BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một chuỗi kỷ niệm khó quên

06 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2250)
Một chuỗi kỷ niệm khó quên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Năm ấy, 1972, Trung úy T. được cử giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Chiến Tranh Chính Trị, kiêm Quản Lý Hội Quán Sinh Viên Trường Sĩ Quan Thủ Đức, vào lúc anh mới 26 tuổi. Anh là người sĩ quan trẻ tuổi nhất trong bộ Tham mưu của ngôi Trường lớn, lúc nào cũng có trên dưới 6000 sinh viên. Lý do anh được chỉ định vào vị trí này là vì sau khi anh tình nguyện đi học Khóa Sĩ Quan CTCT trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, anh đã tốt nghiệp hạng 3. Thực ra, anh đỗ Thủ Khoa, nhưng vì vi phạm kỷ luật nặng nề vào ngày cuối khóa, nên bị giáng xuống còn hạng 3.

Thế cũng còn may. Ông Thầy quý anh, nên không trừ hết điểm hạnh kiểm. Đúng ra, anh phải hạng bét, vì không ai ba gai như anh, dám trốn học nguyên một tuần lễ. Trong lớp chỉ có Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càn, bạn cùng khóa với anh cũng ba gai thường trực. Dương Hùng Cường nhậu xỉn, lâu lâu bỏ lớp một lần.

Hôm ấy, chỉ còn hai tuần nữa là mãn khóa, tự dưng anh thấy cồn cào nhớ vợ kinh khủng, như có lửa đốt bên trong, khiến anh không thể ngồi im được. Cố gắng chịu đựng mãi, toát mồ hôi, anh vào trình diện Thiếu Tá Trưởng Phòng Khóa Sinh:

- Thiếu Tá! Thiếu Tá! Tôi nhớ vợ quá, Thiếu Tá cho tôi về một tuần nhé!

Ông Thiếu Tá trợn mắt nhìn T. như nhìn quái vật:

- Anh nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu?

T. bình tĩnh nói tiếp:

- Tôi muốn về Sàigòn một tuần lễ rồi lên dự lễ kết khóa. Vợ tôi sắp sanh con đầu lòng.
Ông Thiếu Tá bắt đầu nổi cơn lôi đình:

- Anh là sĩ quan mà ăn nói vô kỷ luật! Anh nói chuyện với ai vậy? Anh có biết là tôi có thể nhốt anh ngay bây giờ không?

- Dạ biết. Biết nhưng vẫn xin.

Thiếu Tá N. đập bàn:

- Vậy thì Trung úy cút ra ngay đi, kẻo tôi nổi nóng, tôi kêu Quân Cảnh còng cổ Trung úy lại.

Không một chút rung động, T. nói nhẹ nhàng:

- Thưa Thiếu Tá, tôi không làm hỗn, Thiếu Tá muốn nhốt tôi thì cứ nhốt. Nhưng tôi vẫn nói, xin Thiếu Tá cho tôi đi vắng một tuần thôi. Nếu Thiếu Tá để cho tôi đi, tôi hết lòng biết ơn Thiếu Tá. Bằng không, xin Thiếu Tá mau mau cho Quân Cảnh nhốt tôi liền đi, vì nhất định, đêm nay, tôi sẽ chui lỗ chó mà ra.

Thấy có tên khùng bạt mạng đứng trước mặt, ông Thiếu Tá dịu giọng:

- Anh có biết là đi xe đò sáng sớm, sẽ bị Việt Cộng bắt ngay không?

T. vẫn tỉnh bơ:

- Dạ, biết. Bị bắt dọc đường thì bị bắn chết ngay tại chỗ.

- Anh về Sàigon, không có giấy phép, Quân Cảnh cũng hốt anh bỏ bóp!

- Dạ, tôi chịu tất cả. Bị nhốt thì cũng có ngày ra.

Thấy không lay chuyển được tên khùng, Thiếu Tá N. vẫy tay:

- Thôi, đi khuất mắt đi! Đồ vô kỷ luật, ba gai! Tôi mong Việt Cộng nó thẩy cho vài chục viên Aka cho chết quách!

T. dập gót chân, chào kính vị Thiếu Tá “ngoài-dữ, trong-hiền” kia rồi tủm tỉm quay ra. Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, anh chui lỗ chó chui ra ngoài, chạy thục mạng đến xe đò, và ngồi lên xe, cầu nguyện. Nếu bị Việt Cộng bắt ở đèo Đà Lạt hay Bảo Lộc, thì coi như vĩnh viễn không nhìn thấy mặt đứa con sắp sinh.
Vậy mà thoát. Đêm ấy, có phép lạ! Việt Cộng không ra đèo! Về đến nhà, đúng 4 giờ chiều, cậu em reo lên:

- Anh T.! Chị mới sanh vào lúc 4 giờ chiều qua.

