệt, Phan Ngọc Trường, Trịnh Văn Huỳnh, Nguyễn Quang Khánh, Phạm Văn Cứ, Khưu Công Quí, Nguyễn Phiêu, Nguyễn Văn Thủy, Mai Xuân Hùng, Nguyễn Văn Dục, Nguyễn Kim Long, K. Tông, Đỗ Nguyên Sanh, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Viết Khải, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Xuân Ánh, Trần Ngọc Bửu, Vũ Huy Cần, Trương Cự Chính, Nguyễn Văn Chuyên, Phạm Văn Chuyên, Trần Thanh Đồng, Nguyễn Văn Giỏng,…” còn còn nữa, làm sao kể hết, cứ lần lượt hiện về. Họ nhìn tôi trong nỗi buồn cảm thông, nhưng không thiếu sự trách móc, khi tôi vẫn còn sống sót mà không bảo vệ được Tổ Quốc, mà không trả được món nợ máu mà quân thù đã mang đến cho họ: những đồng đội, chiến hữu của tôi.

…“Tôi cũng biết…
Dù các anh đã chết…
Nhưng nỗi căm hờn còn mãi ở tâm linh,
Xin một mai khi Đất Mẹ thanh bình,
Tôi sẽ lấy máu quân thù tô vào nơi mộ chí!”

Và… đó cũng chính là món nợ mà tôi, một chiến binh 81 Biệt Cách Nhảy Dù còn sống đang và sẽ phải tiếp tục trả cho họ.

“Là người lính Biệt Cách Dù,
Chưa bao giờ sợ mình cô đơn trong chiến đấu.
Nhưng tại sao bây giờ,
Lại sợ mình che dấu nỗi niềm riêng !
Sợ phải cưu mang bao nỗi muộn phiền!
Sợ phải sống trong triền miên khiếp sợ?”

BCD Lê Đắc Lực
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn