Nghe theo chiêu bài "trình diện học tập 10 ngày", các sĩ quan cấp úy QLVNCH sau khi trình diện từ nhiều địa điểm khác nhau, đa số bị tập trung về Trảng Lớn và được chia ra cho các đơn vị bộ đội thuộc Uỷ Ban Quân Quản CS quản lý. Chúng tôi được sắp xếp về đơn vị Trung Đoàn 3, Tiểu Đoàn 5 của CS ( L3T5 ) quản lý. Những tháng đầu tiên tại Trảng Lớn chưa ai được thăm nuôi hoặc nhận quà từ gia đình gì cả. Nên khẩu phần thực phẩm được phân phát sao thì ăn vậy. Rau cải nấu canh lỏng bỏng với chút muối hột, còn gạo để nấu cơm thì những tháng đầu tiên ở đây, chúng tôi chỉ được phân phát gạo đã bị mốc, mọt hết cả. Khi vo gạo thì hơn 2/3 nổi hết lên trên mặt nước vì bên trong hạt gạo đã bị mọt ăn rỗng ruột hết. Do thế chất B1 trong gạo không còn nữa. Sau một thời gian ăn loại gạo mối mọt này, bệnh phù thũng hoành hành chúng tôi thê thảm. Ai nấy chân tay đều sưng vù, trương nước vì thiếu chất B1. Nhất là ở chân, nếu lấy ngón tay nhấn nhẹ vào rồi lấy ngay ngón tay ra, sẽ để lại một lỏm sâu hóm thấy mà ghê luôn. Tình trạng bệnh phù thũng này đến mức báo động. Mỗi ngày chúng tôi được phát mỗi người 1 viên B1, ai bị nặng thì được phát thêm một ca nước cơm để có thêm chất B1 trong nước cơm …Còn bị nặng hơn thì lên nằm bệnh xá. Thực tế thì 1 viên B1 được phát cho mỗi người cũng không ngăn chận được chứng bệnh này. Ca nước cơm cũng chẳng còn chất B1 trong đó nữa vì cũng được lấy từ số gạo mục nát đó nấu ra. Những ai bị phù thũng nặng được khiêng lên nằm bệnh xá thì cũng chẳng có thuốc men gì nhiều, cho nên đã có nhiều người chết trên bệnh xá vì chứng bệnh phù thũng này. Nguyên do chỉ vì thiếu chất B1, một chất mà gần như trước đây trong cơ thể con người hầu như không có ai bị thiếu, vì trong thức ăn hàng ngày đã có đầy đủ. Nay lại phải bị chết vì nó, nghĩ lại thấy đúng là trớ trêu.
Người bị bệnh phù thũng nặng khi đứng lên hai chân bủn rủn, bước đi rất khó khăn và thậm chí vừa đứng lên đã té xuống ngay. Cá nhân tôi chẳng may rơi vào dạng bị phù thũng nặng, không còn đi đứng gì được nữa, chỉ nằm một chỗ. Khi cần tiểu tiện thì phải bò. Chân tay tôi lúc bấy giờ sưng vù lên một cách kinh khiếp, da ở hai chân tôi từ đầu gối trở xuống căng mỏng đến độ láng bóng. Còn hai mắt cá chân không thấy đâu nữa vì các phần sưng ở chân đã bao phủ mất hai mắt cá. Đến lúc tôi bị nặng nhất là lúc da chân nứt ra và rỉ nước vàng. Tinh thần tôi lúc đó phải nói là suy sụp trầm trọng. Tôi chỉ nằm cầu nguyện và nghĩ mình chắc chắn sẽ chết, nhưng nhất quyết không chịu đi bệnh xá. Tôi nghĩ lên đó cũng nằm chờ chết, chi bằng ở lại trại, nếu có gì còn có bạn bè giúp đỡ. Thế rồi không hiểu sao từ từ tôi khỏi được mặc dầu không có thuốc men gì thêm ngoài 1 viên B1 được cấp và ca nước cơm nhà bếp phát cho mỗi ngày. Qua khỏi cơn bệnh này, tôi có cảm tưởng như chết đi sống lại!
Còn một chuyện nữa liên quan tới vấn đề thiếu thốn thuốc men mà tôi còn nhớ. Khi chúng tôi chuyển đến trại Cây Cầy A (tên chính thức là Trường Quản Huấn Khu A) thuộc tỉnh Tây Ninh. Có một ca mổ ruột thừa hi hữu mà tôi có dịp chứng kiến. Một anh trong trại bị đau ruột thừa đã đến thời kỳ nguy kịch. Các bác sĩ QLVNCH đang cải tạo trong trại kết luận nếu không mổ gấp thì anh ta sẽ chết. Tuy nhiên ở trại, thuốc men và dụng cụ gần như không có gì cả. Cuối cùng sau khi được phép ban chỉ huy trại. Các bác sĩ đã thực hiện ca mổ ngay lập tức trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ. Dụng cụ mổ là lưỡi dao lam. Kim chỉ may vết thương là kim chỉ thường dùng để may vá quần áo. Bông gòn, thuốc đỏ, trụ sinh và các thuốc chống đau nhức thì anh em tù cải tạo trong trại quyên góp. Vấn đề thiếu thốn quan trọng nhất là các bác sĩ không có thuốc mê hoặc thuốc tê nên đành phải mổ sống bệnh nhân! Thà liều còn có cơ hội cứu sống người bệnh. Sau khi nghe các bác sĩ giải thích về tình trạng nguy kịch của chứng bệnh cũng như hiểu rõ hoàn cảnh thiếu thốn lúc đó, bệnh nhân chấp nhận cho mổ.Tôi còn nhớ ca mổ hôm đó gồm 4 bác sĩ, hai y tá cũng là tù cải tạo trong trại. Rất tiếc không nhớ hết tên mấy vị này. Chỉ nhớ có hai bác sĩ tên Mỹ và Dân. (Nếu tôi nhớ không lầm thì bác sĩ Mỹ chuyên khoa về mắt, trước tháng 4-1975 có làm việc tại bệnh viện Bình Dân).
Chúng tôi ở bên ngoài đứng chung quanh các cửa sổ căn nhà dùng làm trạm xá theo dõi ca mổ đặc biệt này. Các bác sĩ giăng một cái mùng lớn ở giữa nhà và ca mổ được thực hiện trong mùng để tránh ruồi muỗi. Bệnh nhân bị cột tay chân thật chặt cho khỏi dảy dụa và miệng cắn chặt khăn. Đứng bên ngoài xem mà chúng tôi không khỏi rùng mình. Mặc dù bị cột chặt tay chân và có bốn người đè chặt, bệnh nhân vẫn ưỡn người dãy dụa và dù cắn chặt khăn, ở bên ngoài vẫn nghe rõ tiếng ú ớ rên la đau đớn khủng khiếp của người bệnh khốn khổ. Cuối cùng ca mổ hy hữu cũng thành công tốt đẹp và người bệnh được cứu sống. Không bao lâu sau khi hồi phục, anh này trốn trại. Không thấy anh bị bắt lại nên chúng tôi nghĩ anh đã trốn thoát.
Kể từ khi được vào "đại học cải tạo", tù cải tạo mới biết đến hai chữ “cải thiện” của Cách Mạng để chỉ sự trồng thêm, kiếm thêm thực phẩm… cho bữa ăn được khá hơn, đầy đủ hơn... Riêng đối với tù cải tạo thì hai chữ "cải thiện" này dần dần trở thành một cái gì quen thuộc hằng ngày, và việc "cải thiện" của tù cải tạo phải nói là đa hình đa dạng. Từ cóc, nhái, rắn rít, chuột, bò cạp… hễ bắt gặp được là tù cải tạo ăn tuốt hết.
Có những kỷ niệm tôi còn nhớ rất rõ, không biết nên liệt vào kỷ niệm vui hay buồn:
Khi còn ở Trảng Lớn, khu vực chúng tôi ở sát vành đai hàng rào. (Trước 1975 đơn vị pháo binh sư đoàn 25 bộ binh QLVNCH đóng tại đây). Dọc theo hàng rào là một giao thông hào lớn, bên dưới có nhiều chuột cống con nào con nấy to lớn, lông đen thui nhìn thấy sợ luôn. Có một anh làm bẫy bắt được một con chuột cống thật lớn và anh nói sẽ ăn thịt nó vì lâu quá rồi không được ăn miếng thịt nào. Ban đầu tưởng anh nói đùa, nhưng khi thấy anh nấu nước sôi trên lon guigoz rồi cạo lông nó, chúng tôi mới biết anh nói thật. Cả đám tù cải tạo xúm lại xem anh ta làm thịt con chuột. Ai nấy đều thấy ghê tởm vì trước đây chưa có người nào trong bọn ăn thịt chuột cống cả. Có người nói với anh: "Ăn tầm bậy tầm bạ coi chừng bị dịch hạch chết luôn đó.". Mọi người khuyên anh chàng bắt được chuột đừng ăn. Anh ta cứ tỉnh bơ vừa làm thịt con chuột vừa nói: "Tại mấy anh không biết chứ con chuột có bị dịch hạch hay không là do ở hai cục hạch nằm dưới hai nách con chuột. Lấy hai cục hạch đó ra thì khỏi còn sợ gì hết." Anh lấy dao lẻo ra hai cục hạch nhỏ ở dưới hai nách con chuột cống rồi đưa chúng tôi xem. Sau khi cạo lông và làm sạch sẽ, con chuột cống được thui lên vàng tươi trông hấp dẫn, ngon lành lắm. Anh lấy mỡ trong bụng của con chuột chiên nó lên. Mùi thơm bay ngào ngạt. Khỏi nói cũng biết anh ta đã thưởng thức bữa thịt chuột rô ti đó ngon lành như thế nào rồi! Thế là sau đó nhiều người bắt chước làm bẫy bắt chuột. Phong trào tự nguyện diệt chuột để "cải thiện" thêm cho bữa ăn hằng ngày của tù cải tạo bỗng dưng trở nên sôi nổi hẳn lên! Có người may mắn bắt được 2,3 con một ngày. Từ từ rồi chuột lớn, chuột nhỏ gì cũng bị bắt ăn thịt hết. Tù cải tạo lại trở về với cơm canh Cách Mạng như cũ! Thành thật mà nói, trong thời gian trong các trại tù cải tạo, tôi chưa bao giờ dám thử ăn thịt chuột cống dù cũng đói rã người và thèm có được một chút chất thịt lắm. Tuy không dám ăn, nhưng tôi hoàn toàn đồng tình và thấu hiểu được hoàn cảnh lúc đó với các bạn tù. Bây giờ nhớ lại giai đoạn đã qua, thấy cảm khái vô cùng. Đã có lúc thịt chuột cống trở thành một món ngon bổ dưỡng cho những người tù cải tạo!!
Từ khi đám tù cải tạo chúng tôi chuyển từ Trảng Lớn đến Đồng Pan, rồi từ nơi đây lại chuyển đến trại Cây Cầy A, chúng tôi được thăm nuôi gặp mặt mỗi tháng một lần. Với sự tiếp tế của gia đình, tình trạng có đỡ hơn lúc chưa được thăm nuôi, nhưng chúng tôi vẫn ở trong tình trạng thiếu thốn không đủ ăn. Đó là những người may mắn được gia đình thăm viếng, có thức ăn tiếp tế. Khỏi nói đến những anh em có gia đình ở xa hoặc gia đình khó khăn không đủ khả năng thăm nuôi hàng tháng thì chắc chắc là đói dài dài. Tiêu chuẩn của trại phát cho tù cải tạo trừ những ngày lễ lớn, hoặc Tết thì còn thấy chút váng mỡ và chút thịt bằng đầu ngón tay, ngoài ra thì chỉ toàn là rau nấu canh với tí muối hột… Khẩu phần ăn chính yếu cho mỗi người chỉ vào khoảng chén cơm hoặc một mẫu bánh hấp làm bằng bột mì… không đủ đâu vào đâu, lại phải lao động nặng nên đứa nào đứa nấy đói rã ruột. Để sinh tồn, đám tù cải tạo phải tìm bất cứ chất độn nào có thể kiếm được, chủ yếu để nhét vào dạ dày được càng nhiều càng tốt, và nhờ thế tạm đánh lừa cái đói. Mỗi khi đi vào rừng lao động, sau khi ra sức số gắng đạt đúng những "chỉ tiêu" được giao trong ngày, thì giờ hiếm hoi còn lại chúng tôi để ý tìm những cây cải trời, lá giang, lá bứa, đào những bụi sâm chỉ… những mụt măng non mang về thêm vào bữa ăn mà chủ yếu chất độn là chính yếu còn cơm chỉ là phụ, miễn làm sao có cảm giác lưng lửng bụng để có sức lao động tiếp. Do đó vấn đề “cải thiện” bên ngoài là một điều gần như tù cải tạo nào cũng làm. Ngoài ra ở trại, chúng tôi còn phải dành thì giờ rảnh trồng thêm rau, bầu bí mướp... ăn độn thêm. Tuy thế cái đói vẫn thường xuyên theo đuổi chúng tôi. Mỗi tối khi nằm ngủ, bụng đứa nào đứa nấy sôi rột rột trong đêm khuya nghe rất rõ. Đôi khi bụng sôi quá không ngủ được, người nào còn đường tán thì bẻ một tí nhấm nháp - lại đánh lừa bao tử - cho bụng đỡ sôi để dễ ngủ!
Cũng có những kỷ niệm vui vui về chuyện "cải thiện". Đôi khi chúng tôi cũng may mắn tìm được món ngon chứ không phải lúc nào cũng èo uột cả đâu:
Tôi còn nhớ khi mới chuyển trại đến Đồng Pan, lần đầu tiên chúng tôi đi chặt tre. Khi vào rừng tre, cả bọn rất vui mừng vì kiếm được nhiều mụt măng non. Thế là ngoài chỉ tiêu hai cây tre lớn cho mỗi người phải mang về ngày hôm đó, chúng tôi còn đeo nhiều "xâu" măng non lủng lẳng. Đường từ rừng tre về trại xa thăm thẳm, lại vác nặng, nhưng trong bụng đứa nào đứa nấy cũng vui vì có "chiến lợi phẩm". Sau đó chúng tôi chế biến thành đủ thứ món: Măng trộn gỏi (dĩ nhiên không có tôm thịt gì cả), măng luộc, canh măng… rồi đến măng ngâm chua hoặc phơi khô để dành ăn dần… Thôi thì bữa ăn nào cũng có măng độn vào. Nghe người ta nói ăn măng nhiều sẽ bị đau nhức mình mẩy… hoặc dễ bị sốt rét rừng hơn người không ăn(?). Cả đám tụi tôi cứ ăn tỉnh bơ, chỉ mong có gì nhét vào bao tử cho no là tốt rồi, những chuyện đau mình, đau mẩy thây kệ. Tính sau!
Cũng ở trại Đồng Pan này, những ngày đầu khi vào rừng đốn cây về làm doanh trại, có rất nhiều hố bom do B52 thả lúc trước và bây giờ trở thành những cái ao nhỏ. Chúng tôi phát giác có ếch, cóc, nhái, rắn, cá trong đó. Thế là đám tù chúng tôi bảo nhau làm lưỡi câu chế biến từ một sợi kẽm nhỏ hoặc từ một cây kim cúc. Mồi thì chỉ là những thứ vớ vẩn gì đó có thể kiếm được. Lúc đầu chúng rất dạn, cứ quăng cần câu một lúc là có thể câu dính được ếch nhái hoặc cá ngay. Những ngày đó phải nói là đại tiệc đối với chúng tôi. Nhưng rồi số lượng tù cải tạo quá đông, nhiều người câu quá, chúng trở nên nhát mồi và khó câu hơn. Chúng tôi lại phải đi lao động làm đúng chỉ tiêu nên đâu có thì giờ nhiều để đánh bắt. Do thế chúng tôi đan lợp, đặt bẫy... xong lấy cỏ che lại. Có dịp đi lao động ngang qua thì ghé thăm bẫy. Với cách này thỉnh thoảng cũng bắt được cá.
Hoặc có vài lần gặp may mắn, đi chặt tre hoặc cắt tranh ở rừng về qua những con suối tình cờ chúng tôi tìm được nguyên đám rau càng cua hoặc rau sam thật lớn mọc dưới chân các tảng đá dọc hai bên suối. Những hôm như vậy chúng tôi hay nói đùa là : "Hôm nay Trời đãi tụi mình". Thông thường khi đi lao động trong rừng, chúng tôi chia ra những nhóm nhỏ 2,3 người đi với nhau, vì thế những đám rau lớn đó không thể lấy hết một lần. Mỗi đứa cởi áo làm thành một cái bọc đựng đầy rau trong đó, còn lại tính "để dành" bữa khác tìm cách trở lại lấy nữa. Nhưng qua mấy hôm sau khi chúng tôi đến thì cả đám rau lớn hôm trước đã sạch bách hết không còn một cọng bởi những "đàn anh" tù cải tạo nào khác đi ngang qua "dớt" hết rồi.
Chế độ kềm chế tù nhân bằng bao tử của CS quả thật rất tàn nhẫn. Nó làm cho con người đôi khi trở nên hèn mòn chỉ vì một miếng ăn nhỏ. Kể từ khi chúng tôi chuyển đến trại Cây Cầy A, vấn đề doanh trại và những dãy láng trại, nhà ở… đã được những tù cải tạo ở trước xây cất đâu đó nề nếp hết rồi. Nên khi chúng tôi chuyển đến trại này, việc lao động chủ yếu là trồng trọt, canh tác hoa màu. Chúng tôi phá rừng, khai hoang trồng lúa, bắp, khoai mì, bo bo, mía… phải nói là rộng bạt ngàn. Diện tích canh tác hoa màu ở trại này không biết bao nhiêu mà kể. Hoa lợi thu hoạch về rất nhiều nhưng chỉ bán cho bên ngoài. Tới mùa thu hoạch xe vận tải của nhà thầu bên ngoài ra vô nườm nượp chở lúa, khoai mì, bắp, mía… từ sáng tới tối liên tục ngày này qua ngày khác cả mấy tuần lễ mới hết. Chúng tôi làm quần quật trên những cánh đồng này từ mờ sáng. Khai thác xong, khuân vác đến cân đo đong đếm rồi chất lên xe để nhà thầu chở đi. Hoa màu thì đầy dẫy vào những mùa thu hoạch như thế mà không được cho ăn no. Mỗi ngày cũng vẫn chỉ được phát với tiêu chuẩn ăn "chết đói" lưng một chén cơm. Do thế không đứa nào là không bẻ trộm bắp, khoai mì ăn thêm cả. Nhớ lại giai đoạn đó quả thật con người của chúng tôi đã đi đến chỗ bần cùng, thê thảm chưa từng có! Chính tự tay chúng tôi khai hoang, trồng xới, từ lúc miếng đất còn là một cánh rừng cho đến khi thu hoạch, thế rồi cũng chính chúng tôi đi bẻ trộm những hoa màu đó ăn cho đỡ đói. Nếu bị bắt được thì bị phạt cùm giò nhốt vào connex nửa tháng. Đúng là khôi hài không tả nỗi. Tuy nhiên dù có bị kỷ luật, hù doạ… chúng tôi vẫn cứ phải bẻ trộm bắp, nhổ khoai mì để ăn chứ đứa nào đứa nấy đói lả ra, lấy sức đâu mà lao động!
Những lúc thu hoạch khoai mì hoặc bắp trên cả một cánh đồng thật rộng lớn, đám tù cải tạo chúng tôi được phân chia khu vực cho mỗi tổ, giăng hàng ngang và cứ thế tiến lên thu hoạch . Chúng tôi được giao chỉ tiêu vừa nhổ khoai mì, bẻ lấy củ gom lại thành đống lớn để chiều xe vận tải tới cân và chở đi. Tổ nào không làm đúng số lượng đã được giao thì tối về bị phê bình kiểm điểm tới khuya… Chỉ tiêu đưa ra là con số phải làm cật lực mới có thể đạt được. Bụng thì đói meo mà làm nặng nhọc như vậy thì chịu sao nổi. Do đó trong khi làm việc chúng tôi cử ra một người lén nướng khoai mì hoặc bắp cho các anh em trong tổ cùng ăn. Khổ nỗi khi khoai mì, bắp nướng lên sẽ có mùi thơm lan ra. Hôm nào không có cán bộ quản giáo và các vệ binh ở gần thì chúng tôi còn nướng ăn đàng hoàng được. Nhưng hôm nào có đám cán bộ canh chừng, đốc thúc chúng tôi làm cho nhanh thì không thể nướng lên được. Những bữa như vậy, chúng tôi chỉ biết dấu vào bọc áo, chiều tối về trại luộc ăn. Nếu có ai đói quá thì đành phải vừa làm vừa nhai khoai mì sống cho đỡ đói. Còn bắp thì là bắp khô không ăn sống được vì hột cứng quá thì khi nghỉ giải lao, chúng tôi lén lảy hột đựng vào bình đựng nước để chiều mang về trại. Chúng tôi vẫn làm như vậy. Nhưng một hôm có một anh đang làm ở đội gần bên ăn khoai mì sống nhiều quá, gặp lúc trời nắng như đổ lửa nên bị "say" nắng (hoặc "say" khoai mì sống chúng tôi cũng không rõ). Anh ta giãy tê tê, miệng sùi bọt mép với chất nhựa trắng của khoai mì ra đầy hết cả. Các bạn anh hoảng hồn, phải dìu anh núp vào chỗ mát. Lấy nước rửa chất sữa trắng khoai mì trên miệng và quần áo để phi tang và báo cán bộ là anh ta bị bệnh. Một người được cử ra cạo gió cho anh, nhìn tướng anh lúc đó rất thê thảm. Vậy mà qua hôm sau đi lao động, lại thấy anh ta tiếp tục nhai khoai mì sống ngon lành.
Tù cải tạo hái rau cải hoang, bẻ măng rừng, cóc nhái, rắn rết… ăn thì không sao. Nhưng rủi mà bị cán bộ quản giáo bắt quả tang lúc đang "cải thiện" khoai mì, bắp, mía… thì tối đến khi về trại, thế nào cũng có màn kiểm điểm ở trong tổ cho đến thật khuya. Cái khốn nạn của màn kiểm điểm này là cán bộ quản giáo bắt buộc các anh em trong tổ từng người phải có ý kiến phê phán, lên án hành động "trộm cắp" của anh tù nào xui bị bắt gặp. Nhưng có tù cải tạo nào mà không phạm cùng một tội đâu!! Cho nên những buổi kiểm điểm tố khổ như vậy chẳng qua chỉ là những trò hề. Nhưng đau đớn thay, chính chúng tôi là những con rối trong trò hề đó. Người bị bắt gặp bẻ trộm hoa màu sau đó còn bị phạt nhốt connex nửa tháng. Trong thời gian bị phạt, khẩu phần ăn bị cắt phân nữa. Những bạn tù mỗi khi đi lao động ngang qua connex, nếu canh không có vệ binh hoặc cán bộ ở gần thì lén quăng vội vào cho bạn mình một củ khoai, hoặc chút ít thực phẩm gì giúp cho anh ta đỡ đói. Khi được thả ra sau nửa tháng ngồi connex, có người phải nhờ bạn bè dìu về trại chứ đi một mình không nỗi nữa.
Cứ thế đám tù cải tạo khốn khổ lây lất sống từ trại này qua trại khác với hy vọng thật mong manh của một ngày đoàn tụ không ai biết trước được.
Trải qua bao nhiêu năm, những khi hồi tưởng lại hoặc có dịp ngồi ôn lại với bạn bè cùng chung cảnh ngộ trước đây. Tôi không khỏi cảm khái. Những hình ảnh cũ trong giai đoạn tủi nhục vẫn còn in rất rõ trong tâm trí tôi cũng như của biết bao người tù cải tạo khác. Còn rất nhiều những kỷ niệm chua xót trong thời gian ở trại tập trung cải tạo mà tôi tin chắc rằng những ai đã trải qua khó lòng có thể quên được. Bài viết này chỉ ghi lại một vài hình ảnh nhỏ mà thôi.
Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, tháng Tư 2007
Gửi ý kiến của bạn