Bốn giờ chiều hôm qua! Lúc tôi cồn cào nhớ vợ! Đúng là Thần giao cách cảm!

T. ở lại Sàigon một tuần, khi lên trình diện, Dương Hùng Cường cười:

- Cậu đúng là thằng Liều! Tớ chịu cậu đấy!

(Dương Hùng Cường, dù hơn T. nhiều tuổi nhưng thích T. đặc biệt. Hai thằng làm chung một cuốn đặc san kỷ niệm về Trường, T. vẽ hình bìa, trang trí, và làm thơ. Dương Hùng Cường lo thu và xếp bài, rồi đưa in. Dương Hùng Cường còn tổ chức thi ... hoa "khôi" sĩ quan, để mong anh em chấm T. giải nhất, rồi thưởng cho T. vài chai bia, uống tắc thở.)

Lúc chấm dứt khóa học, T. cũng về Saigon bằng con đường ngược ngạo. Được Minh, Trung Uùy Không Quân rủ rê, hai thằng vào phi trường, đi ké một chiếc C.130 về Plêiku, xong lại lang thang, chờ có một chiếc C.130 chở hàng về Tân Sơn Nhất. Không có ghế, hai thằng ngồi xếp bằng tròn trong khoang, bị máy bay dần cho một trận nghiêng ngửa, muốn ói mấy lần.

Trình diện lại Trường Thủ Đức, thấy điểm cao, và cũng vì đúng lúc đang thiếu người, “Big Boss” cho làm Trưởng Ban CTCT luôn.

Công việc của Trưởng Ban CTCT khá phức tạp. Ngoài việc viết diễn văn cho Xếp, phải xin phối hợp của mọi Ban để tổ chức Văn Nghệ Nhập Khóa, Mãn Khóa, mỗi tháng 2 lần, tổ chức thi Thể Thao, bóng đá, bóng chuyền, làm Bích Báo, và huấn luyện CTCT. Điều oái ăm và căng thẳng nhất là với cái lon Trung Uùy mới tinh, lại phải điều hành một Ban CTCT có bốn huấn luyện viên cấp bậc Đại Uùy! Không kể một vị Thiếu Tá CTCT, vì tạm thời không có chức vụ, được cấp trên cử xuống, ngồi chung trong cùng một phòng. Trên nguyên tắc, vị Thiếu Tá này không có quyền chỉ huy T., vì anh là Trưởng Ban rồi, không có ai trên đầu nữa, nhưng thực tế, lon của ông cao hơn anh hai lớp, nên anh vẫn phải ráng chiều lòng mà nghe lệnh ông, không muốn cãi lộn lôi thôi. Trong suốt thời gian này, anh muốn điên cái đầu, vì phải phân phối công việc cho bốn ông Đại Uùy lúc nào cũng châm chọc anh đủ điều, và kiếm cớ cho anh hụt chân chơi. Bình thường và muôn năm rồi, Đại Uùy phải chỉ huy Trung Uùy, trường hợp này, “Big Boss” không thích một ông nào trong số bốn vị biệt phái vào ban CTCT. Mặc dù T. đã năn nỉ:

- Thưa Đại Tá, tôi xin đề nghị Đại Úy L. thay tôi, vì hồi xưa, ông ấy chỉ huy tôi, giờ này, tôi lại chỉ huy ông ấy, thấy kỳ quá! Điều động ông ấy làm việc này, việc khác, tôi muốn phát điên! Nói ông ấy không nghe, tôi cũng chịu.

“Big Boss” tỉnh bơ:

- Tay đó không biết làm việc! Giao cho hắn thì chỉ một tháng là tôi với anh ký “củ” liền! Nói không nghe, thì anh cứ báo với tôi, tôi cho hắn 8 ngày trọng cấm là xong!

T. đành nghiến răng chịu bao nhiêu trò chơi oái ăm của mấy “đại ca”, khi thì bỏ không đi dậy, khi thì quên không lắp âm thanh cho buổi Văn Nghệ, lúc lại thiếu điện, thiếu xe, thiếu người, quên ngày thi đấu thể thao... T. cứ lẳng lặng làm tuốt luốt, không dám cự nự một lời, hay báo cáo với xếp. Nghe anh Hạ sĩ quan hớt hải chạy lên phòng:

- Trung úy ơi! Đại úy L. không đến dậy CTCT!

T. vất điện thoại, bổ nhào chạy đến lớp, vừa thở vừa ráng giảng bài cho xong buổi, kẻo Sinh viên báo cáo lên thì cả lũ ngồi tù.

Nhưng mọi khó khăn đó chỉ là “chuyện nhỏ” so với việc tiếp các ca sĩ, các cô Huấn Đạo đến sinh hoạt đêm đêm và các cô nữ sinh đến bán báo Xuân. Các ca sĩ, vũ công “sếch xi” thì rất lì lợm. Trình diễn xong một màn 75%, (100% là không còn chi, 75% thì còn chút xíu!) thì thân thể các cô lấm lem, phải chạy vào phòng Sĩ Quan của Trung Uùy T. mà tắm! Phòng riêng của T. chỉ có một cái góc nhà để tắm, không có cửa, không có vách che. Em đứng mở nước tắm ào ào trong góc đó, T. đứng ở cửa canh chừng không cho tay nào nhào vô, ngó "chùa"! Anh quay lưng lại, nghe tiếng tay của em đập đập, kỳ cọ tấm thân Vệ Nữ của em mà lửa như đốt trong lòng! Lạy trời cho em tắm mau xong... Xong buổi trình diễn, có khi em lại nói:

- Trung Úy ơi! Chở em về nhà được không?

Màn này mới kinh hoảng. Để em ngồi sau xe Vespa, phóng từ Thủ Đức về Saigon, đường ban đêm vắng vẻ, em lại sợ té, cứ ôm cứng lấy T. làm tay anh cũng căng cứng như thép. Răng thì nghiến lại, lưng thì cố uỡn ra đằng trước, tránh được.. bộ phận mềm mại kia chút nào hay chút ấy! Trời ơi là trời! T. chỉ muốn quành tay ra đàng sau...

Còn các em Huấn Đạo thì khác. Các em là những ca sĩ, vũ công hoặc là mê đời lính, hai là không thành công trong văn nghệ, thì chịu làm Huấn Đạo Viên, đi sinh hoạt tiền đồn hay với quân trường. Ở đây, sinh hoạt xong thì khoảng 10 giờ đêm. Không thể để các em về nhà vào giờ khuya ấy, T. phải để các cô ngủ trong phòng mình. Thường thì lúc nào cũng hai cô. T. nhường cái giường độc nhất cho hai cô ngủ, anh nằm dưới đất. Khi các cô tắm, anh phải đứng ngoài cửa, vừa nhịp nhịp chân mà run. Lúc ngủ, anh nằm thẳng cẳng dưới đất, mặc cho hai cô léo nhéo, chọc ghẹo:

- Trung úy ơi! Nằm đất lạnh không? Có muốn ấm áp thì.. lên đây!

T. nạt ngang:

- Thôi, ngủ đi! Đừng lộn xộn. Tui kêu quân cảnh nhốt bây giờ!

Cô D. cười khúc khích:

- Trung Úy muốn nhốt em trong phòng này hoài hở? Em chịu liền..

Rồi lại cười khúc khích, rồi kéo chăn, kéo quần áo xột xoạt, trêu ngươi. T. cố nhắm mắt, làm bộ ngáy khò khò cho mấy cô im đi, chứ thật tâm, là một thanh niên trai tráng, lòng anh cũng rực lên như có quả lựu đạn đang nổ! Anh chỉ muốn nhấc chân lên, ngồi dậy. Hai tay anh phải bám xuống chiếu cho khỏi co lên...
Và những quả lựu đạn ấy lại nổ thật, không phải ở các cô vũ công sếch-xi, không ở các cô Huấn Đạo, mà ở một người con gái, một nữ sinh Lê Văn Duyệt.

“Mỗi năm, hoa đào nở..” anh phải tiếp nhiều phái đoàn nữ sinh các trường trung học đến bán báo Xuân. Phái đoàn nào cũng diễm lệ, yêu kiều. Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Quốc Gia Nghĩa Tử.. Cô nào cũng đẹp và lanh. Có cô nói nhanh đến nỗi miệng không kịp mọc da non. Cô lại hiền như masơ, chỉ tủm tỉm cười. Vai gầy như “cánh vạc bay” cũng có, mà nẩy nở như B.B. cũng không thiếu. Có cô vừa gặp đã rủ đi chơi:

- Anh! Đưa em đi xem phim đi!

Một cô bé QGNT, đi theo hai chị, mới có 14 tuổi rưỡi, đã bạo kinh người. Cặp mắt lá răm nheo nheo: “Anh bán giùm báo cho chị em đi, rồi.. anh muốn gì, em cũng chịu!”

T. bủn rủn cả người, quay đi, thở dài. Cũng cô bé đó, một hôm phóng lên, kiếm cớ thăm anh, rồi ở lại đến chiều, bắt anh đưa về:

- Em sợ đi xe đò lắm! Anh chở em về, kẻo du đãng bắt nạt em!

Không có ai cứu bồ, T. phải miễn cưỡng chở em về. Anh vừa ngồi lên yên xe Vespa, cô bé đã leo lên ngồi cùng yên với anh, hai tay ôm chặt như hai gọng kìm. Anh phải vội dẫy ra, bước xuống, nghiêm nghị:

- Em phải ngồi xuống yên sau. Ngồi như vậy, anh không đưa em ra cổng đâu.

Cô bé ngúng nguẩy, hờn dỗi tuột xuống yên sau, nhưng chỉ vài phút sau khi xe chạy, là lại quặp lấy anh cứng ngắc, cố ấn những gì mềm mại mà em có vào lưng anh. Tóc gáy T. dựng đứng lên, anh ráng giữ cho xe khỏi nghiêng ngả và cố lết về tới nhà em cũng ở đường Lê Văn Duyệt. Căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm, có hai phòng, phòng khách và phòng trong ngăn cách bởi một tấm “riđô” mỏng. Anh ngồi ở chiếc ghế salông đặt ngay cạnh cửa ra vào, hướng vào tấm rèm. Cô bé 14 rưỡi đứng ngay tấm rèm, nhìn anh, từ từ bấm những cái cúc áo “tẹt tẹt” ra, khoe hết một nửa những gì cần khoe, rồi cười nhí nhảnh:

-Ấy, chết! Em quên!

Xong chạy ù té vào trong nhà!

Một lúc sau, em đi ra, mặc một cái áo ngắn, hở cổ, tay cầm một gói hạt dưa, tiến đến chỗ ghế anh ngồi, thay vì ngồi ghế bên cạnh, em lại ngồi xệp xuống đất, ngay cạnh chân anh, để cho anh nhìn thấy hết những gì em muốn anh nhìn. T. hết còn sức để tiếp tục chiến đấu nữa, anh đứng phắt dậy:

- Thôi! Anh về nhe!

Rồi anh bước như chạy ra xe, nổ máy và dọt đi như tên bắn. Mồ hôi anh vã ra, rơi xuống môi, mằn mặn. Cô bé chạy theo ra cửa, ngơ ngác.

Những trò mèo vờn chuột này làm T. chới với. Có lần, một em có thân hình B.B. đến văn phòng anh, chờ được giới thiệu đi bán báo. Trong khi anh đang mải viết, thì em tàn tàn đến đứng sau lưng anh, hai tay vòng ra trước, chống xuống mặt bàn, chỉ một vài xăng ti mét vòng lại là thành ra ôm anh từ phía sau. Bao nhiêu sức nặng của tấm thân B.B. kia đè vào lưng anh. Hơi thở em ở ngay bên tai:

- Anh! Tấm hình kia là của chị, phải không anh?

Anh vội dẫy người ra, nạt nhỏ:

- Em kỳ quá! Ngồi ngay ngắn lại coi!

Nạt em vậy, mà tay chân anh lạnh ngắt! Còn em, tủm tỉm cười, từ từ buông lưng anh ra.

Đến khi em kiếm cớ xe hư, đòi anh chở về, anh đi tìm một thằng bạn thân gần đó, bắt hắn chở em về. Anh không muốn em lại đè ... vào lưng anh. Anh sợ cánh tay anh nổi loạn. Khi bước lên xe Honda của tên bạn, em xụ mặt, nói nhỏ:

- Số em vô duyên với anh quá à!

T. cười hì hì:

- Đành vậy! Hẹn em kiếp sau!

Rồi anh vẫy tay cho tên bạn dọt đi. Thật ra, trong lòng anh cũng chút nào tiêng tiếc. Kiếp này? Kiếp sau? Oâi chao! Mệt quá! Sao bà con ta cứ tấn công anh liên tục, hết chiêu này đến chiêu khác, chống đỡ mấy mặt trận này còn khó hơn đánh nhau với Việt Cộng? Không biết bao giờ thì anh ... thua?

Nhưng có điều là anh không ngờ có một ngày, anh chút nữa thì thua trận, vì một nữ sinh Lê Văn Duyệt.
Trong tất cả các cô táo bạo, “Tình cho không, biếu không” ấy, anh có thể “quên” đi (thật ra, đến giờ này, vẫn nhớ như in từng khuôn mặt), nhưng còn một dáng dấp, anh không thể nói là “quên” được. Một cô nữ sinh Lê Văn Duyệt 17 tuổi, có tất cả những câu trả lời cho một bài hát của Trịnh Công Sơn: “nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng trong mắt trong, tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm cõi lênh đênh.”

