“ Họa, Mô Phật, chú về bao giờ ?” chị Hai thả con dao xắt chuối ngay giữa nhà, trố mắt nhìn tôi”. Tôi chưa biết trả lời sao. Chị nói liên tục gần như không cần câu trả lời. “ Cháu tưởng chú về Tam Kỳ không trở lại đây nữa, thấy chú đây cháu lại nhớ anh Hai”… Chị dừng lại, nước mắt đầm đìa , đưa vạc áo lên lau mước mắt, chị nói tiếp : “ Chú ơi, anh Hai chết thê thảm lắm chú ơi”. Nói đến đây chị khóc thành tiếng. Tôi ngồi trên cái đòn đối diện chị phía bên kia cây chuối, nhìn ra cửa chính phía trước. Tôi cắn môi dưới để đè tiếng khóc. Ngày trước, nói ngày trước nhưng cách đây đúng 34 ngày, ngày đổi đời. Căn phòng này là phòng khách, giữa kê hai cái bàn dài ghép lại, hai bên ghế dựa, chen chúc với những chiếc ghế đẩu mặt tròn. Cách một cái màn, sát vách là bàn thờ sơ sài, ít khi thấy nhang khói. Gần như không sót một trưa chúa nhật nào không có bữa nhậu ở phòng này. Khách nhậu không cứ gì lính trong trung đội của chú Hai, có đủ thành phần, giáo viên công chức có, cả trưởng ty thanh niên, thuế vụ, nhất là các vua gà đá, các tay cờ bạc nổi tiếng trong vùng, đám sĩ quan trong chi khu, nhưng người lớn tuổi là tôi, tuy tửu lượng tôi bị chê trách chế nhạo hoài. Đám dân nhậu này rất hào sảng, vui vẻ, tất cả đều kính nể chú Hai.
Vóc người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, cặp mắt to cân xứng với cặp lông mày rậm rạp, nước da đen cháy nắng, làm lộ hai hàm răng trắng thật trắng, và đều đặng. Chú ‘ chưởi thề’, luôn miệng. Ban đầu dân làng khó chịu, nhưng riết rồi cũng quen, đến nổi nghe chú nói chuyện thấy vui vui. Người ta kể hai chuyện giai thoại về chú. Đúng sáng mùng một Tết, các trung đội trưởng chào cờ đầu năm ở quận đường, chào xong chúc tụng gia đình vị thiếu tá đầu quận này. Chú bước vào phòng khách đông người lớn tiếng bô bô “Đụ má cây mai đẹp quá thiếu tá, cả ngày 30, tôi rông cùng núi ‘ đéo có cái con cặc gì hết’, toàn mai tứ quí đã tàn hết hoa”. Cả phòng khách bấm bụng nín cười. Thiếu tá kéo cái ghế mời chú Hai ngồi sát với vợ con nói chuyện vui vẻ. Chuyện thứ hai, chú lãnh lương trên đường về nhà, ghé nhà người lính của chú sát vệ đường. Vào nhà thấy ba đứa nhỏ sinh năm một, đứa lớn chừng 5 tuổi, tay ẵm em đang ngồi thổi lửa, nhưng lửa không cháy, thằng nhỏ vừa thổi vừa khóc, tro bay dính đầy mặt mấy em nó. Mẹ nó đang vội vã giã vài chén lúa để lấy gạo nấu cho các con đang đói khóc lệ nhệ. Chịu không nổi trước cảnh thê thảm của người mẹ và ba đứa bé, chú Hai miệng nói cà lăm, tay rút bóp túi sau : “ Chị.. chị ..chị….mua gạo nấu cho mấy thằng..thằng nhóc” chú để trọn cái bì thơ đựng tiền lương tiền phụ cấp mới lấy từ quận ra, trên cái đòn ghế cạnh bếp, rồi chú bước ra. Mẹ con gia đình người lính nhìn chú ngơ ngác, không hiểu gì hết. Chuyện thứ ba, mỗi lần chú xuất quân, thiếu tá quận trưởng gọi máy dặn kỹ phải giử sống địch, đưa về khai thác tin tức, tiểu khu luôn luôn chỉ thị điểm này, nhưng chú Hai không bao giờ nghe lời. Chú còn nói một câu rất hách, để đời : “Tui..tui..tui….không không quen giữ..giữ.. tù binh”. Về chú, nhiều người phục, nhiều người ghét, nên người ta thêm bớt nhiều chuyện có khi trái ngược nhau, chung qui người ta nể, và ớn sợ chú.
Chị lau khô nưóc mắt trên mặt, giật mình nói : “Để cháu nấu nước chú uống .” Tôi im lặng , khoát tay từ chối. Chị Hai lấy lại bình tỉnh, kể tiếp :
“Lúc này dễ rồi chú, những ngày các ổng mới vào kinh khủng lắm, cháu nghĩ anh Hai ảnh chết mà khỏe thân cho ảnh. Những ngày đầu cháu cũng muốn làm một muỗng Mi- tốc cho xong, nhưng nhìn ba đứa con còn nhỏ quá, không nỡ đấy chú. Chiều hôm đó, cháu là người chạy sau cùng, cứ chờ ảnh về để ảnh ẵm bớt con cho cháu. Sau cùng cháu bỏ lại hết, chỉ đem theo hai lon sữa quân tiếp vụ, cõng một đứa, bế đứa nhỏ nhất, dắt đứa lớn nhất. Người ta chạy như kiến, cháu không thể theo người ta được, đành men theo mép lề đường. Pháo kích ầm ầm, kệ nó, cháu cứ đi. Đứa con lớn sợ quá nó khóc đòi cõng, cháu bực quá tát cho nó mấy tát, làm nó khóc rống lên không chịu đi nữa. Mới hết cánh đồng chừng ba cây số, mệt quá, khát nước quá, cháu chán nản, đành chịu chết, cháu quanh xuống đường ruộng về nhà bà ngoại sắp nhỏ.
Nhà bỏ cửa trống, không đèn lửa, không có ai trong nhà, mấy con chó hay sủa cắn bậy cũng đâu mất. Bỏ mấy đứa nhỏ ngoài sân, cháu chạy vào nhà, thì mới hay cha mẹ chị em cháu dọn sạch chạy từ hồi nào, chỉ còn bà ngoại cháu nằm rên hì hì trong buồng trong. Bà thở phì phào nói “ Nó đi hồi chiều, bà không chịu đi”…Cháu ở đó hai ngày ba đêm, không (đưa bàn tay ra đếm) tối hăm ba, ngày hăm bốn, tối hăm bốn, đúng hai đêm hai ngày. Thấy im lặng không có gì, cũng không còn nghe tiếng súng nữa, trực nhớ tối hôm chạy, quên lửng mấy con heo, không tháo chuồng thả nó, cũng không đổ nước cho nó uống cầm xác..cháu vội vã về. Ban đầu cháu định đi một mình, rồi trở lại, nhưng sợ sắp nhỏ dại ra ao sau vườn, nên cháu dẫn nó về, sau khi để tô cháo với cái muỗng trên đầu giường dặn bà cháu khi đói chờm múc ăn, rồi cháu sẽ trở lại gấp. Nghe nói về, mấy nhóc con mừng quá, nhất là thằng lớn reo lên, về gặp ba nó, sao ba nó mấy hôm nay không về nhà. Cháu nạt nó “ Câm cái miệng chó mầy lại, con nít biết gì mà nói” Thằng nhỏ bị la mếu máo chạy theo cháu.
Gần đến nhà, cháu thấy người ta láo nháo đông quá trước nhà cháu ngay ngã ba lên đồn Truông Dốc. Anh Hai cháu ảnh làm đại nhà ở lề đường ngay trước đường lên đồn, để ảnh chay lên chạy về cho gần. Chú biết ảnh mê đồn, thương đồn, hơn thương mẹ con cháu mà. Lại gần, thì ra lính lẫn lộn với dân, đang trói ba người đàn bà vào một đống, một người đang chắp tay lạy lia lịa. Vừa thấy cháu, trong đám đông la lớn “ Con mẹ ác ôn đây rồi, về đây đền tội.” Họ ùa đến cháu. hoảng hốt, không hiểu gì hết. Một người trạc năm mươi, mặt gằm gằm, không nói, đưa tay chỉ cháu, lập tức hai chú du kích dây đâu sẵn trong tay, trói chặt hai cánh tay cháu riết mạnh về phiá sau. Cháu như người chết, không biết gì nữa. Ba đứa con cháu nó khóc thét lên, ôm chầm hai ống quần cháu, đứa nhỏ đưa hai tay nhón người đòi bế. Người mặt gằm gằm đưa tay chỉ ba đứa nhỏ, một người lính bước tới, dừng lại, nghĩ gì.. rồi lại thôi. Cháu bớt hoảng hốt nhìn lại, thì ba người đàn bà bị trói đang khóc, đang chắp tay lạy kia, là thím Bảy Tình, bà Thiện mẹ thằng Chín Còi truyền tin, và vợ anh Năm trung liên, chồng con họ là lính của anh Hai. Họ kéo ba người một xâu đến gần cháu cột chung vào đầu mối dây, trói ké cháu. Biết chết đến nơi rồi, cháu lại bớt bối rối, hơi tĩnh lại, nhìn ba đứa con khiếp đảm đang quấn chặt hai chân cháu.
Tự nhiên đám đông tản ra, chừa chỗ cho ông chủ tịch xã bước vào. Trời ơi, chú biết không, ông già Năm Xùi làm chủ tịch. Ông già này nghèo lắm, chỉ có đứa con gái điên hay mặc quần áo rách tả tơi, đủ màu, ví trẻ con chạy cùng xóm, bị nghĩa quân bắn chết trong giờ giới nghiêm năm nọ. Ông làm giao thông xã, hay đi loa tin tức của làng. Anh Hai thường cho ổng các lon tiếp liệu ‘thịt ba lát’ quá hạng, ăn không hết, với thuốc Basto xanh quân tiếp vụ. Ông già này thường vào nhà cháu như người nhà, gặp gì ăn nấy. Thế mà theo cách mạng hồi nào không ai biết, nay làm tới chủ tịch xã. Thấy cháu ông ngó lơ chỗ khác. Ông có vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ. Ông nói nhỏ gì với người chỉ huy trong đám, rồi hai người kéo ra ngoài xa nói chuyện. Một tia hi vọng lóe vào trong đầu cháu. Hai người chầm chậm đi trở vào, hình như có cái gì hơi làm khó nghĩ cho họ. Nhìn cặp mắt ông già thấy như có cái gì dấu kín sự thương hại lo lắng cho cháu. Chút hi vọng của cháu trong nháy mắt tan biến hết. Cháu sợ. Thật sự cháu sợ.
Trời ơi ! chú biết không. Ông già đứng trước mấy người chúng cháu nói lớn : “ Mọi người im lặng nghe tôi nói.” Chờ không có một tiếng ồn, chỉ còn nghe tiếng ho ho của các ông bà già ngồi lâu dưới nắng chiều oi bức. Ông lên giọng : “ Tôi mới vừa làm việc với đồng chí xã đội, nhất trí đưa mấy gia đình có nợ máu với nhân dân lên đồn Truông Dốc gỡ mìn của bọn ác ôn. Đây là một khoan hồng của chánh phủ Cách mạng, đạo đức của Hồ chủ tịch vĩ đại, đánh kẻ chạy đi, không đánh người trở lại. Nếu trong lúc công tác cách mạng này, người nào bị mìn chết hoặc bị thương, thì được Đảng, nhà nước vinh thăng là liệt sĩ, là gia đình liệt sĩ, có đầy đủ quyền lợi như những đồng chí liệt sĩ ngoài mặt trận.” Ông vừa dứt lời, mọi người vỗ tay như pháo nổ. Người xã đội trưởng vẫn im lặng, mặt gằm gằm. Hồn vía cháu lên mây. Mắt đổ đom đóm. Cây cối, nhà của, người chen chúc quay tròn chung quanh cháu, không thấy gì nữa. Một người nắm tay cháu kéo đi trước. Cháu đi như một khúc cây được người ta kéo đi, không còn ý thức gì nữa. Lên cao dần, gió man mát, cháu nhận định được cháu đi gỡ mìn, cháu đi chết. Chú ơi, tự nhiên cháu tỉnh hẳn. Không thấy con đâu, cháu quanh người trở lại, đám đông dừng từ hồi nào, có lẽ con cháu cũng đứng ở đó. Một thoáng nghĩ, con cháu được sống không bị chết chung với cháu.Cháu mừng hẳn. Nhưng cháu lại sợ, quá sợ, biết còn chừng vài bước nữa là vĩnh biệt con cháu, là cháu chết. Người run toàn thân. Mấy người bị trói đi theo cháu mặt xanh xám xịt như xác chết, run quá, như cái dây trói bị rung dựt. Thì ra ông xã đội và một du kích dắt chúng cháu lên gần cổng đồn cách chừng trăm thước. Họ dừng lại, chúng cháu dừng lại.
Đường lên đồn quen thuộc, vì nhiều lần cháu đem cơm cho chồng cháu trong những ngày giới nghiêm, những ngày Tết, chồng cháu túc trực đêm ngày tại đồn dù có lệnh đình chiến đôi bên. Cháu tin chắc chồng cháu đã chạy thoát, và sau này sẽ tìm cách gặp lại các con cháu và nuôi dưỡng dạy bảo chúng nó. Nghĩ đến đó, cháu hơi yên tâm. Tự nhiên trong người lạnh quá cháu run lập cập. Cháu xác định cháu còn giây lác trên cõi đời này. Chú ơi, cháu khóc, cháu tiếc quá, chưa sống bao nhiêu, bây giờ phải chết trong khi chưa tới số phải chết. Chết trong lúc khỏe mạnh, trong lúc thèm sống, trong lúc đang thương yêu chồng con dạt dào. Cháu nghĩ đến cha mẹ cháu, đến bà ngoại mà cháu đã bỏ bà nằm chết trong tẻ lạnh, đơn côi.
Tiếng nói chắc nịch chậm rãi của ông xã đội làm cháu trở lại thực tại. Ông đưa tận tay cháu một cái kiềm loại kiềm bấm kẽm gai và bảo : “Chị đi thẳng vào đồn. Đến cổng đồn cẩn thận bọn chúng gài mìn và lựu đạn. Khi cắt khóa vào cổng chị phải quan sát kỹ, sơ hở là chết. Tôi biết bọn ác ôn này gài mìn giỏi lắm, ác lắm. Nếu thấy cái dây gì nghi ngờ chị nhẹ nhàng cắt đứt. Khi chị vào được trong sân đồn, chị khuyên chồng chị đầu hàng nhân dân, đầu hàng cách mạng, sẽ được khoan hồng như tất cả bọn nguy quân ngụy quyền khác. Chị hiểu chưa, nhớ chưa. Nếu chồng chị ngoan cố, chúng tôi, nhân dân không tha thứ, và quân đội nhân dân sẽ tiêu diệt.” Cháu hơi hoàn hồn vì biết không phải gỡ mìn cả bãi mìn, mà chỉ gỡ mìn ở cổng đồn, và chính là làm bia đi trước để chồng cháu tử thủ đồn khỏi bắn ra, hoặc cháu làm bia đở đạn cho quân cách mạng đang bao vây chung quanh đồn. Tuy hiểu vậy, cháu vẫn run sợ. Nói xong dặn lại lần nữa, rồi ông xã đội cùng người lính du kích mở dây trói chúng cháu, bỏ chúng cháu, đi trở lại. Thì ra chồng cháu không chạy trốn, quyết ở lại tử thủ. Chắc chắn chồng cháu sẽ nghe cháu để bắt đầu làm lại cuộc đời, có chồng có vợ, có cha có con, sống an phận như những bà con xóm làng ở nông thôn.
Bổng tiếng loa bốn phía réo lên xé tan không khí im lặng rùng rợn, chết chóc. Tiếng loa kêu gọi chồng cháu đầu hàng, để được khoan hồng. Tiếng loa báo cho những người tử thủ trong đồn biết, bốn người đàn bà sắp vào đồn là vợ của trung đội trưởng ngụy quân, và vợ đám ngụy quân còn ngoan cố ở trong đồn. Nếu không bỏ súng đầu hàng, thì quân đội nhân dân không tha thứ, và sẽ san bằng, biến thành mồ chôn đám ngụy quân ngoan cố, và vợ con gia đình có nợ máu. Loa gọi lung tung, làm cháu hoảng hốt lo lắng, đừng bày những nghĩa quân trong đồn nhất là chồng cháu nổi nóng nổ súng thì hết cứu chữa. Cháu hồi họp quá. Đang bước từng bước chậm để kéo dài những phút chót của cuộc đời, cháu lại vội vã đi nhanh hơn, nhưng mấy người sau cháu như họ đã chết hồi nào chỉ còn các xác không hồn lê theo cháu. Thật tội nghiệp cho họ, chú ơi, cháu muốn bảo họ nằm xuống ở lại, một mình cháu hi sinh vào cũng đủ, nhưng hình như họ không hiểu gì hết, và họ vẫn theo cháu đi.
Đến cổng một thước tây, cháu đứng lại quan sát. Cháu nín thở trừng mắt quan sát rất cẩn thận, không thấy một cái gì khả nghi, không một sợi dây, không một dấu đất mới lấp . Hai cánh cửa làm bằng kẽm gai buộc chặc bằng cái xích sắt, khóa bằng một cái khóa lớn bên trong. Ban đầu định cắt ống khóa, nhưng không dám chờm vào trong, cháu lại định bấm kẽm gai, chun vào, nhưng cũng thấy trở ngại, nó sẽ rung cánh cửa và biết đâu nó động nó nổ thì xong đời. Miệng vừa nói ‘ nằm xuống!’ như một lệnh, tay cháu chận đầu ba người theo cháu nằm xuống để cháu cắt kẽm gai. Ba người nằm rặp mặt úp sát đất. Chú ơi, cháu vừa đưa cái kiềm vào sợi kẽm gai ngoài cùng, tay run quá, cháu bấm không được. Cái kiềm tuột tay rớt xuống đất, cháu nhắm mắt, nằm xuống, hứng tiếng nổ, nhưng không thấy gì hết, cháu ngóc đầu lên, trời ơi ,chú ơi, cháu thấy cái cửa nhỏ một bên vừa đủ một người đi qua bỏ trống, không khép cánh, hình như có ai ra vào quên đóng cửa nhỏ bên hông. Cháu mừng quá, không lượm cái kiềm, cháu chạy đại qua cái cửa bỏ ngỏ này vào trong, an toàn.
Cháu lại dừng lại, sợ bên trong bắn ra. Dừng lại la lớn : “ Anh Hai, em đây, em Huyền đây, đừng bắn, em đây, em Huyền đây.. la lớn, hét lớn, không thấy động tỉnh gì hết. Cháu vừa vào vừa la lớn mắt đăm đăm lên chòi gát cao, nơi đặt trung liên, không thấy bóng dáng gì hết. Tất cả im lặng một cách rợn người. Lá cờ vàng ba sọc vẫn phất phới trên chót đỉnh. Nhìn xuống bồn cột cờ, trời ơi, từ xa cháu đã nhận dạng anh Hai đang nằm. Như điên như dại, cháu chạy ùa tới la lớn anh Hai anh Hai ! Chú ơi !, thì ra anh Hai chết từ hồi nào, chú ơi ! đầu vẫn đội nón lưởi trai ngã quẹo qua một bên, cả thân người nằm cong queo trên bục cấp bồn chân trụ cờ. Khẩu súng lục rớt sát bên ngực, máu từ ngực chảy ra đã đông cứng màu thẩm đen. Cháu ngã người lên xác anh Hai bất tỉnh . Mấy bà chạy sau cháu đở cháu dậy, nói cho cháu biết anh Hai đã chết rồi. Cháu hoàn hồn, bảo mấy bà chạy ra ngoài tin cho mấy người ngoài đồn biết trong đồn không còn ai chỉ có xác chết anh Hai. Họ đi ra lâu lắm, không thấy động tỉnh gì. Thì ra anh Hai tự tử bắn vào tim toát một lổ lớn xuyên qua lưng máu chảy nhuợm đỏ xẩm vạt áo trước, súng rớt bên cạnh, kiến bu đầy người mà cháu không biết. Mắt anh như không khép kín lại được, da anh xám như chì. Cháu rút cái ví ở túi quần sau , một cái dao xếp trong túi quần dưới ống chân. Lính bên ngoài thận trọng tiến vào, súng lăm lăm lục soát quanh đồn, một số bao vây xác chết anh Hai. Một người lính dựt cái ví và con dao trong tay cháu, rồi bỏ con dao lại, lấy cái ví, nói với cháu để điều tra.”… Kể đến đây chị như kiệt sức, không còn nói được nữa, úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở.
Tôi an ủi chị. Hai chân tê cứng, tôi gắng đứng dậy vào bàn thờ thắp cây nhang. Không thấy ảnh anh Hai tôi hỏi nho nhỏ : “ Không có ảnh trên bàn thờ” Chị nín khóc : “ Không có, mấy ngày vắng nhà, họ dọn sạch, không còn cái chén ăn cơm, không còn cái gáo múc nước. Hôm chạy cháu bỏ lại hết, chỉ lo ba đứa nhỏ thôi, khi về còn cái nhà trống. Thấy cái dao con chó đặt trên cái dĩa trên bàn thờ, tôi nhè nhẹ cầm lên, nước mắt tôi tuôn chảy, tôi khóc. Chị liền nói : “ Chú là người thân nhất, người chết sống với chồng cháu, nên chú giữ lấy con dao, kỷ niệm duy nhất của anh Hai. Ở đây nhà có ba đứa nhỏ cháu sợ nó lấy chơi bậy bạ rồi bỏ mất,hoặc nguy hại cho nó. Chú giữ giùm cho cháu đi. Chú là người đáng giữ kỷ niệm của anh Hai. Tôi cẩn thận bọc con dao trong túi quần, rồi lặng lẽ ra về. Chiều xuống, yên lặng, nặng nề như thường lệ, không có gì đổi thay.
Từng bước chầm chậm, thẫn thờ theo con đường mòn về nhà cũ. Một vài người ngoài đồng về trễ dáng đi nặng nề mệt mỏi. Tôi men theo đường ruộng đi tắt về nhà tôi ở cách xa con lộ chìm khuất trong hàng tre xanh đen của buổi chiều mặt trời vừa tắt. Bước vào sân nhà tôi không ngạc nhiên vì chị Huyền vợ anh Hai cho biết gia đình tôi đã về Tam Kỳ, quê ngoại. Tôi lặng lẽ vòng cửa sau vào nhà. Trong nhà chỉ còn cái bàn thờ cha tôi, một ít đồ lặt vặt dưới bếp. Cái vò nước uống, đầy nước. Cái gáo dừa úp trên miệng vò.Tôi ực ực một hơi mấy gáo nước mát lạnh. Bụng no cứng. Tỉnh táo hẳn.
Ngồi trên chiếc đòn ghế dựa lưng vào vách ở nhà bếp tôi cảm thấy dễ chịu qua một ngày uể oải. Cấn cấn ở túi quần tôi móc lấy con dao của anh Hai. Tôi bổng cười lên tiếng, nước mắt tôi lại tuông ra, “Được, Được !, xứng đáng là anh Hai, xứng đáng là anh Hai, người hùng Truông Dốc, người hùng nghĩa quân, ngưòi hùng quốc gia.”
Có lần anh Hai tâm sự với tôi anh quí con dao này hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Anh bảo nó đã cứu mạng anh biết bao nhiêu lần trên cuộc sống bụi, hư hõng của anh lúc còn nhỏ, lúc ở cầu Muối, ở cầu Ông Lãnh Sài gòn. Anh bảo anh gốc người Núi Sập,Châu Đốc. Năm anh mười tuổi. Trong một đêm tối trời, nửa đêm, người ta ào ào vào nhà cha mẹ anh giết sạch cả nhà. Cha mẹ anh bị chặt đầu trước sân. Con em kế anh bị đâm lòi ruột vứt xuống ruộng trước nhà. Anh may mắn tối đó ở nhà ông Bác bên cạnh nghe cải lương khuya quá, ở lại ngủ, không về, nên còn sống sót. Ông bác không muốn anh ở quê nhà thù oán, nên đưa anh lên Sài gòn ở mướn giúp việc nhà cho người bạn ở kho Năm, Khánh hội. Anh nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ em, khóc suốt ngày, không chịu làm việc. Bà chủ la rầy không có kết quả, nổi giận bà đánh cho mấy tát tai. Tức quá, anh hết khóc, ăn cắp cái đồng hồ đeo tay của bà chủ và con dao xếp lưỡi, hiệu con chó, cán mở ra xếp vào, có cả cái lò xo xoắn mở nút chai. Bỏ nhà ra đi, nhập bọn con nít ăn xin ở chợ cầu ông Lãnh. Anh cho biết anh ốm gầy, đen thui, nhưng rất khỏe. Bọn ăn mày lớn tuổi hơn, nạt nộ ăn hiếp anh, không ngần ngại anh đâm cho một lưởi dao thấu bụng. Rút dao, lau máu, dấu trong quần chạy trốn lên chợ cầu Kho, an toàn. Ở đây anh nhập bọn chú sáu Lỳ đi ăn xin ăn cắp, chiều về đóng “ tiền xế” cho chú. Hơn một tháng anh bực bội quá tiền kiếm cả ngày không đủ cúng lên cho Sáu Lỳ. Vô cớ, đang vui vẻ trước sáu Lỳ cùng đồng bọn, anh rút dao nhanh như chớp, đâm túi bụi vào bụng tay trùm anh chị này. Tướng dềnh dàng to lớn sáu Lỳ không kịp la lên một tiếng, ngã quị như cây chuối bị đốn, máu chảy đầy chợ. Bọn ăn mày cút mất dạng. Khi cảnh sát đến thì Sáu Lỳ còn là cái xác không hồn. Người trong chợ vui mừng đỡ được cái nạn cướp bóc, cảnh sát nhẹ người khỏi cần điều tra. Nhưng anh Hai lại trốn về lại cầu ông Lãnh. Bọn du côn cầu ông Lãnh lại tôn anh làm đại ca, lúc ấy anh mới có mười lăm tuổi. Anh cho tôi biết sở dĩ có nhiều thằng gan lì khỏe hơn anh nhưng vẫn bị anh đâm, vì thấy một tên bụi đời nào có vẻ nghênh nghênh trước mặt anh là anh đâm liền không cần nguyên cớ. Anh nói “Đụ đụ mẹ nó nghinh nghinh là …là..tui..tui cho một nhác dao ngay, rồi chạy, cảnh sát…đéo ..đéo.. làm cái cái con cặc gì”. Anh còn cho biết mỗi lần đâm được tên nào, rồi bỏ tẩu, khi bình tỉnh lại, anh liền khắc một vạch sâu vào cán dao con chó này. Anh đưa tôi xem cán dao của anh khắc ngang dọc đếm không xuể. Đó là thành tích giang hồ của anh, sau khi gia đình bị thảm sát.
Năm 17 tuổi, anh tình nguyện đi lính biệt động quân. Anh kể cho tôi nghe đêm anh từ giả bạn bè, có cả bạn gái giang hồ, tại chợ Cầu Muối đường Nguyễn thái Học Sài gòn. Anh gọi là “đêm Tắm rượu”, thật là hào hùng, như những vị anh hùng trong Thủy Hử. Anh rất khoái trá khi kể cho bạn bè nghe những chuyện trên và nhất là cái đêm tắm rượu mà anh nghĩ rằng không bao giờ có thể có lại.
Khi anh kể cho tôi nghe những trận đánh của anh khi anh ở biệt động quân và anh chỉ những vết sẹo trong người anh, tôi mới thấy rằng những thành tích chiến trận của tôi mà lâu nay tôi và bạn bè tôi tự hào, không thấm vào đâu. Anh nói với tôi, và tôi cũng chứng kiến nhiều trận có tôi tham dự khi tôi về làm trung phó của anh. Rất ngạo mạn anh bảo : “ Thằng Hai này, suốt đời binh nghiệp, ra trận chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nằm.” Quả như vậy nên nhiều người bảo anh có bùa ngải, tôi không tin. Vì điểm can trường liều lĩnh chưa ai có, nên cấp trên rất cưng chiều anh, nhất là các vị quận trưởng luôn o bế và gần như dành cho anh một qui lệ riêng.
Tuần lễ cuối cùng, trung đội tôi đào ngũ hết 5 người. Bọn nó trốn cùng với gia đình di tản trước. Anh nổi điên bảo tôi đi kiếm bọn nó về cho anh bắn treo xác lên cột cờ để cảnh cáo bọn hèn nhác trốn không dám chiến đấu. Anh gầm thét như con hổ đói, làm chúng tôi sợ sợ anh làm ẩu. Tôi luôn an ủi xoa dịu anh, nhưng gần như không hiệu quả. Một hôm thằng Hưng, hỗn danh là “ Năm trung liên” nhớn nháo vừa bước vào đồn nói đài Hoa Kỳ mới nói quân đội quốc gia rút lui, Quảng trị bỏ ngỏ, và người ta tiên đoán tổng thống Nguyễn văn Thiệu, đại tướng Trần thiện Khiêm chuẩn bị chở vàng đi trốn ra nước ngoài. Vừa nghe thằng Hưng nói tôi liền chận nó lại, bảo đừng vào trong và câm miệng đừng phát ngôn bừa bãi, nhưng trễ quá rồi, anh Hai nhào tới đánh túi bụi thằng Hưng, rút súng lục định bắn tôi nhào tới ôm chặt anh Hai, tôi vật với anh một hồi, anh em đuổi thằng Năm trung liên ra ngoài và xúm nhau năn nĩ anh Hai bảo nó nói bậy không có việc đó. Anh Hai nói phun nước bọt cà lăm cà lặp : “ Tui…tui..bắn bể óc thằng chó ..chó..chó nào nói xấu quân..quân…đội đội đội, thằng chó chó nào nói xấu tổng thống.. thống..” Tôi đi dặn từng người một, không được nói tin tức, dù nghe trong ra di- ô trước chú Hai. Nếu không theo lời tôi, bị chú bắn chết rán chịu. Chú đã từng bắn chết nhiều người rồi, mới tình nghi là địch, chú bắn ngay, không cần xem lại. Từ hôm đó , bọn chúng không đứa nào dám lảng vảng trước mặt chú Hai, như con cọp điên.
Ngày 23, ngày định mệnh, ngày cuối cùng, trên đồn Truông Dốc còn có tôi và chú Hai. Tôi nghe thầm thầm trong radio, đài BBC, đài VOA, tôi biết chắc tình thế quá nguy ngập. Quảng trị thất thủ. Huế thất thủ. Đà nẳng di tản. Nhất là lời tường thuật về sự tháo chạy của quân đoàn II, Pleiku, còn hơn sự tháo chạy của quân Đức quốc xã mặt trận Tây Âu, khi Hitler đã tự tử. Tôi định khuyên chú Hai nên rút lui để tránh sự tàn sát của địch, nhưng không thể mở miệng vì trước cặp mắt đỏ như máu của chú và tay lăm le khẩu súng Col 12. Tôi sợ, thật sự tôi nể sợ chú, như nể sợ một vị anh hùng ở phút thác loạn. Mấy lần định nói, nhưng lại thôi, vì tôi nghĩ một băng 6 viên đạn Col đỏ chói sẽ xé nát đầu tôi, trước khi đồn thất thủ.
Bổng chú kêu tên tôi, rồi chú ra bồn trụ cờ, ngồi ở bậc trên cùng. Tôi theo chú . Chú bảo, lần này chú nói rất chậm không cà lăm. Lần đầu tiên tôi nghe chú nói không cà lăm cà lặp. “ Chia tay chú, chú về đi, ra cổng khép kỹ, gài cho tôi mấy quả lựu đạn. Nhớ nhé, nhớ gài lựu đạn, chào chú”. Tôi quá bất ngờ, sửng sốt như bị thôi miên, tôi không nói được một tiếng nào ở giờ phút khủng khiếp ấy. Như cái máy, tôi ra cổng trước, khoá kỹ. Tôi dừng một lát. Trăng mờ mờ trong mây. Dưới xa, dưới lộ xa đoàn người di tản khi chiều còn tiếp tục. Tôi bất tuân lệnh . Tôi không gài lựu đạn, nghĩ rằng, biết đâu để cửa an toàn cho chú chạy khi cần trong đêm nay. Có lẽ rối trí tôi quên khép cánh cửa nhỏ bên hông, vì tôi không trở lại nữa.
Tiếng máy bay trực thăng bay rất thấp. Trên trời, lệnh của đại tá tỉnh trưởng nghe rõ mồn một, “ Tôi, đại tá tỉnh trưởng ra lệnh cho các quận trưởng, các trưởng đơn vị quân đội, tự động di tản cùng với đồng bào, không chờ lệnh thượng cấp nữa.” Có lẽ lúc đó là giờ phút bi thảm tuyệt vọng nhất của vị anh hùng Trần Hai, kết thúc cuộc đời ngang dọc sau khi nghe lệnh từ không gian tỏa xuống.
Nguyễn Liệu
Nguồn Quảng Ngãi Nghĩa Thục