Đài truyền hình ARD, kênh truyền hình số một quan trọng nhất của Đức vào tối 6/12, lúc 18.00 giờ địa phương có tường thuật đưa ra nhiều tình tiết ly kỳ chưa từng được công bố về tiến trình bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin do "các mật vụ Việt Nam kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin thực hiện".
Tới 22:35 giờ, ARD trong chương trình "Tagesthemen" đã một lần nữa bằng hình ảnh thuật lại vụ này.
Trước đó, hôm 4/12, một loạt tờ báo quan trọng hàng đầu của Đức trong đó có Spiegel, FAZ, và Handelsblatt, đã đưa tin 'hâm nóng' vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vụ "bắt cóc ở Berlin" xuất hiện trở lại trên truyền thông Đức ngay sau khi tin tức từ Việt Nam hôm 4/12 cho hay vụ án "Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tham ô tài sản" sẽ được đưa ra xét xử vào quý đầu năm 2018.
So sánh với các hoạt động tình báo từng diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sử dụng hình ảnh một chiếc cầu từng là địa điểm nằm trên đường giáp gianh Đông Đức và Tây Đức ở Berlin trước kia, từng nhiều lần được sử dụng để trao đổi tù binh, điệp viên bị bắt..., ARD đã nhấn mạnh lại mức độ nghiêm trọng của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho dư luận Đức biết.
Bản tin của ARD dường như một lần nữa gây sức ép lên chính phủ Đức, buộc phải có thêm những biện pháp mạnh hơn với phía Việt Nam trong những ngày tới.
Truyền thông Đức cũng nói về các tình tiết trước kia chưa từng công bố là có "một quan chức cao cấp của an ninh Việt Nam "đã bay sang Berlin hôm 16/07 để trực tiếp chỉ đạo vụ bắt cóc ông Trịnh".
ARD nói trong suốt quá trình hành động, các nhân viên mật vụ Việt Nam "đã để lại rất nhiều dấu vết lộ liễu bất ngờ".
Toàn bộ tung tích của "các mật vụ Việt Nam" đã bị phía Đức ghi lại rõ ràng, tỉ mỉ qua hệ thống camera an ninh được bố trí mọi nơi.
"Tagesthemen" của đài truyền hình ARD đặc biệt có nhiều người theo dõi, nhất là vào các buổi tối và đêm.
Vì sao nêu lại vụ này?
Từ Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng đánh giá những diễn biến mới nhất cho thấy truyền thông Đức phản ánh một phần tâm tư của cử tri sau bầu cử quốc hội vừa qua cũng như trước những tình thế thành lập liên minh cầm quyền mới hiện nay ở Đức.
"Bộ máy còn đương quyền Đức vẫn phải tiếp tục làm việc có trách nhiệm và hiệu quả. Các vấn đề đối ngoại vẫn phải được giải quyết đến nơi đến chốn, từ vấn đề Brexit, thái độ của Đức với việc di dời thủ đô Israel, cho tới vấn đề nhân quyền ở VN, bên cạnh các chủ đề khác nữa," ông Lê Mạnh Hùng nói.
"Vụ Trịnh Xuân Thanh còn có liên quan đến thể diện quốc gia của Đức, nó càng không thể bị lãng quên, bị cho 'chìm xuồng' được."
07-12-2017
Nguồn BBC