Còn tên em? Tên của em là tên một vầng mây xanh, B.V. Giọng nói em dịu dàng, “bàn tay năm ngón, em vẫn kiêu sa” làm T. vừa mới gặp đã chới với. Trong tấm áo dài xanh biếc, em như nữ hoàng Cleopatre, em quyến rũ như B.B., xa cách như C.C., hấp dẫn như M.M., em làm anh choáng ngợp. Tuy ý chí anh vẫn sắt thép từ xưa với tất cả mọi mời mọc con gái, anh cảm thấy như tấm sắt bảo vệ trái tim anh đang từ từ tan chẩy. Anh run run nhận lấy tờ giấy ghi địa chỉ nhà của em, hồi hộp cất vào trong ví, và bàng hoàng nhìn em thướt tha đi qua.

Sau hai lần em lên, và hai lần đưa em đi ăn trong Câu lạc Bộ, anh cảm thấy như một điều gì đang đổi khác trong anh. Anh mất ngủ, anh phờ phạc, anh bị mặc cảm tội lỗi dầy vò, mặc dù anh chưa làm điều gì tội lỗi. Chỉ có đôi mắt em ám ảnh anh không rời. Làm việc thì sai sót, lần đầu tiên, anh bị xếp trách. “Trung úy T. hồi này viết văn lạng quạng quá! Bị cô nào hớp hồn rồi hả?” Anh cười trừ. “Dạ, đâu có gì đâu?”
Thực ra, có chứ! Có hai lần, anh kiếm cớ đi công tác để đến cổng trường Lê Văn Duyệt, chờ em ra. Anh đứng bên kia đường, dáo dác tìm kiếm trong hàng trăm tà áo dài bay lượn, mong thấy cặp mắt em. Và chỉ có một lẫn, một lần duy nhất, anh thấy em đang đi ra, nụ cười Monalisa đang nở. Chân anh như bị đóng đinh trên mặt đất. Anh muốn hụt hơi, không thở được. Tay anh tự nhiên như rời rã, mất sức. T. đứng mãinhìn theo dáng em trên chiếc Honda bay đi, bay đi...

Nhiều ngày qua đi, anh cứ chiến đấu mãi giữa sự mê mải một cặp mắt Venus và bổn phận, anh cảm thấy anh sắp bị thua. Để đến một ngày, anh chịu không nổi sự bàng hoàng, anh phóng xe đến nhà em. Đứng trước khung cửa sắt, anh như một tên tội phạm, cúi đầu, lắng nghe tiếng thở của chính mình. Rồi, bỗng anh giật mình. Có giọng nói thanh thoát của em đâu đây? Trong nhà? Hay trong chính trái tim anh? Đột nhiên, anh hoảng hốt, nhìn lên và thấy em đang đứng trong cửa, nhìn anh cười nụ.

Anh lẩy bẩy đi vào, chào mẹ em, chào cả nhà, chào con chó con, chào bộ sa lông, chào cửa trước, chào phía sau, và chào đôi mắt em. Em mời anh ngồi. Anh lập bập ngồi xuống. Em nói gì mà anh nghe không rõ, vì tai đã ù, mắt đã mờ. Em cười nhẹ, mời anh uống nước. Anh nhấc ly nuớc lên, lãng đãng "đổ" vào miệng, (đổ, không phải uống!) Rồi nói chuyện ba lăng nhăng gì đó, anh quên rồi. Để lúc đứng dậy, anh lảo đảo đi ra, cười gượng, xuống thềm, cầm tay lái xe, đạp máy và chạy rề rề. Tim anh hết máu, xe anh hết xăng. Chạy không được nhanh. Hơn nữa vì hai thằng Lý Trí và Tình Cảm trong anh đánh nhau chí tử. Anh mệt nhoài. Về tới đơn vị, anh như người mất hồn. Tối đó, trong phiên trực khuya, anh hút thuốc, lần đầu trong đời lính, và suy nghĩ. Nghĩ mãi không ra kết số, anh chạy vù đi xuống Câu lạc Bộ, mua vài chai bia uống, để rửa đi những suy tư khốn khổ.

Anh đã uống đi hết kỷ niệm, và nhất định chạy theo lý trí, chạy xa em. Chạy khỏi em mãi.. bao nhiêu năm, vẫn thấy trong thoáng kỷ niệm thanh xuân, hiện diện một đôi mắt thăm thẳm, xanh biếc như mầu áo xanh cô nữ sinh Lê Văn Duyệt mặc hôm nào.

Chu tất Tiến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn