BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phượng Cầu Hoàng

16 Tháng Giêng 20187:44 SA(Xem: 1631)
Phượng Cầu Hoàng
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55

(Tình khúc lãng mạn)

 

Dẫn nhập:

Thtiếu:
Nhân sinh hàm khly
Y ph
n tích bi thành
Phóng th
vn stuyt
Đ
c tiếu, tiếu nht thanh.

Hãy Cười:
Kiếp người nhiều khổ nhọc,
Cơm áo lắm được thua,
Buông tay muôn việc hết,
Đùa được, thì cứ đùa!

(Hạt Cát)

Laughter is the best medicine ( Cười là liều thuốc vạn năng)

 

Mời các bạn đi vào bài viết của Nguyên Lạc, mong có được nụ cười!

***

Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,

Nghe ra như oán, như sầu,

phải chăng? (Hoàng Hải Thủy)*

 

NHẠC KHÚC PHƯỢNG CẦU HOÀNG

Phượng Cầu Hoàng là một điển tích của "nước chính giữa"  (Trung Quốc) chắc có lẽ các bạn ai cũng biết. Nhạc khúc Phượng Cầu Hoàng thường được hiểu là khúc hát của tình yêu chân thực, lãng mạn (Romantic).

Điều này có đúng không?

Theo Nguyên Lạc tôi, một nhạc khúc có Ý ĐỒ, có TÍNH TOÁN, có LÝ TRÍ xen vào thì làm sao chân thực, lãng mạn TỐI BẾN được.?

Tôi xin ghi ra đây những cảm nghĩ riêng tư, có lẽ đầy chủ quan, để các bạn tường và tự tìm câu trả lời.

Phượng Cầu Hoàng  là nhạc khúc  của Tư Mã Tương Như đàn, Trác Văn Quân núp nghe sau rèm.

 

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHIM PHƯỢNG HOÀNG

Trước hết, thử tìm hiểu về PHƯỢNG HOÀNG.

Những truyền thuyết:

Theo quan niệm Đông phương, Phượng hoàng là một trong Tứ Linh - Long-Lân-Quy-Phụng. Tất cả Tứ Linh đều có truyền thuyết riêng, hầu như là thuộc về huyền thoại, chẳng ai thấy cả; ngoại trừ là Quy tức là Rùa loài vật duy nhất có thể sống cả trăm năm.

Người Hy Lạp đặt tên cho Phượng hoàng là Phoenix

chimphuonghoangTheo những truyền thuyết của Ai Cập, Phưọng hoàng là một loài chim lửa thiêng liêng mang tính chất thần thoại.  Phượng hoàng thường sống trên những ngọn núi ở Trung Quốc, Ấn Độ và Ai Cập.

Tuỳ theo chủng loại Phượng hoàng mà chúng có thể sống từ 500, 1000 năm, cho đến 10000 năm. Chúng là những con chim trống với bộ lông màu lửa và vàng rất đẹp. Phượng hoàng là một loài chim bất tử. Vòng đời của chim phượng hoàng kết thúc bằng việc chúng sẽ xây một cái tổ, được cáu tạo bằng những sợi tơ có màu nâu vàng phát ra những ánh sáng rực rỡ, rồi chúng sẽ tự phát cháy trong chiếc tổ này, và một con chim non mới sẽ chào đời.

Trong truyền thuyết Do Thái, chim phượng hoàng được biết đến là Milcham – một loài chim bất tử trung thành. Ở vườn Địa Đàng, khi Eva sở hữu quả táo tri thức, cô đã dụ dỗ các loài động vật trong vườn ăn trái cấm này. Chim Milcham đã từ chối lời đề nghị của cô. Với lòng tin vào lời dạy của Thượng đế (không được ăn táo tri thức), nó đã được ban tặng một thị trấn nơi nó sống trong bình yên trong gần như vĩnh cửu, sau hàng nghìn năm thì lại tái sinh, Tử Thần không đụng đến nó. (Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins-ĐKN)

Ở Châu Á, chim phượng hoàng là vua của các loài chim, và là biểu tượng của Hoàng hậu Trung Quốc; cũng như đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã của phụ nữ. Nó cũng tượng trưng cho Mặt trời và phía Nam. Việc nhìn thấy chim phượng hoàng là một dấu hiệu tốt cho thấy một vị vua anh minh đang lên ngôi và một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Nó biểu tượng cho các đức tính tốt đẹp trong văn hóa Trung Hoa: Lòng tốt bụng, trách nhiệm, sự đúng mực, lòng nhân hậu và độ tin cậy cao. Các cung điện và đền thờ được canh gác bởi những loài linh thú bằng gốm, tất cả đều dưới sự dẫn dắt của chim phượng hoàng.

Loan phụng hay Loan phượng là loài chim quí hiếm, sống từng đôi không bao giờ rời nhau. Do đó, Loan phụng là chỉ đôi vợ chồng xứng đôi đẹp lứa.

Loài chim thường thì con trống mới hót, chim mái thì không; nhưng con chim loan trái lại nó hót theo khi con phụng cất tiếng hót trước. Khi hai con loan phụng đồng cất tiếng hót thì các con chim khác nghe được liền bay đến nhảy múa như biểu lộ sự vui mừng.

Có một Điển tích: Diệm Tân Vương có nuôi một con chim loan, đã 3 năm rồi mà không hót tiếng nào, phu nhân mới bảo với chồng là nên cho nó soi gương thì có lẽ nó hót. Khi đem gương đến, chim loan nhìn vào gương, tưởng là có chim phụng bay đến, nó liền cất tiếng hót, và hót cả đêm rồi chết.

Tín ngưỡng dân gian

Phượng (Phượng hoàng), hay Phụng là một trong  tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông khác. Phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công... Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa của nó: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phượng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phượng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp.

Trước đây chim phượng hoàng  chia làm 2 loại, con trống gọi là Phượng (Phụng), con mái gọi là Loan  (Hoàng), nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn và Phượng cùng Hoàng đã được trộn lẫn vào nhau thành một thực thể giống cái, gọi là phượng hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với long (rồng), là con vật mang ý nghĩa của giống đực (Wikipedia)

 

TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ VÀ KHÚC PHƯỢNG CẦU HOÀNG

Tư Mã Tương Như người ở Thành Đô, Thục Quận (nay là Tứ Xuyên) thời Tây Hán. Vốn con người phóng lãng hào hoa rất mực, ông mua được một chức quan nhỏ, làm quan trong ít lâu, chán, cáo bịnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Khi lìa quê lên Trường An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).

1800 năm sau, Nguyễn Bính, người làm thơ ở nước Việt Nam, nhắc đến Cầu Tư Mã trong Thơ:

Lời thề buổi ấy Cầu Tư Mã,

Mà áo khinh cừu không ai may.

Cây cầu đó được người đời sau gọi là Tư Mã Kiều =  Cầu Tư Mã.

Tương Như sốt sắng đến Lâm Cùng, vì chàng ta nghe nói địa phương này có ông nhà giầu họ Trác — Trác Phú Ông – có cô con đẹp tên là Trác Văn Quân. Văn Quân đẹp, con nhà giầu, cao số, lấy chồng mới có một năm, (còn gần như "mới nguyên" - Hoàng Hải Thủy); chồng chết, trở thành sương phụ, trở về nhà sống với cha.

Tương Như ôm mộng chiếm được Văn Quân làm vợ. Chàng ta muốn tỏ tình với nàng. Nhưng ngày xưa, các tiểu thư quí tộc, con gái nhà cự phú, cả đời sống trong nhà, không ra ngoài xã hội, không giao thiệp với người lạ thì làm sao Tương Như có thể tỏ tình với Văn Quân được?

Tương Như nhờ người bạn ở địa phương (Vương Cát là quan lệnh ở huyện) vận động. Ông bạn  của chàng đến gặp Trác Ông, nhờ uy tín là quan lệnh ngỏ lời muốn Trác Ông mở tiệc rượu ở nhà để mời Tương Như đến khoản đãi. Trác Ông vốn không ưa gì văn chương, ông lại càng không thích giao thiệp với những người làm văn nghệ; nhưng nể  bạn là quan huyện, ông cũng mở tiệc mời Tư Mã Tương Như đến nhà.

Văn Quân được biết ngày ấy, tối ấy Tư Mã Tương Như đến nhà nàng. Nàng nấp sau màn, lén nhìn dung mạo Tương Như trong bàn tiệc.

Tương Như đã dặn trước ông bạn, khi tiệc rượu nửa chừng, hãy khoe chàng có tài đàn và yêu cầu chàng trổ tài đàn một bản để tạ tình chủ nhân. Vương Cát làm y theo "ý đồ" Tương Như .

Thế rồi Tương Như cầm đàn, liếc mắt thấy Trác Văn Quân núp sau rèm nhìn lén bèn đàn bản "Phượng Cầu Hoàng". Lời nhạc làm nàng Văn Quân "ngất ngư con tầu đi". Đó là lời tả chuyện con chim phượng  (chim trống)  đi tìm con chim hoàng  (chim mái). Chỉ nghe nhạc thôi, nàng biết chàng chơi bản đàn ấy cho nàng nghe, rằng chàng yêu nàng, chàng muốn có nàng.

Nguyên văn  lời bản nhạc:

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,

Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,

Thời vị ngộ hề vô sở tương,

Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.

Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,

Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.

Hà duyên giao cảnh vi uyên ương

Tương hiệt cương hề cộng cao tường.

Dịch thơ

Chim phượng, chim phượng về cố hương,

Ngao du bốn bể tìm chim hoàng

Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.

Hôm nay bước đến chốn thênh thang.

Có cô gái đẹp ở đài trang,

Nhà gần người xa não tâm tràng.

Ước gì giao kết đôi uyên ương,

Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.  (Nguyễn Tử Quang)

Sau khi nghe lén bản nhạc"dụ khị" này, kiều nữ Trác Văn Quân lòng say mê, "ngất ngư con tầu tình", giữa đêm khuya bỏ nhà chạy đến gõ cửa phòng Tương Như xin "ty nạn tình yêu", thề sống với chàng suốt khoảng đời còn lại.

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam!   (ca dao)

Trác ông hay chuyện tức giận, quyết định từ con cấm vận không chi tiền.

Vì sinh kế, đôi trai gái đó mở một quán rượu.

Theo cụ Công tử Hà Đông - Hoàng Hải Thuỷ thì vợ chồng Tương Như / Văn Quân mở quán thịt chó. Tương Như làm chó - cả câu là “làm thịt chó” - Văn Quân ngồi két (cashier) bán ruợu, thu tiền. (1)

Tui "loạn bàn" thêm cho vui:

[...Thịt chó lúc trước 75 còn được gọi là Cầy Tơ (nói lái Cờ Tây: Hạ Cờ Tây là mần thịt chó). Cầy Tơ Năm Món: Thịt Hấp — Chả Nướng — Lòng Dzồi — Rựa Mận — Xáo Măng — Lá Mơ — Mắm Tôm Chanh Ớt — Riềng Mẻ.

Sống trên đời ăn miếng dzồi chó.

Chết xuống Âm Phủ biết có hay không?

 

Cái món chả chó cũng... đê mê phát khiếp!

Ăn rồi xách nón ra v

Thấy hàng chả chó lại lê chân vào

Chả này bà bán làm sao?

Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng không

Dối rằng lại nghĩ đến chồng

Gần đến cánh đồng ngả nón ra ăn!

(Ca dao)

 

Thịt cầy "trên cả tuyệt vời" phải không? Ông trời còn thích huống hồ ai.

Này nhé!

Bắc thang lên hỏi ông trời

Con thèm thịt chó ăn rồi sao không?

Ông trời hai má đỏ hồng

Nhậu mà không rủ, tội chồng gấp ba!

Và:

Rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Gà không vú nuôi chín mười con

Bậu về tìm lấy cái xoang

Gà xé phai, rượu rắn ...ta thịt luôn con chó phèn!

Dô, dô, dô...Hãy nâng ly lên, ta vinh danh Cầy tơ!...]

(Nguyên Lạc - Loạn Bút Về Chó)

*

Giỡn chút, xin trở lại bài viết.

Trong xã hội phong kiến, nghề bán đồ nhậu là nghề bị coi là tệ mạt. Khách hàng không phải là loại khách phong lưu, đa số là bình dân, thô lỗ, ăn tục, nói phét. Khách đùa rỡn với bà chủ quán đẹp nõn, đẹp nà, bà chủ quán cũng phải đáp ứng thuận chiều bằng cách vui vẻ đùa rỡn với khách.

Người họ Trác trong huyện nhăn nhó oán trách, và rồi khuyên nhủ Trác Ông .

Sau cùng Trác Ông đổi ý, gọi hai người về và chịu chi.  Họ đưa nhau đi sống yêu thương nhau sung sướng kiếp đời.

Về sau Tương Như được Vua Hán vời ra làm quan, vinh hiển, phong lưu một đời.

 

NHẬN XÉT

Tư Mã Tương Như nghèo (thi nhạc sĩ nào không nghèo?) đã có Ý ĐỒ nhằm vào tài sản Trác ông và người đẹp Văn Quân: CƠM NO BÒ CỠI.

Này nhé:

- Bước đầu nhờ cậy Vương Cát nói tốt cho mình để được vào gặp Trác ông và Văn Quân

- Bước hai: DỤ KHỊ Văn Quân bằng cách đàn nhạc khúc Phượng Cầu Hoàng. Nếu không có ý đồ sao không đàn cho Trác ông nghe những bài khác, mà cố tình đàn bài TRỐNG tìm MÁI nầy?

Truyện tình mà có tính toán, có lý trí xen vào thì còn gì chân thực, lãng mạn (Romantic) đâu?!

Họ trở thành vợ chồng dzậy thì còn như oán, như sầu gì nữa?

Vậy mà ai cũng ngợi khen, trích dẫn là mối tình lãng mạn "tót vòi".  Khiếp cho mấy ông bà thi văn nhận "ăn theo"

Chuyện tình "Phượng Cầu Hoàng" như thế thì quả thật chẳng có gì để oán, để sầu.

Chuyên Tình dân gian truyền tụng trong cả hai ngàn năm gay cấn như thế, nhưng chuyện được ghi trong Sử Sách thì lại khác. Mời quí vị đọc Sử:

"Un Poète de Cour sous les Han. Tác giả Yves Hervenet, sách xuất bản ở Paris năm 1964 :

Bọn quí tộc, quan liêu được nâng đỡ trong việc khẩn hoang, miễn phụ đảm. Do đó có nhiều địa chủ giàu lớn, có tới 800 nông nô, có hồ câu cá, có rừng để săn. Như Châu Âu thời trung cổ, giới quí tộc Trung Hoa đời Hán rất thích săn bắn, di tích của lối sống của thời kỳ chưa có nông nghiệp. Thời Hán Võ Đế, khi Tư Mã Tương Như sống chung với nàng Trác Văn Quân, được ông bố vợ cho 100 nông nô và 1 triệu đồng tiền vàng — khoảng 72 kí-lô vàng." (Hoàng Hải Thủy(1)

...

Cái ông Tương Như này đã được sướng như thế, "Cơm no bò cưỡi", vậy mà về sau sanh tật, muốn "ăn phở",  bỏ bê Văn Quân, chạy theo các kiều nữ nhí, chân dài đến nỗi Văn Quân khóc lóc ỉ ôi bằng bài "Bạch đầu ngâm" (Khúc ngâm đầu bạc) chàng ta mới chịu trở về. (2)

Cuộc tình có Ý ĐỒ nầy so với cuộc tình của Phạm Thái / Trương Quỳnh Như của Việt Nam ta thì chả ra gì. Phạm Thái là người tình chân chính, lý tưởng hơn cả ngàn lần ông Tương Như [tôi sẽ bàn chuyện Phạm Thái / Quỳnh Như ở phần cuối bài. Và tôi cũng đã viết chuyện tình cảm động này trong bài Loạn Bút Về Chữ Tình (II) ](3)

Thử đọc đoạn Văn tế này rồi so sánh hai câu "Phượng Cầu Hoàng" trên để thấy ai lãng mạn hơn ai?

"... Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương t ..."

(Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái)

 

Sẳn mời các bạn đọc trích đoạn thơ "hay hết ý" về Phạm Thái - Trương Quỳnh Như của thi sĩ tài hoa Nguyễn Đình Toàn

...

Cơn say dở khóc dở cười

Thành nghiêng, núi lở, đất trời là đâu

Chuông run đã lọt tiếng cầu

Em ơi tỉnh dậy nghe sầu vào thơ

...

Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi

Quỳnh Như ơi !

Quỳnh Như ơi !

Ai đội mộ nàng lên

Thơ này buồn thành những chiếc gai êm

Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi

...

Mộ nàng bao cỏ úa

Lòng ta mấy xót xa

Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự

Ta thương nàng hay ta thương ta ?

(Phạm Thái - Trương Quỳnh Như . Thơ  Nguyễn Đình Toàn)

 

Cuộc tình Việt Nam này mới đúng là Romantic, mới làm người đầy lệ cảm thương, phải không bạn?

Sụt sùi tình lệ giãi bày

Khốc văn một bức. tuyền đài gởi em! (Nguyên Lạc) 

 

NHỮNG Ý NGHĨ RỜI

1. Về câu: Loan phụng hòa mình...(Lễ Tân Hôn)

Trong các đám cưới (Tân Hôn) người ta thường viết: Loan phụng hòa minh / "Sắc" Cầm hão hợp. (Xin chỉnh chữ chút để bạn vui - xem ghi chú **)

a. Loan Phụng là mái - trống, tượng trưng cho cô dâu - chú rể thì ai cũng biết

b.   SẮC CẦM:

- SẮC tượng trưng cho vẻ đẹp (cô dâu)

- CẦM có nghĩa là cây đàn, liên hệ đến ông thi nhạc sĩ Tương Như (chú rể)

Theo Nguyên Lạc tui, ta nên suy gẫm lại câu này!

Thi nhạc sĩ tượng trưng cho các ông TRÍ THỨC ... thường nghèo; đâu có tiền rủng rỉnh như các Đại Gia mà đòi HỢP với SẮC, với người đẹp chân dài? Câu nầy nên sửa lại: Loan Phụng hòa mình / Sắc Tiền hão hợp.

Nếu đám cưới nghèo quá thì nên sửa lại như sau: "Loan phụng hòa minh / Cái gì cũng hợp". Đúng không các bạn?

2.Về các Điển tích

Người "nước chính giữa" thường hay đề cao mình là giống HÁN, xem thường những giống dân khác như: Mông, Thanh, Tạng, Việt .v.v.. (Dù đã từng bị các giống"hèn kém" Nguyên, Thanh cai trị mỗi lần cả mấy trăm năm). Vậy mà không biết hổ thẹn, vẫn "tự sướng", vẫn thường cho  mình là Trung Quốc (nước chính giữa), xem các nước xung quanh là MAN DI. Tinh thần ĐẠI HÁN nầy thể hiện trong nhiều mặt, nhất là việc XÂM LĂNG: Xâm lăng đất đai, xâm lăng  kinh tế, xâm lăng VĂN HOÁ..Dùng bất kỳ muu chước "bá đạo" nào để mong đạt được mục đích.

Các ngài ĐẠI HÁN thường tự sướng, tự xưng cái gì mình cũng nhất. Ví dụ như Dương Quí Phi, họ cho là tuyệt thế giai nhân! Chắc không?

Số là có ngài Will Durant , Sử gia Well-known của xứ Huê Kỳ, trong cuốn "Lịch Sử Văn Mình Trung Quốc" cho biết nhan sắc của Dương Quí Phi cũng "thường thường bậc trung" thôi. Thân thể của Dương bà còn hơi đẫy đà, chớ không "đáy thắt lưng ong" như gái Việt mình. (Lịch sử văn mình Trung Quốc - Nguyễn Hiến Lê - Will Durant),

Vậy mà cũng có một thi sĩ "nước lạ" (Lý Bạch) mần thơ ca tụng dâng lên vua Đường, được thưởng cho cả ký vàng. Sướng chưa? ( Vân tưởng y thường hoa  tưởng dung/ Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng...). Khiếp!

Cũng XẠO như vậy: Nhân vật Điêu Thuyền thực chất chỉ là hình ảnh HƯ CẤU của La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc. Hai chữ Điêu Thuyền vốn là tên một chức quan - trong hậu cung thời Hán -  địa vị thấp hơn phi tần khá nhiều. Đây không phải là tên người. Thế mà mọi người cũng tin là mỹ nhân tuyệt sắc có thật! (Wikipedia)

Xin các bạn:

Đừng tin những gì "nước lạ" nói

Hãy nhìn kỹ những gì "nước lạ" làm!

 

Người xưa có nói: "Hoàn toàn tin sách, thà chẳng có sách còn hơn" (Tận tín bất như vô thư - Mạnh Tử). Đọc sách đôi khi phải đọc giữa hai hàng chữ. Nghĩa là phải suy gẫm cẩn thận cái nghĩa nằm dưới mặt chữ.

Ở đời, mọi chuyện đều có hai mặt: Tốt và xấu, ưu và khuyết. Đọc điển tích "nước lạ" ta chỉ nên giữ cái hay, hợp với Việt Nam mình, và bỏ qua cái không hợp, cái có thể nói là dở. Chứ không phải cái gì cũng "hít hà" tin theo, làm theo. Đó là tinh thần THOÁT TRUNG. Phải THOÁT TRUNG chúng ta mới tiến bộ được. Các nước như Japan, Korea đã THOÁT TRUNG và rồi họ ra sao các bạn đã biết phải không?

Những điều hủ lậu này chúng ta nên xét lại:

- Cái tinh thần coi khinh phụ nữ (Nam trọng nữ khinh) nên bỏ.

 - Cái NGU TRUNG  nên quên đi, chỉ nên TRUNG với đất nước, TRUNG với nhân dân mà thôi, không với bất kỳ một thiếu số đặc quyền nào cả!

 

Nguyên Lạc
2017

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tham khảo: Nguyễn Từ Quang, Hoàng Hải Thủy, Thơ  Nguyễn Đình Toàn, Thi viện, Đại Kỷ Nguyên, Wikipedia ...

Ghi chú:

* Khúc đâu Tư Mã phượng cầu,

Nghe ra như oán, như sầu phải chăng! (không có dấu hỏi (?)

(Truyện Kiều của Nguyễn Du)

** Loan Phụng hòa minh / SẮT cầm hão hợp.(Câu đúng)

(chim loan và chim phụng cùng cất tiếng gáy - đàn sắt đàn cầm cùng hòa nhịp).

Câu trong bài viết: SẮC (cố tình sửa lại) dùng để giải thích tiếu cho vui.

.........

(1) Phượng Cầu  Hoàng - Hoàng Hải Thủy.

https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/11/30/phuong-cau-hoang/

https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/12/page/3/

(2)Trác Văn Quân - Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A1c_V%C4%83n_Qu%C3%A2n

(3) Loạn Bút Về Chữ Tình (II)

 https://khoahocnet.com/2017/06/20/nguyen-lac-loan-but-ve-chu-tinh-2/

https://banvannghe.com/a8106/loan-but-ve-chu-tinh-2-nguyen-lac

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn