Tải xuống để nghe.
GS Lưu Hiểu Ba. Photo: RFA
Việt Nam không chỉ giống Trung Quốc về thể chế chính trị và cách thức quản lý, điều hành xã hội mà còn có khá nhiều bị can, bị cáo, bị án tương tự như ông Lưu Hiểu Ba.
Những người Việt có cảnh ngộ giống như ông Lưu Hiểu Ba nghĩ gì về ông Lưu Hiểu Ba và Giải Nobel 2010? Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật…
Có nhiều “Lưu Hiểu Ba”
Theo Ủy ban Giải Nobel, lý do chính khiến họ quyết định xét trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba là vì ông đã kiên trì đòi chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền. Ông Lưu Hiểu Ba đã nêu yêu cầu này một cách kiên trì và ôn hòa. Ông bị bắt, bị kết án, được tha rồi lại tiếp tục lên tiếng đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng tự do, dân chủ nên bị bắt trở lại. Khi giải Nobel Hòa bình 2010 được công bố, Lưu Hiểu Ba đang ở tù lần thứ ba và nếu chính quyền Trung Quốc bất chấp lời kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba của cộng đồng quốc tế, ông Lưu Hiểu Ba sẽ tiếp tục ngồi tù cho đến năm 2019.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và ông Michael Cromartie, Phó chủ tịch USCIRF. Photo courtesy of UBQTYTCTNB
Trung Quốc không chỉ có một Lưu Hiểu Ba và giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng có rất nhiều cá nhân với cảnh ngộ tương tự Lưu Hiểu Ba. Chẳng hạn bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Bác sĩ Quế cũng từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ xứ sở của mình, cũng ngồi tù ba lần vì lên tiếng đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng tự do, dân chủ và cũng chỉ vì thế mà bị kết buộc là “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Âm mưu lật đổ chính quyền”.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế - người đã từng được nêu tên trong danh sách đề nghị trao tặng Giải Nobel Hòa bình, nghĩ gì về ông Lưu Hiểu Ba và Giải Nobel Hòa bình năm 2010? Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận định:
BS Nguyễn Đan Quế: Tất cả những người tranh đấu cho tự do, nhân quyền trên thế giới cũng như tại Việt Nam và cá nhân tôi rất mừng và phấn khởi. Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, thậm chí đe dọa Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nobel nhưng hội đồng này đã làm việc rất độc lập, không chịu áp lực về chính trị.
Giải thưởng Nobel Hòa bình 2010 trao cho ông Lưu Hiểu Ba vào thời điểm mà Trung Quốc có những thái độ hung hăng trên thế giới và đặc biệt là trong vùng biển Đông, cũng như biển Hoàng Hải là một thông điệp gửi đến chính phủ Trung Quốc, nhắc họ ý thức vai trò, trách nhiệm và hòa hợp với thế giới ngày hôm nay. Mặt khác là một biểu tượng sinh động, kêu gọi những người tranh đấu cho tự do, dân chủ trên thế giới.
Trân Văn: Theo ông thì giải thưởng vừa được trao cho ông Lưu Hiểu Ba có tạo ra tác động nào đối với những người cùng chí hướng với ông ta ở tại Việt Nam hay không - ở đây, có thể hiểu những người cùng chí hướng là những người đang dấn thân đòi tự do, dân chủ cho người Việt, trên xứ sở Việt Nam giống như ông Lưu Hiểu Ba đã từng làm tại Trung Quốc?
BS Nguyễn Đan Quế: Tôi nghĩ rằng và tôi phải nói rằng, chuyện trao giải thưởng hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba là một khích động rất lớn đối với những người đang dấn thân trên con đường tranh đấu đầy gian lao, khó khăn cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.
Tấm gương của Lưu Hiểu Ba cũng như nhiều tấm gương khác, chẳng hạn Nelson Mandela, Martin Luther King,… luôn luôn là những vì sao sáng hướng dẫn chúng tôi, hướng dẫn những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam, cũng như là hướng dẫn những người tranh đấu cho tự do, dân chủ trên toàn thế giới để mưu cầu một thế giới tốt đẹp hơn thế giới hiện nay.
Sự khích lệ chung
Đó là suy nghĩ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, năm nay 68 tuổi, một trí thức được xem là do tư bản đào tạo. Thế còn những trí thức trẻ hơn, được đào tạo dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” nhưng không tán thành “tự do, dân chủ” theo kiểu xã hội chủ nghĩa thì nghĩ gì về sự kiện ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hoa bình năm 2010?
Ông Nguyễn Bắc Truyển tại trại giam Xuân Lộc. Photo courtesy of ddcvn.info
Đó là suy nghĩ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, năm nay 68 tuổi, một trí thức được xem là do tư bản đào tạo. Thế còn những trí thức trẻ hơn, được đào tạo dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” nhưng không tán thành “tự do, dân chủ” theo kiểu xã hội chủ nghĩa thì nghĩ gì về sự kiện ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hoa bình năm 2010?
Ông Nguyễn Bắc Truyển, 42 tuổi, một doanh nhân cư trú ở Sài Gòn, cũng từng ngồi tù do lên tiếng đòi tự do, dân chủ, mới được trả tự do hồi giữa năm nay, cho biết suy nghĩ của ông:
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi cho rằng đây là một phần thưởng vô giá cho phong trào đòi dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới mà Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam là những nước có phong trào đấu tranh rất là mạnh mẽ.
Năm 2006, Cộng đồng châu Âu đã đưa ra Nghị quyết 1481 để lên án Chủ nghĩa Cộng sản như là một chủ nghĩa chống lại loài người. Đây là cái tát thứ nhất vào những chế độ Cộng sản độc tài, toàn trị.
Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010 trao cho Giáo sư Lưu Hiểu Ba đang bị nhà cầm quyền Trung Quốc giam giữ chính là cái tát thứ hai.
Phong trào đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền tại Trung Quốc và Miến Điện thì đã được vinh danh, tôi cũng hy vọng rằng, trong một tương lai rất gần, phong trào đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền tại Việt Nam cũng sẽ được trao tặng giải Nobel Hòa bình. Các bậc niên trưởng trong phong trào đấu tranh quốc nội như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế rất xứng đáng được vinh danh như thế!
Trân Văn: Theo anh, liệu là Giải Nobel Hòa bình trao cho ông Lưu Hiểu Ba có tạo ra tác dụng động viên, khuyến khích đối với những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam không?
Nguyễn Bắc Truyển: Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người đang đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Việt Nam bởi vì những phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh.
Tôi nghĩ rằng, nếu có một sự liên kết giữa những người đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền tại Trung Quốc, Việt Nam, Miến Điện, Cuba và Bắc Triều Tiên để đối lập lại với những chế độ cộng sản độc tài, toàn trị đang còn tồn tại trên đất nước này thì rất là hay.
Những người đấu tranh trong nước rất là vui mừng và nghĩ là Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010, trao cho Giáo sư Lưu Hiểu Ba cũng là một phần thưởng khích lệ cho chính bản thân mình.
Trân Văn: Cá nhân anh có nhận được phản hồi nào từ phía những người cùng chí hướng với anh không?
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi nhận thông tin này vào ngày hôm qua và cho tới sáng hôm nay đã được xem rất nhiều tin về Giải Nobel Hòa bình năm 2010 trên các trang mạng điện tử. Sau đó, tôi cũng nhận được sự chia sẻ của những người đấu tranh cho dân chủ trong nước qua điện thoại. Tôi thấy cảm giác chung rất là vui, rất là mừng. Họ coi đó như chính là phần thưởng cho bản thân mình.
Vì sao dị ứng với hòa bình?
Công điện chỉ đạo đối phó với tình huống Hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải Nobel Hòa bình do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 9 tháng 10 năm 2008.
Có những dấu hiệu cho thấy, Việt Nam giống Trung Quốc cả trong cách đối phó với Giải Nobel Hòa bình.
Trước sự kiện Ủy ban Giải Nobel trao tặng ông Lưu Hiểu Ba Giải Nobel Hòa bình năm 2010, Trung Quốc tuyên bố, lựa chọn đó sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy. Thế còn Việt Nam?
Hồi cuối năm 2008, nhiều diễn đàn điện tử và blog giới thiệu một công điện do ông Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất Bản của Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng CSVN, ký ngày 9 tháng 10 năm 2008, gửi “Các cơ quan báo chí trong nước”, chỉ đạo đối phó với tình huống Hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải Nobel Hòa bình.
Nguyên văn công điện này như sau: Thời gian qua, báo chí và dư luận Na Uy, Thụy Điển tập trung đưa thông tin, bình luận, dự đoán về việc Giải Nobel Hòa Bình 2008 có thể được trao cho một, một số trong những phần tử chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trắng trợn ở Trung Quốc, Việt Nam, Nga hoặc quốc gia khác.
Trong trường hợp Thích Quảng Độ được trao giải, báo chí ta đăng lời của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam kịch liệt phê phán việc trao giải vừa phi lý, thiếu thiện chí vừa làm hoen ố một giải thưởng vốn danh giá, hướng thiện. Lên án những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước để vi phạm pháp luật, giáo lý nhà Phật, phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị sẵn bài viết, phóng sự, hình ảnh, tư liệu về vấn đề này để đấu tranh. Chú ý phỏng vấn, lấy ý kiến người dân, ý kiến các bậc chân tu phản đối việc trao giải, lên án Thích Quảng Độ và các thế lực đen tối khác.
Nếu giải thưởng được trao cho các nhân vật chống đối chính quyền ở Trung Quốc, Nga hoặc nước là bạn bè, đối tác chiến lược của ta, những nước đó phản đối thì ta đưa tin về sự phản đối của họ, không bình luận, không mở rộng thông tin.
Chẳng riêng giải Nobel Hòa bình. Tại Trung Quốc và Việt Nam những diễn biến tạo ra thay đổi theo xu thế hòa bình cũng được xác định là “thù địch, phản động”.
Trân Văn, thông tín viên RFA
10-10-2010
Gửi ý kiến của bạn