Mặc vội bộ quần áo lính Dù, xỏ chân vào đội giày trận, tôi từ cửa sau nhà đi theo lối đi bên hông ra sân trước. Đột nhiên, tôi thấy một cậu thiếu niên, tôi đoán chừng 16 hay 17 tuổi, áo bà ba đen, quần đùi đen, chân đất, hai tay cầm ngang một khẩu AK bước đi có vẻ dò dẫm chậm chạp từ phía đầu xóm xuống phía nhà tôi.
Không biết cậu ta có nhìn thấy tôi không, nhưng tôi vội thụp người xuống thấp hơn hàng rào ngăn với nhà bên cạnh rồi phóng qua hàng rào sau nhà, sang bên khu trại gia binh rồi chạy ra đường Nguyễn Văn Học.
Nhà tôi ở phía sau bệnh viện Nguyễn Văn Học, một cái xóm rộng lớn ăn thông với những xóm khác ở khu tứ giác Chi Lăng, Nguyễn Văn Học, Hoàng Hoa Thám, Ngô Tùng Châu của tỉnh Gia Định.
Buổi sáng hôm ấy, Mùng Hai Tết, tôi ngạc nhiên thấy đài phát thanh Sài Gòn không phát các chương trình đặc biệt ngày Tết cũng như các phần tin tức thời sự thường lệ. Là một phóng viên của đài, tôi mường tượng có cái gì đó bất thường đang xảy ra tại cơ quan mình phục vụ. Sự lè phè ngày Tết với những dự tính đi chúc tết và ăn nhậu bị tình thế bất bình thường tạo sự tò mò thúc đẩy tôi mặc quần áo lính mà tôi luôn luôn mặc khi đi làm phóng viên chiến trường.
Tới lúc này, tôi vẫn chưa được biết có một đại họa đang ập xuống và cũng không ngờ ra ngõ lại gặp ngay một chú nhóc Việt Cộng ôm AK đến hỏi thăm. Có lẽ chú ta là một trinh sát không chừng. Mà có lẽ cũng rất xa lạ với cái khu vực chú ta đang lững thững đi tới.
Tôi cũng không tưởng tượng nổi là tôi phải nhìn thấy một chú Việt Cộng ôm AK đi lững thững ở trung tâm Gia Định, sát nách thủ đô Sài Gòn. Các đơn vị quân đội mình đâu hết? Nghỉ ở nhà ăn tết vì tin lời chúng nó loan báo ngừng đánh nhau để ăn tết?
Chạy ra tới đường Nguyễn Văn Học thì tôi thấy rất nhiều xe Honda, người ta chở nhau có khi kẹp ba kẹp bốn người trên một chiếc xe, lại còn cả các túi các bao bị quần áo, chạy từ hướng Gò Vấp chạy ra, Nhiều người chạy bộ, đầu đội ít đồ đạc, tay dắt trẻ con, có nhiều tiếng kêu khóc. Tôi hiểu ngay là họ chạy trốn thần chết ở phía sau lưng.
Tôi và họ bất ngờ bị đẩy vào một tình trạng chiến tranh mà khu vực này, suốt nhiều năm của cuộc chiến, vẫn là nơi an toàn, yên ổn. Tiếng súng thì chỉ nghe vang vọng từ xa. Họ chỉ biết chạy càng xa càng tốt cái chỗ có Việt Cộng để được an toàn. Còn tôi, tôi ngoắc một thanh niên chạy xe Honda một mình. Anh ta dừng xe. Tôi nói tôi là phóng viên của đài Sài Gòn, nhà tôi trong xóm phía sau này, tôi cần tới Đài để lấy máy ghi âm làm phóng sự. Anh ta chịu chở tôi đi.
Tuy nhiên, cảnh sát và lính đã chặn chúng tôi lại cách đài mấy con đường không cho đi tới và chúng tôi nghe tiếng súng nổ liên tục cùng những tiếng nổ lớn. Về sau tôi được biết là đặc công Việt Cộng đã lọt được vào đài muốn ép nhân viên trực phát thanh lời tuyên truyền kêu gọi dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, nhân viên kỹ thuật đã phá hỏng bộ phận phát thanh trước khi chạy trốn. Một đơn vị lính Dù đã được điều động tới để tiêu diệt đám đặc công cố thủ. Tòa nhà to lớn của Đài Sài Gòn đã bị sập đổ vì các loại súng lớn.
Nội trong ngày, toàn bộ đám đặc công đánh chiếm Đài Sài Gòn bị tiêu diệt xong thì đài cũng không còn. Tuy nhiên, nhu cầu thời sự nóng bỏng và bằng mọi giá, phần thời sự cập nhật từng giờ từng phút cho mọi người dân cả nước theo dõi cần phải được tài lập với bất cứ giá nào.
Thế là một số máy móc phát thanh dã chiến đã được vội vã lắp ráp. Phòng đọc tin, phòng thu âm chỉ là mấy cái mền trùm kín để ngăn bớt tiếng ồn.
Thời đó, chỉ một ít phóng viên được phát máy ghi âm cassette hiệu Sony nhỏ và gọn, nhẹ. Còn tôi vẫn phái “vác” một cái máy ghi âm Uher (của Đức) vừa cồng kềnh, vừa nặng cả chục kí lô, sệ cả vai, mướt mồ hôi hột nếu phải “vác” nó đi xa.
Dù vậy, tôi đã “vác” nó và đi theo các đơn vị Biệt Động Quân đánh giải tỏa Việt Cộng ở Chợ lớn, khu vực cuối các đường Đồng Khánh, Nguyễn Trãi. Tôi cũng theo cả mặt trận giải tỏa phía quận Gò Vấp.
Phỏng vấn được ai, mang về đài, vì hệ thống phòng vi âm hay làm chương trình bị phá hủy hoàn toàn, mọi việc thực hiện phóng sự đều làm trong chăn với kỹ thuật “quyền biến.” Lúc này, ai cũng chỉ nhóng tai nghe radio để theo dõi tình hình chứ chẳng ai để ý đến kỹ thuật để bắt bẻ.
Vài tháng sau, một dẫy nhà hai tầng làm cơ sở tạm cho đài được xây dựng lên. Có một đồ án rất đẹp xây dựng lại đài nhưng cho đến khi “tan hàng” vào cuối Tháng Tư, 1975, và nó vẫn chỉ là đồ án trên giấy.
Thạch Trung
(Cựu phóng viên Đài Sài Gòn)
Nguồn Người Việt