BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76254)
(Xem: 62978)
(Xem: 40381)
(Xem: 31981)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ai xúc phạm?

08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1664)
Ai xúc phạm?
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54
"Những ngày này, hàng triệu trái tim người dân Việt Nam đều hướng về Thủ đô, trái tim của cả nước, để cùng chung vui trong không khí mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại lễ không là của riêng Hà Nội, phạm vi lễ hội diễn ra trên khắp đất nước."



Trưa nay lang thang trên mạng, tình cờ mình đọc được bài này của nhà báo Hoàng Thu Vân (chắc là phụ nữ). Xin được trần tình với chị đôi lời phải trái.

Chị Vân viết: “Niềm vui về ngày trọng đại, thiêng liêng này là của cả dân tộc, những con Lạc, cháu Hồng trên dải đất hình chữ S. Vậy mà trong mấy ngày qua, trên vài trang web của cá nhân xuất hiện một số bài viết, thể hiện những cách nhìn, những luận điểm lạc lõng và vô lối.

Sự “lạc lõng và vô lối” ấy được thể hiện bằng thái độ “cố tình tách ra khỏi dòng chảy cảm xúc của cả cộng đồng”, “cố tình bóp méo những sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết.

Chị chứng minh thái độ thờ ơ vô cảm của các bloggers “lề trái” bằng “niềm vinh dự tự hào” của những người được trực tiếp tham gia diễu binh trong dịp Đại lễ, “những nữ quân nhân đã xây dựng gia đình, gác việc nhà sang một bên để có thể yên tâm tập trung trong hơn 2 tháng trời luyện tập.” Vâng, ngay cả khi chị chứng minh được suốt hai tháng tập trung rèn luyện, những người lính đó hoàn toàn không nhận một đồng bồi dưỡng nào từ ngân sách quốc gia thì chúng tôi vẫn xót xa. Hơn một triệu ngày công (30,000 người X 20 ngày công X 2 tháng = 1.200.000 ngày công) nếu tập trung vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra không ít của cải vật chất cho xã hội. Đấy là chưa kể đến hơn 10 vạn người tham gia nhảy múa trên đường phố với số tiền không nhỏ để may phục trang. Tôi không tin, những người lính và gia đình của họ chỉ hít thở khí trời để sống.

Chị nói, cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng" thu hút được hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người cùng tham gia, trong đó có cả cụ già 100 tuổi và em thiếu nhi mới học lớp hai. Chắc các con chị đã lớn và chị chưa từng bao giờ phải giúp con mình làm bài về nhà và tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường. Để đảm bảo có đủ 100% bài dự thi, các thầy cô giáo thường đọc cho học sinh chép đáp án mẫu. Con gái tôi ngày trước đi học cũng vậy. Những cuộc thi tìm hiểu kiểu này năm nào chẳng có. Là con dân nước Việt nên chúng tôi mới đau lòng khi con cái mình bị bắt buộc tham gia vào những trò chơi gian lận, dối trá khổng lồ.

Rất nhiều bài viết nhắc đến việc: “Ít nhất 94.000 tỷ đồng tiền thuế của dân Việt Nam đã được chi ra cho đám "rồng rắn" và Đại lễ, cho cái hội chứng một ngàn lẻ một cái ăn theo..., chi phí đến khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm...” Chị bảo: “Có thể 94.000 tỷ đồng đã được chi ra, thậm chí là nhiều hơn con số đó. Song, số tiền đó chi cho những việc gì? Sao họ không dám kể ra?” Chúng tôi muốn chính quyền Hà Nội thông báo con số chính thức chi cho từng hạng mục công trình trong suốt 10 năm qua. Dù là ngân sách của Hà nội hay ngân sách quốc gia cũng đều là tiền thuế của dân. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tại sao chúng tôi không được quyền chất vấn?

Chị bảo: “đất nước ta chưa giàu, điều kiện chưa phải là dư dả, tiêu một đồng phải tính toán, dù kinh phí đó từ ngân sách nhà nước hay của các tập thể, DN, người dân... đóng góp thì tựu trung lại cũng là của cộng đồng, của xã hội.” Dẫn chứng của chị đưa ra là UBND TP hà Nội đã chủ động dừng dự án xây cổng chào ở năm cửa ô; không xây dựng khu cất giữ hiện vật gửi tới ngàn năm sau; không triển khai dàn kèn đồng 1000 người và dàn hợp xướng 1000 người… Vâng, nếu không có đám người “xúc phạm niềm tự hào dân tộc” gào lên trên các trang web, blogs trái lề, liệu có ngăn được các vị lãnh đạo thủ đô “quăng” tiền vào Đại lễ hay không? May mà Hà Nội đã “chủ động” đề xuất không thực hiện việc "bắn" mây phòng thời tiết xấu để tiết kiệm hơn 1 triệu USD. Nếu không, chúng tôi sẽ còn thắc mắc về chỉ số IQ của các nhà lãnh đạo.

Chúng tôi không tin việc tổ chức “khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày Đại lễ; bắn pháo hoa trên 29 điểm; khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước...; cuộc diễu binh lớn khoảng 30 ngàn người; cuộc múa hát của khoảng 10 vạn người và vô số cuộc khác…” lại phù hợp với “quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là tổ chức Đại lễ hết sức tiết kiệm”. Chưa bao giờ nước ta lại giành được nhiều kỷ lục quốc gia, kỷ lục ghi-net đến thế! Con đường gốm sứ dài nhất, áo dài dài nhất, nặng nhất, đắt nhất; Cụ rùa bằng chả mực lớn nhất, bữa tiệc nhiều món ăn nhất, bánh chưng to nhất, ly cà phê khổng lồ nhất… Người giàu không khoe tiền, hiền tài không khoe chữ. Chúng ta đang tự huyễn hoặc mình.

Bài viết của chị đưa lên khi miền Trung đang gồng mình chịu lũ. “Lãnh đạo thành phố luôn quyết liệt và nhất quán trong việc xóa đói giảm nghèo”. Chúng tôi vẫn đang chờ quyết định sáng suốt của Thủ đô “giảm Hội - giữ Lễ” để Đại lễ 1000 năm Thăng Long sẽ là điểm sáng của truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương”; “lá lành đùm lá rách”.

Cũng đúng ngày bài báo của chị lên khuôn, hai containers pháo hoa đã phát nổ ở Sân vận động Mỹ Đình. Những tưởng Hà Nội sẽ ngừng bắn pháo hoa để sẻ chia “một con ngựa đau…”, ai ngờ Thành phố vẫn quyết định khẩn trương nhập hai containers pháo hoa từ Trung quốc về thay thế. Gần năm mươi mạng người bị cuốn đi trong lũ sẽ được tiễn về trời trong rực rỡ pháo hoa.

Vậy ai mới chính là "kẻ xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam"?

Thanh Chung

Theo blog Gửi Hương Cho Gió

Những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ bài báo của Hoàng Thu Vân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn