BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76243)
(Xem: 62975)
(Xem: 40381)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đảo Kuku, bài 1: 'Sao tôi để mẹ nằm lại nơi đảo vắng?'

19 Tháng Tư 20187:00 SA(Xem: 3573)
Đảo Kuku, bài 1: 'Sao tôi để mẹ nằm lại nơi đảo vắng?'
59Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.710
Tôi biết là mình sẽ khó quên được cảnh ông Nguyễn Gia Mạnh ngồi trơ trọi giữa những ngôi mộ, tảng đá không lưu danh người trên ngọn đồi nơi đảo vắng của xứ người.

"Bán đảo Kuku" theo cách gọi của người Việt là nơi từng có trại tỵ nạn Kuku, nằm trong quần đảo Anambas của Indonesia, phía đông bắc Singapore, nên đường đến đó thì đi từ đảo quốc Sư tử có vẻ thuận tiện hơn là từ Jakarta.

vuotbien-Ông Nguyễn Gia Mạnh bên mộ người mẹ ở đảo Kuku 2018
Ông Nguyễn Gia Mạnh bên mộ người mẹ ở đảo Kuku


Được biết từ năm 1979 đến giữa thập niên 1980, có lần lượt khoảng 40.000 thuyền nhân Việt Nam đã đặt chân lên Kuku, trước khi được chuyển sang các trại chuyển tiếp chờ đi tỵ nạn ở nước thứ ba.

Và nếu tính cả Indonesia thì con số này lên đến 180.000 thuyền nhân Việt Nam.

Đảo Kuku vào thượng tuần tháng Tư năm 2018
Đảo Kuku vào thượng tuần tháng Tư năm 2018

Ông Gaylord Barr, một giáo viên người Mỹ từng đến giúp người tỵ nạn Việt Nam tại trại Galang vào đầu thập niên 1980 và có dịp ghé trại Kuku năm 1981, mô tả Kuku "vừa xinh đẹp vừa tàn bạo."

"Chỉ một tháng trước chuyến thăm Kuku của chúng tôi, một tàu chở người tỵ nạn Việt Nam đã bị đắm khi gần tới đảo, khiến tất cả những người trên tàu bị chết đuối," ông Barr viết trên website cá nhân.

"Đêm hôm đó, một đại diện của tổ chức World Vision (Tầm nhìn Thế giới) nhờ một thông dịch viên tiếng Việt, trò chuyện cùng những người tỵ nạn trên đảo. Ông nói với những người này rằng họ sẽ không bao giờ nhìn thấy Việt Nam nữa và mô tả với họ về những khó khăn, sự cô đơn và vô vọng của họ khi đến sống ở những nước khác. Ông giải thích rằng hy vọng duy nhất của họ là chấp nhận Chúa Jesus làm vị cứu rỗi. Những người nghe im lặng, một số người đã khóc và một số người bước ra ngoài."

Tôi lướt qua những tấm ảnh chụp người Việt trên website của Barr và thấy gương mặt đàn ông, đàn bà trầm tư, ánh mắt không che giấu vẻ lo âu, bên cạnh những đứa trẻ vô tư lự đang cười đùa bên các dãy lán trại tạm bợ.

Bây giờ thì người ta không thể tìm ra dấu vết của những dãy lán trại, chùa hay nhà thờ nhỏ của thuyền nhân từ thời các thập kỷ trước.

Tất cả mọi thứ liên quan đến thuyền nhân đã bị chính quyền địa phương tháo gỡ sau thời điểm các trại tỵ nạn trong khu vực đóng cửa và bắt đầu chính sách thanh lọc.

Và Kuku như tôi thấy trong những ngày tháng Tư năm 2018 là một đảo vắng bóng người, nước xanh, cát vàng yên ả như bất kỳ hòn đảo nhiệt đới nào.

vuotbien-Trại tỵ nạn trên đảo Kuku năm 1981
Trại tỵ nạn trên đảo Kuku hồi năm 1981

Nếu có gì nhắc nhớ về nơi từng có cả vạn người Việt Nam trú ngụ ở đảo này thì đó là tấm bia tưởng niệm thuyền nhân hình chiếc tàu trên bãi.

Và những khu mộ thuyền nhân nằm rải rác trên đồi mà để đến viếng, người ta phải băng qua con suối hoặc trảng cỏ và những con dốc cheo leo.

Tuy gọi là khu mộ nhưng tại đó chỉ có một số ngôi mộ về sau này được thân nhân tìm đường quay trở lại xây cất.

Còn phần nhiều trong số đó chỉ là những tảng đá vô tri vô giác, có tảng được khắc ký hiệu nào đấy, có tảng hoàn toàn không lưu danh tính người đã khuất.

'Năm 37 tuổi của con và của mẹ'

Tôi gia nhập đoàn mười người đi chuyến này, hầu hết trong số họ đến từ Mỹ và Úc. Người dẫn đoàn là Carina Hoàng, nhân vật trong 20 năm qua đã tổ chức những chuyến đưa người tìm mộ thân nhân ở đảo Kuku.

Câu chuyện của Nguyễn Gia Mạnh, một người trong đoàn, cũng có thể là câu chuyện của nhiều thân phận người dân nước Việt, sau biến cố 1975 bỗng chốc gặp cảnh sinh ly tử biệt.

Người đàn ông 46 tuổi này có nụ cười sảng khoái nhưng kiệm lời, hiện đang có cơ sở kinh doanh riêng ở Adelaide, miền Nam nước Úc.

Đây là lần thứ hai, Mạnh quay lại đây viếng mộ mẹ, người qua đời do bị bệnh khi con tàu đưa bà cùng nhiều người khác vượt biên sắp sửa cập vào đảo Kuku hồi năm 1989 sau những ngày lênh đênh trên biển.

Mẹ ông năm đó 37 tuổi.

Ông Mạnh tìm được mộ của mẹ mình cũng năm ông 37 tuổi.

Đảo Kuku 2018
Đảo Kuku bây giờ là nơi vắng dấu chân người

Giữa buổi trưa nắng như đổ lửa, tôi theo chân ông băng qua một trảng cỏ, vượt qua một sườn dốc, cây cối rậm rạp để lên viếng mộ mẹ ông, trong khu mộ nằm cạnh một bãi đáp trực thăng, nơi từng đón phái viên Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đến phỏng vấn những người tỵ nạn trên đảo.

"Một ngày của năm 1987, lúc đó tôi mới 15 tuổi, mẹ bảo tôi: "Con đi với bố đi!", ông Mạnh bắt đầu chuyện của mình.

"Tôi đâu có ngờ đó là lần cuối tôi thấy mặt mẹ."

"Bố con tôi ra đi trên một chuyến tàu vượt biên chở theo 114 người."

"Ngoài khơi, tàu bị vô nước nhưng may mắn là được thuyền Tây Đức vớt và đưa cả đoàn vào thẳng trại chuyển tiếp ở Hong Kong."

"Năm 1988, bố con tôi qua tới Úc. Thời điểm đó, thư từ liên lạc khó khăn, gửi một lá thư vài tháng thì người ở nhà mới nhận được."

"Lúc giấy tờ bảo lãnh mẹ do bố tôi làm gửi về đến Việt Nam thì bà ở nhà nóng ruột nên đã đi tự đi vượt biên một mình."

"Mẹ tôi mất khi tàu đã gần tấp vô đảo. Khi người ta thương tình, đem thi thể mẹ tôi nằm trên tàu vào chôn cất trên đảo Kuku, một người dượng của tôi cũng đang ở đó nên báo tin cho bố tôi."

"Trong nhiều năm liền, tôi vẫn thấy mẹ tôi trong giấc mơ. Mẹ nói: "Bố con cứ đi trước đi, rồi nhà mình sẽ được gặp lại nhau ở đâu đó."

"Nếu biết đi lần ấy là chia ly thì tôi đã không đi rồi."

Trong cái nắng cháy da của ngày hè, ông Mạnh ngồi cặm cụi phết sơn trắng lại ngôi mộ của mẹ mình trước khi thắp hương.

Và rồi ông ngồi lặng lẽ, trơ trọi giữa những ngôi mộ, tảng đá không lưu danh người trên ngọn đồi.

Chỉ có tiếng gió xào xạc và vài tiếng chim lẻ loi.

Tôi nhìn quanh và thấy ngọn đồi, hòn đảo này sao giữa ban ngày mà u tịch quá.

Không có lấy một bông hoa, dù chỉ là hoa dại, cho cảnh vật bớt tiêu điều.

Im lặng một hồi lâu, ông tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.

"Trong những năm khi trưởng thành ở Úc, tôi vẫn đau đáu muốn một ngày đến tìm mộ mẹ nhưng thật sự là tôi không biết cách nào tìm đến đảo này."

"Cách đây khoảng tám năm, người dì sống bên Nhật báo cho tôi biết là bà thấy hình chụp một cột đá ghi tên mẹ tôi trên website của Carina Hoàng."

"Lần đó, do giờ chót bận việc đột xuất nên tôi không đi được đến Kuku, mà chỉ nhờ người xây mộ cho mẹ."

"Bốn năm trước, tôi viếng mộ mẹ lần đầu và nay là lần hai."

"Mỗi lần đi là một lần đường xa vạn dặm, mất hai ngày rưỡi chỉ để đi-về."

vuotbien-Dấu tích của những người đã vĩnh viễn nằm lại đảo Kuku có khi chỉ là các hòn đá chơ vơ không ghi danh tính
Dấu tích của những người đã vĩnh viễn nằm lại đảo Kuku có khi chỉ là các hòn đá chơ vơ không ghi danh tính

"Mỗi lần đặt chân đến đây, cảm xúc trong tôi thật lẫn lộn."

"Tôi cảm thấy bớt áy náy, dằn vặt khi cuối cùng thì mẹ tôi đã có ngôi mộ được xây cất tươm tất."

"Nhưng rồi tôi nặng lòng, tự hỏi sao mình có thể để mẹ nằm lại nơi đảo vắng, mỗi lần giỗ chạp, con cháu muốn đến thắp nén hương cũng khó?"

"Mấy dì, cậu muốn mang cốt của mẹ tôi về gửi ở chùa."

"Nhưng cũng có người trong gia đình nói thôi, mẹ tôi dù sao cũng đã mất, mọi chuyện âu cũng tại số phận, nên để bà nằm yên lại nơi này."

Tiếng gió vẫn xào xạc nhưng cái nắng nóng giữa trưa hè vẫn chưa hết oi bức.


Tôi bất giác hỏi: "Sao ngày đó cả gia đình ông có ba người mà không đi chung một chuyến tàu?"

Ông Mạnh đáp: "Tôi cũng có hỏi bố tôi câu hỏi ấy. Ông nói, một người phải ở lại Việt Nam, nếu có bất trắc, hai bố con đi không lọt thì còn người bên ngoài để lo liệu, thăm nuôi."

Ông Nguyễn Gia Mạnh bên bia tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Kuku 2018
Ông Nguyễn Gia Mạnh bên bia tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Kuku

Tôi hỏi tiếp: "Tại sao cả nhà ông quyết định ra đi?"

"Bố tôi làm đại úy cảnh sát thời Sài Gòn," ông Mạnh đáp.

"Sau biến cố 1975, ông phải đi cải tạo 10 năm."

"Bố chưa bao giờ kể cho tôi nghe ông trải qua thời khắc khó khăn đó thế nào."

"Và tôi cũng không hỏi do không muốn gợi lại chuyện đau lòng."

Tôi lại hỏi: "Có bao giờ ông nghĩ nếu mình đang còn ở Việt Nam thì thế nào, có tốt hơn bây giờ không?"

"Ngoại trừ chuyện của mẹ mình, tôi không có gì phải tiếc nuối về chuyện ra đi và cuộc sống trong hiện tại cả."

"Tôi tin vào sự sắp đặt của số phận cũng như tin mẹ luôn phù hộ và luôn dõi theo mỗi bước của tôi trên đường đời…" ông Mạnh nói.

Khi ánh nắng cuối ngày sắp tắt, trước lúc rời đảo về lại đất liền, ông Mạnh đi một vòng thắp những nén nhang cho những người không may nằm lại ở đây.

Giữa một số mộ phần có danh tính người Việt và người gốc Hoa, vẫn còn đó những phận người mãi mãi nằm lại nơi đảo xa mà không ai có thể biết danh tính và câu chuyện đời run rủi đưa họ đến kết cục này...

Ben Ngô
Nguồn BBC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn