BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77129)
(Xem: 63214)
(Xem: 40615)
(Xem: 32251)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dẹp hàng rong và vỉa hè Sài Gòn: Mang ‘đuôi chuột’ vá ‘đầu voi’

28 Tháng Mười Một 20176:53 SA(Xem: 1848)
Dẹp hàng rong và vỉa hè Sài Gòn: Mang ‘đuôi chuột’ vá ‘đầu voi’
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

SÀI GÒN (NV) – Sau khi cho ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1, “xuống phố” dẹp lòng lề đường, nhận được nhiều phản ứng của dư luận. Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã đưa ra nhiều cách thức để đối phó.

Thứ nhất, hạn chế việc “tiểu tướng” Đoàn Ngọc Hải ra phố đập phá lung tung, vừa mất mỹ quan, vừa cản trở việc làm ăn của người dân (có đóng thuế). Mỗi khi hành sự, Đoàn Ngọc Hải phải lập kế hoạch cụ thể và phải được sự phê duyệt của chủ tịch quận 1.

Thứ hai, nhà cầm quyền thành phố cho lập ra hai nơi mà họ gọi là – phố hàng rong. Một cái tại đường Nguyễn Văn Chiêm, bên hông Diamon Plaza (gần nhà thờ Đức Bà). Và cái kia nằm trong khuôn viên của công viên Bách Tùng Diệp (được bao bọc bởi ba con đường có tên cũ là Công Lý-Gia Long-Pasteur), tên mới bây giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Tự Trọng-Pasteur.

“Phố hàng rong” mới mở tại khu công viên Bách Tùng Diệp (đường Gia Long cũ). (Hình Văn Lang-Người Việt)
“Phố hàng rong” mới mở tại khu công viên Bách Tùng Diệp (đường Gia Long cũ). (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Hai khu hàng rong được dựng lều, cất quán nhìn cũng khá bắt mắt. Cũng bán những thứ mà hàng rong vỉa hè Sài Gòn thường bán. Nhưng theo như dư luận thì vẫn có nhiều điều “sao sao đó.” Chẳng hạn, như giờ kinh doanh, quy định là sáng 6 giờ tới 9 giờ; chiều 11 giờ tới 14 giờ. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân thành phố (mà hàng rong đã khai thác rất tốt) là từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya (2-3 giờ sáng). Thêm nữa, đã gọi là hàng rong, mà hàng quán ở đây lại “đóng đô,” ở lì một chỗ, vậy sao có thể gọi là hàng rong? Và, hàng rong trên đường phố Sài Gòn luôn có giá cả rất bình dân, chẳng những hợp với túi tiền của người lao động có thu nhập thấp. Mà cả dân thất nghiệp, cũng có thể “gặm” tạm ổ bánh mì vỉa hè, hay gói xôi “chồm hổm,” đủ no trong ngày, để tất tả ngược xuôi tìm công việc.

Trong khi ở nơi được gọi là phố hàng rong mới mở kia, bán 1 tô bánh canh với giá là 35 ngàn đồng. Với giá đó, một cô nhân viên bán hàng trong siêu thị cho rằng “giá đó là hàng quán, chứ hàng rong cái nỗi gì?”

Theo như thông báo của nhà cầm quyền thành phố, thì hai khu phố hàng rong kể trên. Được lập ra nhằm giúp những gia đình thật sự nghèo, có hộ khẩu quận 1, lâu nay vẫn phải buôn bán háng rong trên vỉa hè. Họ được “tập hợp” về hai phố hàng rong, để buôn bán mà không phải tốn “đồng xu, cắc bạc” nào bỏ ra thuê mướn mặt bằng, hay tiền dựng quán. Tóm lại, cứ đúng giờ họ dọn ra bán, hết giờ thì dẹp về, tiền lời bỏ túi (100%).

Nghe thì thấy “có vẻ rất biết thương dân nghèo” nhưng khi đi đến hai khu phố hàng rong, đếm mỗi nơi được chừng 20 lều quán. Như vậy, có khoảng chừng  hơn 40 “hộ” được “đổi đời” nhờ có nơi chốn buôn bán tại quận 1. Nhưng những người không có hộ khẩu quận 1, hoặc có mà không được xét vào diện “xóa đói, giảm nghèo,” vì cánh cửa thiên đàng quá hẹp, rồi họ sẽ đi đâu?

Chưa nói đến những chuyện “khuất tất,” hay “tư túi cá nhân.” Chỉ riêng vấn đề hộ khẩu thôi, đã “khoét sâu” những nhức nhối bất công của xã hội cộng sản. Hộ khẩu quận 4, vậy thì không được qua quận 1 buôn bán hàng rong? Hay những tỉnh thành miền Trung, nơi biển bị ô nhiễm vì Formosa, nay lại thêm bao nhiêu cơn bão, lũ tràn về.


Việc bỏ hộ khẩu đã được tuyên bố (nhưng chưa được thực hiện) là bước đầu tiên để xóa đi hình thức “cầm chân,” thực chất là “cầm tù” con người thời chưa là kinh tế thị trường. Và nếu không sớm xóa bỏ thì điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những công dân trong cùng một nước. Nó vô tình tạo ra một tầng lớp “kiêu binh thủ đô,” “kiêu binh quận 1”… Trong khi chính những người nông dân Việt Nam còng lưng cày bừa nuôi cái đất nước này, lại còng lưng gánh món nợ tương lai của quốc gia. Nhưng họ hầu như bị hắt hủi nhất, bị chén ép nhất, không ai bênh vực họ. Nhưng một khi đất nước có “can qua” thì chính con em của những người nông dân (chiếm đa phần trong xã hội) lại phải cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc, và bảo vệ những kẻ từng hắt hủi, chà đạp mình.

Hàng ngàn người bán hàng rong trên đường phố Sài Gòn, đó không phải là con số đếm. Mà đó chính là hiện thân của một nền kinh tế nhỏ, lẻ. Nó phản ánh đúng tình trạng (cũng như đẳng cấp) kinh tế của Việt Nam.

Hàng rong đó không phải là “tụ tập đua xe” hay “bán xì-ke” để mà có thể dùng mệnh lệnh hành chánh mà giải tán. Những gánh hàng rong nuôi sống dân lao động, nó không chỉ ở “vế người bán,” mà quan trọng bằng hoặc hơn nữa là “vế người mua.”

Mỗi sáng, ngay trước những công trình xây dựng lớn mặt tiền đường Hai Bà Trưng, bà bán xôi ngồi đó, công nhân xây dựng xúm lại mua, ăn vội vàng rồi bước vô công trình làm việc. Buổi trưa, nếu có gánh bún riêu, bánh canh rồi thì cà-phê đá thuốc lá tới phục vụ “tận răng,” mà giá lại rất phải chăng. Nhờ vậy, dân lao động công trường nặng nhọc (đa phần là nông dân mất ruộng ở quê lên thành phố) mới có thể “lê bước” từng ngày. Chứ chờ mà chạy ra “phố hàng rong” của cán bộ thì có mà… rã họng.

Hàng rong - Gánh xôi buổi sáng, trước một công trình đang xây dựng trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1. (Hình Văn Lang-Người
“Gánh” xôi buổi sáng, trước một công trình đang xây dựng trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt

Hàng rong, nó vừa là kênh sản xuất, đồng thời là kênh phân phối tận tay, nếu không muốn nói là “tận miệng” người tiêu dùng. Ở đây, dân lao động giữa bên bán và bên mua có một mối quan hệ “cộng sinh.” Nếu làm sụp đổ một bên, bên còn lại cũng tiêu tùng theo. Dẫn đến những hệ lụy của nền kinh tế.

Hàng rong chỉ giảm, tiến tới mất dần. Trong điều kiện kinh tế phát triển lên cao hơn. Giống như Hà Nội và Sài Gòn (sau 1975) đường phố toàn xe đạp. Nhưng tới nay nhờ xe máy giá rẻ của Nhật ráp tại Việt Nam, mà xe đạp hầu như vắng bóng (hoặc thành “của hiếm” trên đường phố). Dù chưa bao giờ nhà cầm quyền ra lệnh cấm xe đạp. Nhưng nếu bây giờ ra lệnh cấm xe máy, thì lệnh này sẽ bị “phản ứng ngược” ngay lập tức.

Việc nhà cầm quyền “chỉ định” một số người được “quyền sống,” vốn không có gì là mới mẻ. Việc này, khi Nguyễn Bá Thanh lúc còn sống và nắm quyền tại Đà Nẵng đã từng làm. Để cho Đà Nẵng trở thành nơi “sạch sành sanh,” ông ta đã cấm tuyệt đối bán hàng rong trên đường phố. Buộc dân miền Trung phải chạy vô Sài Gòn. Lại cho “thu gom” hết người già cơ nhỡ vào các trại xã hội (được nuôi với giá…3 ngàn đồng/1 ngày). Dẹp hết mấy trăm chiếc xích-lô trên toàn Đà Nẵng. Sau đó sàng lọc ra, còn vài ba chục người thuộc diện “chính sách,” cho tiếp tục ưu tiên chạy xích-lô. Nên khi Nguyễn Bá Thanh chết, số xích lô được “ưu đãi” này đã đi đám tang và thực sự “khóc” ông ta. Còn bao nhiêu người bị đập bể “nồi cơm” ở Đà Nẵng, trôi dạt về đâu thì không ai biết, cũng chẳng ai nhắc tới.

Biện pháp “phố hàng rong” của Sài Gòn bây giờ, cũng như “xích-lô ưu đãi” của Nguyễn Bá Thanh ngày trước. Nhìn tổng thể trên một nền kinh tế vốn chưa thoát khỏi tình trạng “giật gấu vá vai” của Việt Nam hiện nay. Thực chất đó chỉ là giải pháp đem “đuôi chuột” mà vá vào cái lỗ hổng “đầu voi.” Nên kết quả giống như dân gian hay nhạo báng chuyện “bá láp” là chuyện: “Đầu voi, đuôi chuột.” Dù được báo chí tuyên truyền trong nước thổi phồng lên, nhưng “ba bẩy hăm mốt ngày,” kiếp mèo lại hoàn… mèo.”

Văn Lang/Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn