BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ lũ đến lũ , nghĩ về ba chữ “được lòng dân”

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 844)
Từ lũ đến lũ , nghĩ về ba chữ “được lòng dân”
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hà Nội đã quyết định ngưng bắn pháo hoa trên diện rộng, một quyết định kịp thời và sáng suốt. Có thể nói nếu không có thư kiến nghị của nhà văn Trần Nhương về việc ngưng bắn pháo hoa lấy tiền cứu trợ lũ lụt miền Trung và được rất nhiều trí thức “đồng thanh tương ứng” thì sẽ không có quyết định nói trên. Công của bác Trần Nhương rất lớn, nhờ thế mà Hà Nội lại ghi điểm được lòng dân.

Tối qua bọ nhận được email của một người bạn gửi cho quyết định của Hà Nội về việc điều chỉnh kịch bản Đêm hội nghệ thuật Thăng Long- Hà Nội ngày 10/10 tới, theo đó quy mô của đêm hội đã giảm thiểu rất nhiều. Rất đáng khen.

Thực ra Hà Nội có thể viện ra cả ngàn lý do để cứ bắn pháo hoa, cứ ăn chơi nhảy múa thả cửa. Chỉ cần sau đó có vài động tác nghĩa cử thật đậm đà với Miền Trung nhằm ” bịt miệng dân” rồi đâu lại vào đấy cả, ai làm được gì tốt? Nhưng Hà Nội đã không chọn cách ấy, họ quyết định nghe theo dân.

Gần đây không ít lần Hà Nội đã quyết định làm theo ý của dân. Từ việc chợ 19/12, khách sạn trong công viên Thống Nhất đến việc lát gạch Hồ Gươm, dựng 5 cổng chào, tên trường Amsterdam… khi lẳng lặng sửa sai khi công khai thay đổi, trước sau Hà Nội đều nghe theo dân cả. Những quyết định này xuất phát từ Thành uỷ Hà Nội, nơi ông Phạm Quang Nghị làm bí thư, khiến bọ nhớ đến trận lũ lịch sử ở Hà Nội năm 2008.

Trận lũ đã làm hai chục người chết, hàng triệu người bị kẹt trong lũ. Dân kêu ca cơ sở hạ tầng yếu kém cũ nát, cán bộ xử lý chậm chạp quan liêu. Ông Phạm Quang Nghị đã trả lời phóng viên ViêtNamnét rằng “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, “cứ chờ trên về, cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia”… lập tức bị một làn sóng dư luận phản ứng dữ dội. Khi đó, nói như nhà báo Huy Đức, ông có thể “đổ lỗi” cho phóng viên và gây sức ép để tờ báo này rút bài báo xuống. Nhưng ông Phạm Quang Nghị đã không chọn cách ấy, ông quyết định xin lỗi dân. Vẫn trên ViêtNamnet ông đã nói lời thành khẩn:”Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”. Lời xin lỗi kịp thời và sáng suốt, ông Nghị lập tức lấy điểm được lòng dân.

Nói phải củ cải cũng nghe, nhưng quan thời này không phải củ cải, nhiều ông còn tệ hơn củ cải, đã dốt lại sĩ diện hão, đụng sự đa phần đều chối cãi loanh quanh, đổ trách nhiệm lung tung. Khốn khổ mấy ”anh đánh máy”, bao nhiêu sự ngu xuẩn đều đổ lên đầu họ cả. Thế cũng chưa đáng sợ, đáng sợ nhất là mấy ông óc đã rỗng không, tim còn lạnh như đồng, dân không tin lại đi tin mấy ông phù thuỷ mấy đứa lưu manh, dân kêu thì đe nẹt bắt bớ, không ra làm sao.

Cho nên nghe theo dân là chuyện hiển nhiên, biết kính dân, yêu dân là chuyện hiển nhiên không việc gì phải khen ngợi cả. Nhưng thời này chuyện đó quá hiếm, hiếm đến nỗi một lời xin lỗi dân của quan lớn như ông Phạm Quang Nghị có thể gọi là xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị, thì việc Hà Nội biết nghe theo dân đáng để cho chúng ta vỗ tay hoan hô.

Thế là Hà Nội khôn. Không ai làm cái gì cũng đúng, nói cái gì cũng hay, miễn sao biết nghe dân, làm sai thì sửa sai, nói sai thì xin lỗi, chắc chắn dân chẳng bao giờ oán trách cả. Thời này dân không oán trách tức là được lòng dân rồi, còn bảo được dân kính yêu như mấy bài ca mù văn hoá, khẳn mùi nịnh bợ vẫn véo von thì nói thực hảy còn khuya. Phàm được lòng dân thì trường tồn, mất lòng dân thì chết yểu, xưa nay sử ta sử tây sử tàu đều thế cả.

Nguyễn Quang Lập

09-10-2010

Theo Blog Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn