BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miền Ký Ức (1)

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 3408)
Miền Ký Ức (1)
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55

Phần 1 - HỒI ỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ


Từ tầng thứ ba của tòa nhà, bà Vân nhìn xuống đường phố, đường Sài Gòn xe lớn xe nhỏ qua lại chen chúc, người đi bộ hấp tấp bước ngược xuôi, lạc lỏng một vài chiếc xe đạp chầm chậm trôi theo giòng xe cộ như những nét chấm phá mang gam màu lạnh thêm cho một bức tranh có quá nhiều màu nóng. Hôm nay là 28/4 - sắp đến ngày nghỉ lễ lớn hằng năm, bao nhiêu năm rồi Sài Gòn thay da đổi thịt từng ngày, mỗi ngày trôi qua hình như vội vàng hơn, nhộn nhịp hơn hôm trước. Bà thở dài lẩm nhẩm:

- Mau quá, sao mà mau quá. Ba mươi năm rồi.

Hình như chỉ có bà mới hiểu bà nói gì, bà đưa tay mở máy vi tính, chọn một bản nhạc có sẵn trong máy. Tiếng nhạc nhè nhẹ dìu dặt, rồi giọng ca ngọt ngào của Hương Lan ngân lên:
" Vàng son nhớ mấy cho vừa,
Hoàng hôn vang vọng tiếng xưa ngậm ngùi"

Bản nhạc Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước lung linh đong đưa. Bà Vân đưa tay che mặt, một phản xạ quen thuộc gần ba mươi năm nay của bà, mỗi khi nghe bản nhạc này. Hình như trong đôi mắt của bà có lăn ra vài giọt nước mắt.

Ngọc Lan năm nay ba mươi tám tuổi, chị làm việc cho Công ty Du Lịch Thanh Vân gần mười lăm năm nay, nói chính xác là từ cái ngày Công ty mới còn là một tổ chức nhỏ nhận hợp đồng đưa đón khách đi du lịch. Lúc đó chỉ có hai chiếc xe, một chiếc bốn chỗ và một chiếc mười hai chỗ; mà chiếc nào cũng cũ rích, được sơn phết lại đủ để đứng ở xa không thấy xấu, còn tới gần thì người ta đành phải tự an ủi là coi vậy chớ chắc cũng không đến nỗi nào. Còn nhà nghỉ là căn nhà hai tầng lầu của bà chủ, bà chủ thì ở chung với nhân viên nữ, ngăn cách bằng mấy tấm ván ép mỏng dính. Lúc đó chị Lan bị chồng bỏ, nuôi đứa con trai bốn tuổi, thằng nhỏ phá như giặc mà lại đau ốm liên miên. Người chị họ của Ngọc Lan, vốn là bạn học cũ của bà Vân, dắt chị tới xin việc làm ở chỗ bà Vân. Năm đó Bà Vân còn trẻ, duyên dáng nhưng nghiêm khắc. Lần đầu tiên gặp bà chủ, chị Lan bị vẻ cao sang, thanh tú của bà hớp hồn. Từ đó chị trung thành, cần mẫn làm việc với sự phục tùng tuyệt đối của người nô lệ với chủ của mình. Nói cho đúng thì bà Vân rất dịu dàng và thông cảm với nhân viên, nhưng cái gì đã gọi là kỷ luật thì bà rất khắc khe, và trong con mắt của chị Lan thì không ai có thể bằng bà chủ của chị.

Nghe tiếng nhạc vang lên trong phòng bà Vân, Ngọc Lan lắc đầu; chị tự biết mình phải làm gì. Mười lăm năm nay chị thuộc làu tính nết chủ nhân, khi bản nhạc Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước nổi lên có nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập, cứ giống như bản nhạc là cái bảng Do not disturb treo ở cửa phòng khách sạn vậy. Chị Lan nhớ trong đời chị đã một lần duy nhất chứng kiến cảnh bà Vân giận dữ khi bị quấy rầy trong lúc bản nhạc Tiếng xưa đang được cho hát đi hát lại nhiều lần. Cô kế toán trẻ tuổi không kiên nhẫn nghe lời khuyên của chị, đã tự tiện đẩy cửa phòng vào sau đó bị cho thôi việc không cần giải thích lý do; còn chị thì bị một câu cảnh cáo duy nhất nặng hơn chì: "Không có lần thứ hai đâu". Từ đó chị luôn giữ chặt cửa phòng bà chủ khi nghe bản nhạc nổi lên, lòng tự nhủ phải giữ lấy cái cửa phòng này như là cái nồi cơm của hai mẹ con chị.

Mà cũng kỳ thiệt, bao nhiêu năm nay bà chủ cứ nghe đi nghe lại bản nhạc này không thấy chán, có khi bà để cho hát cả mấy chục lần. Đó là những ngày mùa mưa ướt dầm rỉ rả, Công ty du lịch ế khách, nhân viên ngồi chơi nhiều hơn làm; người thì đan len gia công, người học ngoại ngữ, còn bà chủ thì khóa chặt cửa phòng nghe đi nghe lại bản nhạc nức nở đó.

Chị Lan cũng như bao nhiêu người làm cho cái Công ty này không ai biết được bà Giám đốc xinh đẹp thông minh dịu dàng đoan trang của họ vì sao lại sống đơn độc tới chừng tuổi ấy; lại cũng không ai biết chuyện tình của bà chủ như thế nào. Đại loại họ chỉ biết rằng gia đình bà chủ ra nước ngoài từ nhiều năm nay, duy nhất còn lại bà ở Sài Gòn, qua bao nhiêu nỗ lực và ngoan cố để giữ lại cho bằng được ngôi nhà hai lầu xinh đẹp không bị sung công. Họ cũng biết được bà Giám đốc thông thạo hai ngoại ngữ, sử dụng đủ cho phép lịch sự xã giao năm ngoại ngữ khác, đủ tài trí lèo lái cái Công ty từ lúc còn nghèo khổ cho đến khi phát đạt như bây giờ. Mà điều đặc biệt là không hề thấy bà đùa cợt chớt nhã với bất kỳ người đàn ông nào, luôn luôn nghiêm khắc từng lời ăn tiếng nói với người khác phái như những người tu hành thật sự.

Chị Lan đã từng có chồng, bị chồng bỏ; chị cũng đã trải qua những đau đớn mất mát vì tình; nhưng thật sự thì chị không thể sống khép mình như bà Vân được. Đôi khi chị cũng có ý định tìm cho mình một người nào đó thay thế cho người chồng phụ bạc của mình nhưng điều đó quả là khó. Ngoài đồng lương ở Công ty ra chị chỉ có thể kiếm thêm chút ít tiền bằng cái nghề thêu mà chị đã quen thuộc từ hồi còn rất trẻ. Thằng Tuấn Anh con chị năm nay mười chín tuổi, đang học Trung cấp điện với sự hỗ trợ của Công ty; có bao giờ nó để cho mẹ nó tìm được ai đâu. Cứ hễ mỗi lần có ai đến nhà chơi là nó làm như giặc tới, nó không thể chấp nhận một người đàn ông nào đó muốn có ý định bước vào căn nhà nhỏ xíu của mẹ con nó. Chị Lan đôi lúc tức quá quát con: "Mày muốn tao chết già sao?" Nó trả lời tỉnh bơ: "Con chỉ muốn mẹ như bác Vân, chừng nào bác Vân lấy chồng, mẹ lấy còn kịp mà". Cái thằng - nó còn bắt chước chị coi bà Vân là thần tượng nữa chớ.

Mà nghĩ cho cùng cũng phải thôi - giàu sang, thông minh, xinh đẹp, giỏi giang như bà Vân còn chưa thèm nghĩ tới lấy chồng thì chị nghĩ tới làm chi cho mệt người không biết. Có đuợc bao nhiêu tiền dành dụm chị gởi hết ở Ngân hàng, dự định để cưới vợ cho con, thằng nhỏ nghe mẹ nói nó cười ngất: "May quá, mẹ mà lấy chồng coi như con làm gì có được khoản này". Cái thằng - không biết mẹ nó thật ra mới có ba mươi tám tuổi, cái tuổi còn đủ sức kiếm một ông nào đó an ủi lúc trái gió trở trời. Nhưng kẹt nỗi nhìn thấy bà chủ đoan trang lạnh lùng lịch sự chị lại cảm thấy mình thật là tệ, không đáng xách dép cho bà.

Có lần chị họ của chị Lan - người đã xin việc cho chị - vốn là bạn thân của bà Vân - đã nói nửa đùa nửa thật với bà chủ trước mặt chị: Xếp ơi - xếp cứ độc thân như vầy hoài, lính của xếp học theo xếp ở không cả lũ. Bà Vân cười ngất. May mà họ là bạn thân với nhau từ hồi học lớp sáu lớp bảy gì đó, chớ người khác ai mà dám nói với bà Vân kiểu đó, cái uy quyền từ con người bà Vân toát ra làm cho người đối diện phải e dè kiêng nể.

Chị Lan nhớ có lần chị hỏi thăm người chị họ của mình về lý do bà Vân ở độc thân cho tới bây giờ thì bị một cái trừng mắt kèm theo câu nói lạnh nhạt: "Chuyện ai nấy biết - kệ người ta". Vậy là coi như chẳng ai biết đuợc sự tích tình yêu của bà Giám đốc mình ra sao hết, vì người duy nhất biết được thì lại chẳng bao giờ thèm nói ra.

Sáng nay chị Lan rất rảnh rỗi, hơn hai chục chiếc xe lớn nhỏ của Công ty đã đưa khách đi du lịch nhân dịp lễ 30/4 hết rồi. Không bù cho mấy bữa trước điện thoại réo như điên, khách hàng dồn dập đăng ký, hỏi thăm làm cho chị mệt phờ phạc. Chị luôn luôn phải giữ lịch sự với khách dù bất cứ hoàn cảnh nào. Chị được bà Vân nhận vào làm một phần nhờ sự giới thiệu của người chị họ, một phần do giọng nói trong điện thoại nhẹ nhàng duyên dáng - điều này do bà Vân xác nhận như thế - mặc dù chị chẳng xinh đẹp gì, nếu không nói là hơi xấu xí khi ngồi ở vị trí đón tiếp khách. Chị dọn dẹp mấy cuốn sổ đăng ký, lấy khung thêu dở dang ra làm tiếp, cái nụ hoa hồng mới được phân nửa, bốn bữa nay không thêm được chút nào. Đang cắm cúi chị thoáng thấy bóng người trước mặt, nhìn lên thì gặp ngay người đàn bà sang trọng bệ vệ đã mấy lần đến Công ty và được bà Vân đón tiếp ân cần. Chị lật đật đứng dậy chào khách, Người đàn bà hất hàm trịnh thuợng:

- Vân đâu ?

Chị Lan ngập ngừng:

- Bà Giám đốc đang bận. Xin phép bà chờ cho một lát.

Người đàn bà nhíu mày:

- Khỏi chờ. Tôi cần gặp ngay bây giờ,

Chị Lan nghiêm giọng:

- Thưa bà không được. Bà chủ không thể tiếp khách đuợc bây giờ. Xin bà thông cảm.

Nét bực bội hiện lên rõ trên nét mặt người khách:

- Không tiếp ai thì cũng phải tiếp tôi chứ. Chị vào báo với bà chủ đi.

Ngọc Lan đứng chắn trước cửa phòng, cương quyết lắc đầu:

- Thưa bà không thể được đâu ạ. Xin bà chờ cho.

Bỗng bản nhạc Tiếng xưa chấm dứt, rồi một bản nhạc khác vang lên, Ngọc Lan thở phào nhẹ nhỏm.

- Thưa bà, bây giờ bà chủ của tôi có thể tiếp khách được rồi. Thưa bà, bà là bà Lệ Trinh?

- Phải.

Ngọc Lan cầm máy điện thoại báo lại. Tiếng bà Vân nhẹ nhàng: Để tôi mời bà ấy.

Rồi bà Vân mở cửa, cười thật tươi:

- Chị Trinh về từ lúc nào vậy? Sao không cho Vân biết?

Rồi bà quay sang chị Lan:

- Lan lấy hai ly cam tươi. Em có thể về được rồi đó.

Bà Vân ngồi vào salon, đối diện với bà Trinh. Bà Trinh phàn nàn:

- Nhân viên của Vân sao ngồi làm việc riêng, bên Mỹ là không có vậy đâu.

Bà Vân nhẹ nhàng:

- Người ta làm hết phần việc của họ rồi Trinh à. Họ làm kiếm thêm tiền là điều tốt mà, Vân thấy thích hơn là cứ để cho họ ngồi không tán chuyện với nhau.

- Thì mình bớt người đi, để họ làm việc cho tăng năng suất.

- Không cần thế đâu, Vân cần họ làm việc nhanh nhạy và chính xác. Khi công việc đã xong họ có quyền đọc báo, học hay làm việc riêng, nhưng không ra khỏi nơi làm việc và không tụ tập đùa giỡn.

- Vậy thì lãng phí công quá Vân ạ.

- Không đâu chị, mình cho phép như thế để họ tranh thủ làm nhanh công việc của mình. Thời gian còn lại họ đọc báo, đọc sách để mở rộng tầm nhìn, học để trau dồi kiến thức, hoặc làm việc riêng để tăng thêm thu nhập. Vân nghĩ là điều đó tốt cho cả hai bên.

Bà Vân đứng dậy, kéo rèm cửa sổ lại:

- Chị Trinh về lâu chưa?

- Hai ngày rồi. Mà phải đi thăm mấy đứa bạn, với lại đi thăm mộ ông bà. Bữa nay mới rảnh tới thăm Vân.

- Cũng may là bữa nay chớ mấy bữa trước Vân bận lắm. Thiên hạ được nghỉ lễ 30/4 nên kéo nhau đi chơi. Được một điều là nhân viên ở đây làm quen việc nên cái gì cũng xong hết rồi.

- Ở Việt Nam bây giờ mấy ngày này cũng vui heng. Trinh về đây tính đi chơi mà chắc đi không đuợc.

Bà Vân ngạc nhiên:

- Sao vậy Trinh ? Trinh muốn đi đâu thì lấy xe Vân mà đi. Vân ở nhà mà.

- Sao Vân không đi chơi?

Bà Vân thở dài:

- Vân làm việc mong được ngày nghỉ, chớ đâu mong đi chơi.

Bà Trinh lắc đầu:

- Vân cứ thế này hoài ... Trinh thì muốn đi nhưng mà cái chân Trinh đau quá, chắc đi không nổi. Uống bao nhiêu thuốc rồi mà cứ bớt rồi đau lại, cái bệnh khớp này coi bộ dai dẳng quá đi.

Bà Vân uống một ngụm nhỏ nước cam, rồi nói:

- Theo Vân thì mấy cái bệnh mãn tính này phải trị bằng thuốc Nam mới được, uống thuốc Tây nhiều quá mệt lắm .

Bà Trinh nhăn nhó:

- Trinh cũng biết vậy nhưng ở bên đó làm gì có thuốc Nam mà trị. Đúng là uống thuốc Tây nhiều trong người nóng nảy bức rức. Người Việt Nam mình có đi đâu cũng không quên được cái gốc.

Bà Vân cười nụ:

- Để chiều nay Vân đưa Trinh tới Bệnh viện Y học dân tộc.

- Chiều nay nghỉ lễ mà.

Bà Vân lắc đầu:

- Chưa đâu, sáng nay mới thứ bảy, bệnh viện đó làm việc cả ngày thứ bảy chớ không phải nghỉ như những bệnh viện khác.

Bà Trinh đồng ý:

- Ờ nếu đi được thì đi, chớ Trinh cũng chán cái kiểu mệt mõi âm ỉ này quá. Thấy ai cũng muốn cải lộn. Hồi này nhân viên của Vân mà không cho Trinh vô dám Trinh chửi một trận lắm.

Bà Vân cười ngất:

- Xin đi. Cô đó là em bà con của An đó. An đưa vô làm cho Vân mười mấy năm rồi.

Bà Trinh nhíu mày:

- An nào? Phải An bạn của Công không?

Vân gật đầu:

- Đúng rồi, An hay đi học chung với Công đó.

Bà Trinh như nhớ ra, phì cười:

- Hồi xưa Trinh cứ tưởng Công bồ với An chớ, tới lúc hai đứa nó giành ăn cự nự om sòm mình mới biết hai đứa này đầu óc bã đậu, tối ngày rủ nhau đi ăn không.

Bà Vân cười tủm tỉm:

- Vậy nên ai cũng tròn như hột mít hết.

Bà Trinh vừa nói vừa ra hiệu

- Công bây giờ nặng hơn hai trăm pound đó Vân à. To chừng này nè. Nó cũng còn tham ăn như hồi nhỏ. Còn An sao rồi.

- Nó cũng chỉ hơi đẫy đà thôi. Chừng hơn năm mươi lăm ký.

- Không. Ý của Trinh muốn hỏi gia đình An ra sao?

Bà Vân trầm ngâm:

- An lấy chồng hơi muộn, nó có một đúa con trai năm nay hai mươi tuổi. Học giỏi lắm. Đen như cột nhà cháy mà có duyên.

Bà Trinh lại hỏi thêm:

- Còn vợ chồng An ?

- An làm công nhân KCS cho một công ty may, chồng nó làm Phó Giám đốc cho Công ty liên doanh. Tiền bạc cũng đủ xài. Nói chung là tốt.

Bà Trinh thở dài:

- Cuộc đời thật là kỳ lạ. Ngày xưa Vân đẹp hơn An, An học giỏi hơn Vân thế mà bây giờ Vân giỏi hơn An, còn An thì hạnh phúc hơn Vân.

Bà Vân quay đi:

- Biết thế nào bây giờ Trinh ? Với Vân thế là quá đủ rồi.

Bà Trinh phản đối:

- Sao Vân lại nghĩ vậy ? Dù sau Vân cũng cần phải có một gia đình, chuyện ngày xưa đã xa quá rồi mà. Trinh về kỳ này có ý định làm mai cho Vân một ông bạn, cũng ở Mỹ. Vợ chết, có hai con gái mà lớn hết rồi. Làm chủ một trang trại, cũng rất khá giả.

Bà Vân cắt ngang câu chuyện:

- Thôi chị Trinh với Vân về nhà ăn cơm, chiều nay Vân đưa chị đi Bệnh viện Y học dân tộc.

Biết ý bà Vân không vừa lòng với đề tài của mình, bà Trinh thở dài đứng dậy theo bà Vân về nhà.

Hai người đàn bà vào trong ngôi biệt thự xinh xắn hai lầu, tuy có hơi cổ kính của bà Vân. Sau khi tắm rửa ăn cơm xong, bà Vân đưa bà Trinh lên lầu nghỉ trưa. Bà Trinh ở căn phòng phía Tây, nơi đã mấy lần bà Trinh đến ở, bà Vân về phòng mình ở phía Đông. Căn phòng của bà Vân thật giản dị, thanh khiết, đồ vật trong phòng hoàn toàn là những vật dụng lâu đời. Ở góc phòng, một tấm ảnh đen trắng hình người đàn ông trẻ cười rất tươi. Bà Vân lặng người nhìn bức ảnh, nói một mình:

- Anh vẫn ở bên em mà, phải không anh?

Bà Vân thở dài, lên giường nằm. Buổi nói chuyện với bà Trinh trưa nay tuy không lâu nhưng làm cho bà gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Bình thường bà Vân làm việc, hoặc học hành say sưa dù bà đã gần năm mươi. Cũng không có ai biết gì về dĩ vãng của bà để nói ngoại trừ Thiên An là người bạn gái thân thiết từ nhỏ của bà, mà bà An thì ở xa, cả năm mới gặp lại một lần; lại là người thông minh, tế nhị; không bao giờ bà An đề cập đến chuyện riêng của bà. Cuộc sống vội vàng ở Sài Gòn cuốn hút bà Vân trôi đi, bà miệt mài trong công việc kiếm tiền làm niềm vui, hoặc có hôm rãnh rỗi thì đi thăm Viện dưỡng lão, Viện nuôi dưỡng người tàn tật. Bà hầu như không còn nhiều thời gian cho mình. Nhưng hôm nay thì khác; hôm nay là ngày nghỉ lễ, bà có một chút không gian và thời gian riêng cho mình, và bà cũng có thêm một người quen từ Mỹ về thăm bà, mà người này lại là một phần ký ức của bà. Bà nhìn đau đáu lên trần nhà, ngỡ như thấy một hình ảnh nào đó, bà nói một mình:

- Ba mươi năm rồi, trời ơi ! Sao mà mau quá vậy ?

Trong trí óc bà xuất hiện hình ảnh người đàn ông đó, người đàn ông duy nhất trong đời bà đã yêu, đã tôn thờ suốt ba mươi năm nay, dù thật ra bà không hề biết được rằng người đàn ông đó có còn tồn tại trên cõi đời này hay không. Bà Trinh nhiều lần nói với bà là người ấy đã chết rồi, đã nhiều lần bảo bà quên đi, lấy chồng đi. Nhưng bà có yêu ai, thậm chí có để mắt đến ai đâu mà bảo lấy. Trong con mắt, trong trái tim, trong trí óc của bà chỉ duy nhất có một người ấy mà thôi. Bà làm sao quên được nụ cười rộng lượng quyến rũ của người đàn ông lớn hơn bà đúng một giáp. Bà làm sao quên được ánh mắt nồng nàn của người đàn ông mà chỉ vừa nhìn thấy lần đầu tiên bà đã biết bà sẽ không bao giờ quên được. Không ! cả cuộc đời bà chỉ duy nhất yêu có một người. Và chỉ duy nhất có một mình An hiểu bà, An là người luôn sát cánh với bà trong lúc bà bơ vơ, luôn đưa ra những lời khuyên, lời nhận xét đúng đắn nhất cho bà. Bà Trinh cho rằng bà An thua kém bà nhưng thật ra bà Vân luôn nghĩ rằng bà An mới là người thực sự thông minh, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho bà mỗi khi bà bị khủng hoảng. Bà Trinh hoàn toàn không thể nào hiểu được bà, vì bà Trinh không phải là bạn của bà. Bà Trinh chỉ là em gái của người ấy, là người ngày xưa đã từng phản đối quyết liệt khi biết người ấy yêu bà. Cho đến hai mươi năm sau, khi thấy bà vẫn sống độc thân với mối tình đầu ảm đạm bà Trinh mới đổi lòng giúp đỡ bà, ủng hộ bà về mặt vật chất. Trong gia sản hiện nay của bà có một phần ba là của ba mẹ bà Trinh gửi về, coi như là phần của gia đình người ấy gởi cho đứa con dâu hụt bất hạnh.

Phòng bên kia bà Trinh cũng không ngủ trưa được, một phần do lạ nhà, một phần do bà nhớ lại chuyện bà nói hồi trưa. Bà nhớ mà tức cười, hồi xưa anh em bà vui vẻ lắm, thương yêu nhau lắm. Năm học lớp mười một tự nhiên thằng út đi đâu cũng kè kè với một con nhỏ xấu hoắc, lùn xủn mà còn hơi mập nữa chớ, ngoại trừ cặp mắt đen láy thông minh thì con nhỏ chả có gì mà kể. Vậy mà đi sinh hoạt hướng đạo thằng út cũng đi chung, đi học cũng nói chờ con kia đi chung, hỏi nó phải bồ nó không thì nó lắc đầu nguây nguẩy. Lúc đó bà Trinh mới ra trường, chị ba thì lấy chồng phi công sinh được hai đứa con, anh hai đi lính làm lớn lắm, thằng em kế học dốt thi rớt tú tài phải đi hạ sĩ quan. Thằng Công lúc đó học lớp mười một, là con cưng của ba má, má nuôi nó trắng trẻo mập ù, vậy mà nó lại còn đi với một con nhỏ cũng ù ù giống nó. Má than thở:

- Nhà này con cái ai cũng yêu đương muộn màng mà sao thằng út bồ sớm quá vậy hổng biết.

Nó sửng cồ:

- Làm gì có đâu má.

Chị ba hỏi:

- Sao mày đi đâu cũng đi với con nhỏ đó, nó mới vô học lớp mày hả?

Thằng Công trề môi:

- Sức mấy, nó học khác lớp em.

Chị ba trợn mắt:

- Khác lớp sao mày hay đi với nó?

Thằng Công hỏi lại:

- Khác lớp bộ đi chung hổng được sao? Cho chị biết là nó học giỏi lắm nghen, em đi chung với nó là còn vinh dự cho em nữa đó.

Bà Trinh cười nắc nẻ:

- Ừ vinh dự quá, từ ngày mày đi chung với nó, coi bộ áo quần mày mau chật quá. Hai đứa này chắc hạp tuổi lắm nên tứ chi phát triển dữ à.

Thằng Công cự nự:

- Chị nói tụi em đầu óc ngu si tứ chi phát triển hả. Còn lâu nghen. Xin lỗi bà chị, còn lâu chị mới ruợt kịp tụi em nghen.

Rồi bà Trinh nhớ tới cái lần bà phát hiện ra rằng hai đứa ú ù này thực ra không hề có chút gì yêu đương hết. Đó là cái lần bà theo dõi thằng Công để bắt quả tang nó bồ bịch hồi mùa hè năm đó. Lúc đó thằng Công mới vừa thi Tú Tài một xong, nó hí hửng khoe má là con làm bài số dzách đó má. Bà già tin tưởng thằng con trai cưng mở tủ lấy cho nó một xấp tiền kêu bằng thưởng thằng út học hành cực khổ. Thấy nó tắm rửa thay đồ, chải đầu hất qua hất lại là bà Trinh đoán liền nó sắp đi với con nhỏ mập ù kia. Nghe nó nói con kia học giỏi lắm, chắc hai đứa tin tưởng thi đậu nên hẹn hò đi chơi đâu đây. Thằng Công dắt xe đạp tới đầu đường thì bà cũng phóng chiếc Solex đi theo, cách một khoảng xa xa cho nó không biết. Mà cái thằng ngu thiệt, nó đạp một mạch không thèm quay đầu ngó lại. Tới cái hẻm ở đường Ngô Tùng Châu thấy con nhỏ kia dựng xe đạp chờ sẵn, rồi hai đứa đạp xe đi song song. Bà đoán hai đứa này sắp vô rạp xi nê hay vô Sở Thú, công viên gì đó, nhưng mà lại thấy hai đứa đi lòng vòng rồi ghé xe bò bía, ăn xong đạp xe qua ngã bảy ăn cháo huyết, rồi tiếp tục đi ăn bún bò Huế, bà theo dõi hai đứa mập ú ăn mà phát thèm. Sau cùng hai đứa kéo nhau lên cầu Bông ăn chè thạch ở Hiển Khánh. Lúc này bà Trinh mệt quá nên cũng vô quán chè ngồi sau lưng thằng Công. Bà ăn một phần ba ly chè thì tụi nó ăn được nửa ly, rồi bà phát hiện ra là con nhỏ kia say sưa ngó tấm áp phích có hình Elizabet Taylor trong phim Nữ hoàng Cléopatre ở rạp Cầu Bông sát bên tiệm chè. Rồi bà cũng phát hiện ra là trong lúc con nhỏ ngó say mê thì thằng Công thò muỗng vô ly chè của con nhỏ múc bớt một muỗng bỏ qua ly nó. Được ba lần thì con nhỏ nghi ngờ, bà Trinh ngồi gần tụi nó nên nghe rõ ràng con nhỏ thắc mắc:

- Ủa sao An mới ăn có nửa ly mà mau hết vậy ta?

Thằng Công trả lời hàm hồ:

- Ai biết An ăn bao nhiêu?

Con nhỏ nhìn sang ly Công, nghi ngờ:

- Ủa mà sao ly của Công còn nhiều hơn ly của An?

Bà Trinh suýt bật cười khi nghe thằng Công trả lời:

- Tại Công ăn ít hơn An.

Con nhỏ phản đối:

- Hổng có đâu, hễ An ăn một muỗng là Công ăn một muỗng mà. Huống chi nãy giờ An đâu có ăn, An mắc ngó mấy tấm quảng cáo mà, sao tự nhiên ly của Công đầy lên còn ly của An thì gần hết vậy?

Thằng Công cự nự:

- An làm giống như Công ăn của An vậy?

Con nhỏ hỉnh mũi :

- Công thề đi. Đứa nào ăn trộm chè của đứa khác thì làm con chó cụt chưn.

Thằng Công nổi nóng:

- Tao làm sao mà làm con chó cụt chưn được.

Con nhỏ bẻ lại liền:

- Vậy là mày ăn chè của tao chớ gì?

Thằng Công cải lại:

- Chè này tao bao, ly nào cũng là của tao.

Con kia lý sự :

- Hồi nãy tao bao bò bía sao mày hổng nói vậy?

Thằng Công nói ngang:

- Mày hổng nói kệ mày chớ mắc chi tao nói.

Con kia dứt khoát:

- Nói tóm lại mày ăn trộm chè của tao phải không?

Tới đây thì bà Trinh không còn nhịn được cười nữa, tiếng cười của bà làm thằng Công giật mình, nó quay đầu lại thấy bà nên mặt mày ửng đỏ, còn con nhỏ kia thì ngơ ngác không biết gì.

Bà Trinh nằm nhớ lại, tức cười quá cười một mình khùng khục, bà tức cười hai đứa nó, thi tú tài một rồi mà còn giành ăn, còn kèm thêm cái kiểu thề con chó cụt chưn nữa chớ. Vậy mà sau đó hai đứa đậu hết, mà đậu cao mới ác; bà già khoái chí làm một bữa ăn linh đình cho thằng Công mời bạn bè. Từ cái bữa ăn này mới sinh ra rắc rối đây. Nguyên nhân là do má biểu thằng Công mời bạn bè tới ăn mừng, nó kê danh sách hơn hai chục thằng con trai mà không có đứa con gái nào, chị ba ngạc nhiên:

- Ủa em không có bạn gái nào hết sao Công?

Thằng Công lắc đầu:

- Dạ không.

Bà Trinh - lúc đó là cô giáo Lệ Trinh - cười khúc khích:

- Có một cô mập thù lù giành ăn với Công nên Công nghỉ chơi rồi.

Thằng Công cải lại:

- Đâu có nghỉ chơi, mà tại nó khác lớp với em, em mời nó đi ăn một mình nó hổng đi đâu.

Anh hai bữa đó cũng về nhà ăn cơm, góp ý:

- Con gái đi như vậy người ta mắc cở là phải rồi. Sao em không mời thêm bạn của cô ấy cho vui.

Thằng Công lo lắng:

- Lỡ nó rủ thêm năm đứa nữa sao?

Đạt - anh trước Công tham gia:

- Năm đứa càng tốt chớ sao, tha hồ cho tao tuyển chọn.

Lệ Trinh cười ngất:

- Ờ ! Biểu Công nó giới thiệu bạn gái thân thiết nhất của nó cho Đạt, con nhỏ mập ù mà còn giành ăn đó.

Công phản đối:

- Còn lâu đó. Em mà có giới thiệu nó là em giới thiệu cho anh hai. Nó tuy hổng đẹp, mập mập nhưng mà nó thông minh giống em. Có vợ thông minh là hết xẩy đó anh hai. Ông bà mình nói: Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột thứ ba nợ đòi. Anh cưới một con nhỏ thông minh như con bạn em là anh khỏi lo lắng gì hết.

Lệ Trinh xì một tiếng:

- Quảng cáo dữ vậy nhỏ?

Công nghênh mặt:

- Chớ sao chị tư. Nếu chị xấu thì chị đi mỹ viện là đẹp liền chớ nếu chị dốt chị đi đâu cho hết dốt bây giờ.

Đạt xen vô:

- Mày khen dữ vậy sao mày không chấm nó đi.

Công nhăn nhó:

- Nó chỉ hợp với em lúc đi ăn với đi học thôi, còn lại là em với nó cải lộn tối ngày. Với lại con đó nó nói nó không có ưng ai bằng tuổi nó đâu.

Má cắt ngang câu chuyện:

- Thôi muốn mời bao nhiêu đứa cũng được, má chấp nhận hết, con mời thêm bạn gái cho vui vẻ nhen Công.

Đạt thắc mắc:

- Vậy mày hổng chơi với mấy đứa con gái lớp mày sao Công?

Công xì một tiếng:

- Con gái lớp em đứa thì ỏng ẹo, đứa thì kiêu kỳ, đứa thì học dốt, đứa thì ăn diện, không ra làm sao.

Anh hai cười tủm tỉm:

- Nói tóm lại là Công chỉ chơi với cô bé mập mạp bạn ăn hàng của Công thôi.

Công gân cổ:

- Để rồi anh hai coi. Nó vậy mà dễ thương lắm đó.

Rồi bữa tiệc cũng tới, cô bạn mập ù dắt thêm hai cô bạn gái khác tới, một trong hai cô đó, rất xinh đẹp và trang nhã. Đó là Vân.

o O o


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn